Ở các quán cà phê kể sau chúng ta không “tiện” đem vợ, người yêu hay gia đình đến đó. Lý do cũng dễ hiểu.
Một số bạn bè chuyên ngồi quán cà phê cho chúng tôi biết, có thể phân biệt những quán cà phê “thường thường” mà trong số báo trước chúng tôi đã lần lượt điểm qua, nơi không có các tiếp viên xinh đẹp và các quán cà phê có “mỹ nữ” khác nhau ở chỗ: Ở các quán cà phê kể sau chúng ta không “tiện” đem vợ, người yêu hay gia đình đến đó. Lý do cũng dễ hiểu.
Eva, một tiếp viên “xường xám” của café Quỳnh. (Hình: Huy Phương)
Chỗ khác nhau còn ở giá cả: Mỗi ly cà phê hay thức uống ở quán cà phê có mỹ nữ là $5.00, trong khi ở các quán bình thường giá từ $3.00 đến $3.50.
Quán “xường xám”
Cà phê Quỳnh chỉ mới khai trương gần một năm nay do một cô chủ trẻ tên Diễm Quỳnh đảm trách, nhưng công việc ở tiệm do thân mẫu của cô coi sóc. Bà cho biết, tiệm của bà chọn trang phục xường xám và thỉnh thoảng một vài chiếc áo dài cho các tiếp viên của tiệm. Bà dùng chữ “Mỹ con” để nói đến các thiếu nữ trẻ, đẹp này. Họ là sinh viên làm bán thời gian hay đã thôi học, đi làm để giúp gia đình. Sự giao tiếp giữa khách và các tiếp viên có khoảng cách và không có điều gì khiến bà phải quan tâm lo lắng. Bà cũng nói thêm: “Gái đẹp thì ai lại không muốn nhìn, và nhìn là quyền của họ, và tất cả thì cũng ngừng ở đó thôi!”
Ở tiệm này cũng như vài tiệm “cà phê mỹ nữ” chúng tôi thấy rất nhiều khách ngoại quốc, thường là những người Mỹ trắng trung niên lui tới.
Ông Lâm Thanh, một người từ Paris, Pháp quốc sang chơi Cali, hẹn gặp bạn cũ ở quán cà phê này. Ông cho đây là một sắc thái đặc biệt của Little Saigon vì ở thủ đô nước Pháp và Âu Châu không thấy quán cà phê loại này, khách thường vội vã và các tiếp viên không ăn mặc đẹp “dân tộc” như các cô người Việt ở đây.
Áo dài cho hai ngày cuối tuần. Như chúng tôi đã nói trong một bài báo tuần trước, ở vùng Bolsa có hơn chục quán cà phê loại này. Người ta gọi nó là “sexy café” hay “bikini café”. Dù nói thế nào đi nữa, thì động lực ngồi quán cà phê này cùng chỉ vì các tiếp viên trẻ trung, xinh đẹp và mặc “bán khỏa thân” (half-naked). Theo OC Register, ngày 11 tháng 5 năm 2011, Hội Ðồng Thành phố Garden Grove đã đồng ý cho loại “bikini coffee shop” hoạt động với số phiếu tuyệt đối 4-0.
Chúng tôi đến thăm quán “Dĩ Vãng 2,” một quán cà phê khá đông khách với màn ảnh lớn cho các chương trình thể thao hay ca nhạc. Chủ nhân, anh Danh, cho biết là anh đã đến Mỹ năm 1980, đã qua nhiều nghề như mở quán nhậu, làm auto body shop, nhưng kinh doanh loại cửa hàng cà phê này cũng dễ chịu. Anh cũng đã điều hành nhiều quán cà phê trước khi sang lại quán “Dĩ Vãng 2” này. Ở Little Saigon đã có những quán “ Dĩ Vãng 1” hay “Dĩ Vãng 3”.
Hình ảnh của bikini café Little Saigon trên báo OC Register. (Hình: OCR)
Vì vào ngày Thứ Bảy, khách uống cà phê khá đông đến nỗi chủ nhân là anh Danh, một người còn trẻ, không tìm ra một bàn trống để tiếp chúng tôi. Hôm nay, các nữ tiếp viên đều mặc những chiếc áo dài mỹ thuật, nhưng là loại áo dài “cánh chuồn”. Chủ nhân cho chúng tôi biết để thay đổi, vào hai ngày cuối tuần, các cô tiếp viên đều mặc áo dài, còn những ngày khác là bikini.
