Kim Jong Un cũng có thể lên ti vi khoe với dân Bắc Hàn rằng: Nước ta đã được công nhận là một cường quốc hạch tâm, ngồi nói chuyện ngang hàng với Mỹ! Xin đồng bào chịu khó nhịn đói lâu thêm chút nữa!
Donald Trump & Kim Jong Un
Năm 2014, cựu giám đốc an ninh James Clapper sang Bình Nhưỡng để đón hai người Mỹ bị Bắc Hàn bắt giữ. Ông được mời dự một bữa tiệc sang trọng 12 món. Ăn xong, họ nhất định bắt ông phải trả tiền, ông Clapper kể lại, không nói rõ ông chỉ phải trả phần các người Mỹ ăn hay trả cho cả người khác.
Ba ngày nữa, Tổng Thống Mỹ Donald Trump chắc sẽ được Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un mời ăn tiệc. Không biết ông Trump sẽ phải trả tiền bữa cơm không. Nhưng phái đoàn tiền trạm của Bắc Hàn đã nói đến chuyện ai sẽ trả tiền khách sạn khi ông Un đem cả đám tùy tùng đến Singapore!
Bắc Triều Tiên vẫn có thói quen để người khác trả tiền, ngay từ khi bắt đầu giao dịch với các vị tổng thống Nam Hàn trước đây. Tại Thế Vận Hội Mùa Đông năm nay ở Pyeongchang, chính phủ Nam Hàn đã chi $2.6 triệu cho nơi ăn chốn ở và di chuyển của các quan khách Bắc Hàn tới coi thi đấu, các cô gái ủng hộ viên đi theo vỗ tay, và một đoàn văn nghệ. Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế (IOC) thì phụ trách chi phí cho 22 lực sĩ của lãnh tụ tối cao Un.
Một khẩu hiệu mà gia đình họ Kim bắt dân miền Bắc phải tung hô là “Tự Chủ.” Chủ thuyết này được dùng để giải thích các chính sách bế quan tỏa cảng, và khuyến khích nhân dân nhịn đói, cho đảng có tiền làm bom hạch tâm và hỏa tiễn liên lục địa. Nhưng khi ra nước ngoài, nếu vòi được tiền ăn, tiền ở, thì nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn sẵn sàng ngửa tay ra.
Ông Joe Hagin và ông Kim Chang-son đang bàn bạc về nơi ăn chỗ ở cho hai ông chủ của họ. Chắc ông Trump sẽ ở khách sạn Shangri-La, 747 phòng, nổi tiếng về những Hội Nghị Đối Thoại, Shangri-La Dialogue. Kim Jong Un và đoàn tùy tùng sẽ chọn Fullerton, một khách sạn sang giá thuê một đêm hơn $6,000. Chính phủ Mỹ sẵn sàng trả “bill!” Nhưng không muốn làm mất mặt ông Ủn nên nhờ chính phủ Singapore đài thọ các quý khách. Ngoại trưởng Singapore mới bay qua Bình Nhưỡng chính thức mời Kim Jong Un đến nước mình.
Còn một trở ngại khác: nếu ông Trump trả tiền thuê phòng ngủ cho ông Un, các đại biểu quốc hội Mỹ sẽ lời ra tiếng vào, chói tai. Bởi vì muốn làm việc đó Bộ Tài Chánh Mỹ, cơ quan lo thi hành các lệnh cấm vận, sẽ phải ký lệnh “tạm thời miễn chấp” cho phép chính phủ Mỹ được viện trợ không bồi hoàn cho một nước đang bị trừng phạt kinh tế! Hơn nữa, ông Trump đang bị nhiều người chỉ trích đã tha tội cho công ty Trung Quốc ZTE, về tội vi phạm luật cấm vận khi bán đồ của Mỹ cho Bắc Hàn và Iran.
Trước khi lên đường gặp họ Kim, ông Trump nói rằng ông chẳng cần chuẩn bị chi nhiều. Vấn đề chính là thái độ. Xem có muốn giải quyết mọi chuyện hay không, ông nói. Đứng bên Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, ông Trum bảo đi gặp ông Un là chuyện dễ; chuyện khó hơn sẽ tới sau.
Ông Trump tin rằng khi gặp Un ông sẽ nhìn thấy ngay lập tức con người đó có nghiêm túc thương lượng những yêu cầu của Mỹ hay không. Có, hay không, biết liền. “Chắc chúng tôi sẽ khởi đầu một mối tương quan tốt – một điều rất quan trọng khi thương lượng có kết quả. Ông nhấn mạnh, Bắc Hàn phải giải giới nguyên tử (They have to denuke) và chúng tôi sẽ không bỏ cấm vận. Hỏi sẽ họp mấy ngày, tổng thống Mỹ đáp là tùy, “One, two, three, depending on what happens.” Sau hai, ba ngày, thái độ thế nào chắc phải biết ngay tức khắc.
