main billboard

Nhất là đoạn văn “cờ được treo trong tiếng reo hò của quân ta và nhân dân vùng phụ cận!” thì quả là phét lác quá sức. Lúc đó có một mình ông Bảy Vĩnh thì “quân ta” ở đâu mà reo, và trong khu vực Bộ TTM rộng lớn ở xa phố xá thì lấy đâu ra dân mà hò?


bo ttm qlvnch
Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH trước năm 1975. (Hình: dongsongcu.wordpress.com)

Ðại Tá VNCH Chu Văn Hồ, nguyên chỉ huy trưởng Trung Tâm Ðiện Toán Nhân Viên, Phòng Tổng Quản Trị, Bộ TTM-QLVNCH, hiện cư ngụ tại New Jersey là sĩ quan cao cấp duy nhất có mặt tại Bộ TTM-VNCH vào trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975. Ông được Bảy Vĩnh, đại diện quân Bắc Việt, vào tiếp thu Bộ TTM, cấp cho tờ giấy giới thiệu, “tạm thời có nhiệm vụ bảo quản của công!” trong khi chờ đợi các lực lượng Việt Cộng vào.

Theo lời Ðại Tá Hồ, sáng hôm đó, sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, thì Bộ TTM là một ngôi nhà không chủ, bỏ trống, không còn binh sĩ, chỉ có một số đơn vị trưởng ở lại để “chờ bàn giao” theo lệnh.

Vào khoảng 10 giờ 30 sáng, có một cán bộ Bắc Việt tên Bảy Vĩnh (trên giấy tờ ghi là Quân Ðoàn Trưởng QÐ 2 giải phóng thủ đô) đi trên xe Jeep do một tài xế tên Suốt (phục vụ tại Phòng 7 Bộ TTM làm nội tuyến) đến gặp Ðại Tá Chu Văn Hồ ở Trung Tâm Ðiện Toán Nhân Viên, mượn thang lên treo cờ ở tòa nhà chính, rồi ra về, đến tối mới dẫn một toán quân đi từ cổng số 1 vào. Khi đó, quân phòng thủ Bộ TTM không còn ai nữa.

Bảy Vĩnh đóng quân tại Trung Tâm Ðiện Toán của Ðại Tá Chu Văn Hồ, mấy ngày sau mới bàn giao cho chuyên viên ở Bắc Việt vào.

Theo một bài báo của Tướng Cộng Sản Trần Văn Trà đăng trên tạp chí Ngày Nay, số đề ngày 1 Tháng Năm, 1990, xác nhận người vào Bộ TTM đi bằng xe Jeep, gặp Ðại Tá Hồ, sau đó lên tòa nhà chính cắm cờ với sự trợ giúp của một hạ sĩ là nội tuyến! Không một tiếng súng!

Chấm hết!

Nhưng theo sách vở và sự tuyên truyền của Bắc Việt, 55 ngày đêm chiến đấu của Việt Cộng là thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, vũ bão, sáng tạo, và ca tụng kiểu Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng!”

Nếu với chỉ một chiếc xe Jeep, chiến lợi phẩm lượm dọc đường và một tên lính nằm vùng, Bảy Vĩnh vào Bộ TTM-QLVNCH treo cờ mà không cần bắn một phát súng, đổ một giọt máu, thì trận đánh chiếm miền Nam có còn chi là hào hùng, vũ bão!

Ðể lừa bịp hậu sinh và dân chúng miền Bắc, 10 năm sau, trận chiến này được vẽ lại trên mặt báo:

    Trong cuốn “Tự Ðiển Bách Khoa Quân Sử” của Bộ Quốc Phòng CSVN xuất bản năm 2004 tại Hà Nội, do hơn 100 tướng lãnh và hơn 1,000 đại tá viết, trong trang 1023, trong bài “Trận Bộ Tổng Tham Mưu,” đã viết ra những dòng trên giấy, vẽ ra một trận tiến công tưởng tượng như sau:

“Lực lượng địch tại Bộ TTM khoảng 4,400 quân (gồm cơ quan văn phòng, 1 tiểu đoàn tổng hành dinh, 1 tiểu đoàn truyền tin, 1 đại đội quân cảnh, 1 chi đoàn xe tăng thiết giáp, 2 đại đội pháo và súng cối…) Ngoài ra, còn có lực lượng bảo vệ vòng ngoài của hệ thống phòng thủ Sài Gòn. Với sức mạnh áp đảo, sáng 30 Tháng Tư, ta tiếp tục tiến công tiêu diệt các ổ đề kháng và lực lượng phản kích của địch, hình thành nhiều mũi đột phá cổng chính và cổng 1, 2, 3, đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong Bộ TTM, làm chủ và kết thúc trận đánh lúc 11 giờ 30 phút. Kết quả diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ quân địch:

