“thành phần cấp tiến của nước Mỹ cứ tưởng họ thoát được ông George W. Bush, đâu ngờ họ lại rước một ông George W. Bush thứ hai vào ngồi ở Tòa Bạch Ốc”.
Khoảng thời điểm này cách đây 8 năm, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama đứng trước diễn đàn Thượng Viện, dõng dạc lên tiếng chỉ trích chính sách chống khủng bố của Tổng Thống George W. Bush. Bằng những lời lẽ nặng nề nhất, ông nói rằng chính quyền Bush đã đi ngược hẳn với hiến pháp khi cho phép các cơ quan an ninh theo dõi các hoạt động của người dân Hoa Kỳ, cho biết ông sẽ cùng với một số thượng nghị sĩ Dân Chủ khác đưa ra dự luật giới hạn quyền lực của ông Bush, không chấp nhận chuyện lợi dụng lý do vì an ninh quốc gia để giới hạn quyền tự do của người dân Mỹ.
Tổng Thống Barack Obama trở về Tòa Bạch Ốc sau hai ngày ở California. (Hình: NICHOLAS KAMM/AFP/Getty Images)
Những điều vị nghị sĩ trẻ tuổi nói ở Thượng Viện cũng như những gì ông đưa ra với dân chúng trong cuộc vận động tranh cử bắt đầu từ giữa năm 2007 hoàn toàn khác với những lời giải thích được ông trình bày hôm Thứ Sáu tuần trước tại San Jose, California. Một cách tổng quát, ông bảo, các chương trình thu tóm tài liệu điện thoại và Internet mà ông cho thực hiện nhắm vào hai mục đích: Thứ nhất để theo dõi và phá vỡ các hoạt động âm mưu của bọn khủng bố, thứ nhì để bảo vệ an ninh cho quốc gia và cho người dân. Ông nói chính quyền “không thể nào đảm bảo an ninh 100%” đồng thời cũng đảm bảo “không phạm đến quyền lợi riêng tư của người dân 100%”, khéo léo nhắc nhở mọi người biết hiểm họa của khủng bố vẫn còn, chính phủ phải “có những quyết định” và mọi người đều có trách nhiệm phải cùng chính phủ bảo vệ an toàn cho quốc gia, kể cả chuyện phải hy sinh một phần tự do cá nhân.
Lời giải thích của tổng thống Hoa Kỳ khiến một số người ngạc nhiên. Quyền tự do cá nhân được xem là “quyền tự do căn bản và quan trọng nhất của người dân Mỹ” là điều ông từng nói khi ra tranh cử để phê bình chính phủ George W. Bush, đi kèm với những lời chỉ trích nặng nề về những điều ông Bush đã làm, vi phạm đến quyền căn bản quan trọng đó và những quyền căn bản khác. Trước những chỉ trích đó, Tổng Thống George W. Bush có lần phải lên tiếng nói rằng đừng quên trong cương vị của một nhà lãnh đạo hàng ngày ông được nghe báo cáo về an ninh quốc gia “và có những lần nghe xong mà thấy rợn cả người”. Trước khi rời Tòa Bạch Ốc, Ðệ Nhất Phu Nhân Laura Bush cũng nói điều tương tự, cho rằng những điều người khác chỉ trích chồng bà là “những điều hoàn toàn không đúng”, giải thích “Tất cả những gì nhà tôi làm đều nhắm vào mục đích phục vụ người dân, đảm bảo không cho khủng bố có cơ hội” như chúng đã làm hôm 11 Tháng Chín 2001.
