Hoàng Duy Hùng, nghị viên thành phố Houston đã về Việt Nam từ 22 Tháng Ba đến 7 Tháng Tư theo lời mời của thứ trưởng ngoại giao, kiêm chủ tịch Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt ở Nước Ngoài Nguyễn Thanh Sơn.
Những phát biểu trong và sau cuộc công du của Hoàng Duy Hùng đã gây nhiều tranh cãi.
Hoàng Duy Hùng, nghị viên thành phố Houston
Trong suốt chuyến công du, ông Hùng đã không hề gặp gỡ nói chuyện với ai trong những người được xem là bất dồng chính kiến với chế độ. Ông được đưa rước “chỉn chu” tới những nơi cần thăm, trong đó có cuộc ghé tư gia của cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Trên tờ Thanh Niên, ông Hùng nói:
“Tôi thấy Việt Nam đang phát triển vùn vụt, dầu còn thua Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Hàn Quốc, nhưng quả thật đang thay da đổi thịt, đang phát triển thật sự. Sài Gòn nay đã phát triển thành một khu vực đô thị với nhiều nhà chọc trời, và khu vực đô thị hóa của Sài Gòn bây giờ rộng có lẽ gấp 10 lần trước năm 1975”.
Ông Hùng thoạt nhìn bề ngoài nên ngợp, không thấu hiểu bản chất của sự thay đổi này.
Chỉ trong giai đoạn 2001-2005, tổng vốn đầu tư công khoảng 286 nghìn tỉ đồng, chiếm trên 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giai đoạn 2006-2010 ước đạt trên 739 nghìn tỉ đồng, khoảng trên 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Ngoài ra đầu tư công, 38 năm qua, đầu tư từ vốn phát triển DOA, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài FDI và tiền của bà con ở nước ngoài gửi về đã lên tới 10 tỷ USD/năm. Không thay đổi như thế thì mới là lạ.
Ðầu tư công đã chứng tỏ kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí, thất thoát, làm tăng nhanh nợ nần của đất nước, mà Vinashin, Vinalines là những điển hình. Nếu như cuộc xây dựng không bị hệ thống đặc quyền, đặc lợi, quan liêu, tham nhũng chi phối, không bị rút ruột công trình, trong xây dựng tới 30-40%, thì Việt Nam còn phát triển hơn gấp nhiều lần so với hiện tại. Ðây chẳng phải là sự tài giỏi gì của đảng Cộng Sản Việt Nam (ÐCSVN), mà ngược lại, chính họ đã trục lợi trong các dự án đầu tư, làm hao kiệt tiềm lực của đất nước.
Dù thay đổi nhiều so với thời gian cách đấy mấy chục năm (tất nhiên!) nhưng Việt Nam vẫn là một xã hội nghèo nàn và lạc hậu so với các nước trong khu vực, là thực tế rõ ràng nhất. Ðất nước bị cai trị bởi một băng đảng độc quyền, với đặc quyền, đặc lợi, phản bội lại lợi ích của người lao động và chủ quyền an ninh của đất nước bị Trung Cộng đe dọa.
Cũng trên tờ Thanh Niên ông Hùng nói về Cồn Dầu:
“Tôi tiếp xúc với Ðức Cha Châu Ngọc Tri của Ðà Nẵng và Linh Mục Vũ Dần là lãnh đạo của giáo xứ Cồn Dầu thì tôi được thông tin không có vấn đề đàn áp tôn giáo trong vụ Cồn Dầu mà chỉ là tranh chấp giá cả đền bù đất đai. Thông tin này rất quan trọng đối với tôi vì Houston kết nghĩa với Ðà Nẵng mà thành phố kết nghĩa lại có đàn áp tôn giáo thì còn mặt mũi nào cho Houston.”
Ðây là một cách nhìn sai lệch. Ðúng là tranh chấp đất đai, nhưng đất đai này của bà con giáo dân từ lâu đời. Ðặc biệt là nghĩa trang Cồn Dầu, tồn tại 100 năm nay, có nguy cơ bị xóa số, trong khi nhiều giáo dân có chủ quyền sở hữu. Ðàn áp, cưỡng chế, thu hồi đất đai, buộc những người giáo dân phải lìa bỏ mảnh đất của họ ra đi, không phải là đàn áp tôn giáo ư?
