Chỉ nhìn thấy bộ mặt nhăn nhó của ông phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã đủ thấy chuyện mỗi ngày một trở nên khó xử.
“Chúng tôi vẫn làm việc rất chặt chẽ với chính phủ Liên Bang Nga,” ông Jay Carney nói trong cuộc họp báo thường lệ. “Chính phủ Nga hiểu rõ ông Snowden đang bị truy nã, chúng tôi đã trình bày điều này với Moscow, hy vọng Nga tôn trọng những điều căn bản về luật pháp.”
Hình chụp qua màn ảnh truyền hình cho thấy Ngoại Trưởng Sergei Lavrov trả lời trong một cuộc họp báo rằng ông Edward Snowden chưa bao giờ đặt chân vào “lãnh thổ” của Nga. (Hình: AFPTV/AFP/Getty Images)
Phát biểu mở đầu cuộc họp báo trưa Thứ Ba ở Washington D.C. chỉ nhắc lại điều chính phủ Hoa Kỳ đã nói từ cuối tuần trước, ngay sau khi Bộ Tư Pháp truy tố Edward Snowden về tội tiết lộ tài liệu bí mật quốc gia. Yêu cầu được dẫn độ anh cựu nhân viên IT về lại Hoa Kỳ được gửi cho chính quyền Hồng Kông nhưng không được đáp ứng - theo lời một viên chức hành pháp - giúp kẻ bị truy nã cơ hội lên máy bay sang Nga, trên đường đi Cuba, trước khi dừng chân ở một quốc gia anh này có thể sẽ xin tị nạn chính trị. Theo đồn đãi lẫn dự đoán, quốc gia đó có thể là Venezuela và cũng có thể là Ecuador.
Nhưng đến tối Thứ Ba Edward Snowden vẫn còn ở tại phi trường Moscow (theo lời Tổng Thống Vladimir Putin), sẽ đi đâu thì chẳng ai biết. Ðiều duy nhất mọi người đều hay là tuyên bố cứng rắn của Ngoại Trưởng Sergey Lavrov cho hay chính phủ Nga hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện đang gây sôi nổi cả thế giới, đồng thời chỉ trích cả cảnh báo quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng nếu không bắt giữ và trao Snowden lại cho Mỹ. Cảnh báo này được Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry đưa ra khiến ông Lavrov bực bội, bào rằng Nga không vi phạm bất kỳ điều luật nào của Mỹ, và “những viên chức chính phủ Mỹ không có quyền nói những điều (như ông Kerry) đã nói.”
Người điều khiển ngành ngoại giao của Nga còn giải thích Snowden chỉ quá cảnh ở Nga - tức không thể xem là đã đặt chân vào lãnh thổ Nga, “chính phủ Nga không liên quan gì đến chuyện của Snowden hay chuyện anh ta bị rắc rối pháp lý với chính phủ Mỹ, cũng như chuyện anh ta muốn đi nơi này hay nơi khác. Anh ta tự quyết định hành trình của mình, và chúng tôi biết chuyện (liên quan đến) anh ta qua tin tức do giới truyền thông phổ biến.” Tổng Thống Putin còn nặng lời hơn, ví von phía Mỹ đòi Nga bắt và giao Snowden cho Hoa Kỳ “tựa như chuyện cạo lông lợn con, lợn thì kêu eng éc nhưng chẳng được sợi lông nào cả.”
Cả Washington D.C. chẳng ai ngạc nhiên trước thái độ của chính phủ Nga, điển hình là nhận xét của ông cựu Thứ Trưởng Ngoại Giao Strobe Talbott cho rằng các phát biểu của những nhà lãnh đạo Moscow “là đòn mà các viên chức Hoa Kỳ không ai nghĩ đến, kể cả những người ở cấp rất cao vẫn nuôi hy vọng sẽ có được mối quan hệ thật tốt với Nga.” Ông Talbott tin rằng “ông Putin và chính phủ của ông ta không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để gây khó khăn cho nước Mỹ” nhưng đồng thời cũng hiểu “nếu là Nga, chưa chắc chúng ta sẽ trao Snowden. Chúng ta sẽ tìm cách khai thác anh ta, xem Hoa Kỳ đã theo dõi nước Nga dưới những hình thức nào, tin tức thu thập được có nhiều hay không, sau đó lượng định dựa vào những gì anh này tiết lộ để đánh giá xem thiệt hại tới đâu.”
