... hôm Thứ Ba, trong bản phúc trình thường niên cho Quốc Hội về “Quyền lực của Trung Quốc”, Ngũ Giác Ðài lần đầu tiên đã nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm của một số tấn công tin tặc vào Hoa Kỳ.
Nếu cứ nói chuyện Trung Quốc mãi hẳn độc giả nghĩ tôi bị ám ảnh vì Trung Quốc. Khổ một nỗi tuần này có quá nhiều chuyện đáng nói về Trung Quốc nên có lẽ bị ám ảnh cũng phải.
Trước hết, hôm Thứ Ba, trong bản phúc trình thường niên cho Quốc Hội về “Quyền lực của Trung Quốc”, Ngũ Giác Ðài lần đầu tiên đã nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm của một số tấn công tin tặc vào Hoa Kỳ.
Bản phúc trình viết “Năm 2012, nhiều hệ thống computer trên thế giới, kể cả những hệ thống sở hữu của chính phủ Hoa Kỳ, tiếp tục là mục tiêu của các vụ đột nhập, một số vụ có vẻ có nguồn gốc trực tiếp từ chính phủ và quân đội Trung Quốc. Những vụ đột nhập này tập trung vào việc lấy thông tin đem đi. Trung Quốc đang sử dụng khả năng khai thác của hệ thống vi tính để hỗ trợ cho việc thu thập tin tức tình báo đối với các khu vực ngoại giao, kinh tế, và khu vực kỹ nghệ căn bản quốc phòng để hỗ trợ cho các chương trình quốc phòng của Hoa Kỳ. Những tin tức là mục tiêu bị tấn công có tiềm năng có ích cho kỹ nghệ quốc phòng, các ngành kỹ nghệ kỹ thuật cao, các nhà làm chính sách Trung Quốc muốn tìm hiểu về sự suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về các vấn đề căn bản về Trung Quốc, các nhà thảo kế hoạch quốc phòng muốn xây dựng một chân dung của các hệ thống phòng vệ của các hệ thống Hoa Kỳ, quân nhu tiếp liệu và những khả năng quân sự vốn có thể được khai thác trong một cuộc khủng hoảng. Mặc dầu chỉ riêng việc này cũng là một quan ngại nghiêm trọng, việc tiếp cận và các khả năng cần thiết cho việc đột nhập này cũng giống những khả năng cần thiết để tổ chức các cuộc tấn công vào các hệ thống computer.”
Lời văn khúc mắc đó thực sự muốn nói là Bắc Kinh đã sử dụng những khả năng tin học tinh vi để đột nhập, lấy đi và tìm hiểu những tin tức tối mật của Hoa Kỳ để hiểu rõ sự suy nghĩ, cách tính toán và những giải pháp mà các lãnh tụ Hoa Kỳ đã có về chính Trung Quốc. Ðúng binh pháp Tôn Tử, Bắc Kinh qua các cuộc tấn công tin tặc này, đã tìm cách bảo đảm là họ biết rõ kẻ địch.
Nhưng điều còn đáng lo ngại hơn nữa là bản phúc trình phác họa ra một đối thủ đáng sợ và đầy tổ chức, sử dụng nhiều phương thức để đạt được đủ thứ kỹ thuật, từ công việc nhà nước đến sinh viên đến cả những điệp viên.
Bản phúc trình viết “Trung Quốc tiếp tục lợi dụng đầu tư ngoại quốc, doanh nghiệp liên doanh, trao đổi giữa các nhà khoa bảng, kinh nghiệm của những sinh viên Trung Quốc trở về nước và những nhà nghiên cứu, và gián điệp do nhà nước tổ chức về kỹ nghệ và kỹ thuật để gia tăng khả năng kỹ thuật nhằm nâng cao mức độ chuyên môn hỗ trợ cho các cuộc nghiên cứu quân sự.”
Nói cách khác, Bắc Kinh đã sử dụng đủ mọi hình thức, từ đột nhập hệ thống computer, đến lợi dụng các trao đổi văn hóa, thương mại và cả đến các sinh viên, nhà nghiên cứu để đánh cắp kỹ thuật.
Dưới con mắt của các lãnh đạo Ngũ Giác Ðài, sự phổ biến của hoạt động gián điệp của Bắc Kinh nghiêm trọng hơn là hành động của Moscow trong những năm còn Chiến Tranh Lạnh. Quả là Liên Xô có tìm đủ cách để lấy được kỹ thuật của Hoa Kỳ và Tây phương, nhưng đa số cố gắng của họ tập trung vào thu thập những tài liệu đã được phổ biến qua các sách vở tập san nghiên cứu.
