Không có ngày nào mà trên báo chí truyền thông của nhà nước lại không có những tin tức tiêu cực, phản ánh sự khủng hoảng toàn diện của xã hội từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, pháp luật, môi trường, đạo đức con người...
Bất chấp những “điệp khúc tuyên truyền” của đảng và nhà nước cộng sản từ bao nhiêu năm nay rằng Việt Nam là một đất nước ổn định về chính trị, bình yên, không có khủng bố, đảo chính, ám sát, bạo loạn hay những vụ nổ súng sát nhân hàng loạt, xã hội Việt Nam hiện tại thực sự rối ren, bất ổn về mọi mặt.
Tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh của người dân Việt Nam mỗi khi ra đường. (Hình: Binbin.net)
Không có ngày nào mà trên báo chí truyền thông của nhà nước lại không có những tin tức tiêu cực, phản ánh sự khủng hoảng toàn diện của xã hội từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế, pháp luật, môi trường, đạo đức con người...
Ngay chính trị, cũng chỉ giữ được cái vỏ ổn định bên ngoài, khi tỷ lệ dân oan đi biểu tình khiếu kiện, công nhân đình công, những người bất đồng chính kiến, hay đơn giản chỉ là thực hiện quyền tự do ngôn luận, bị bắt, bị kết án tù ngày càng nhiều.
Và những cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực, hạ bệ nhau trong bộ máy cao cấp nhất của nhà cầm quyền cũng ngày càng không thể che giấu được nữa.
Sự bất ổn của xã hội, của mô hình thể chế chính trị lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại, với lòng dân đó tác động rõ rệt trong từng con người đang sống trong cái xã hội, cái thể chế ấy. Người dân bị bất an. Luôn luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi, đối phó với đủ thứ chuyện.
Cơm áo là mối lo lớn nhất, đặc biệt trong tình hình kinh tế Việt Nam đang khó khăn ảm đạm như hiện nay, rồi nào giá xăng tăng, điện nước tăng, vật giá tăng, lạm phát phi mã khiến đồng tiền ngày càng mất giá mà lương thì bèo bọt không đủ sống. An sinh xã hội hầu như không có nên người dân Việt Nam phải lo tích cóp phòng ngừa lúc ốm đau, tai nạn, tuổi già, khi thất nghiệp, cũng như lo chuyện học hành tương lai cho con cái vì y tế hay giáo dục ở Việt Nam bây giờ đều phải có tiền.
Bước ra đường thì lo tai nạn giao thông từ bao lâu nay vẫn là thủ phạm giết chết khoảng 11, 12 nghìn người mỗi năm, chưa kể hàng nghìn người khác bị thương tật hoặc tàn phế.
Chẳng riêng gì tai nạn giao thông, với người Việt Nam bây giờ, cái chết oan uổng có thể đến từ bất cứ nguyên nhân lãng nhách nào, mà chủ yếu là từ sự vô trách nhiệm của con người, sự bất lực của bộ máy chính quyền, và luật pháp lỏng lẻo.
Ví như chết cháy vì những cây xăng xây gần khu dân cư quá bị bốc cháy, chết vì “hố tử thần” trên đường, vì dây điện giăng khắp nơi bị hở, cầu, nhà... mới xây xong đã sụp...
Nếu không chết ngay thì cũng chết từ từ vì ung thư do môi trường bị ô nhiễm nặng nề, thực phẩm “bẩn,” hư thối, độc hại, tràn lan khắp nơi.
Người dân còn phải đối phó với trăm ngàn nỗi lo khác. Nào chạy trường tìm chỗ học tốt cho con, chạy chức, chạy tìm việc làm, hối lộ cho cơ quan công quyền khi phải có việc cần đến thủ tục giấy tờ, hối lộ cho y bác sĩ khi đau ốm, quà cáp cho xếp để được yên thân, quà cáp cho thầy cô để con mình khỏi bị “đì”...
Lỡ có chuyện phải đụng đến công an hay bị mời lên đồn công an “làm việc” thì lắm khi không giữ được mạng sống mà về...
Ngay với những người giàu có, giới kinh doanh thành đạt thì cũng đủ thứ phải lo khi làm ăn trong một môi trường kinh tế bất ổn, luật pháp không rõ ràng như ở Việt Nam. Một vài năm gần đây hàng trăm ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ bị phá sản, nhiều đại gia bị mất trắng tài sản, một số phải nhập viện tâm thần cho thấy tình trạng “người giàu cũng khóc” ở Việt Nam.
Ðó là nếu mũ ni che tai, chỉ biết sống cho mình và gia đình, còn nếu bức xúc chuyện đất nước, thực trạng xã hội mà xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc hay viết blog chỉ trích nhà nước thì gặp đủ thứ rắc rối, hoặc bị bắt, bị tù dài hạn.
Ðối với đa số người dân Việt Nam, do phải sống lâu trong một môi trường nơi con người không có bất cứ một quyền tự do dân chủ nào, trong một đất nước chỉ sau vài thập niên đã bị tụt hậu hàng chục, hàng trăm năm so với các nước láng giềng, người ta cũng dần trở nên quen đi.