Các tiếp viên làm việc ở đây lãnh lương giờ và tiền “tip” được chia đồng đều cho các cô. Mỗi ly cà phê, dù loại nào cũng bán với giá $5,00, nhưng trà thì châm cho khách không hạn chế. Anh Danh cho biết phần lớn các cô là sinh viên làm bán thời gian, nhưng cũng có người làm toàn thời gian ở đây đã nhiều năm.
Về thành phần khách chọn quán này để uống cà phê hay nghe nhạc, anh Danh cho rằng họ là những thành phần trí thức, sinh viên hay công nhân sau giờ làm việc, họ cũng từ các văn phòng và dịch vụ trong vùng, có nhiều thanh niên hay mấy ông già tuổi hưu người Mỹ, lui tới.
Những quán cà phê bikini thường dễ dãi để các phóng viên người Mỹ của các tờ báo địa phương chụp ảnh hơn là những tờ báo tiếng Việt trong khu vực Bolsa, theo anh Danh, là vì độc giả người Mỹ thoải mái và ít có thành kiến hơn độc giả Việt Nam, nên chính các cô cũng ngại để cho phóng viên ảnh của chúng tôi chụp ảnh cho bài phóng sự này hơn là các tờ báo Mỹ trong vùng.
Bikini và bikini!
Mặc dầu còn trẻ, chủ nhân Café Miss Cutie là cô Hạnh Lê trước đây đã là chủ nhân của nhiều quán cà phê trong đó có Miss Saigon. Hiện nay cô đang điều hành quán cà phê này và một quán nhậu bikini mang tên Cutie-Lounge trên đường Bolsa.
Ðặc biệt của quán Cutie là khách hút thuốc phải ngồi ngoài trời. Cô Hạnh cho biết cô tuyển chọn cà phê từ Virginia và thuốc lá lấy từ Costco để tránh giả mạo cũng như không bao giờ quán dùng cà phê xuất cảng từ Việt Nam.
Các tiếp viên bikini của Café Miss Cutie. (Hình: Dân Huỳnh)
Chủ nhân cho biết khách của Cutie phần lớn là dân văn phòng, công nhân các hãng xưởng và sinh viên, thường họ đi chung với bạn bè như một thói quen. Trong số khách hiện diện chúng tôi nhận thấy không ít những ông khách người Mỹ trong đó có những cụ cao niên tuổi trên 70, đến nhâm nhi ly nước và lơ đãng nhìn ngắm các tiếp viên ăn mặc còn “thoáng” hơn trên các bãi biển của Huntington Beach.
Chủ nhân cho biết, các tiếp viên vào làm việc ở đây đều được tuyển chọn kỹ càng về kinh nghiệm, nhan sắc và nhân dáng, do vậy đồng lương không đồng đều, và cũng như những quán cà phê khác, tiền “tip”, một số không nhỏ được chia đồng đều cho các tiếp viên. Hiện diện hôm nay quán có 7 tiếp viên, nhưng lực lượng xoay vòng có thể lên đến con số 50, vì không ít các cô chỉ làm việc bán thời gian vì còn đi học hay đi làm.
Café Miss Cutie cũng như các “bikini café” khác không muốn cho khách chụp hình nhưng trên các Internet, dưới tên của các quán cà phê này, để quảng cáo cho cửa hiệu, nhiều hình ảnh của tiếp viên được trình bày rất táo bạo.
Khi tôi hỏi một ông bạn già có bao giờ cụ đến nhâm nhi một ly cà phê ở loại quán này chưa, thì cụ lắc đầu quầy quậy: “Ấy chết, con cháu nó cười cho!” Cũng như khi chúng tôi và phóng viên Huỳnh Dân vác máy ảnh, dừng xe trước một quán “bikini café” để “thăm dân cho biết sự tình” thì một vài khách qua đường nhìn chúng tôi với ánh mắt có vẻ cười cợt.
Nếu một người bạn ở phương xa về thăm Little Saigon và hỏi: “Bolsa có gì lạ không anh?” thì cà phê Bolsa cũng là một chuyện lạ. “Bikini café” ở Mỹ chắc sexy hơn ở Việt Nam nhưng luật lệ khắt khe Mỹ ở sẽ làm cho nó “có giới hạn” hơn.