“Các con rất thoải mái, hiên ngang, ngẩng cao đầu. Hai con ngồi nhìn thẳng lên thẩm phán, không cúi mặt.”
Tìm đọc trên các tờ báo ở trong nước bản tin về phiên tòa xử hai sinh viên Ðinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, thấy mấy báo này đều không đăng tên họ của các vị quan tòa cũng như tên người biện lý buộc tội. Nhà báo cẩn thận như vậy, chắc vì tội nghiệp cho các viên chức này.
Họ được lệnh của đảng Cộng sản Việt Nam phải kết án hai sinh viên trẻ tuổi, mà có thể trong lòng chính họ cũng nghĩ rằng cả hai thực ra chẳng có tội nào cả. Hoặc các tờ báo được lệnh trên không loan báo tên tuổi quan chánh án, để các vị đồng nghiệp của họ sẽ không tìm cách từ chối khi được cấp trên ra lệnh ngồi xử những vụ tương tự.
Người ta sẽ ngần ngại đóng vai quan tòa bù nhìn xử một bản án rồi mang tiếng xấu suốt đời; mà cũng vì không ai muốn bị lịch sử ghi tên, không ai muốn con cháu mình sau này phải chia sẻ niềm xấu hổ vì cha ông mình đã chủ tọa một phiên tòa ô nhục. Giống như nhiều người Việt còn nhớ tên họ ông Poulet Osier, người ngồi ghế chánh án trong phiên tòa tại Yên Bái xử các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng vào Tháng Ba năm 1930. Ông Osier đã tuyên bố 29 bản án tử hình và 33 người khổ sai chung thân. Sau đó, tổng thống Pháp ân xá, chỉ còn 13 liệt sĩ bị hành quyết, nhưng người Việt Nam cũng không bao giờ quên tên ông chánh án Tây này. Khi gặp một người Pháp mang tên Osier thì nhiều người Việt bây giờ vẫn có khi thắc mắc không hiểu ông, bà này có phải là con cháu cụ Poulet Osier ngày xưa hay không! Nếu như ông Osier là người Việt Nam thì chắc con cháu ông ta nhiều người sẽ đổi họ.
Thấy Nguyễn Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha tuổi còn trẻ lại nhớ các vị anh hùng Quốc Dân Ðảng năm 1930. Ðinh Nguyên Kha tuổi 25, còn Nguyễn Phương Uyên mới có 21. Các liệt sĩ Yên Bái cũng trẻ như họ. Nguyễn Thái Học khi khởi nghĩa cũng chỉ hơn Ðinh Nguyên Kha bây giờ hai tuổi. Phó Ðức Chính hơn Phương Uyên hai tuổi; khi bị tử hình ông không ký tên xin phúc thẩm, còn nói: “Ðại sự đã không thành! Chống án làm gì vô ích!” Hai phụ nữ tham gia phong trào thời đó, cô Giang và Cô Bắc bắt đầu hoạt động cách mạng từ năm 16, 18 tuổi. Ðời trước hay đời nay, tuổi trẻ nước ta không bao giờ thiếu người hào kiệt.
Nhìn hình ảnh hai bị cáo mặc đồng phục áo trắng, quần xanh như các học sinh, ai cũng cảm phục thái độ bình tĩnh của hai bạn trẻ đứng giữa rừng công an, trong phiên tòa cộng sản. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Ðinh Nguyên Kha kể rằng, “Các con rất thoải mái, hiên ngang, ngẩng cao đầu. Hai con ngồi nhìn thẳng lên thẩm phán, không cúi mặt.” Họ đúng là thế hệ thanh niên không cúi đầu, làm đúng như câu thơ của Nguyễn Ðắc Kiên: “Hãy ngẩng mặt!” Bà Liên cho biết Kha thản nhiên “nói nó chống Ðảng thì không phạm tội... bản cáo trạng xem việc chống Ðảng là phạm tội thì nó không biết, vì không có luật nào nói như vậy.”
Bà Nguyễn Thị Nhung kể cô Phương Uyên, con gái bà, tự biện hộ nói rằng, “Tôi là một sinh viên có lòng yêu nước.
Nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước!” Bà Nhung cho biết cô con gái đã giải thích, “Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước.” Nhưng cô cũng nói, hành động của cô “xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn.”
Riêng thái độ hiên ngang của hai bạn trẻ trước tòa án cũng đã “giúp cho xã hội tốt đẹp, tươi sáng hơn.” Thanh niên Việt Nam từ nay có thể nhìn thấy tấm gương của họ để tự hỏi chính mình phải làm gì giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.
Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên chắc chưa có dịp đọc lịch sử phiên tòa xử các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Ðảng năm 1930. Các vị liệt sĩ đời xưa đã chọn con đường bạo động nhưng trước tòa án thực dân Pháp họ cũng thản nhiên và khẳng khái như vậy. Một người nói: “Tôi chẳng có chân trong hội kín, hội hở nào cả! Tôi chỉ là người Việt Nam! Tôi có bổn phận phải đánh đuổi người Pháp để khôi phục lại nền độc lập cho tổ quốc tôi.” Chẳng khác gì Ðinh Nguyên Kha nói “Tôi không chống dân tộc, tôi chỉ chống Ðảng Cộng sản.” Một đảng viên Quốc Dân Ðảng khác còn nói: “Tôi không được tham dự vào cuộc tấn công đó, vì tôi đau mắt; nếu tôi không bị đau mắt nặng, thì tôi nhất định cũng làm như mọi người khác.” Một bị cáo mới 15 tuổi được gọi ra, đã khai: “Tôi giúp anh tôi làm một điều theo công lý.”
Ngày nay, các bạn trẻ không chọn con đường bạo động, vì phương pháp bất bạo động sẽ có hiệu quả hơn. Những luật sư Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, hay các bạn trẻ Huỳnh Thục Vi, Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Chí Dũng đều chọn con đường tấn công ách chuyên chế bằng lý luận, bằng vận động người chung quanh, và sử dụng ngay hệ thống luật pháp của chế độ để thay đổi chế độ. Các luật sư của Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên đã dùng lý lẽ để bắt buộc ủy viên chính phủ phải rút lại “tội chống Trung Quốc” trong bản buộc tội. Bằng hành động này, người ta đã chứng minh cho cả nước thấy Cộng sản Việt Nam đã coi việc “chống Trung Quốc” tức là “chống Ðảng,” không khác gì họ tự nhận chỉ là một chi nhánh của Ðảng Cộng sản Trung Hoa!
Ðiều đặc biệt là trong phiên tòa ở Long An vừa qua, chính quyền đã không dám trưng ra những “tang vật” dùng để buộc tội hai sinh viên Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Tang vật rõ ràng nhất là những bản truyền đơn ngắn mà các sinh viên này đã in ra để phân phát. Chính quyền cộng sản không dám cho đọc trước tòa án những lời kêu gọi của “Tuổi Trẻ Yêu Nước” như các lời sau đây:
“Hỡi đồng bào Việt Nam hãy đứng lên chống lại bạo quyền độc tài Cộng sản Việt Nam... hãy đứng lên vì Tự Do, Nhân Quyền và Chân Lý!... Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!” Và “Trung Quốc đang từng bước thôn tính nước ta, bọn chúng đang chiếm dần biển đảo của ta... Ðảng Cộng sản Việt Nam dâng hiến Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc và hàng ngàn cây số vuông đất biên giới cho Trung Quốc... Tổ quốc đang lâm nguy! Toàn dân hãy đứng lên cứu nước!”
Chắc chắn các tờ báo trong nước không dám đăng lại những lời tố cáo và kêu gọi này, dù đó là “tang vật” dùng để kết tội hai sinh viên từ 6 đến 8 năm tù!
Nhưng các người quan sát phiên tòa Long An vừa qua cũng nhận thấy nhiều điều bất thường trong cung cách của những người nắm quyền tại địa phương. Có người nhận thấy “nhà cầm quyền Long An tỏ ra ‘dễ chịu’ hơn các nơi như ở Sài Gòn, Hà Nội...” Thí dụ, “Luật sư có nhiều thời gian hơn, gia đình gặp được người thân bị giam giữ trước khi ra tòa... Lần đầu tiên ở Việt Nam kiểm soát viên chấp nhận đuối lý trước luật sư và rút lại việc truy tố 2 nạn nhận tội 'chống Trung Quốc'.” Ngoài ra, “dù có bắt bớ một số người dự tính tham dự phiên tòa nhưng lần này có vẻ như là công an Long An không dám tàn độc như công an Sài Gòn hay ở Hà Nội.” Chính những người đang nắm quyền cũng biết chế độ đang “đuối lý;” và mặc dù phải theo lệnh tuyên án nặng nề, họ cũng không muốn mang tiếng nhơ trong lịch sử! Ðây cũng là một dấu hiệu cho thấy chế độ đang dần dần suy sụp ngay từ bên trong. Khi nào chính lực lượng công an cũng từ chối không tham dự các cuộc cướp đất, không đàn áp biểu tình vì yêu nước, thì dấu hiệu càng rõ ràng hơn.
Chúng ta vừa mới có dịp tưởng nhớ những anh hùng tuẫn tiết ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Hồn thiêng Hải quân Ðại tá Ngụy Văn Thà, các vị liệt sĩ bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, và các vị Tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vĩ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng có thể ngậm cười nơi chín suối khi biết thế hệ thanh niên sinh sau năm 1975 vẫn giữ vững tinh thần yêu nước, yêu tự do, bất khuất và hiên ngang trước bạo quyền. Những liệt sĩ Phó Ðức Chính, Nguyễn Thái Học, Cô Giang và Cô Bắc cũng phải hãnh diện về đám con cháu đời sau vẫn theo gương sáng của tổ tiên. Ðúng như Nguyễn Trãi khẳng định, nước Ðại Việt chúng ta “Dẫu mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có.” Chúng ta có thể vững lòng tin tưởng rằng thế hệ trẻ ngày nay không phải là một “thế hệ cúi đầu” chịu nhục.