main billboard

Công an CSVN ngang tàng, độc ác – là vì chủ trương của Đảng và Nhà Nước càng ngày càng tàn ác với dân. Người dân nào vô phước lọt vào tay công an thì từ chết tới bị thương.


500 su causieu
500 tăng ni cầu siêu cho ông Trần Đại Quang hôm 23 Tháng Chín, 2018. (Hình: Kao Nguyễn /AFP/Getty Images)


“Hỡi các viên đá cuội, hãy nổi lên!

Hỡi dầu ơi, hãy chìm xuống!”(*)

Theo bản tiểu sử chính thức, Trần Đại Quang xuất thân trong một gia đình, cha làm nghề đơm đó bắt cá trên sông, còn mẹ ông làm nghề bán chuối. Năm 1973, từ một học viên cảnh sát lúc 16 tuổi, Trần Đại Quang đã leo lên đến chức Chủ Tịch Nước (Tổng Thống) năm 2016. Trong tiểu sử chính thức, không thấy ghi thời gian đi học ngày nào nhưng có bằng Cử Nhân (Đại Học An Ninh Nhân Dân,) Cử Nhân (Đại Học Luật Hà Nội), Tiến Sĩ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ở trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, rồi Bộ Chính Trị, Bộ Trưởng Công An rồi Chủ Tịch Nước.

Điều đặc biệt chúng tôi muốn nói hôm này, là trong hồ sơ phần dân tộc và tôn giáo của Trần Đại Quang có ghi rõ: “Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không,” thì hà cớ gì lúc “chuyển sang từ trần,” 500 tăng ni quốc doanh lại linh đình tổ chức tưởng niệm, cầu siêu cho ông?

Nhìn hình ảnh ông đang gục mặt “ăn năn” dưới chân tượng Phật lúc tới thăm chùa Mahabodhi ở bang Bihar, Ấn Độ, mang khăn vàng thay vì choàng “khăn quàng đỏ,” trong cổ tay lại đeo chuỗi hạt bồ đề, người ta nghĩ rằng ông là một Phật tử thuần thành, là một loại “buông dao đồ tể” hay để chứng tỏ “con chim sắp chết cất tiếng hót bi ai,” chứng tỏ ông là người thánh thiện, có Phật tánh.

Báo chí cũng nói đến việc vào lúc cuối đời Trần Đại Quang đã giúp đúc tượng Phật cho chùa Việt Nam Quốc Tự Saigon và cúng cho chùa Vĩnh Nghiêm một bộ “tam sự cách tân” (lư trầm và hai cây đèn) trị giá 19 tỷ (khoảng $800,000).

Đây là một loại tu hay cúng dường lấy phước, như chúng ta thường thấy trong xã hội này, như một việc trao đổi giữa Thần Thánh và con người phàm tục, hay là một loại sám hối, ăn năn.

Đây chính là một sự “đóng góp to lớn” mà ông Thích Trí Quảng, Trụ trì Việt Nam Quốc Tự đã không tiếc lời ca ngợi: “Chủ tịch Trần Đại Quang là người đã có nhiều đóng góp to lớn, có công lao trong việc thắt chặt mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, các tôn giáo để tạo sự đoàn kết toàn dân, sức mạnh của toàn dân tộc!”

Chúng ta cũng biết năm 2009 khi xảy ra vụ tranh chấp tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng, Trần Đại Quang là Trung Tướng Thứ Trưởng Công an và báo Công An đã lên án Sư Ông Thích Nhất Hạnh có ý đồ mượn tôn giáo để làm chính trị, và triệt hạ thanh thế cũng như ngăn đường về của ông.

500 sư sãi tập họp để làm lễ cầu siêu cho Trần Đại Quang là thể hiện ý nghĩa mong cầu, cho linh hồn ông này sớm siêu thoát, tức là dùng phương thức nào đó để giúp cho vong linh của người đã chết thoát khỏi các cảnh giới khổ đau trong địa ngục. Nhưng đạo Phật cho rằng nghiệp đã gieo thì trăm, ngàn kiếp vẫn không mất. Khi đủ nhân duyên nó sẽ xuất hiện. Ai gây quả ác thì sẽ nhận quả ác, ai tạo quả lành sẽ nhận quả lành một cách công bằng, không thiên vị.

