VOV thuật theo lời ông Ngô Bá Thông (trưởng họ Ngô – dòng họ lớn nhất nhì làng Yên Trường), thì thịt chó phần lớn được làm thành 4 món: luộc, giềng mẻ, canh măng và dăm hành. Nơi nấu nướng là tại nhà trưởng họ.
Những chú chó nhốt trong chuồng chờ bị giết thịt tại một quán “thịt cầy” ở thành phố Hà Nội. (Hình: Getty Images)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Theo truyền thống địa phương, cứ mùng 4 Tết Nguyên Đán hàng năm thì người dân cả thôn Yên Trường, xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đều mở tiệc thịt… chó.
Có người thích ăn thịt chó từ thịt luộc chấm mắm tôm, chả chìa, rựa mận. Dồi chó từng có câu ví “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không!” Nhưng rất nhiều người cứ nghĩ tới thịt chó là đã sợ khi nghĩ đến con vật quấn quýt mừng rỡ bên chân mình. Dân làng Yên Trường khác hẳn người các nơi khác.
Theo một ký sự của VOV thuật theo lời người Yên Trường, cứ mùng 4 Tết cả thôn như ngày hội, các thương lái thịt chó tấp nập giao thịt từ sáng sớm. Lúc này các gia đình trong thôn đã chuẩn bị các loại gia vị, đồ dùng nấu nướng. Người ta thấy không khí Tết đặc biệt tại địa phương qua tiếng băm chặt, mùi nướng thơm từ sáng cho tới trưa.
Theo tục lệ để lại, VOV kể, buổi sáng ngày mùng 4 Tết, đàn ông ai nấy đều chuẩn bị cuốc, xẻng ra đồng tảo mộ, thắp hương người đã khuất, phụ nữ ở nhà chuẩn bị nấu nướng, chế biến các món ăn từ thịt chó.
VOV thuật theo lời ông Ngô Bá Thông (trưởng họ Ngô – dòng họ lớn nhất nhì làng Yên Trường), thì thịt chó phần lớn được làm thành 4 món: luộc, giềng mẻ, canh măng và dăm hành. Nơi nấu nướng là tại nhà trưởng họ.
Dồi chó được bán tại một tiệm thịt chó ở Hà Nội. Món ăn mà nhiều người nói “chết xuống âm phủ biết có hay không?” (Hình: Getty Images)
Ông Nguyễn Gia Tứ – Trưởng thôn Yên Trường, được VOV thuật lời cho biết, cả thôn có khoảng 1,500 hộ dân, gồm 3 làng gộp lại, ước tính ngày mùng 4 Tết cả thôn “tiêu thụ hết khoảng 4 tấn thịt chó móc hàm.” Có năm thịt chó bị “cháy hàng” không đủ cung cấp, nhiều nhà phải đi các xã lân cận để mua. Trung bình mỗi con chó có có trọng lượng 10kg/con thì ngày hôm đó có khoảng 400 con chó bị giết thịt, hàng chục lít rượu được uống hết.
“Đó còn chưa kể một số nhà còn làm thêm món giò chó, lượng thịt sẽ nhiều hơn gấp đôi gấp ba, theo người dân trong thôn mỗi 1 kg giò chó thành phẩm nếu bán ra thị trường có giá hơn 1 triệu đồng.” VOV kể.
Trước năm 1975 , tại miền Nam Việt Nam, chỉ có một vài khu vực như Hố Nai (khu vực định cư của người miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp Định Geneve 1954) là có vài quán thịt chó. Thêm một vài quán ở khu vực Xóm Mới, Gò Vấp, những năm sau đó. Nghĩa là các quán thị chó chỉ phát triển rầm rộ tại các tỉnh phía Nam sau năm 1975 khi những người “Bắc Cộng Sản” tràn vào.
Dù vậy, nhiều tỉnh tại miền Bắc Việt Nam vẫn thịnh hành với món thịt chó và các hàng quán bán cầy tơ thường không khó tìm. Trên Internet, nếu tìm kiếm hàng quán thịt chó tại Hà Nội hay một địa phương nào, người ta có thể tìm được dễ dàng cả tên tiệm và hình ảnh quảng cáo món thịt chó của họ.
Mấy năm trước, giới truyền thông quốc tê loan tin rầm rĩ về đường dây buôn chó lậu từ Thái Lan qua ngả Lào Quốc, mang về Việt Nam cung cấp cho các hàng quán bán thịt chó hay các tiệm nhậu thịt chó. Chó ở các thành phố Thái Lan bị bắt trộm rồi chở về Việt Nam bị cảnh sát Thái bắt giữ nhiều lần. Họ ước lượng hoạt động buôn lậu chó Thái về Việt Nam trị giá đến $32 triệu.
Sau những tin tức ồn ào năm 2014, đến nay không thấy có tin tức gì thêm về các vụ bắt giữ các đường dây buôn chó lậu từ Thái Lan về Việt Nam. Nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có tin những vụ đánh chết kẻ bắt trộm chó phổ biến trên báo chí hoặc trên cả mạng xã hội như Facebook hay Youtube. (TN)