Một câu hỏi là: Kim Jong Un nói và làm gì thì ông Trump coi là “nghiêm túc?”
Hai đời tổng thống Mỹ trước đã có kinh nghiệm không hay. Năm 2005, Bắc Hàn công bố quyết định “xóa bỏ tất cả các vũ khí nguyên tử và các chương trình nghiên cứu hạch tâm;” có Mỹ và năm nước khác đứng ra làm chứng. Đến khi được yêu cầu phải cho người đến giám sát, cuộc thương lượng “sáu phe” tan vỡ.
Năm 2012, thỏa thuận về ngưng thí nghiệm hỏa tiễn đạt kết quả rồi, phía Mỹ hiểu rằng điều này bao gồm cả những giàn phóng lưu động, nhưng Bắc Hàn không nghĩ vậy. Họ chỉ thỏa thuận về các bãi phóng trên mặt đất thôi! Một tháng sau, họ tung lên một hỏa tiễn trên giàn phóng có bánh xe! Các thỏa hiệp vứt sọt rác.
Cho nên các chuyên gia Mỹ từng dự những cuộc đàm phán từ khi bàn về giải giới vũ khí hạch tâm và hỏa tiễn với Nga, với Iran và cả Bắc Hàn, đã cảnh cáo: Phải bắt Kim Jong Un nói chính xác, và viết ra trên giấy rõ ràng. Tổng Thống Trump không quan tâm đến ý kiến của các chuyên gia. Vì họ làm việc từ bao nhiêu năm nay vối các vị tổng thống tiền nhiệm, mà thất bại, không nên cơm cháo gì, để cho Bắc Hàn cứ tiếp tục làm bom và tên lửa. Chỉ có Donald Trump ra tay mới giải quyết được mọi việc. Ông đã thú nhận ông là một thiên tài, thiên tài quân bình.
Ngay khi gặp Kim Jong Un, câu đầu tiên ông Trump nên hỏi là: Ông có thể cho chúng tôi bảng liệt kê tất cả các địa điểm nghiên cứu, chế tạo và chứa bom hạch tâm với hỏa tiễn, cùng với các vật liệu dùng để chế tạo, kèm theo bản danh sách những người làm việc tại đó hay không? Nếu Kim Jong Un nói “Đồng ý” thì câu này phải ghi trên giấy, ký tên, trước khi qua phòng dự dạ tiệc (người đóng thuế ở Mỹ trả tiền).
Bao nhiêu cuộc hội đàm giữa Bắc Hàn với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Nam Hàn không đi tới đâu; vì yêu cầu đầu tiên về các địa điểm không được đáp ứng.
Một kinh nghiệm khác rút từ những cuộc hội đàm trước, là buộc Bắc Hàn phải cam kết cho thanh tra quốc tế tới kiểm soát, ngay từ đầu, bất cứ điều gì hai bên ưng thuận. Một cái bẫy của Bắc Hàn xưa nay là coi vấn đề thanh tra chỉ là một “chi tiết;” để cho các chuyên gia cấp dưới thảo luận sau. Thanh tra như thế nào? Có thể làm như ở Cộng Hòa Nam Phi, khi họ giải giới hạch tâm sau khi Tổng Thống F.W. de Klerk lên cầm quyền năm 1989, để được các nước bãi bỏ cấm vận.
Nếu hai đòi hỏi trên đây không được Kim Jong Un đồng ý, thì có thể kết luận là “thái độ không nghiêm túc.”
Ngay cả khi Un đồng ý cả hai điều này, vẫn chưa hết lo, vì không biết Un còn che giấu những địa điểm nào, những loại chuyên viên nào, làm việc ở đâu, không cho ai biết!
Nếu ông Trump thấy Kim Jong Un có “thái độ nghiêm túc” thì có thể ký kết với nhau một bản thông cáo chung đẹp đẽ. Nói gì thì nói, khó ký một bản hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Cao Ly năm 1950. Vì bản hiệp định ngưng bắn năm 1953 có Trung Cộng ký tên. Tân Hoa Xã mới báo trước rằng không bản hiệp ước hòa bình Cao Ly nào có giá trị hợp pháp nếu Bắc Kinh không tham dự. Hai nước Mỹ và Trung Quốc trên nguyên tắc chỉ mới ngưng bắn nhau ở bán đảo Cao Ly mà thôi!
Nhưng Trung Cộng vẫn ủng hộ cuộc gặp gỡ Trump-Kim, chỉ muốn cho thế giới thấy vai trò “Anh Hai” của mình đối với Bắc Hàn. Ông Un sẽ chọn bay qua không phận Trung Quốc, cho an toàn, thay vì đi qua Đài Loan! Phi cơ chiến đấu Trung Cộng sẽ “hộ tống” chiếc máy bay chở Kim Jong Un đi phó hội.