Sinh thời Trần Đại Quang xuất thân và thành đạt vượt bực trong ngành công an làm sao tránh được việc làm ác, để ngày nay có thể siêu thoát, tránh cảnh tai ương trong địa ngục.

Công an CSVN ngang tàng, độc ác – là vì chủ trương của Đảng và Nhà Nước càng ngày càng tàn ác với dân. Người dân nào vô phước lọt vào tay công an thì từ chết tới bị thương. Theo báo cáo của Bộ Công An từ 2012-2014, trong vòng ba năm (2011-2014) đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc, vì lý do bệnh lý và tự sát. Nếu 500 sư quốc doanh mà cầu siêu cho Trần Đại Quang khỏi xuống địa ngục thì quả là mâu thuẫn với giáo lý đạo Phật.

Chuyện xưa kể, một ngày nọ có chàng trai trẻ tìm đến Đức Phật khóc mà nói rằng:

– “Cha con mới qua đời, xin Đức Phật hoan hỷ giúp cho cha con! Ngài là đấng toàn năng, chắc chắn ngài có thể làm được, như các vị Bà La Môn cúng tế, phát giấy xá tội, cử hành những nghi thức cúng lễ cầu siêu cho người quá cố để người qua đời sẽ được siêu thăng về Thiên Quốc.”

Không ngần ngại, Đức Phật nói: “Nhà ngươi hãy đi mua hai cái chậu đất nung, đổ vào chậu thứ nhất đầy đá cuội, chậu thứ hai đầy dầu cho ta.”

Chàng trẻ tuổi lấy làm sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đã nhận lời làm lễ cầu siêu cho cha, nên đã tức tốc đi chợ mua hai cái chậu bằng đất nung, bỏ đá cuội vào một chậu và đổ đầy dầu vào chậu kia.

– “Bây giờ bịt miệng cả hai chậu lại, xong bỏ xuống hồ nước.” Chàng trai trẻ làm xong, hai chậu chìm xuống dưới đáy hồ.

Đức Phật lại nói:

– “Đem cái gậy ra đây, chọc thủng cả hai cái chậu cho ta!”

Chàng trai trẻ rất lấy làm sung sướng, nghĩ rằng đức Phật đang cử hành những nghi lễ bí ẩn để cầu siêu cho linh hồn cha hắn.

Chàng trai trẻ đã dùng cây gậy thọc bể hai chậu. Lập tức, chậu đựng dầu bị vỡ, dầu nổi lều bều trên mặt hồ. Chậu kia đựng những hòn đá cuội vẫn nằm yên dưới đáy.

Rồi Đức Phật nói:

– “Bây giờ nhà ngươi hãy đi mời các thầy tế đến đây và nói với họ hãy tụng kinh và cầu nguyện: Hỡi các viên đá cuội, hãy nổi lên và hỡi dầu kia, hãy chìm xuống! Chúng ta sẽ thấy việc gì xảy ra.”

– “Thưa Ðức Phật, Ngài nói đùa với con! Không thể nào như thế được! Theo luật tự nhiên, những viên đá cuội nặng hơn nước, chúng chìm xuống đáy. Còn dầu nhẹ hơn nước, chúng nổi lên, chẳng bao giờ có thể chìm xuống được!”

– Phải! Nếu trong suốt cuộc đời của cha ngươi, ông ấy đã làm những điều nặng như những viên đá cuội, cha nhà ngươi sẽ bị đọa, không ai có thể giúp cha nhà ngươi siêu thoát lên trên được? Và nếu tất cả việc làm của cha ngươi nhẹ như dầu, ông ấy sẽ được siêu thoát; chẳng ai có thể đày ông xuống địa ngục đâu!”

Này ông Trần Đại Quang! Dù ông cúng “nhang đèn” cho chùa gần cả triệu đô la, hay Phật Giáo quốc doanh huy động 500 sư sãi, hay hết cả 50,000 tăng ni tại 17,000 cơ sở tôn giáo như các chùa, thiền viện, tự viện, tịnh xá, tịnh thất trên tất cả các tỉnh thành toàn quốc hiện nay, để cầu siêu cho ông, thì ông cũng như cục đá nặng tạo nhiều nghiệp ác, làm sao nổi lên được! (Huy Phương)

(1) Trong chuyện xưa gọi là bơ, nhưng mãi đến năm 1860 một kỹ sư người Thụy Điển – Carl Gustf Patrik De Laval mới phát minh ra máy tách bơ từ sữa.