Còn đám chúng sinh lau nhau ở tuốt xa xa ngoài kia, họ đâu biết rằng có hai lãnh tụ phi phàm đang ngồi uống trả, rồi ăn tiệc với nhau, như chư tiên ở trên thiên đình ngồi chấm sổ đám phàm phu hạ giới.
Trước khi rời Bắc Kinh qua Việt Nam, tổng thống Mỹ được chiêu đãi đặc biệt. Ông Tập Cận Bình muốn mở đầu cuộc giao hảo lâu dài giữa hai cường quốc, chiếm cảm tình của ông tổng thống Mỹ một cách tế nhị, như người Trung Hoa đã được huấn luyện thuần thục từ mấy ngàn năm.
Ông Donald Trump và bà Melania được ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viên (Peng Liyuan, 彭丽媛) mời uống trà và ăn tối ngày Thứ Tư.
Họ không tiếp vợ chồng khách quý trong tòa Đại Sảnh Nhân Dân, nơi vẫn gặp gỡ các quốc khách quan trọng và tổ chức những dạ yến linh đình nhất. Cũng không mời khách đến dinh thự riêng ở Trung Nam Hải, như Mao Trạch Đông đã tiếp Richard Nixon trong căn phòng đầy sách, mở đầu một giai đoạn lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước, và cả lịch sử thế giới.
Hoàng đế đỏ Tập Cận Bình đã tiếp đãi ông bà tổng thống Mỹ ngay trong Tử Cấm Thành. Đây là một địa điểm lịch sử, xây cất từ đời Minh (khoảng thời gian ông Minh Thành Tổ sai quân sang đánh nước Đại Việt), hiện được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, vẫn thu hút hàng triệu du khách. Ông Tập muốn ông Trump ôn lại lịch sử.
Trong khi Tập đón tiếp Trump thì khu cung điện nhà Minh đã trở về đúng với tên gọi cũ: Cấm Thành. Nhà nước Cộng Sản cấm không cho ai được bén mảng tới khu vực, nội bất xuất, ngoại bất nhập; giống cảnh thời các hoàng đế năm, ba trăm năm trước. Đây là một cách tiếp đón dành cho các bậc vương giả, vào thời các hoàng đế.
Ông Tập Cận Bình vừa được đảng Cộng Sản đưa lên ngôi vị tôn quý không thua các hoàng đế đời Thanh; và muốn ông Trump cũng cảm thấy mình đang được đón tiếp huy hoàng như một hoàng đế. Khác hẳn cảnh ông thủ tướng Canada ngồi uống cà phê bên vỉa hè Sài Gòn, hay ông cựu tổng thống Mỹ đi ăn bún chả ở Hà Nội.
Ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Cộng ở Washington, hẳn đã nghe tin nói rằng chuyến thăm Anh Quốc chính thức của Tổng Thống Trump bị trì hoãn chỉ vì vấn đề nghi lễ. Ông Trump muốn được cùng ngồi xe song mã với nữ hoàng Anh trên đường đi giữa nghị viện và hoàng cung. Chính phủ Anh, hoặc chính nữ hoàng, không đồng ý. Vì vậy chuyến công du chưa thể thực hiện được như ý muốn.
Có lẽ câu chuyện này đã phổ biến trong giới ngoại giao ở thủ đô Mỹ cho nên Tổng Thống Trump đã được tiếp đãi long trọng ở rất nhiều nước khác. Ông được mời đứng với tổng thống Pháp trên khán đài duyệt binh ngày Quốc Khánh, 14 Tháng Bảy. Ông Trump hào hứng quá, đã tỏ ý nước Mỹ cũng nên tổ chức duyệt binh ngày Lễ Độc Lập. Trong chuyến thăm Nhật vừa rồi, ông Trump được Thủ Tướng Shinzo Abe tận tình chiêu đãi, nhưng chưa đủ, vẫn thiếu mục trà đàm với Thiên Hoàng.
Đến nước Trung Hoa thì khác. Ông Tập Cận Bình không phải một hoàng đế nhưng quyền lực cao và mạnh, mạnh hơn Nữ Hoàng Elizabeth và Thiên Hoàng Akihito. Và hoàng đế đỏ đã biểu dương uy quyền cao tột cho vị tổng thống Mỹ coi.
