Dù sao, vẫn cứ mừng vui trước những bước đi chậm chạp, những thắng lợi nhỏ nhoi ban đầu.
Kết quả phiên phúc thẩm xét xử hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha tại Tòa án Long An ngày 16 Tháng Tám, 2013: Ðinh Nguyên Kha từ 8 giảm xuống 4 năm tù giam, Nguyễn Phương Uyên 3 năm tù treo, được thả tự do ngay tại tòa.
Nguyên Kha còn phải chịu 3 năm quản chế sau khi ra tù và Nguyễn Phương Uyên chịu 52 tháng thử thách.
Nụ cười của nữ sinh Nguyễn Phương Uyên khi vừa bước ra khỏi nhà tù ở Long An. (Hình: Facebook)
Một kết quả hết sức bất ngờ, nhất là khi kết thúc phiên xét xử buổi sáng, Viện Kiểm Sát còn đề nghị giữ nguyên án của Phương Uyên (6 năm tù giam) và chỉ giảm án cho Nguyên Kha xuống còn 5-6 năm. Bên cạnh đó là “không khí khủng bố bao trùm tòa án” như nhận xét của người thân, bạn bè, các nhân sĩ trí thức, blogger có mặt trước tòa để ủng hộ cho Uyên, Kha, khiến không ai dám hy vọng nhiều.
Ðây có thể xem là một thắng lợi chung của mọi người. Cộng hưởng từ nỗ lực đánh thức dư luận của gia đình các em, sự đồng hành ủng hộ của bạn bè, trí thức nhân sĩ trong nước cho tới đồng bào hải ngoại, sự lên tiếng của quốc tế... Và từ lòng yêu nước trong sáng, tinh thần bất khuất của Uyên, Kha trong những ngày bị cầm tù và trước hai phiên tòa.
Từ xưa đến nay, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn luôn chứng tỏ một thái độ sắt đá, nhẫn tâm, bảo thủ, khăng khăng không chịu nhân nhượng trước bất kỳ sức ép nào từ trong nước đến quốc tế. Mọi điều họ làm chỉ nhằm để phục vụ cho một ý đồ, chiến lược trong một giai đoạn nào đó.
Ví dụ như trước đây, khi muốn vào WTO hay cần được rút tên khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern-CPC) về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thì nới lỏng đôi chút. Rồi sau khi đạt được mục đích thì lập tức siết chặt mọi thứ, đàn áp, khủng bố còn hơn trước.
Ðiều này người dân và thế giới cũng đã nhận ra.
Kết quả phiên tòa hôm nay tin rằng cũng không nằm ngoài “bước lùi chiến thuật” của nhà cầm quyền. Bởi hiện tại họ có nhiều mục đích cần phải đạt được: một cái ghế trong Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, gia nhập Hiệp định Ðối tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận vũ khí và bán vũ khí sát thương...
Chính vì vậy, dù vui mừng, có lẽ chúng ta cũng không nên sớm vội cho rằng nhà cầm quyền đã bắt đầu thay đổi.
Ngược lại, kết quả phiên tòa càng chứng minh từ việc bắt giữ người, kết án trong phiên sơ thẩm cho đến phúc thẩm đều hết sức tùy tiện, cẩu thả, hoàn toàn không theo pháp luật. Muốn bắt là bắt, muốn kết tội gì, bao nhiêu năm tùy ý, không đếm xỉa đến thực tế, lời bào chữa của luật sư, phần trình bày của người bị xét xử và nhất là phần chứng cứ buộc tội hết sức sơ sài, vô lý.
Ðến khi cần phải giảm án, phải thả thì cũng tùy tiện, cẩu thả như thế, không dựa trên bất cứ lý lẽ nào. Phiên tòa xử chỉ trong vài tiếng đồng hồ, thời gian nghị án chưa đủ để đọc xong bản cáo trạng!
Hãy nhìn sang Myanmar và so sánh, nhà cầm quyền Việt Nam nếu thực lòng, ít nhất hãy thả toàn bộ tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị như Tổng Thống Thein Sein đã và đang làm.
Cũng trong những ngày này, thêm một điều đáng chú ý là lời kêu gọi thành lập chính đảng Dân Chủ Xã Hội Ðể công khai đấu tranh với đảng cộng sản cầm quyền, từ những đảng viên cộng sản “gạo cội” như ông Lê Hiếu Ðằng, ông Hồ Ngọc Nhuận.
Trước đó, qua bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” và những bài trả lời phỏng vấn trang Bauxite Vietnam hay đài RFI, ông Lê Hiếu Ðằng - nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tại TP. HCM - đã công khai nói lên những suy nghĩ của mình. Về việc đảng cộng sản đã phản bội lý tưởng cách mạng, phản bội nhân dân, phản bội những người góp phần xây dựng nên chế độ, trong đó có ông, cũng như việc cần thiết phải dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng để cứu đất nước thoát khỏi tình thế nguy cấp hiện tại.