Ông Hùng không gặp những người giáo dân bị đánh đập tàn nhẫn, mà đi gặp lãnh đạo giáo xứ Cồn Dầu thì làm sao biết được thực tế, chưa nói là lãnh đạo giáo xứ rất có thể đã bị quốc doanh hóa hoặc bị khống chế.
Về hòa hợp hòa giải dân tộc, ông Hùng nói:
“Ðúng, cuộc chiến đã chấm dứt năm 1975, gần 4 thập niên rồi, nhưng lòng người vẫn không thống nhất. Ðiều cản trở người ta không mở lòng ra với nhau vì ai cũng cho rằng mình đúng, mình có chính nghĩa, bên kia sai, và bên kia không có chính nghĩa. Thật ra, cuộc chiến Quốc-Cộng là một tai nạn đau thương trên mảnh đất hình chữ S của Việt Nam và đã đến lúc chúng ta cần tìm một giải pháp để khép lại chương sử đau thương đó.”
Vẫn lời ông Hùng: “Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cả hai nên nói chuyện để tìm ra một giải pháp dung hòa, và phe chống đối không nên chỉ khai thác tối đa mặt trái mà không chịu công nhận những giá trị tích cực khác của đảng cầm quyền. Nếu phe chống đối cứ tiếp tục con đường đó thì tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền sẽ không bao giờ chịu nhường bước đối thoại vì họ đang ở thế mạnh nên nhu cầu để đối thoại với người bất đồng không có là bao. Phe chống đối nói rằng đã thế thì họ cứ chống và tìm cách lật đổ”.
Tiếp tục: “Câu hỏi được đặt ra đó là có lật đổ nổi không? Cả Việt Nam Cộng Hòa được Mỹ hỗ trợ đàng sau cũng không làm nổi, huống chi tình thế thay đổi và Mỹ lại hỗ trợ cho nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay! Giai đoạn 1975-1993 là thời gian Việt Nam chưa phát triển và còn bị bao vây tứ bề, dân ở trong nước có gốc gác Việt Nam Cộng Hòa còn chống đối dữ dội, năm 1989 Ðông Âu và năm 1991 Liên Xô sụp đổ, ấy thế chế độ Việt Nam vẫn vững mạnh, thì bây giờ phe chống đối lấy gì mà lật đổ? Lòng dân ư? Tôi tiếp xúc và tôi thấy đa phần dân chúng ở Việt Nam chỉ muốn yên ổn phát triển làm ăn và họ muốn ôn hòa đối thoại để cải tiến những mặt trái của chính trị và xã hội”.
Khép lại đau thương, không ai khác, thuộc về chế độ Cộng Sản. Họ vẫn mừng vui chiến thắng “giải phóng” miền Nam ầm ĩ với cờ hoa bạt ngàn những dịp 30 Tháng Tư đó sao?
Giữa người Việt ba miền không hề có khoảng cách, không cần bất cứ một sự hòa giải nào cả, người ta vẫn sống với nhau bình thường.
Người Việt ở nước ngoài cũng vậy, không hề có mâu thuẫn gì với đồng bào trong nước. Hàng trăm ngàn người hàng năm vẫn về thăm quê hương. Giữa họ và người trong nước không cần hòa giải. Họ chỉ đối kháng với ý thức hệ và cách suy nghĩ giáo điều, bảo thủ của nhà nước Cộng Sản. Nếu có dân chủ, tự do, người ta sẽ sống hòa hợp, dù vẫn tồn tại bất đống chính kiến. Không bao giờ hết bất đồng chính kiến trong một xã hội, nhưng phải có môi trường tự do, dân chủ để thể hiện.
Còn đối thoại? Sự “đối thoại” của những người Cộng Sản chỉ nhằm thực thi chính sách tuyên truyền, có lợi cho chế độ. Ðã 38 năm rồi mà họ vẫn bên ta, bên “ngụy”, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, “thế lực thù địch” nên mới tạo ra chia rẽ, hận thù.
