Cánh cửa nhân ái tiếp đón những người tị nạn phải lìa bỏ quê hương đã đóng lại hay chính những người tị nạn đã làm cho những đất nước dang cánh tay đón họ thất vọng.
Người tị nạn tại Úc khóc thương cho Nguyễn Tường Vân, người bị tử hình hồi năm 2005. (Hình: BBC)
Báo The Courier-Mail của nước Úc hôm 28 Tháng Bảy ghi nhận chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2013, đã có 759 người Việt dùng thuyền tỵ nạn đến Úc, trong khi Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày nay tự hào cơm no áo ấm, xã hội tiên tiến, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Sau khi cộng sản chiếm miền Nam, chúng ta là những người vượt biển tìm tự do, hẳn đã biết thế nào là nỗi thống khổ, bỏ quê hương, làng mạc để ra đi, chịu đói khát, bị hải tặc cướp bóc, hiếp dâm hay chặt đầu, xô xuống biển, nên hết sức thông cảm với hoàn cảnh những người đã vượt biển này.
Tỵ nạn, dù là chính trị hay kinh tế cũng là điều đáng thương. Những quốc gia độc tài, hà khắc buộc những người dân phải ra đi tị nạn, hay những chính phủ không lo đủ cơm áo cho nhân dân, để dân phải bỏ nước đi tìm miếng cơm ở xứ người cũng phải được lên án như nhau. Dân Mexico từ năm 1985 vượt biên sang Mỹ mỗi năm chết vì hơi nóng sa mạc, mất nước khoảng 200 người, nhưng từ năm 1995 trở về sau, số người chết này tăng gấp đôi, như vậy cộng với những người đi thoát đến Mỹ, đây là một quốc gia có người bỏ nước vì lý do kinh tế cao nhất.
Hiện nay, những người tị nạn Việt nam đến Úc không có cơ may được nước Úc cứu xét cho định cư tại nước này, và nếu có đủ tiêu chuẩn của một người tị nạn họ sẽ được đưa sang Papua New Guinea. Tệ hại hơn nữa là chính quyền Úc đã thỏa thuận cho phép công an từ Việt Nam, nơi mà người tị nạn đã bỏ ra đi, vào tận các trại giam người tị nạn để “làm việc,” có nghĩa là sẽ truy cập tên tuổi và chi tiết của thân nhân họ hiện ở Việt Nam. Hành động này của chính quyền Úc, theo quy ước của người tị nạn là sai trái.
Thật sự, nếu công an thẩm vấn người tị nạn để tìm ra những đường dây buôn người thì được nhưng không thể dùng căn cước của những người tị nạn để trả thù thân nhân họ như thói quen và đường lối trả thù của các nước cộng sản. Nhưng câu hỏi được giới truyền thông Úc đặt ra là những người này muốn gì khi đặt chân đến Úc? Ða số không phải là người tị nạn thực sự. Nhiều người khai là vô gia đình, nhưng hồ sơ cho thấy một số trước đây đã du lịch đến Úc. Có người, sau khi du lịch đến Úc, họ hủy visa và xin ở lại đoàn tụ với gia đình vì bị đàn áp.
Thuyền chở người tị nạn bị vây bắt ở Úc. (Hình: BBC)
Courier Mail hôm 28 Tháng Bảy nói làn sóng thuyền nhân Việt Nam gia tăng, với 759 người đến Úc năm nay, nguyên nhân có tổ chức đưa người Việt lên thuyền sang Úc làm gái bán dâm hoặc buôn ma túy. Ở Darwin, chính quyền cũng đã phát hiện một ổ mại dâm của người Việt ngay bên trong trung tâm giam giữ người xin tị nạn!
Nhiều người gốc Việt đến Úc trước đây, giờ đã ổn định cuộc sống, thì lại làm những việc mang lại hình ảnh xấu cho cộng đồng mình: Họ đem bạch phiến trở lại Úc. Nhật báo The Age ngày 27 Tháng Bảy, 2009 cho biết cảnh sát Úc đã xác định được hơn 100 người Việt ở Melbourne chuyên tải bạch phiến từ Việt Nam vào Úc cho 7 tổ chức tội phạm lớn ở thành phố này. Cảnh sát cho biết những người mang bạch phiến xuống phi trường Melbourne hàng tuần và đã đi nhiều chuyến như thế. Trong Tháng Hai năm 2009, chỉ trên một chuyến bay mà cảnh sát đã bắt được bốn người mang bạch phiến vào Úc.
Theo ước lượng của cảnh sát, mỗi tổ chức buôn lậu này kiếm được khoảng $2 triệu Úc Kim mỗi tháng. Một phụ nữ “tải” bạch phiến từ Việt Nam đến Úc, được cảnh sát theo dõi cho biết chỉ trong vòng 6 tháng trong năm 2008, bà này đã “đốt” khoảng $3,7 triệu tại sòng bạc Casino Crown, và đặt $50,000 cho mỗi ván bài...
Theo tin Việt Nam, đã có 25 người Úc gốc Việt bị tống giam ở Việt Nam vì buôn lậu bạch phiến. Sáu người trong số này đang chờ ngày xét xử trong khi 19 người đã bị kết tội và bị lãnh án khác nhau, kể cả tử hình, 20 năm tù hoặc chung thân, sáu người trong số này là cư dân Việt hiện ở tại Victoria. Từ năm 2003 đến nay, ở Việt Nam đã có bảy người Úc gốc Việt bị tuyên án tử hình nhưng đã được giảm xuống án chung thân vì có sự can thiệp của chính phủ Úc!