Đây là một “nghi lễ” dành cho các vị nguyên thủ quốc gia. Máy bay chiến đấu nước này hộ tống quốc trưởng mình đến biên giới nước kia thì rút lui máy bay nước kia tiếp tục. Người ta chỉ dùng nghi lễ này trong những trường hợp rất long trọng, Tập Cận Bình sẽ cho Kim Jong Un được hưởng. Một cách nhắc nhở rằng: Cậu Un vẫn là con gà chọi tui nuôi! Máy bay của hắn không đủ chỗ chứa xăng để đi thẳng tới Singapore rồi quay về, đường dài 10,000 cây số! Bắc Kinh có thể sẽ cung cấp cả máy bay chở phái đoàn Bắc Hàn đi phó hội cho vẹn nghĩa thầy trò.
Nếu một bản tuyên cáo Trump – Kim ra đời, với những lời lẽ tổng quát toàn những thiện chí, màu mè, sau đó ông Trump có thể về nước, đứng trên bục máy bay trước khi xuống đất, cầm bản thỏa hiệp đưa len tuyên bố: Tôi đã làm được điều mà tất cả các tổng thống Mỹ khác không làm được! Hãy bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa!
Kim Jong Un cũng có thể lên ti vi khoe với dân Bắc Hàn rằng: Nước ta đã được công nhận là một cường quốc hạch tâm, ngồi nói chuyện ngang hàng với Mỹ! Xin đồng bào chịu khó nhịn đói lâu thêm chút nữa!
Nhưng còn diễn trình việc giải giới nguyên tử như thế nào? Liệu Trump và Kim có thể đồng ý trong tuần tới hay không?
Đây là một khúc xương khó nuốt. Donald Trump vừa mới nhấn mạnh: Bắc Hàn phải giải giới ngay. Làm xong chuyện đó Mỹ mới bắt đầu bãi bỏ các lệnh cấm vận.
Kim Jong Un và Tập Cận Bình thì nói ngược lại, xác nhận rằng giải giới và bỏ cấm vận phải đi song song, từ từ từng bước một, ông mất của kia bà chìa của nọ.
Hai ông Kim, Trump sẽ không thể nào đồng ý trong câu chuyện này! Tốt nhất không nhắc gì đến trong bản tuyên cáo chung. Để cho các chuyên gia và các nhà ngoại giao thảo luận sau.
Mà đó là điều Kim Jong Un rất muốn. Cuộc thảo luận chi tiết có thể kéo dài năm này sang năm khác. Kim Jong Un chỉ mong như vậy!
Trong thời gian đó Kim Jong Un được hưởng hào quang của một lãnh tụ đứng đầu một cường quốc nguyên tử, không còn là một “tên vô lại” quậy phá xóm làng như hình ảnh trước đây một năm nữa. Chế độ họ Kim sẽ bền vững.
Nhưng còn chuyện cấm vận, ông Un có lo không?
Cấm vận thì dân Bắc Hàn khổ, các lãnh tụ, đám quần thần, và quân đội chưa bao giờ hề hấn gì cả. Chế độ này đã bị cấm vận bao nhiêu lần, năm này qua năm khác, có sao đâu?
Nhưng Kim Jong Un biết trước rằng vòng đai cấm vận sẽ nới lòng dù Mỹ chịu hay không. Khi Kim Jong Un được báo đài thế giới trình bày như một con người yêu ôn hòa, sẵn sàng hy sinh cho hòa bình thế giới, thì các nước khác sẽ có thể nới lỏng các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc mà không lo bị ai chê cười là tham tiền bỏ nghĩa!
Đầu tiên là Trung Cộng. Bắc Kinh trên thực tế đã nới lỏng rồi. Tiếp đến là Nga, ông Putin bất cần dư luận. Và, rất có thể, sẽ có cả các nước Châu Âu. Tổng Thống Trump mới ra kệnh đánh thêm thuế nhập cảng trên nhôm và thép, còn dọa sẽ đánh trên cả xe hơi, từ các nước này. Ông Trump bị cô lập trong cuộc họp G-7 ở Québec. Trong tình trạng như vậy, liệu các nước “đồng minh” của Mỹ có cố gắng giúp Mỹ trong việc cấm vận Bắc Hàn hay không?
Kim Jong Un sẽ được hưởng lợi rất nhiều, tiền khách sạn và tiền mấy bữa ăn đâu xá kể gì? Nhưng theo truyền thống Cộng Sản, cứ mè nhao, năn nỉ, được cái gì cũng tốt! (Ngô Nhân Dụng)