Nếu ông Putin thực hiện đúng như lời ông ta nói là sẽ không bắt Snowden, cơ hội tóm được anh này trở nên mong manh hơn nữa khi anh ta rời Moscow trên đường sang Ecuador xin tỵ nạn chính trị. Trạm dừng chân kế tiếp của anh ta sẽ là Cuba - nơi Hoa Kỳ không có quan hệ ngoại giao kể từ ngày Fidel Castro lên nắm quyền lãnh đạo, sau đó là Venezuela - nơi Hoa Kỳ là mục tiêu của những vụ chỉ trích của thời Hugo Chavez trước đây và của cả vị tổng thống đương thời Nicolas Maduro, điểm đến của anh ta là Ecuador - quốc gia đang bảo vệ người sáng lập ra tổ chức WikiLeaks là Julian Assange, cho anh này tá túc trong tòa đại sứ ở London.
Mặc dù Ecuador nằm trong danh sách những nước chính phủ không tôn trọng quyền tự do báo chí, nhưng từ tháng trước Tổng Thống Rafael Correa đã chỉ thị các viên chức chính phủ không trả lời phỏng vấn cho các cơ quan truyền thông của quốc gia mà ông ta gọi là “bê bối” nhất thế giới. Theo cái nhìn của Tổng Thống Correa, quốc gia đó chính là Hoa Kỳ, là nước mà ông quyết định đuổi đại sứ sau khi biết được một số bí mật ngoại giao qua những tài liệu mật được WikiLeaks công bố. Từ ngày đó đến giờ, “họ không hề tỏ vẻ muốn trao đổi quan hệ với chúng ta,” theo lời một viên chức ngoại giao Mỹ từng được cắt cử vào chức vụ tìm cách cải thiện quan hệ giữa hai nước.” Viên chức này nói thêm ông và những nhân viên ngoại giao khác trong toán đã làm việc hết mình, tìm hết mọi ngõ ngách nhưng không đạt được thành quả nào đáng kể vì “họ không muốn nói chuyện, không hề tỏ ý muốn tái lập quan hệ lại với nước Mỹ.”
Như vậy, giải pháp mà Hoa Kỳ có thể làm gồm những gì? “Theo tôi, cách khéo léo nhất vẫn là nhẹ nhàng yêu cầu các nước mà Snowden đặt chân đến nghĩ lại, bắt anh ta và trao cho Mỹ” là đề nghị của ông Chris Lehane, một cựu nhân viên Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng Thống Bill Clinton và hiện đang giữ vị trí tư vấn cho đảng Dân Chủ ở thủ đô. Ông Lehane tin rằng “thái độ mềm mỏng là điều rất quan trọng, đừng để cho những nước chúng ta phải đối phó bị chạm tự ái.” Lý do “nước Mỹ sẽ truy đuổi Snowden đến cùng, chứ không phải chỉ tìm bắt anh ta trong một thời gian ngắn.”
Ngoài giải pháp “khéo léo ngoại giao,” một giải pháp khác cũng được nói tới là Hoa Kỳ đưa máy bay quân sự ép chiếc phi cơ chở Snowden. Ông Grabiel Schoenfeld của Viện Nghiên Cứu Hudson nghĩ rằng đây là điều chính phủ Mỹ có thể làm, nhưng e ngại “tai hại sẽ nhiều hơn là có lợi, vì các nước sẽ nhìn Hoa Kỳ với cặp mắt không mấy thiện cảm.” Cũng theo ông Schoenfeld, giải pháp này tương tự như giải pháp sẽ đưa CIA đến một nước nào đó bắt cóc Snowden đưa về Mỹ, lúc đó nước Mỹ sẽ bị cả thế giới sẽ chê bai “vì dùng CIA bắt cóc chính người dân của mình.”
Một vài nhà quan sát cho rằng cánh cửa trông có vẻ thuận lợi cho Hoa Kỳ nhiều nhất chính là “cánh cửa Venezuela” vì một vài năm gần đây chính phủ quốc gia này có trao cho Mỹ và các nước Âu Châu một số kẻ phạm pháp để đưa ra tòa xét xử về tội mua bán ma túy. Ở điểm này, Cựu Ðại Sứ Charles Shapiro đưa ra 2 nhận xét: “Thứ nhất, Venezuela muốn cải tiến quan hệ với Washington ở mức độ nào, thứ nhì là lãnh đạo Venezuela nhìn Snowden như thế nào, họ xem anh này là một tội phạm hay xem anh ta là một anh hùng?” Người từng làm đại sứ Hoa Kỳ ở Venezuela tin rằng “dù quan hệ không nồng ấm nhưng chúng ta có lợi vì 2 bên vẫn trao đổi đại sứ” nhưng đừng quên Tổng Thống Maduro là người được Cuba huấn luyện, có sẵn tư tưởng chống chủ nghĩa tư bản, và Snowden là cơ hội bằng vàng để nhà lãnh đạo Venezuela thể hiện quan điểm cứng rắn của ông ta đối với “trùm tư bản thế giới là Hoa Kỳ.”