Nhưng vấn đề không phải là bệnh tâm thần! Vấn đề chính là súng. Nước Mỹ nhiều súng quá! Mua súng dễ dàng quá.
Hội Súng Toàn Quốc (NRA, National Rifle Association) là tổ chức vận động chính trị mạnh nhất nước Mỹ. Họ có mục đích rõ rệt là chống các dự luật kiểm soát súng và tìm cách giúp cho nhiều người Mỹ được mua nhiều thứ súng có khả năng giết được nhiều người hơn.
Nhưng lần nay NRA đã hung hăng quá trớn, sau vụ thảm sát 14 học sinh và 3 người lớn tại trường Marjory Stoneman Douglas, tiểu bang Florida. Trong khi gia đình, bạn hữu còn đang lo việc chôn cất các nạn nhân, NRA đã chính trị hóa ngay vụ tàn sát này. Họ thả đạo quân tuyên truyền của mình ra tấn công ngay những người đang lau nước mắt tiếc thương! Họ gọi những ông bố, bà mẹ mất con là “bọn múa rối chính trị” chỉ vì những người này đòi phải kiểm soát việc mua súng chặt chẽ hơn – dù không đòi cấm hẳn. Mấy học sinh 15, 17 tuổi từ trường Douglas đi nói chuyện tại các trường học khác cũng bị những “bồi bút” của NRA bôi nhọ là “trẻ con làm chính trị!” “Bọn trẻ con” này đang vận động nửa triệu người đi biểu tình vào tháng tới ở thủ đô Mỹ!
NRA đi quá đà, cho nên gây phản ứng ngược. Lối tuyên truyền bịt miệng, “cả vú lấp miệng em” quá thấp hèn, quá trâng tráo bỉ ổi, những người Mỹ tự trọng không thể chấp nhận được. Ngày Thứ Năm vừa qua, Ngân Hàng First National Bank ở Omaha tuyên bố không tiếp tục cộng tác với NRA trong việc phát hành thẻ tín dụng Visa. Công ty làm chủ ba nhà cho thuê xe, Enterprise, Alamo và National sẽ chấm dứt không bớt tiền cho hội viên NRA. Ngày Thứ Sáu, công ty bảo hiểm MetLife cũng vậy. Đến cả một công ty trừ virus trong máy computer, cùng một nhà với Norton anti-virus, cũng ngưng cho NRA được giảm giá. Các khách sạn Best Western công bố họ không bao giờ có liên hệ với NRA. Các khách sạn Wyndham đã ngưng hợp tác với NRA từ năm ngoái, lại mới công bố lập trường tránh xa hội súng này. Tất cả các phản ứng trên là do lời kêu gọi của một danh mục Twitter mang tên #BoycottNRA – Tẩy chay NRA.
Điều đáng chú ý là một số chính trị gia cũng bày tỏ thái độ “không đồng ý 100%” với NRA. Một nghị viên thành phố Dallas, xử lý thường vụ thị trưởng, đã đề nghị NRA không nên họp đại hội ở Dallas vào Tháng Năm nữa, vì cuộc thảm sát ở Florida vừa qua còn đang gieo rắc hãi hùng. Nghị Viên Dwaine Caraway nói rằng chính ông có làm chủ súng, nhưng muốn cấm những thứ vũ khí sát thương hàng loạt, súng máy, như AR-15, giống như khẩu M-16 mà quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa dùng. “Thứ súng máy này để dành cho quân đội, cho cảnh sát! Ai đi săn bằng súng AR-15? Ai cần AR-15 trong nhà để tự vệ?” Hội NRA xưa nay vẫn kịch liệt phản đối việc cấm bán các loại súng liên thanh như AR-15.
Sau Dallas, đến lượt thống đốc Florida, ông Rick Scott, cùng nhiều đại biểu Cộng Hòa trong nghị viện tiểu bang tách ra khỏi lập trường của NRA, mà xưa nay họ vẫn ủng hộ. Năm 2011, ông Rick Scott đã ký ban hành một đạo luật trong tiểu bang, trong đó có điều cấm các bác sĩ không được hỏi bệnh nhân của mình có súng hay không – điều khoản này sau đó đã bị tòa án phán là vi hiến. Sau khi dân Florida kinh hoàng trước cái chết của 17 người, do một học sinh 19 tuổi gây ra, ông Rick Scott đã tuyên bố ủng hộ việc cấm người dưới 21 tuổi không được mua súng – sau khi Tổng Thống Donald Trump cũng nêu ra ý kiến đó. Dù sao, đây cũng là một dấu hiệu tốt, cho thấy những nhà chính trị bảo thủ nhất cũng tách ra, không nhất thiết ủng hộ lập trưởng của hội NRA.
