“Con Ðường Cái Quan” đưa ra một lữ khách đi trên con đường Xuyên Việt theo hai trục không gian và thời gian, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ ngày lập quốc cho tới khi hoàn thành xứ sở. Ði tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước.
Tác phẩm lớn nhất của nhạc sĩ Phạm Duy là hai bản trường ca “Con Ðường Cái Quan” và “Mẹ Việt Nam.”
Nếu “Con Ðường Cái Quan” viết về chiều dài của dân tộc, thì “Mẹ Việt Nam” đi vào chiều sâu của đất nước, Phạm Duy có nói như vậy. Khi sáng tác, ông thường viết về ba khía cạnh của một đề tài. Như bộ ba “Bà Mẹ Quê,” “Vợ Chồng Quê” và “Em Bé Quê,” hay bộ ba trong bài “Người Về” gồm có lời người mẹ, người vợ, và đứa con. Hoặc bộ ba trong “Nhớ Người Ra Ði” cũng là lời mẹ, lời vợ và lời con... Sinh thời, ông dự tính sẽ soạn một bản trường ca thứ ba với nhan đề “Trường ca Trường Sơn” với ước muốn xưng tụng người cha Việt Nam, và biểu hiện chiều cao của đất nước. Phải chăng vì hoàn cảnh bi thương của xứ sở năm 1975 mà bản trường ca thứ ba lại là “Bầy Chim Bỏ Xứ”?
Về nhạc thuật, trường ca “Con Ðường Cái Quan” có tính chất tả thực, gồm nhiều dấu Thăng trên cung La Trưởng. Còn “Mẹ Việt Nam” lại đậm chất biểu trưng, với nhiều dấu Giáng trên cung Mi Giáng Trưởng.
Người viết đặc biệt yêu thích “Con Ðường Cái Quan,” vì về mặt nghệ thuật lẫn tình cảm.
Phạm Duy vẫn chủ trương những cuộc lên đường trong âm nhạc, mà còn cuộc lên đường nào thú vị hơn là con đường đi vào quê hương? Ông nuôi ý tưởng về trường ca này từ khi du học bên Pháp năm 1954. Khi trở về thì tác phẩm bị dở dang trong giai đoạn 1956-1958. Ông viết lại từ 1959, và hoàn thành vào mùa Xuân năm 1960.
Trường ca gồm 19 đoản khúc, đa số soạn trên âm giai ngũ cung, có thêm nhạc thuật chuyển hệ khiến giai điệu thêm phong phú. Ông cũng pha trộn một số bài với âm giai thất cung Tây Phương, nhất là phần diễn tả miền Nam, vùng đất có đặc tính quốc tế.
“Con Ðường Cái Quan” đưa ra một lữ khách đi trên con đường Xuyên Việt theo hai trục không gian và thời gian, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ ngày lập quốc cho tới khi hoàn thành xứ sở. Ði tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước.
Trường ca này có ba phần như ba miền đất nước:
Phần Một mang nét hào hùng của quê cha đất tổ là Miền Bắc, với giai điệu dân ca miền Bắc. Phần này gồm sáu đoản khúc là “Anh Ði Trên Ðường cái Quan,” “Tôi Ði Từ Ải Nam Quan,” “Ðồng Ðăng Có Phố Kỳ Lừa,” “Người Về Miền Xuôi,” “Này Người Ơi” và “Tôi Ði Từ Lúc Trăng Tơ.” Ông dùng dân ca địa phương, từ điệu quan họ cho đến lời ru con mà riêng đoạn “Người Về Miền Xuôi” lại có âm hưởng dân nhạc thượng du, rất thích hợp với lời từ tả cảnh nhà sàn và hương rừng gạo núi.
Phần Hai diễn tả miền Trung với tình thương yêu chan chứa niềm xót xa. Phần này gồm có sáu đoản khúc là “Anh Ði Trong Gió Trong Sương,” “Ai Vô Xứ Huế Thì Vô,” “Ai Ði Trên Dặm Ðường Trường,” “Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði,” “Gió Ðưa Cành Trúc La Ðà” và “Tôi Xa Quê Nghèo Ruộng Nghèo.” Phạm Duy dùng điệu hò mái đẩy của Huế, điệu ru con và cả Nam Ai, Nam Bằng là cổ nhạc có sắc thái Chàm trong đoạn “Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði”...