Phải chăng vì luật pháp nước Úc quá dễ dãi và vì nước Úc đã bỏ án tử hình từ 1973?
Chúng ta chưa quên bản án tử hình Singapore đã dành cho một người gốc Việt tại Úc là Nguyễn Tường Vân vào năm 2004. Về danh nghĩa, có thể gọi Vân là người tị nạn: Nguyễn Tường Vân và người em song sinh là Nguyễn Ðăng Khoa, chào đời tại trại tị nạn Songkhla ở Nam Thái Lan ngày 17 Tháng Tám, 1980, sau khi gia đình đã bỏ nước ra đi, và sau đó, đã được nước Úc giang vòng tay đón nhận cho vào định cư.
Tháng Mười M?t, 2002, trên đường từ Saigon qua Singapore về Úc, Nguyễn Tường Vân bị cảnh sát tại phi trường Changi bắt vì đã mang theo trong mình 396,2 gram bạch phiến, nhiều gấp 25 lần số lượng phải chịu án tử hình theo luật lệ của Singapore. Vân khai với cảnh sát là cần kiếm tiền để trả nợ và lo án phí cho em là Nguyễn Ðăng Khoa bị ra tòa vì tội sử dụng ma túy và ẩu đả.
Vào ngày 20 Tháng Ba năm 2004, phiên tòa thượng thẩm kết án tử hình Nguyễn Tường Vân và bản án đã được thi hành vào ngày 2 Tháng Mười Hai, 2005, sau khi mọi can thiệp từ Thủ Tướng Úc John Howard, các cựu Thủ Tướng Gough Whitlam, Bob Hawke, cựu Tổng Toàn Quyền Sir Dean William, các Bộ Trưởng Ngoại Giao, Tư Pháp, dân biểu nghị sĩ Úc và cả Giáo hội Công Giáo... đến Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long đều vô hiệu.
Số người tị nạn gốc Việt tại Úc làm những việc như Nguyễn Tường Vân không phải là ít. Hai người khác cũng đã bị án tử hình trong số hàng trăm, bạo nhất là Nguyễn Văn Chinh với 1kg và Mai Công Thanh tới 1.7 kg bạch phiến, số lượng gấp bốn lần của Nguyễn Tường Vân, cung cấp đủ 10,000 liều cho con nghiện.
Cánh cửa nhân ái tiếp đón những người tị nạn phải lìa bỏ quê hương đã đóng lại hay chính những người tị nạn đã làm cho những đất nước dang cánh tay đón họ thất vọng. Trên con thuyền mỏng manh giữa biển cả mịt mùng, chúng ta cầu nguyện gì, ước ao gì, hứa hẹn gì, tất cả là chỉ mong được đặt chân đến đất liền. Mới ngày nào đến trại tị nạn chúng ta luôn luôn kêu gào chứng tỏ mình là kẻ bị áp bức, kỳ thị, đày ải, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, đủ cơm ăn, dư áo mặc, da trắng tóc dài... thì lại nghe chuyện trở về nơi mà mình đã nêu đủ lý do để ra đi, với những lý do xây mộ, thăm người nhà, dự tiệc cưới, về quê ăn Tết, du lịch hay hưởng thụ rong chơi.
Ngày nào người tị nạn kêu khổ, rầm rộ đổ vào nước Úc, nhận lãnh bao nhiêu thứ trợ cấp, ưu đãi, nhưng bây giờ vào ngày giáp Tết Âm Lịch Việt Nam, khu phố Caramatta ở Sydney, các cửa hiệu, hàng quán vắng vẻ vì thiên hạ bận về quê ăn Tết. Ở các nước sau ngày Sài Gòn thất thủ đã nhận cho vào bao nhiêu người tị nạn, nay có bao nhiêu người mỗi năm về Việt Nam, nơi mà chúng ta đã dùng nó như một lý do để xin tị nạn.
Dưới hình thức này hay hình thức khác, người gốc Việt ở các quốc gia khác cũng có những hành động tương tự. Người trồng cần sa ở Anh và tổ chức buôn người vào cho dịch vụ này chính là những người tị nạn. Năm 1984, 9 năm sau khi bỏ nước ra đi, một số bác sĩ người Việt tị nạn vào Mỹ, được ưu tiên nâng đỡ cho học ngắn ngày để có thể trở lại nghề cũ, đã trả ơn bằng cách đục khoét, gian lận quỹ y tế để thủ lợi riêng. Những thanh niên người Việt được nước Mỹ cho học hành, dùng kiến thức ăn cắp ID của người khác làm thẻ tín dụng để tiêu xài.
Ngày 2 Tháng Mười Hai, 2005, vào giờ Nguyễn Tường Vân lên giá treo cổ ở Singapore, thánh đường Saint Ignatius Richmond ở Melbourne, nước Úc đã đổ 25 hồi chuông thương tiếc, tượng trưng cho 25 năm của cuộc đời người tử tội này.
Ðến bao giờ, những người Việt tị nạn chúng ta, từ đáy lòng mình, rung lên những hồi chuông cầu nguyện cho chính những quốc gia đã cưu mang chúng ta?