Sau vụ tàn sát ở Florida, Tổng Thống Trump và Hội NRA cùng đưa ra đề nghị phải võ trang các thầy, cô giáo trong trường học. Tất nhiên đây cũng là chủ trương của những người bán súng: Ai cũng phải mua súng nếu không muốn bị súng giết! Số súng trong tay thường dân ở nước Mỹ cao hơn số dân số. Nhưng các nhà bán súng còn muốn bán nhiều hơn nữa!
Ý kiến này đã có người nêu ra năm 2012, sau vụ tàn sát trong trường tiểu học Sandy Hook tại Connecticutt. Năm đó, Hội Các Hiệu Trưởng Trường Trung Học ở Mỹ (National Association of Secondary School Principals) đã lên tiếng phản đối. Các Hội Giáo Dục (National Education Association ) và Liên Hội Nhà Giáo Hoa Kỳ (American Federation of Teachers) cũng bác bỏ ý kiến này. Họ nói rằng “Những người muốn phát súng cho giáo sư không hiểu gì về các thầy, cô giáo, cũng không hiểu gì về trường học.” Nghị Sĩ Marco Rubio tỏ ý lo rằng khi có một vụ nổ súng trong trường, cảnh sát đặc biệt tới sẽ khó phân biệt được các thầy giáo cầm súng khác với các hung thủ thế nào!”
Một cách đánh lạc hướng dư luận khác của những người bán súng là đổ lỗi tại các hung thủ mắc bệnh tâm thần. Những hung thủ như Nikolas Cruz, chắc chắn có vấn đề tâm thần. Nhưng tình trạng bệnh của họ không nặng đến mức có thể bắt buộc họ vô nhà thương điên! Năm 1955 nước Mỹ có nửa triệu bệnh viện tâm thần, hiện nay chỉ còn 40,000. Hung thủ giết 26 người ở trường tiểu học Sandy Hook bằng súng máy, đã được chữa bệnh tâm thần nhưng cũng không đủ nặng để bị giam trong nhà thương. Hai học sinh đi giết người ở Columbine High School, hay sinh viên Seung-Hui Cho bắn chết 32 bạn đồng học ở Virginia Tech University đều có vấn đề tâm thần, nhưng cũng vậy.
Nhưng vấn đề không phải là bệnh tâm thần! Vấn đề chính là súng. Nước Mỹ nhiều súng quá! Mua súng dễ dàng quá.
Một cuộc nghiên cứu của Giáo Sư Adam Lankford thuộc Đại Học University of Alabama, năm 2015 cho thấy rằng dân số Mỹ chỉ bằng 4.4% dân số thế giới, nhưng làm chủ 44% số súng trong tay thường dân. Nhưng tỉ lệ người Mỹ bị bệnh tâm thần thì không hơn cũng không kém các nước cùng trình độ phát triển kinh tế. Ở các nước đó, ít xảy ra những vụ giết người như ở Mỹ. Giáo Sư Lankford tính ra rằng chỉ có 4% các vụ chết vì súng ở Mỹ liên quan đến bệnh tâm thần. Ông cũng nhận thấy một hiện tượng lạ, là những nước nhiều người tự tử (tâm thần yếu hơn) lại ít xảy ra những vụ tàn sát tập thể bằng súng.
Nhật Bản là nơi nhiều người tự tử nhất trong số các nước tiên tiến. Nhưng trong năm 2013 chỉ có 13 người chết vì súng. Cùng năm đó, nước Mỹ với dân số gấp ba lần nước Nhật, có 21,175 vụ tự sát bằng súng, 11,208 vụ giết người bằng súng, và 505 người chết vì tai nạn do súng gây ra.
