Từ đầu Tháng Sáu đến giờ, quan hệ giữa Ecuador và Hoa Kỳ gặp nhiều sóng gió, nguyên do cũng chỉ vì lời tuyên bố “sẵn sàng cho Snowden tỵ nạn chính trị” mà Tổng Thống Rafael Correa dõng dạc nói trên đài truyền hình quốc gia.
“Cái nhà anh Edward Snowden này làm phiền nhiều người quá,” bà Marry Woods, chủ một trong vựa hoa lớn nhất vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ vừa cười vừa nói qua điện thoại. “Mới trưa này nhà tôi bảo có thể Tổng Thống Barack Obama sẽ không đi Nga dự thượng đỉnh vào tháng tới, tôi là dân buôn bán, không chú tâm nhiều đến chính trị, chỉ biết là kể từ hôm nay giá hoa hồng sẽ tăng vì chuyện có liên quan đến Snowden.”
Luật Sư Anatol Kucherena đưa visa của Edward Snowden cho báo giới xem, sau khi cựu nhân viên NSA được Nga cho tị nạn tạm thời. (Hình: AP)
Không biết chuyện chính trị và quan hệ song phương Nga-Mỹ sẽ được các cố vấn của ông Obama giải quyết như thế nào, chỉ biết các bà nội trợ và những người yêu nhau ở Hoa Kỳ bắt đầu gặp khó khăn cũng vì... Edward Snowden. Lý do: đúng 12 giờ đêm mùng 1 Tháng Tám, chính phủ Ecuador không được hưởng quyền lợi đặc biệt khi đưa hàng sang Mỹ nữa, do đó, tất cả những gói bông cải (broccoli) và những đóa hoa hồng vẫn được đưa từ Ecuador sang Mỹ sẽ bị đánh thuế. Mức thuế đánh trên các mặt hàng rau trái là 14.9%, thuế đánh trên các loại hoa sẽ là 6.8%. Thuế tăng có nghĩa là giá hàng tăng, giá hàng tăng có nghĩa là các bà nội trợ sẽ nhăn mặt khi đứng ở quầy trả tiền, và quý bà quý cô cũng không vui khi thấy người yêu giảm bớt lượng hoa hồng thường mua tặng, chỉ vì hoa cũng lên giá.
Từ đầu Tháng Sáu đến giờ, quan hệ giữa Ecuador và Hoa Kỳ gặp nhiều sóng gió, nguyên do cũng chỉ vì lời tuyên bố “sẵn sàng cho Snowden tỵ nạn chính trị” mà Tổng Thống Rafael Correa dõng dạc nói trên đài truyền hình quốc gia. Không chỉ gật đầu mở cửa đón kẻ đang bị chính phủ Mỹ truy nã về những tội danh như phản quốc, tiết lộ bí mật quốc gia, làm lợi cho địch quân,... ông tổng thống nổi tiếng “chống Mỹ” này còn bảo “không nhượng bộ áp lực đến bất cứ từ đâu” nhất định “không để quyền lợi thương mại ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia.” Ðể chứng tỏ điều này, ông nhắc đi nhắc lại chuyện cho Snowden tỵ nạn, sẵn sàng đương đầu với những phản ứng đầy bất lợi đến từ Mỹ.
Phản ứng đầu tiên đến từ Thượng Nghị Sĩ Robert Menendez, chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện. Ðầu Tháng Sáu khi Edward Snowden vừa từ Hồng Kông đến Moscow (trên đường Ecuador), ông Menendez nói ngay “sẽ mở cuộc vận động hủy bỏ tất cả mọi quyền lợi thuế quan mà Hoa Kỳ đang dành cho Ecuador nếu chính phủ nước này cho Snowden tỵ nạn,” thông cáo của văn phòng ông phổ biến còn có đoạn viết “nước Mỹ chúng ta không bao giờ tưởng thưởng cho những quốc gia có hành vi xấu (bad behavior).” Thông cáo này vừa phổ biến chiều hôm trước thì ngay sáng hôm sau, Bô Ngoại Giao Ecuador cũng đưa ra tuyên bố cho rằng “Hoa Kỳ đang làm áp lực và đe dọa” họ.