Ðó cũng là giải thích được các viên chức thân cận nhất của Tổng Thống Barack Obama đưa ra để trả lời câu hỏi tại sao chính phủ vi phạm dân quyền khi xin trát tòa để thu thập hồ sơ điện thoại và hồ sơ Internet của cả triệu người dân. Một trong những người thân tín của tổng thống là ông cựu cố vấn David Axelrod bảo “Khi là tổng thống Hoa Kỳ, ngày làm việc của bạn sẽ bắt đầu bằng báo cáo về an ninh. Tôi biết và hiểu rất rõ là Tổng Thống Obama ngày nào cũng phải đối đầu với thực tế vì những hiểm họa có thể xảy đến cho quốc gia, đương nhiên là ông có trách nhiệm phải làm những gì có thể làm để phá vỡ những âm mưu phá hoại đó”. Ông cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc nói thêm “Ðó là điều ai cũng phải làm khi ở trong cương vị của một nhà lãnh đạo”.
Ðiều ông Obama làm được sự ủng hộ của đối thủ chính trị John McCain, từng đại diện đảng Cộng Hòa tranh chức tổng thống hồi 2008. Xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trưa Chủ Nhật của đài CNN, ông McCain nói rằng “Nếu chuyện này xảy ra hôm 12 Tháng Chín 2001 (tức 1 ngày sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ), chắc chắn sẽ chẳng ai nói gì cả”. Vị nghị sĩ uy thế của đảng Cộng Hòa bảo thêm chuyện này “nổ lớn” vì xảy ra cùng lúc với những thắc mắc của người dân về những việc làm sai trái Cơ Quan Thuế Vụ Hoa Kỳ, về chuyện từ năm ngoái Tòa Bạch Ốc vẫn tìm cách che giấu sự thật xảy ra ở Benghazi, cho đến chuyện nhà báo của hãng thông tấn AP và FOXNews cũng bị FBI thu tóm hồ sơ điện thoại xem họ gọi cho những ai và những ai gọi cho họ.
Ông McCain có vẻ dễ dãi, những vị dân cử khác lên tiếng bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn. Thượng Nghị Sĩ Rand Paul của cánh Tea Party cho rằng chương trình theo dõi diện thoại và Internet của dân chúng “vi phạm hiến pháp” và ông đang suy nghĩ xem có nên yêu cầu Tối Cao Pháp Viện nhập cuộc hay không. Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Mark Udall của tiểu bang Colorado cho rằng chương trình này “chưa hẳn đã đem lại hiệu quả” trong kế hoạch chống khủng bố của chính phủ Obama, đòi hỏi “đã tới lúc phải cứu xét lại toàn bộ luật USA Patriot Act” mà chính phủ George W. Bush đã ban hành ngay sau biến cố 11 Tháng Chín 2001 và chính ông Obama yêu cầu Quốc Hội lưu hành ngay sau ngày nhậm chức. Theo giải thích của Thượng Nghị Sĩ Udall, đạo luật này cho chính phủ quá nhiều quyền, kể cả quyền “giới hạn tự do của người dân”.
Ông Udall vừa lên tiếng nói điều này lúc trưa Chủ Nhật, vài giờ sau đó một đồng minh chính trị của Tổng Thống Obama cũng tiết lộ một chuyện quan trọng. Bà Laura Murphy, người điều hành văn phòng đặc trách liên lạc Quốc Hội của Hiệp Hội Bảo Vệ Dân Quyền Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union) kể lại hồi 2005, “Chỉ vài tuần sau khi nhậm chức thượng nghị sĩ, ông Obama cho mời tôi và những tổ chức tranh đấu cho dân quyền khác để bàn thảo về điều ông muốn làm là làm thế nào giới hạn luật USA Patriot Act”. Hôm đó Thượng Nghị Sĩ Obama nói gì? “Ông bảo luật này đi quá đà”, báo cho mọi người biết ông sẽ soạn một dự luật khác để giới hạn bớt những quyền hạn của chính phủ. Hôm đó, ông Obama có nói gì thêm không? Bà Murphy từ chối trả lời câu hỏi này, nhưng một người khác có mặt trong cuộc họp yêu cầu không nêu tên bảo rằng “Nếu tôi nhớ không lầm, Thượng Nghị Sĩ Obama rất bực bội khi nói về USA Patriot Act, nhắc lại ông từng là một giáo sư giảng dậy môn luật hiến pháp và ông không nghĩ là chính phủ có quyền muốn làm gì thì làm, vì điều đó vi phạm hiến pháp”.
