Những cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam xuống cấp để còn chỉ được xem như là chỗ mua bán những món hàng quảng cáo và nơi cho đại gia chọn mặt… gửi tiền.
Một cuộc thi Hoa hậu tổ chức tại Sài Gòn, Việt Nam năm 2016. (Hình: Getty Images)
Vào đầu thế kỷ 20, nhà văn Lâm Ngữ Đường (1895-1976) nổi tiếng của Trung Quốc khi nói về văn hóa Đông và Tây Phương, đã có ý kiến, đừng cho rằng vai trò của người phụ nữ trong gia đình nuôi nấng dạy dỗ con cái là một nhiệm vụ thấp kém.
Ngày nay tuy ở phương Tây nữ quyền tuy có tăng trưởng, nhưng người phụ nữ Mỹ vẫn chịu thiệt thòi. Ông cho rằng, người phụ nữ phương Tây tìm đủ cách để làm vừa lòng nam giới, bằng cách săn sóc đến thân thể của họ cho đàn ông chiêm ngưỡng, trầm trồ.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường cho đó là một hiện tượng đặc biệt xảy ra trong một xã hội được chỉ huy bởi đàn ông, khi đàn bà ở trên sân khấu thì hở hang, gần như khỏa thân, trong khi cánh đàn ngồi dưới thì áo quần chỉnh tề “comple-cà vạt.” Các hí viện, chương trình ca nhạc khai thác sự hở hang, lõa thể của đàn bà.
Như chúng ta đã thấy, chưa bao giờ người ta khai thác thân thể, vóc dáng người phụ nữ như ngày nay từ hương thơm của các loại nước hoa, hàng nghìn loại phấn son, đến màu sắc, hình vẽ của móng tay, móng chân đàn bà và những kiểu thời trang gợi cảm và cả gợi dục.
Nghệ sĩ hay khán giả ca tụng đó là vẻ đẹp, nghệ thuật hay nét thẩm mỹ, nhưng những người khai thác chúng, các ông bầu show, giới quảng cáo cho đó là sự “gợi tình.”
Đầu thế kỷ này, các nhà quảng cáo thương mãi (ngày nay được đổi danh xưng là “nhà tài trợ”) luôn dùng vóc dáng của đàn bà để câu khách, mời mọc khách hàng đến với sản phẩm của mình. Chỉ riêng tại Việt Nam và ở các cộng đồng người Việt hải ngoại các ông bà bầu show ca nhạc thường đem các hoa hậu áo tắm vào chương trình và có nhu cầu biến các ca sĩ thành các thí sinh hoa hậu hở hang trên sân khấu. Có những chương trình, nhân danh nghệ thuật, vũ công đã có những độc tác gợi dục, như hình ảnh nam nữ nằm trườn lên nhau mà đạo diễn đã cố tình đem vào show để câu khách.
Câu chuyện từ nay, những cuộc thi hoa hậu tại Hoa Kỳ sẽ không còn phần thi áo tắm phải chăng là một bước tiến bộ lớn lao của nữ quyền.
Cơ quan tổ chức thi Hoa Hậu Mỹ, Miss America Organization, đầu Tháng Sáu năm nay đã loan báo quyết định sẽ bỏ phần thi áo tắm, có nghĩa rằng từ nay, phụ nữ dự thi hoa hậu, sẽ không còn được chấm điểm về phần thể hình, và theo quyết định trên, các cuộc thi hoa hậu từ nay cũng bỏ luôn phần thi áo dạ hội. Phần quan trọng cần được chú ý ở người phụ nữ chính là phần tài năng và và những đức tính tạo nên con người toàn diện.
Người ta lo ngại rằng, các cuộc thi hoa hậu từ nay sẽ có ít khán giả hơn, vì quý ông đi xem thi hoa hậu, phần lớn là để chiêm ngưỡng nhan sắc và thể hình của quý cô đi đứng, tạo dáng, biểu diễn trên sân khấu. Bà Gretchen Carlson, một cựu Hoa Hậu Mỹ, người đang đứng đầu hội đồng quản trị Miss America Organization, lại nhận định, phần thi áo tắm không phải là phần được nhiều người xem nhất và khán giả hiện nay, có khuynh hướng đi tìm các khả năng, trí thông minh và những gì thí sinh đã phục vụ cho cộng đồng thế giới.