Khi Tổng Thống Trump và phu nhân tới thăm quảng trường Thiên An Môn, không một người dân Trung Hoa hay một du khách nào được lai vãng. Trong Tử Cấm Thành cũng vậy; hai cặp vợ chồng vương giả ngồi uống trà, với một thông ngôn duy nhất do ông Trump mang theo.
Họ ngồi trong cảnh vắng lặng, trên là trời mây, dưới là mình, chung quanh là cung vàng điện ngọc bỏ hoang. Hai vị nguyên thủ quốc gia có thể bàn chuyện trời đất, gió mưa, hay chuyện đời sống của nhân loại, khắp nơi trên thế giới, chiến tranh, hòa bình, buôn bán, chơi golf hoặc bán máy bay, nói chuyện gì tùy các ngài cao hứng.
Còn đám chúng sinh lau nhau ở tuốt xa xa ngoài kia, họ đâu biết rằng có hai lãnh tụ phi phàm đang ngồi uống trả, rồi ăn tiệc với nhau, như chư tiên ở trên thiên đình ngồi chấm sổ đám phàm phu hạ giới.
Ông Tập Cận Bình đã chọn một ngôi nhà lịch sử ở góc Tây Nam Tử Cấm Thành để “nhẩm sà” với ông Donald Trump. Ngôi nhà đó, từ thế kỷ trước đã đặt tên là Bảo Uẩn Lâu (Bao Yun Lou, 宝蕴楼), ngôi Lầu chứa của báu. Ông Tập Cận Bình có thể chỉ tay vào các bức tường, cây cột, cửa ra vào, phòng ốc chung quanh mà nói rằng: Đây là một kiến trúc đầu tiên trong hoàng thành chịu ảnh Tây phương và chính phủ Mỹ hồi đó đã “tài trợ” công cuộc xây dựng nên ngôi lầu này.
Ông Tập Cận Bình đã từng gây ấn tượng mạnh trên ông Donald Trump với các bài dạy về lịch sử thế giới. Sau khi nói chuyện lần đầu với ông Tập ở khu nghỉ mát Mar-A-Largo của ông ở Florida, ông Trump đã thốt lên, “Eureka! Bây giờ mới biết! Nước Cao Ly ngày xưa thuộc nước Tàu!” (Sau bữa đó, trên nhật báo Người Việt, mục này đã thắc mắc: Không biết Giáo Sư Tập có giảng về lịch sử ngàn năm Bắc thuộc của Việt Nam hay không?).
Nhưng ngôi nhà Bảo Uẩn Lâu lại là một di tích của tình hữu nghị giữa hai nước Hoa Kỳ và Đại Thanh, hơn 100 năm trước. Trong câu chuyện đó, nước Tàu lại là nước chịu ơn nước Mỹ hào hiệp! Bảo Uẩn Lâu được xây dựng bằng tiền “viện trợ Mỹ.” Khó tưởng tượng một cách tài tình hơn để lấy lòng một vị quốc khách từ Mỹ đến.
Muốn hiểu điều ý nghĩa của ngôi lầu này, nhớ lại những bài học lịch sử thời trung học. Những bạn cùng tuổi tôi, sống ở Việt Nam Cộng Hòa đều phải học lịch sử thế giới, chúng tôi phải biết những biến cố gọi là “Quyền phỉ” và “Bát quốc Liên quân.”
“Quyền phỉ” là cuộc nổi dậy của các võ sư, được triều đình nhà Thanh bảo trợ, họ đi tìm giết người ngoại quốc, từ năm 1899 đến 1901. Sau đó, tám cường quốc Tây phương đã kéo liên quân tấn công, đánh thằng tới Bắc Kinh, tàn phá cung điện và cướp đi không biết bao nhiêu của báu, vua quan nhà Thanh bỏ chạy, khi trở về phải ký hòa ước chịu những khoản “bồi thường” khổng lồ cho tám nước đã đánh mình!
Đó là một đoạn sử nhục nhã đánh thức tự ái dân tộc của người Trung Hoa. Mười năm sau, họ lật đổ nhà Thanh, thành lập Dân quốc.