Một nhân vật của Ngũ Giác Ðài đã đơn cử một thí dụ để giải thích “âm mưu thâm độc” của Trung Quốc. Cùng ngày với việc Bộ Quốc Phòng phổ biến bản phúc trình, ở Canada, cảnh sát liên bang cáo buộc hai khoa học gia của chính phủ về tội buôn lậu những vi trùng nguy hiểm và rất dễ lây. Một trong hai người đó là một công dân Trung Quốc làm việc cho Cơ Quan Kiểm Soát Thực Phẩm Canada. Tiến Sĩ Klaus Nielsen đã bị bắt khi ông đang đi ra phi trường Ottawa với trong người có 17 chai vi trùng brucella sống. Loại vi trùng này làm nhiễm trùng hệ thống sinh sản, khớp và tuyến nhũ cũng như khả năng truyền giống cho loài trâu bò. Ða số nó chỉ tấn công trâu bò, hươu nai và ngựa, nhưng nó có thể truyền sang cho người và tạo nên những triệu chứng như là bị cúm. Hiện nay không có vaccine chống lại vi trùng này và cách duy nhất là giết các con vật bị nghi trúng bệnh. Ðiều mỉa mai là ông Nielsen đã được tưởng thưởng vì năm 2006 ông đã tìm ra một cách thử nghiệm nhanh loài vi trùng này trong trâu bò. Ông Nielsen đã ra tòa trong Tháng Tư, nhưng khi tòa án đưa ra trát bắt bà Wei Ling Yu, nhà khoa học thứ nhì trong cuộc nghiên cứu này thì bà Wei đã cao bay xa chạy. Nhân vật của Ngũ Giác Ðài nói “Ðến cả vi trùng họ cũng không từ!”
Cũng khoảng ngày 6 Tháng Năm, báo chí trong vùng Ðông Á loan tin là một đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc đã khởi hành từ đảo Hải Nam để đi đến quần đảo Trường Sa. Ðoàn tàu này gồm 32 con tàu đánh cá trọng tải lớn, đã khởi hành từ Hải Nam vào sáng hôm Thứ Hai. Tháp tùng 32 con tàu này là một tàu 4,000 tấn mang theo lương thực nhiên liệu và một con tàu 1,500 tấn có phương tiện chế biến. Theo đài truyền hình nhà nước CCTV thì đoàn tàu này sẽ mất bốn ngày để đến Trường Sa.
Thực ra đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh gửi một “hạm đội ngư thuyền” xuống đánh cá ở vùng Trường Sa. Việc này họ đã làm năm ngoái. Ðiều đáng chú ý là trong bản tin của Tân Hoa Xã còn thêm một điều úp mở khi nói rằng đoàn tàu này có sự yểm trợ của các lực lượng an ninh. Và theo các chuyên gia quân sự, hình ảnh trên CCTV cho thấy những con tàu gọi là của lực lượng an ninh đó chính là chiến hạm của Hải quân của Giải Phóng Quân. Ðó là một bước leo thang nữa của Bắc Kinh.
Và đến giữa tuần thì đột nhiên một bài báo của hai sử gia từ Viện Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội Trung Quốc, vốn đã được phổ trên báo chí Trung Quốc cả mấy tuần này, đột nhiên xuất hiện trên Nhân Dân Nhật Báo. Bài viết dài dòng của hai ông Trương Hải Bằng và Lý Quốc Cường là để biện minh cho sự việc là quần đảo Lưu Cầu mà tiếng Nhật là Ryukyu trong đó có đảo lớn nhất là Okinawa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Lý luận của hai ông căn bản dựa trên sự việc là trước khi thuộc về tay Nhật Bản, quần đảo Ryukyu là một vương quốc độc lập, Vương quốc Lưu Cầu. Và điều giúp hai ông sử gia này khẳng định chủ quyền là vì đã có thời Vương quốc Lưu Cầu là một chư hầu của Trung Quốc.
Ðúng vậy, biện minh của họ là tất cả nhưng quốc gia “chư hầu” của Trung Quốc là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Chả trách chính phủ Nhật Bản nổi nóng. Ðứng về phương diện sắc tộc, phong tục, tập quán thì tuy là một vương quốc độc lập nhưng Lưu Cầu gần Nhật Bản hơn là Trung Quốc. Còn việc một vương quốc Lưu Cầu đã có thời xin triều cống Trung Quốc thì cũng chẳng có gì là đáng kể cả. Nếu Trung Quốc viện dẫn cớ đó để đòi chủ quyền thì còn có nhiều quốc gia khác nữa họ cũng có thể đòi chủ quyền. Một trong những quốc gia đó chính là Việt Nam của chúng ta mà cho đến cuối nhà Thanh vẫn còn chịu ấn phong của triều đình Trung Quốc. Ở xa hơn nữa, Miến Ðiện thời còn Vương quốc Mandalay cũng đã là một nước gọi là “chư hầu”. Ấy là chưa kể Hàn Quốc cũng có thời là chư hầu.
Một quốc gia muốn làm cường quốc, muốn làm bá chủ nhưng không khước từ bất cứ một hành động nào dù lén lút, tiểu nhân, trong khi bất chấp những lẽ phải mà mọi quốc gia trong thế giới ngày nay đều chấp nhận để có một thế giới ổn định thì quả là một quốc gia nguy hiểm lắm thay.