Năm 2009, ở Mỹ cứ một triệu dân thì có 33 vụ chết vì súng. Ở Canada, chỉ có 5 vụ, và ở Anh quốc có dưới một vụ (0.7). So sánh với hai nước này có ý nghĩa vì Mỹ, Anh và Canada cùng phát triển kinh tế như nhau, có căn bản văn hóa chung, hệ thống giáo dục và pháp luật giống nhau. Khác biệt duy nhất là nước Mỹ có nhiều súng, dân mua súng dễ hơn. Nếu quý vị đi bộ trong thành phố London hay New York, xác suất để quý vị bị cướp ở hai thành phố đó bằng nhau. Nhưng xác suất bị giết bằng súng ở New York cao gấp rưỡi ở London.
Nước Mỹ trở thành kho súng lớn nhất trong tay tư nhân, là do công vận động của Hội NRA. Mỗi năm tranh cử, Hội NRA dồn tài nguyên đánh bại những người muốn làm hạn chế quyền mua súng và mang súng và cổ động cho các ứng cử viên bảo vệ súng. Năm 2016, họ đóng góp cho quỹ tranh cử của Tổng Thống Donald Trump khoảng $30 triệu. Chiến thuật hữu hiệu nhất của họ là “tập trung hỏa lực” hạ sát ván một số ứng cử viên muốn kiểm soát súng, làm gương cho những người khác. Họ dồn sức người và tiền bạc vào một vài đơn vị tranh cử để làm sao các ứng cử viên đó chắc chắn bị đánh bại; và họ luôn luôn thành công.
Những dự luật kiểm soát việc mua súng sẽ bị Hội NRA vận động giết khi còn phôi thai. Năm 2013, sau vụ thảm sát ở Sandy Hook, Nghị Sĩ Pat Toomey (Cộng Hòa) và Joe Manchin (Dân chủ) đưa ra một dự luật tăng cường việc kiểm soát người mua súng. Dự luật không bao giờ được đem ra thảo luận.
Nhưng chúng ta thấy có dấu hiệu địa vị của Hội NRA đang lung lay, khi các công ty cho thuê xe, hãng bảo hiểm, ngân hàng đã phải công khai tuyên bố chấm dứt quan hệ với Hội Súng, mặc dù hội này không làm điều gì khác hơn là vẫn theo đuổi mục tiêu cố hữu của họ. Khi các nhà chính trị ở Dallas hay Florida hay trong Tòa Bạch Ốc dám bảy tỏ ý kiến khác với lập trường Hội Súng, thì chúng ta hiểu rằng quyền lực của hội này đã hao mòn!
Dù như vậy, chắc chắn Hội Súng NRA còn rất mạnh, trong nhiều mùa bầu cử nữa. Nhưng họ sẽ yếu dần, không thể lũng đoạn chính trị toàn quốc như cũ được. Chính trị nước Mỹ thay đổi luôn luôn. Chúng ta đừng quên rằng trước đây 50 năm các công ty thuốc lá ở Mỹ cũng mạnh không khác gì Hội NRA bây giờ. Nhưng cuối cùng họ đã bị đánh bại, khi đa số người Mỹ thức tỉnh, công nhận rằng hút thuốc có hại. Hiện nay nhiều người yêu súng, dùng súng cũng đang thay đổi thái độ. Họ không thể chỉ lo bảo vệ quyền mua súng của mình, bất chấp những cái chết của các học sinh vô tội. Từ đầu năm 2018, đã có 18 vụ giết người trong trường học! Một ông đã đem khẩu súng AR-15 của mình ra “làm lễ hủy bỏ” cây súng, cưa nó làm hai khúc, chiếu video cho bà con chứng kiến: Một lương tâm trong trắng! Năm xưa, những người chống thuốc lá ở Mỹ đã tìm cách làm cho công chúng nhìn những người hút thuốc bằng con mắt từ nghi ngờ đến khinh khi! Năm 1964 có 42% người Mỹ trưởng thành hút thuốc, nay chỉ còn 18%. Hy vọng thái độ của dân Mỹ về súng sẽ thay đổi nhanh hơn nữa. Vì súng tàn sát mạng sống một cách nhanh chóng, lộ liễu và tàn nhẫn hơn! (Ngô Nhân Dụng)