Những người Cộng Sản không thèm nghe ai khi thấy phương hại đến độc quyền lãnh đạo của họ, cho dù những lời khuyên đó có mang lại lợi ích cho đất nước đến đâu. Rất nhiều trí thức trong nước đã có ý kiến, can ngăn, ví dụ dự án bauxite Tây Nguyên, nhưng họ đã bỏ ngoài tai, vẫn tiến hành và bây giờ hậu quả là bao nhiêu bê bối, chẳng biết bao giờ có lãi. Trong khi đó người Trung Quốc “nằm vùng” trên mảnh đất chiến lược.
Quan điểm phải hợp tác với Cộng Sản để thuyết phục, làm thay đổi cộng sản, tìm cách nói cho Cộng Sản nghe, đã chứng tỏ tính chất xuẩn ngốc của nó qua hậu quả việc làm của rất nhiều người từ hàng chục năm nay. Chưa có vị “quân sư” nào làm Cộng Sản thay đổi được bản chất, ngược lại, họ thường bị phản phé, ngược đãi và chịu chung một bi kịch giống nhau.
Từ Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường thời kháng chiến chống Pháp, tới các trí thức miền Nam như Nguyễn Hộ, tới Lê Hiếu Ðằng, Huỳnh Nhật Tấn... đã cho thấy sự phản bội, lật lọng của chế độ Cộng Sản hôm nay.
Những Việt kiều về Việt Nam đầu tư như Trịnh Vĩnh Bình (Hòa Lan), Trần Trường (Mỹ)... đã vỡ mộng. Ông Nguyễn Cao Kỳ ước vọng sau khi chết được chôn ở quê nhà Sơn Tây cũng đã bị bác bỏ.
Tiến Sĩ Nguyễn Ðăng Hưng, Việt kiều Bỉ đã viết:
“Tôi là người luôn lạc quan và luôn tìm cách vận động Việt kiều về xây dựng đất nước. Tuy nhiên, sau 10 năm đúc kết Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có thể thấy việc thu hút Việt kiều về xây dựng đất nước chỉ còn là một khẩu hiệu thiếu thực chất, thiếu nội dung...”
Ông Hùng cũng nói về mô hình ÐCSVN tách ra làm hai đảng trong một thể chế phân quyền tam lập, như là một liệu pháp dân chủ.
Sống tại Mỹ mà ông Hùng chẳng hiểu gì về việc lưỡng đảng của chế độ dân chủ của Mỹ. Có rất nhiều đảng phái hoạt động trong xã hội Mỹ, song song với các tổ chức phi chính phủ. Quá trình dân chủ của xã hội dân sự Mỹ đã sàng lọc và lựa chọn qua bầu cử tự do hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, những đại diện có lá phiếu cao nhất vào Quốc Hội.
Cũng như ở Ba Lan, sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, có tới hơn một ngàn đảng phái chính trị đăng ký hoạt động. Nhưng khi bầu cử, mỗi đảng phải tuân thủ thể lệ bầu cử. Tại các khu vực bỏ phiếu, người của mỗi đảng phải có ít nhất năm ngàn phiếu cử tri ủng hộ thì mới được ghi danh. Qua hơn hai thập niên dân chủ, sự chọn lựa của cử tri đã loại dần các đảng phái nhỏ, không có chương trình hành động. Rốt cuộc trong hơn 80 đảng phái còn hoạt động, chỉ ba đến năm đảng được bầu vào Quốc Hội.
Tách ra hai đảng mà thực chất vẫn duy trì một bộ máy cầm quyền độc tài, chuyên chế thì chẳng phải là một xã hội dân chủ, dù được trang bị bằng đủ các ban bệ. Như nước Nga của Putin. Không có bầu cử tự do và báo chí tự do, mọi cấu trúc dân chủ đều là giả hiệu.
Tóm lại, cái nhìn của ông Hùng có thể có thiện chí nhưng phiến diện, nếu không nói là ngây thơ.
Chỉ khi nào có một phong trào tranh đấu quần chúng trong nước đủ lớn mạnh, khi đó mới có thể nói đến đối thoại. Cộng Sản chỉ nhân nhượng và đối thoại khi bị áp lực dồn vào chân tường.