Phải mất 38 năm để những người như ông Lê Hiếu Ðằng trung thực “tính sổ lại đời mình” theo lời ông và có được những tuyên bố rõ ràng như trên. Tuy chậm nhưng còn hơn những người đang ở trong guồng máy đảng, nhà nước, thậm chí đã về hưu, hạ cánh an toàn nhưng vẫn chưa dám lên tiếng dù cũng nhận ra thực trạng đất nước.
Trước ông Lê Hiếu Ðằng, rất nhiều người sớm nhìn ra bản chất cuộc cách mạng do đảng cộng sản khởi xướng cũng như bản chất chế độ, đã lên tiếng và phải trả giá. Như ông Hoàng Minh Chính, Tướng Trần Ðộ, những người trong vụ án xét lại thập niên 60 thế kỷ XX... cho tới lớp lớp văn nghệ sĩ, trí thức như nhà báo Bùi Tín, nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà văn Dương Thu Hương, Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu và các nhân sĩ Ðà Lạt, rất nhiều người trong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam VN trong đó có anh em ông Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn. (“Phỏng vấn Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn-Làm cách mạng không phải để dựng nên một nhà nước độc tài,” blog Pro&contra.)
Về phía những người yêu nước, chấp nhận dấn thân vào con đường đấu tranh đòi tự do dân chủ cho đất nước, cũng phải mất bao nhiêu trăn trở để vượt qua chính mình, để có dáng đứng thẳng hiên ngang, cương quyết không nhận tội trước tòa và những lời nói quyết liệt như hai bạn trẻ Uyên, Kha.
Và cũng phải trải qua nhiều phiên tòa phi lý, chà đạp lên luật pháp để hôm nay, mới có hàng chục người dám vượt qua nỗi sợ hãi, đến đồng hành với các em bên ngoài tòa án.
Cuối cùng, về phía nhà cầm quyền, sau bao nhiêu người phải vào tù, chịu những bản án khắc nghiệt, phi nhân 5, 10, 12, 16 năm... theo những điều luật 79, 88 của Bộ Luật Hình Sự Nhà nước CHXHCN Việt Nam, để bây giờ mới có một kết quả nhân nhượng rõ ràng.
Tiến trình đi đến tự do, dân chủ, tự giải thoát khỏi một chế độ độc tài thuộc loại hà khắc nhất thế giới như vậy là chậm.
Quá chậm.
Ðặc biệt đối với một dân tộc đã từng trải qua quá nhiều thương đau, bất hạnh suốt hàng ngàn năm lịch sử nói chung và trong hai thế kỷ XX, XXI, kể từ khi đảng cộng sản hình thành, cướp chính quyền và dẫn dắt cả dân tộc đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.
Một dân tộc đã phải trả quá quá đắt. Hai cuộc chiến tranh với Pháp, Mỹ, trong đó cuộc chiến thứ hai thực chất là nồi da xáo thịt, anh em một nhà đánh nhau, với hàng triệu người ngã xuống ở cả hai phía, chưa kịp yên thì lại đến chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc... Và cho đến tận bây giờ vẫn trong tâm thế phòng bị chiến tranh.
Liên tục những chính sách sai lầm về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, đối nội, đối ngoại... kéo đất nước thụt lùi hàng chục, hàng trăm năm so với các nước láng giềng chỉ sau vài thập niên, với sự khủng hoảng toàn diện, sự tha hóa khủng khiếp về con người, đạo đức xã hội. Một dân tộc thường xuyên nhỡ tàu trước bao cơ hội thay đổi và hòa nhập với thế giới văn minh, tiến bộ, dân chủ.
So với cái quyết tâm, ý chí của người Nhật trước đây chẳng hạn, đã vượt ra khỏi sự trì trệ của xã hội thời phong kiến hay đã đứng dậy như con chim phượng hoàng hồi sinh sau đại bại trong Thế Chiến Thứ Hai, người Việt lẽ ra phải chuyển mình nhanh hơn, mạnh mẽ, quyết liệt hơn gấp nhiều lần, để lấy lại thời gian đã mất.
Ðể ăn năn sám hối cho những sai lầm, tội lỗi chung của cả dân tộc không chừa một ai dù cố ý hay vô tình, vô tâm đã tạo nên con đường đi hiện tại của đất nước. Ðể bù đắp lại những nỗi đau trong quá khứ, hiện tại và vì tương lai con cháu chúng ta sau này.
Ước mơ là vậy nhưng cái sức của dân tộc sau bao nhiêu năm bị kềm hãm trong một chế độ ngu dân nên muốn thoát ra, vượt khỏi chính mình cũng khó. Dân tộc ấy lại còn bị chia rẽ, nghi kỵ lẫn nhau cộng với những ân oán quá dày.
Dù sao, vẫn cứ mừng vui trước những bước đi chậm chạp, những thắng lợi nhỏ nhoi ban đầu.
Lịch sử chẳng đã từng chứng minh, có khi bước đi ban đầu hết sức chậm chạp, khó khăn nhưng cú rẽ ngoặt thay đổi lại đến một cách hết sức nhanh chóng, bất ngờ đó sao.