Áp lực? Ðe dọa? Câu trả lời: Không đúng! Ngày mùng 1 Tháng Tám là thời điểm các quy định về thuế quan đặc biệt hết hạn, Quốc Hội Hoa Kỳ phải thông qua quyền lợi được giảm thuế cho 127 nước. Trong danh sách hành pháp đệ nạp năm nay không có tên Ecuador. Lý do: ngay sau khi được tin quốc gia này sẽ cho Snowden tỵ nạn, các viên chức thương mại Mỹ rút tên Ecuador ra khỏi danh sách đệ trình cho Quốc Hội phê chuẩn. Theo lời bà phát ngôn viên Carol Guthrie của Văn Phòng Ðặc Trách Mậu Dịch Mỹ (USTR), “chúng tôi vẫn đang cứu xét trường hợp Ecuador” sớm nhất “cũng phải đợi đến cuối năm nay” mới có quyết định cuối cùng. Ðiều đó có nghĩa là ít nhất từ bây giờ đến cuối năm, hàng đưa từ Ecuador sang Hoa Kỳ sẽ bị đóng thuế.
Câu trả lời của bà Guthrie là câu trả lời chính thức của chính phủ, nhưng không được giới hoạt động trong ngành xuất nhập cảng Mỹ chấp nhận. Ông Ray Davies, một thành viên của Hiệp Hội Xuất Nhập Cảng Rau Cải Hoa Kỳ nói rằng “điều hiển nhiên mọi người ai cũng thấy là mọi quyết định của Tòa Bạch Ốc trong chuyện này có liên quan đến Snowden.” Ông cho hay mỗi năm số lượng rau cải nhập cảng từ Ecuador vào Mỹ “chiếm tới 12% tổng số bông cải (broccoli) và bông ác-ti-sô dân chúng dùng,” điều đó có nghĩa là các công ty nhập khẩu hàng sẽ phải trả số tiền cao hơn để rồi “người mua sẽ bị thiệt thòi nặng nhất.”
Lượng rau cải nhập cảng từ Ecuador tưởng đã là nhiều, nhưng không thấm tháp gì so với lượng hoa hồng người Mỹ mua từ xứ này về để tặng nhau: chiếm tới 30% tổng số hoa hồng được dùng mỗi năm. Thử tưởng tượng cứ 10 đóa hoa được bán ra có 3 đóa mang nhãn hiệu “Produce of Ecuador” là biết ngay lượng hoa xứ này trồng và đưa vào Mỹ nhiều đến mức nào. Bà Christine Boldt, giám đốc điều hành Hiệp Hội Nhập Cảng Hoa của tiểu bang Florida cho hay loại hoa hồng “đại tiếu” mà dân Mỹ rất chuộng “là loại được trồng riêng ở Ecuador” do đó “không một nước nào có thể thế chỗ được.” Bà Boldt cũng cho rằng “rau cải dù có đắt thêm chút đỉnh cũng có người mua để ăn,” còn hoa hồng “vẫn được xem là hàng xa xỉ” do đó “chỉ cần giá cả tăng chút đỉnh là những nhà bán hoa gặp khó khăn ngay,” nhất là trong giai đoạn kinh tế vẫn chưa thật sự sáng sủa như bây giờ.
Làm sao để giải quyết chuyện này?
“Tôi nghĩ ông Tổng Thống Correa quá dại khi mở miệng công khai bảo sẵn sàng đón Edward Snowden,” là nhận xét của chuyên gia Wilber Segar, từng làm việc ở nhiều tòa Ðại Sứ Mỹ tại các quốc gia trong khu vực Châu Mỹ La Tinh. “Những điều ông ta nói chẳng có lợi gì cho quốc gia mà chỉ giúp thỏa mãn tự ái cá nhân của chính ông ta mà thôi.” Ông Segar nói tiếp, “Bây giờ Snowden đã được Nga cho tạm trú, ông Correa cũng phải biết khéo léo hơn, đừng gây thêm ồn ào nữa,” để may ra cuối năm nay được Hoa Kỳ cho hưởng lại quyền lợi thuế quan khi đưa hàng sang Mỹ.
Trong thời gian chờ đợi, chỉ có các bà nội trợ Hoa Kỳ phải nhăn mặt khi thấy giá rau cải tăng, và sẽ có rất bà, nhiều cô buồn vì không được thường xuyên tặng hoa hồng như trước nữa. Ðiều này, phần nào, có thể đổ lỗi cho Edward Snowden!!!