Dự luật Thượng Nghị Sĩ Obama bảo trợ hồi 2005 không được Thượng Viện thông qua, đến năm 2006 khi bắt đầu tính chuyện tranh cử tổng thống, ông bỏ phiếu ủng hộ tiếp tục sử dụng USA Patriot Act với một vài sửa đổi nhỏ, đến năm 2009 khi bước chân vào Tòa Bạch Ốc ông yêu cầu Quốc Hội giữ nguyên đạo luật đang được áp dụng. Ngay lúc đó, đã có những lời gièm pha của các tổ chức bảo vệ dân quyền và những tổ chức cấp tiến hết lòng vận động giúp ông thắng cử, cho rằng Thượng Nghị Sĩ Obama và Tổng Thống Obama là hai con người chính trị khác nhau. Một trong những lời chỉ trích vẫn được giới quan sát chính trị ở Washington nói đến với giọng diễu cợt, cho rằng về điểm này (bảo vệ dân quyền) “thành phần cấp tiến của nước Mỹ cứ tưởng họ thoát được ông George W. Bush, đâu ngờ họ lại rước một ông George W. Bush thứ hai vào ngồi ở Tòa Bạch Ốc”.
Như vậy ở điểm này, ông Bush và ông Obama giống nhau chứ gì?
“So sánh như vậy là so sánh khập khiễng”, ông phụ tá cố vấn An Ninh Quốc Gia Ben Rhodes trả lời, nhắc lại mới tháng trước Tổng Thống Obama đã dọc bài diễn văn quan trọng nói về chính sách mới mà ông đưa ra để chống khủng bố hữu hiệu hơn cũng như phù hợp với tình thế hơn. Ông Rhodes - người giúp tổng thống soạn bài diễn văn này - nhắc lại những điểm Tổng Thống Obama đã làm, từ chuyện kết thúc cuộc chiến Iraq cho đến chuyện năm tới sẽ rút quân khỏi Afghanistan “Hai mặt trận hàng đầu của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, chuyện ông Obama ra lệnh cấm không được tra tấn tù nhân đến những nỗ lực để đóng cửa trại tù Guantanamo được dựng để nhốt những kẻ tình nghi hoạt động khủng bố. “Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính phủ sẽ bỏ những biện pháp chống khủng bố khác” vì cuộc chiến vẫn còn, an ninh quốc gia vẫn bị đe dọa.
Ðó cũng chính là giải thích được tổng thống Hoa Kỳ đưa ra khi trả lời các câu hỏi của giới truyền thông. Ông kể lại “Tôi bước vào Tòa Bạch Ốc với những thắc mắc về các chương trình được (chính phủ tiền nhiệm George W. Bush) áp dụng. Các nhân viên của tôi duyệt xét lại tất cả những chương trình đó thật cặn kẽ. Chúng tôi đã mở rộng một số biện pháp, tăng cường thêm an ninh cho quốc gia. Ðiều tôi và các nhân viên của tôi đồng ý làm những việc đó vì đó là những cách chống lại những âm mưu muốn tấn công của quân khủng bố”. Ông kết luận bằng câu “Thật là đáng giá để chúng ta làm những việc như vậy”.
Câu kết luận của Tổng Thống Obama dẫn mọi người đến câu kết luận của bà Laura Murphy của Hiệp Hội Bảo Vệ Dân Quyền Hoa Kỳ, người từng được nghe Thượng Nghị Sĩ Barack Obama chỉ trích chuyện chính phủ George W. Bush nghe lén điện thoại của dân chúng. Bà bảo là các chính trị gia bao giờ cũng thế, “Họ có lập trường nhưng chẳng bao giờ giữ vững lập trường cả”.