Trong tám nước liên minh đánh Tàu, chính phủ Mỹ cư xử khác. Tổng Thống Theodore Roosevelt đã trả lại số tiền bồi thường chính phủ dân quốc. Dùng số tiền bồi hoàn lập ra một quỹ học bổng đưa sinh viên Trung Hoa du học bên Mỹ. Một phần số tiền này, năm 1915, đã được dùng để xây Bảo Uẩn Lâu; một phần khác dùng để xây dựng Đại Học Thanh Hoa, ngôi trường danh tiếng nay vẫn hoạt động.
Ông Donald Trump và bà Melania chắc chắn phải thích thú nghe kể chuyện cổ tích về ngôi nhà Uẩn Lâu này, sau khi mời ông bà Tập Cận Bình coi đoạn video cô cháu ngoại hát tiếng Tàu, đọc thuộc lòng Tam Tự Kinh, rồi chúc phúc Grandpa Tập Cận Bình và Grandma Bành Lệ Viên.
Trong khi đưa khách đi thăm các phòng ốc, dừng chân rất lâu ở Điện Thái Hòa, chắc ông Tập Cận Bình phải giải thích cho ông Donald Trump hiểu nghĩa cái tên gọi này: Hòa Bình Lớn khắp nơi dưới bầu trời – Thiên Hạ. Tập có thể tóm tắt cho Trump nghe: Tư tưởng Tập Cận Bình mới ghi trong cương lĩnh đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng nhắm cùng mục đích đó: Thiên hạ Thái hòa!
Nhưng Thiên Hạ nghĩa là gì? Các hoàng đế Trung Hoa từ hai thế kỷ Trước Công Nguyên đã coi họ chịu trách nhiệm với cả nhân loại: “Bình thiên hạ,” giữ cho cả thế giới được bình an. “Sử Ký” của Tư Mã Thiên, quyển 6, Tần Thủy Hoàng Bản Kỷ, viết rằng lãnh thổ của Thủy Hoàng bao gồm bốn phương Tây, Nam, Đông, Bắc, “Đi tới bất cứ nơi nào có dấu người ở; chẳng có ai không phải là bầy tôi.” (Nhân tích sở chí, vô bất thần giả (史記 /秦始皇本紀: “人迹所至,無不臣者”).
Tài kể chuyện của ông Tập Cận Bình chắc điêu luyện lắm. Cho nên, bữa ăn tối, tại điện Kiến Phúc (Jianfu Palace, 建福宫), cũng trong Tử Cấm Thành, đã kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, mà khi mời, ông Tập gọi là “một bữa ăn vội” để khách được về nghỉ ngơi sớm. Đây là bữa tiệc đầu tiên đãi một quốc khách trong Tử Cấm Thành.
Hôm sau, ông Trump kể rằng lúc đầu ông tính sẽ ngồi ăn trong vòng 20, 25 phút; vì ông chủ rất dễ thương (you are so nice) biết khách đi đường xa mệt nhọc. Nhưng ông Trump kể, hai ông bà thích thú từng phút một suốt bữa ăn (we enjoyed every minute of it). Có thể tưởng tượng cảnh Tam Quốc Chí, khi Lưu Bị ngồi ăn cơm với bà mẹ Tôn Quyền; sau đó vừa thoát chết, vừa được vợ. Hãy chinh phục cảm tình của một người! Một người có địa vị then chốt! Các chuyện khác sẽ đâu vào đó, tính sau!
Người Trung Hoa có mấy ngàn năm lịch sử nghề làm ngoại giao. Người Việt cũng không ngu dại gì mà không biết.
Nhưng người Việt Nam khác người Tàu. Người Việt khinh thường những thái độ vuốt ve, xu nịnh với mục đích rõ ràng cầu lợi. Ai cũng biết rằng muốn ngăn chặn chương trình bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông nước ta không thể nào không nhờ thế lực cân bằng của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và các nước Tây phương. Nhưng cách tốt nhất để được các nước này giao hảo và hỗ trợ là làm sao cho người ta kính trọng mình. Một quốc gia muốn được kính trọng phải chứng tỏ mình biết và áp dụng những giá trị được loài người tôn trọng. Trong số các giá trị đó, có phẩm giá con người, có tinh thần dân chủ tự do, thượng tôn pháp luật.