Dù có thể bức bối, phẫn uất, nhưng rồi người dân cũng đành chấp nhận. Vả chăng, chưa kịp tức giận với sự kiện phi lý, bất bình thường hay cái ác cái xấu này thì đã có chuyện khác xảy ra với mức độ ngày càng lớn hơn.
Con người đâm ra bão hòa, vô cảm dần dần và không nhận ra một cách đầy đủ rằng trong những quốc gia khác, người ta sống khác hẳn.
Người dân thì như thế, còn nhà cầm quyền Việt Nam? Họ có hoàn toàn sung sướng không? Có lẽ là không. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, với đủ thứ nỗi lo, sợ.
Nhìn ra bên ngoài, dù có tự huyễn hoặc đến đâu, cũng có những người trong giới lãnh đạo nhận ra sự thật rằng về nhiều mặt, Việt Nam hiện đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới.
So với cái giai đoạn mà giới cầm quyền Việt Nam ngây ngất trong niềm tự hào đã chiến thắng được hai đế quốc Pháp, Mỹ, trong ảo tưởng được cả thế giới kiềng nể... thì bây giờ nhắc đến Việt Nam, là nhắc đến một quốc gia vẫn còn nghèo nàn lạc hậu, nhưng lại có một chế độ độc tài thuộc loại hà khắc trên thế giới. Việt Nam thường xuyên bị các nước dân chủ, các tổ chức phi chính phủ nhắc nhở, khuyến cáo về hồ sơ đàn áp tự do dân chủ, đàn áp tôn giáo, chà đạp lên nhân quyền...
Bộ mặt lem luốc của chế độ khiến Việt Nam không còn được thế giới thiện cảm. Trong khi các quốc gia láng giềng khác đều có đồng minh, có bạn bè thực sự hỗ trợ thì Việt Nam đơn độc đối mặt với hiểm họa đánh mất chủ quyền, độc lập, lãnh thổ lãnh hải ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Hiểu được sự đơn độc yếu thế của mình, nhà cầm quyền Việt Nam trở nên bạc nhược, cố nín nhịn Trung Quốc nhưng càng nhịn nhục thì Trung Quốc càng lấn tới, còn người dân thì cũng càng phẫn nộ trước sự hèn hạ đó. Ðúng là bị sức ép cả hai chiều.
Mặt khác, sự yếu kém trong điều hành lãnh đạo kinh tế, xã hội mà nguyên nhân chính là do mô hình thể chế chính trị lạc hậu, không phù hợp, đã cản trở sự phát triển của Việt Nam.
Những người chịu trách nhiệm cao nhất trong bộ máy đảng, chính phủ và từng cá nhân đứng đầu các ban ngành cụ thể không phải không nhìn thấy những khó khăn trong lĩnh vực của họ và những bất cập của cơ chế. Nhưng họ lại không thể giải quyết, tháo gỡ được khi cả cái cơ chế ấy vẫn cứ tồn tại. Càng loay hoay vá víu thì càng rối, càng bế tắc.
Trong lúc đó thì kinh tế ngày càng khủng hoảng, xã hội rối ren, lòng dân oán giận. Nhà cầm quyền thừa hiểu mọi thứ có thể đổ sụp dưới chân họ hoặc người dân có thể không chịu đựng được nữa và vùng dậy.
Càng sợ hãi thì càng nhìn thấy chung quanh toàn những “thế lực thù địch,” càng ra sức ngăn chặn, đàn áp, nhưng càng đàn áp thì chỉ làm cho những mâu thuẫn trong lòng xã hội có nguy cơ bùng nổ hơn mà thôi.
Sự bảo thủ, thiếu một tầm nhìn viễn kiến về chính trị, thiếu tự tin khiến nhà cầm quyền Việt Nam tự trói mình, bỏ qua rất nhiều cơ hội. Ðối nội, là cơ hội tự tháo gỡ những ngòi nổ khác nhau trong xã hội, và thay đổi để phát triển.
Một trong những ví dụ gần đây nhất là sửa đổi Hiến Pháp, thay đổi luật sở hữu đất đai để tháo ngòi nổ là mâu thuẫn giữa người nông dân với nhà cầm quyền, ban hành luật biểu tình để tạo điều kiện cho người dân xả bớt nỗi bất bình, thể hiện quyền phản đối công khai trong khuôn khổ luật pháp. Hoặc xóa bỏ điều 4 để tránh đi tất cả những tệ hại phát sinh từ cơ chế độc đảng không bị giám sát lâu nay.
Thế nhưng cuối cùng họ đã không thay đổi bất cứ cái gì.
Ðối ngoại cũng thế, họ đã tự bỏ qua rất nhiều cơ hội để có những bước phát triển mạnh mẽ hơn trong mối quan hệ với Hoa Kỳ hay thoát ra khỏi cái vòng kim cô của Trung Quốc.
Càng trì hoãn, thì cơ hội trong-ngoài càng ít đi, và những kết cục tệ hại hơn như sự sụp đổ của chế độ hoặc sự lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc càng không tránh khỏi.