Nhiều thí sinh dự thi cho biết họ cũng không muốn phải xuất hiện trong bộ áo tắm và giầy cao gót trên sân khấu. Đây là một quyết định khá táo bạo và mới mẻ, vì chúng ta cũng biết rằng các cuộc thi hoa hậu khởi đầu cách đây 100 năm tại thành phố Atlantic City, New Jersey, là cuộc thi áo tắm, nhằm thu hút du khách đến khu nghỉ mát.
Từ lâu, phong trào nữ quyền tại Châu Âu và Bắc Mỹ đã ảnh hưởng đến những cuộc thi hoa hậu, vì như vậy là xem thường giá trị của người phụ nữ, chỉ chú ý đến sự phô bày gợi cảm ở người phụ nữ. Cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức ở Luân Đôn năm 1970 bị những người biểu tình tấn công lên sân khấu bằng vũ khí bột mì.
Tại các quốc gia Hồi Giáo, đương nhiên việc phô bày thân thể của phụ nữ trong phần thi áo tắm là điều tối kị. Năm 2013, cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới tổ chức tại Indonesia, một nước có đa phần dân theo đạo Hồi cũng đã bị dân địa phương biểu tình phản đối.
Trong những năm gần đây, các kỳ thi Hoa Hậu Mỹ đã gặp phải sự chống đối về thi áo tắm, bị coi là không hợp với lối suy nghĩ của thời đại mới về phụ nữ. Năm 2008, số khán giả theo dõi chương trình thi Hoa Hậu Mỹ là 25.12 triệu người, gần 10 năm sau, con số chỉ còn 20.3 triệu người (giảm 20%.)
Việt Nam sau năm 1975, một nước Á Châu đang từ nghèo đói, lạc hậu bước ra, bỗng dưng vì nhu cầu quảng cáo (cho các nhà tài trợ), chạy theo thị trường và theo sở thích của một đám đông nông dân được mùa, “rủng rỉnh,” sang chảnh ra thành thị, trở thành một quốc gia lạm phát hoa hậu. Quá nhiều cuộc thi hoa hậu, hoa khôi khác được tổ chức ở Việt Nam như Hoa Hậu Phụ Nữ Việt Nam qua ảnh, Hoa Hậu Biển, Hoa Hậu Đại Dương, Hoa Hậu Bản Sắc Việt Toàn Cầu, Hoa Khôi Du Lịch Việt Nam, Hoa Khôi Ao Dài… chưa kể các cuộc thi hoa khôi cấp tỉnh, thành phố, khu vực như Hoa Hậu Miền Trung, Hoa Hậu Đồng Bằng Sông Cửu Long…
Việt Nam đã cử đại diện dự thi sắc đẹp quốc tế từ nhiều năm nay, có thể kể tên hàng loạt cuộc thi như: Miss World (Hoa Hậu Thế Giới), Miss Universe (Hoa Hậu Hoàn Vũ), Miss Earth (Hoa Hậu Trái Đất), Miss Grand International (Hoa Hậu Hòa Bình Thế Giới), Miss International (Hoa Hậu Quốc Tế), Hoa Hậu Siêu Quốc Gia, Hoa Hậu Xuyên Lục Địa, Hoa Hậu Hoàn Cầu, Hoa Hậu Du Lịch Thế Giới, Hoa Hậu Bikini Quốc Tế, Hoa Hậu Sinh Thái. Trong các cuộc thi này, Việt Nam đoạt được giải Á Hậu Sinh Thái năm 2017, Á Hậu Du lịch Hoàn vũ thế giới 2017, vào top 16 (!) Hoa Hậu Trái Đất, top 10 Hoa Hậu Hòa Bình năm 2017, nhưng truyền thông Việt Nam xem đó như là một “kỳ tích” đáng ca ngợi!