Việc bắt giữ một phụ nữ chỉ vì cô đã mang biểu ngữ chống ông Donald Trump là một hành động vụng về, ngu dại. Không làm cho khách vui hơn mà có thể khiến họ khinh thường mình!
Ông Trump là tổng thống một nước dân chủ, mỗi ngày ông ta phải nghe hàng trăm, hàng ngàn những lời chê bai, đã kích, có khi lăng mạ nặng lời! Nếu một phụ nữ Việt Nam chỉ nâng cao tấm bảng chống ông Trump mà bị trấn áp, thì chính phủ Mỹ cũng không coi đó là một hành động thân thiện! Ngược lại, họ chỉ thấy bằng chứng rõ ràng là ở xứ này dân không được sống tự do! Tại những nước dân chủ, một cô gái bầy tỏ ý kiến một cách ôn hòa thì không có tội gì cả, dù cô chống lại chính quyền đương nhiệm! Ở đây, cô Mai Khôi chỉ chống một ông tổng thống nước ngoài; dù đó là tổng thống nước nào cũng không thể bắt giam cô!
Cô Mai Khôi nói: Tôi chỉ chống đối (ông Trump) theo cách mà bất cứ người Mỹ nào phản đối cũng làm như thế. Tôi không làm gì sai.’ Phóng viên Bennet Murray ở Hà Nội kể rằng ca sĩ Mai Khôi đã từng bị chính quyền cộng sản theo dõi, sách nhiễu, bắt giam nhiều lần, chương trình biểu diễn của cô bị phá, cô và ông chồng người Úc bị đuổi ra khỏi nhà mình. Cả thế giới bây giờ biết những chuyện này.
Bắt giữ cô Mai khôi chỉ vì cô phản đối ông tổng thống Mỹ chứng tỏ chính quyền cộng sản vẫn mang nguyên tính chuyên chế, độc tài và khiếp sợ ngoại bang. Cộng sản cấm dân biểu tình chống Trung Cộng xâm lấn, nay chống một cô ca sĩ chống ông tổng thống Mỹ, cả hai đều là thái độ khiếp nhược. Một chính quyền như vậy bị cả thế giới khinh khi. Người ta tự hỏi dân Việt Nam là thứ người gì mà chịu sống mãi dưới ách độc tài toàn trị như vậy? Nhục nhã cả nước!
Dù bị cô Mai Khôi phản đối, chính phủ Trump không thiếu thông tin mà không biết rằng dân Việt Nam bây giờ muốn kết thân với nước Mỹ để cân bằng ảnh hưởng Trung Quốc. Người Việt nào cũng biết nước mình cần Mỹ giúp tự bảo vệ.
Cuộc nghiên cứu dư luận của Pew Research gần đây cho biết 84% dân Việt nhìn nước Mỹ với thiện cảm, cao hơn tỷ số 76% vào năm 2014. Dân Việt yêu thích những lý tưởng của nước Mỹ như tự do dân chủ, với tỷ số 69%, ở Á châu chỉ sau dân Nam Hàn (78%). Có 31,000 sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ, đứng hàng thứ năm so với các nước khác.
Chính phủ Mỹ họ cũng biết rõ xã hội Việt Nam bất công như thế nào. Họ có những số thống kê cho thấy Việt Nam là một trong mười nước có dân mua nhà ở tại Mỹ nhiều nhất. Trong số những người xin visa EB-5 để được làm di dân tại Mỹ với số đầu tư tối thiểu 500 ngàn mỹ kim, con số các đại gia người Việt xin visa EB-5 rất đông, đứng hàng thứ hai, chỉ thua tư bản đỏ nước Tàu. Trong khi đó lợi tức bình quân mỗi người Việt trong nước chỉ có 2,200 đô la một năm.
Những người dân không đủ tiền mua gạo sẽ tự hỏi: Tại sao chúng ta phải sống mãi trong cảnh bất công này, với một nhóm lãnh đạo quỳ gối khom lưng trước kẻ thù truyền kiếp? (Ngô Nhân Dụng)