Cuối tháng 10, trời bắt đầu trở lạnh, ở Mỹ mùa Haloween lại về.
Thật tình tôi không hiểu nổi thứ văn hóa ma quỉ này. Lễ hội Halloween ngày nay bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2,000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh, Ái Nhĩ Lan và miền Bắc nước Pháp. Sống chung, đùa chơi với ma quỉ quả là chuyện không thường tình của chúng ta nhưng lại phù hợp với loại văn hóa này.
Cụ Khổng đã có lời khuyên: “Ðối với ma quỉ thì kính nó mà phải xa lánh nó!” (kính nhi viễn chi) có khác chi thời nay trong xã hội, đối với những hạng Chí Phèo hay bọn vô loại thường kiếm cớ ăn vạ, bôi bẩn, đừng gây sự với chúng, tránh sự phiền hà, tránh gặp mặt thì đổi đường đi, xa chúng càng tốt cho đỡ nhức đầu. Cũng vì vậy mà từ 38 năm nay, có người sợ ma quỉ mà phải bỏ mồ mả, làng mạc ra đi chưa một lần dám giáp mặt lại. Ðối với lời cụ Khổng, ngày nay phải đổi lại câu nói về loại ma quỉ này là “khinh nhi viễn chi” mới đúng.
Thật ra người ta sợ ma quỉ nhưng ma quỉ cũng biết sợ người. Ngay thẳng, trung trực, đôn hậu, nhân ái thì chẳng sợ người gian tà mà cũng chẳng sợ ma, mà ma cũng phải kiêng sợ.
Rõ ràng môi trường hoạt động của ma quỉ là vùng tăm tối hoặc u u minh minh, mập mờ tối sáng, chứ ở chỗ sáng tỏ, có mặt trời thì chúng đành thúc thủ. Ma quỉ thường lợi dụng, tranh thủ chen lấn vào những nơi trắng chưa ra trắng, đen chẳng ra đen, lòng người còn chao đảo mà hoạt động, chẳng khác gì vào nơi chưa rõ được lập trường, chính kiến. Vậy khôn hồn thì đừng dại mà chơi với ma quỉ. Ðã có người ân hận suốt một đời, cũng có người tán gia bại sản, hay thân bại danh liệt vì đã quá tin vào ma quỉ. Ma còn sợ bùa phép, sợ thầy pháp nên xã hội chúng ta ngày xưa có nghề dùng pháp thuật, đuổi ma trừ quỉ, vẽ và dán bùa những nơi có ma quỉ lui tới.
Ma quỉ thường mê hoặc lòng người, nhưng ma cũng biết sợ người, nhất là sợ sự thật vì sự thật như ánh sáng soi rõ chân tướng và gan ruột của chúng. Loài ma quỉ ngày nay có cả một chính quyền cồng kềnh, công an quân đội trang bị tận răng, gông cùm, nhà tù kín đặc, vậy mà chúng sợ đến những con người tay yếu chân mềm, chỉ có một ngòi bút, nốt nhạc hay một lời nói cất lên. Ðó là những Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Ðiếu Cày, Anh Ba Sài Gòn, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình... trong tay không hề có một tấc sắt, vậy vì sao chế độ này phải sợ hãi như ma quỉ sợ ánh sáng mặt trời?
Nguyễn Phương Uyên, sinh viên Ðại Học Công Nghiệp Thực Phẩm thành phố HCM, đã bị công an bắt tại nhà trọ ở Sài Gòn từ ngày 14 tháng 10, cùng với 3 sinh viên khác để điều tra về vụ truyền đơn chống Trung Quốc xâm lược. Sau đó Nguyễn Phương Uyên bị biệt giam ở tận Long An trong khi quê của cô ở Bình Thuận. Vụ bắt giữ Nguyễn Phương Uyên xảy ra vào lúc bọn ma quỉ chuẩn bị đưa ra xét xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình. Hai nhạc sĩ này là tác giả nhiều bài hát thể hiện lòng yêu nước trước những hành động xâm lấn của Trung Cộng ở biển Ðông. Cả hai đều đã bị bắt giam từ tháng 12 năm 2011. Công an đã giải thích tội danh của những người trẻ tuổi này là “tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 88 của Bộ Luật Hình Sự. Vậy điều 88 của bộ luật này là gì?
Bộ Luật Hình Sự CSVN sửa đổi, bổ sung 2009, chương XI về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, trong đó điều 88 là “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” được ghi rõ như sau:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Trong điều luật này không nghe nói gì đến hai tiếng “Trung Cộng,” sao chống Trung Cộng lại có nghĩa là “phỉ báng chính quyền nhân dân” và nếu lưu hành, phổ biến một bản nhạc hay một tờ truyền đơn chống Tàu xâm lược thì sao gọi nội dung ấy là “chống nhà nước CHXHCN Việt Nam.” Như vậy là chính quyền CS đã đồng hóa Trung Cộng với nhà nước, chửi hay chống Trung Cộng là chửi và chống nhà nước. Như vậy thì ở tù “mút mùa” là phải.
Còn nói chuyện ở tù. Tất cả những người cộng sản đều cho quá trình ở tù của mình là vì động lực yêu nước. Do vậy các tay gộc cộng sản sau khi cướp được chính quyền, thường lấy thành tích vào tù ra khám của mình, coi như những công trận. Lê Duẫn bị chính quyền giam tù 10 năm qua các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La và Côn Ðảo, dư thành tích để lấn áp cả Hồ Chí Minh, Lê Ðức Thọ bị đày đi Côn Ðảo tổng cộng 8 năm. Ðỗ Mười có thành tích ở tù 4 năm tại Hỏa Lò. Ít hơn có Võ Nguyên Giáp bị bắt giam tại lao Thừa Phủ Huế chỉ một năm.
Ði theo con đường của đảng Cộng Sản Quốc Tế, với mục đích nhuộm đỏ vùng Ðông Nam Á, kết hợp việc giải phóng dân tộc với việc áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên đất nước, lý do những người này bị bắt bớ, giam cầm được nêu là vì lý do họ yêu nước, chống lại sự cai trị của người Pháp. Nhưng rõ ràng bây giờ có những người tuổi trẻ cũng có lòng yêu nước khi thấy chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, chỉ mới lên tiếng thôi cũng đã bị chính quyền trù dập thẳng tay. Những người hôm nay chưa hề có súng đạn, chưa có tổ chức, thậm chí chưa có quần chúng, nhưng đã làm cho bọn cai trị sợ hãi.
Chế độ cộng sản cai trị dân bằng phương cách làm cho dân sợ, sự sợ hãi ăn sâu vào đầu óc, dưới chế độ cộng sản “muốn tồn tại phải biết sợ” như Nguyễn Tuân đã từng thốt lên: “Tôi còn sống đến ngày nay vì tôi biết sợ!” Có người sợ ma quỉ nhưng ma quỉ sợ mặt trời, ánh sáng, chính thể độc tài sợ lòng dân như thuyền đi được nhờ nước nhưng cũng có thể bị nhận chìm vì sức nước. Chính trị gia Nguyễn Trãi đã tâm niệm: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (lật thuyền mới biết sức dân như nước - đẩy thuyền đi là dân mà lật thuyền cũng là dân).
Nhân ngày lễ Haloween tới xin đừng nghe lời ma quỉ, đừng giao du, chơi đùa với ma quỉ, nhất là đừng sợ những gì ma quỉ làm mà hãy làm những điều chúng sợ. Xin cám ơn những người thắp đuốc lên bóng tối, đem ánh sáng mặt trời làm cho ma quỉ phải sợ hãi.
Xin cám ơn những Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Phương Uyên.