Phần Ba là khi vào tới miền Nam với nỗi vui mừng của con người cả thắng thiên nhiên để hoàn thành nước Việt. Phần này cũng gồm sáu đoản khúc là “Anh Ði Ðường Vắng Ðường Xa,” “Nhờ Gió đưa Về,” “Ði Ðâu Cho Thiếp Theo Cùng,” “Ðèn Cao Châu Ðốc Gió Ðộc Gò Công,” “Cửu Long Giang và Về Miền Nam,” “Giã Ơn Cái Cối Cái Chầy.” Ðoản khúc thứ bảy là chung khúc “Ðường Ði Ðã Tới.” Soạn phần ba, Phạm Duy cũng dùng điệu hò miền Nam để mở đầu câu chào hỏi lữ khách của cô gái quê. Lời ca của “Nhờ Gió Ðưa Về” là nét tuyệt vời vì tả cảnh trù phú của miền đất mới, có những buồng chuối, vũ sữa, sầu riêng, cho tới hàm răng xít xa, khóe mắt thiệt thà của cô gái miền Nam.
Ba đoạn “Nhờ Gió Ðưa Về,” “Cửu Long Giang” và “Về Miền Nam,” cùng chung khúc “Ðường Ði Ðã Tới” đều được viết trên âm giai thất cung. Phạm Duy dùng nét rất sáng để diễn tả sự sung túc của đất nước và niềm hân hoan của lòng người...
Phạm Duy có tiết lộ sự thú vị khi soạn phần còn lại của trường ca bị bỏ dở. Ðó là ông khi đi trên con đường cái quan cùng Võ Ðức Diên, Tạ Tỵ và Văn Thanh vào mùa Hè 1959 tươi đẹp. Khi ông hoàn tất vào mùa Xuân 1960 thì người viết còn là thiếu nhi, nhưng được cho hát với người lớn.
Năm ấy trường ca “Con Ðường Cái Quan” được giao cho một nhạc trưởng người Ðức là Otto Solnerr, đang giảng dạy và thành lập dàn giao hưởng của trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Vị nhạc trưởng soạn hòa âm rất công phu cho cả dàn nhạc trên 30 nhạc sĩ gồm đầy đủ dàn giây, dàn gõ, dàn đồng, dàn trống. Cho phần hợp ca, ông kêu gọi đài phát thanh giúp ông mời được một ban hợp xướng.
Chương trình là sẽ hát ở rạp Thống Nhất một đêm ra mắt, sau đó sẽ đi Ðà Lạt hát liền một tuần lễ. Lúc ấy nhạc sĩ Vũ Thành trưởng phòng văn nghệ đã gọi được hầu hết các ca sĩ đương thời có khả năng hát hợp ca.
Bản trường ca soạn trên cung La Trưởng có nhiều nốt cao với những nốt Fa trên dòng kẻ thứ 5. Giọng nữ có nào Mộc Lan, Kim Tước, Thái Hằng (mà không có cô Thái Thanh, chắc đang mang bầu), Châu Hà, Tuyết Hằng, Tuyết Anh, Tuyết Mai, Mỹ Thể, Mai Hương. Dĩ nhiên là có thân mẫu Minh Trang của người viết. Nhạc sĩ Phạm Duy hỏi bà mẹ về đứa con:
“Con bé nó hát được rồi, nhưng nó có bao giờ mặc áo dài chưa?” Thế là lập tức được đưa đi ra hiệu may áo dài, hai cái áo trắng tinh thật là đẹp!
Từ bé mới lần đầu được mặc áo dài, được đi xe lửa toa “couchette” mới là oai, được trú ngụ và ăn cơm Tây tại khách sạn Palace trông xuống hồ. Và nhất là được đứng hàng đầu cạnh Mẹ hát hợp xướng với dàn giao hưởng. Vừa hát vừa nhớ những cảnh đẹp của đất nước khi xe lửa đi qua Tháp Chàm, nhớ đến công chúa Huyền Trân, nhớ đèo Ngoạn Mục chập chùng mây...
Mỗi khi được hỏi kỷ niệm nào đẹp nhất trong đời ca hát, cả người viết và chị Mai Hương đều nhắc đến chuyến đi hát “Con Ðường Cái Quan” năm xưa...