Báo chí Việt Nam dùng thành ngữ “chân dài, não ngắn” để mô tả những thí sinh hoa hậu chỉ biết trình làng “ba vòng” trời cho, ngoài ra là thất học, thiếu hiểu biết, trên sân khấu đã trả lời những câu rất ngô nghê, chọc cười thiên hạ còn vui hơn là câu chuyện ngớ ngẩn của một anh hề.
Về trình độ Anh Ngữ, ngay trong một cuộc thi sắc đẹp quốc tế dành cho nam giới được tổ chức ở Philippines, Hoa Hậu Đông Nam Á 2014 Vũ Trần Triều Thu được làm giám khảo, nhưng đọc một câu hỏi viết sẵn trong giấy cũng không xong, khiến cả hội trường ngẩn ngơ, không ngờ đến trình độ của một giám khảo lại tệ như vậy.
Trong cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ 2015 diễn ra tại Las Vegas năm 2015, thí sinh Việt Nam Phạm Hương đã chủ động tách hàng, bước nhanh về phía trước để có được vị trí đứng gần đương kim Hoa Hậu Hoàn Vũ. Báo chí Việt Nam lại ca ngợi hàng động này giúp Phạm Hương “có vị trí khá đẹp giúp cá nhân cô cũng như bảng tên Việt Nam không bị mờ nhạt giữa rừng hoa hậu.” Đây là một niềm “hãnh diện” đáng xấu hổ!
Những cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam xuống cấp để còn chỉ được xem như là chỗ mua bán những món hàng quảng cáo và nơi cho đại gia chọn mặt… gửi tiền. Cứu cánh của cuộc thi hoa hậu là những hợp đồng béo bở với các công ty, hoa hậu được lọt mắt xanh quý đại gia. Không cần phải học hành, đức hạnh, có ba số nhỏ to, đàn bà cũng có cuộc đời giàu sang, phú quý. Do vậy người ta có thể bỏ ra mọi thứ để mua cho được chức vị hoa hậu.
Tiếng tăm của các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam không còn mang vẻ đẹp của nghệ thuật. Trương Hồ Phương Nga, đạt danh hiệu hoa hậu người Việt tại Nga bị cáo buộc lừa đảo 16.5 tỷ đồng.
Thí sinh từng đoạt giải thưởng phụ của cuộc thi “Người Đẹp Tỏa Sáng 2013” là H.H.Y., bị bắt quả tang bán dâm giá ngàn đô. “Tú Bà” tổ chức đường dây người mẫu, là ca sĩ nghiệp dư bán dâm là Phạm Thị Thanh Hiền, người đoạt giải “Hoa Khôi Thời Trang Việt Nam 2017!” Võ Thị My Xuân, từng đoạt vương miện “Hoa Hậu Nam Mekong 2009,” bị bắt vì cầm đầu đường dây gái gọi khiến dư luận rúng động. Lê Thị Yến Duy, Hoa Khôi Thời Trang Bến Tre 2010 dính vào một vụ mại dâm nghìn đô!
Do vậy, hoa khôi, hoa hậu bị khinh nhờn, không còn được tôn trọng về phẩm cách.
Xác thịt phụ nữ trong thời xã hội chủ nghĩa dược vinh danh tối đa, không những công khai trong các cuộc thi hoa hậu, tình trạng mãi dâm tràn lan ở Việt Nam mà còn được phô trương như niềm hãnh diện, có tính cách tiêu biểu không thể thiếu trong cho những hoạt động hành chánh, công quyền hay sinh hoạt đảng phái hiện nay. Bằng chứng là trong những buổi lễ khánh thành tượng lãnh tụ hay những buổi lễ kết nạp đảng viên cộng sản mới long trọng, không thể thiếu các màn vũ hai mảnh gợi cảm dưới chân tượng “bác.”
Bộ không có “cái ấy” thì đất nước này thua sút hàng xóm láng giềng và “đảng ta” không còn là đảng hay sao?