-Thu và phá hủy gần 200 xe quân sự (phần lớn là xe tăng và xe bọc thép),

-Sáu khẩu pháo,

-Bắn cháy hai máy bay trực thăng,

-Thu hơn 3,500 súng bộ binh và nhiều tài liệu quan trọng…”

    Trong “Những trận đánh làm nên lịch sử” do nhà xuất bản Quân Ðội Nhân Dân, Hà Nội, xuất bản, bài “Ðánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu:”

“Ðến cổng số 3, Ðại Ðội 6 gặp địch ngăn chặn, súng máy, súng tiểu liên của chúng quét như vãi đạn từ các ô cửa xuống mặt đường, năm chiến sĩ của ta bị thương nặng phải đưa về phía sau. Phải chia cắt để tiêu diệt địch ta mới có thể vào sâu bên trong, chính trị viên Trần Hạng trao đổi với đại đội phó Nguyễn Ðức Dương và lập tức Ðại Ðội 6 tách thành hai mũi. Chính trị viên Hạng chỉ huy mũi thứ nhất vượt qua làn đạn, nhằm hướng Bộ Tổng Tham Mưu tiến vào. Mũi thứ hai do đại đội phó Dương chỉ huy sử dụng M48 bao vây địch ở khu tiếp liệu, tới tấp nã đạn về phía quân ngụy. Chỉ 10 phút sau, tiếng súng địch im bặt.

“Ở ngoài cổng số 6, Ðại Ðội 5 cùng Trung Ðội 2, Ðại Ðội 7 dùng pháo cối chế áp cùng hai chiếc K63, bốn chiếc M48, đột kích thẳng vào khu nhà hai tầng. Nhưng bọn địch đã lập tức di chuyển về phía sân vận động và bắn như điên cuồng về phía quân giải phóng.

“Lúc này, binh lính địch quăng súng, lột áo chạy tháo thân, tiểu đoàn biệt kích dù, tiểu đoàn bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu tan rã nhanh chóng.

“Chỉ một lát sau, lá cờ giải phóng đã tung bay tên nóc nhà Bộ Tổng Tham Mưu ngụy, trong tiếng reo hò của quân ta và nhân dân vùng phụ cận !!!”

Thông Tấn Xã Việt Nam, Tháng Tư, 2015, có bài “Cắm cờ trên nóc Bộ Tổng Tham Mưu:”

“Qua 40 năm nhưng ông Ðông vẫn nhớ như in từng chi tiết với nỗi niềm tự hào của người lính cụ Hồ. Ông kể vào khoảng 11 giờ kém 20 ngày 30 Tháng Tư, 1975 theo đường Trần Xuân Soạn tiến về đường Hàm Nghi, Tiểu Ðoàn 2 đánh thẳng vào cổng số 1 Bộ Tổng Tham Mưu ngụy quyền Sài Gòn. Lúc này cuộc chiến đấu vô cùng ác, Tiểu Ðoàn 2 không thể thọc sâu tấn công được.

“Theo lệnh của chỉ huy trưởng Thiều Quang Nông xe bọc thép tiến vào cổng số 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Hai lô cốt bị tiêu diệt, thừa thắng xe bọc thép húc tung cánh cửa Bộ Tổng Tham Mưu tiến vào nội tâm. Lúc này xe tăng của ta và quân giải phóng đồng thời tiến vào đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của giặc. Ông Ðông hồi tưởng lại.

“Trong đó, xe bọc thép chờ đội trinh sát của ông Ðông lao thẳng vào tòa nhà ba tầng cao nhất. Ông Ðông nhẩy xuống trước, các đồng đội theo sau hỗ trợ. Phía trong nhà Bộ Tổng Tham Mưu còn rất nhiều giặc. Nhanh trí, ông Ðông đã khống chế một tên địch và bắt dẫn lên lối gần nhất nóc nhà ba tầng.

“Sau khi cả đội lên đủ năm người,mỗi người một nhiệm vụ, phối hợp nhanh chóng cắm được lá cờ của lực lượng giải phóng. Ông Ðông mở ba lô lấy cờ, ông Lại Ðức Lưu tung cờ, ông Ðỗ Xuân Hương lồng cờ vào cán.”

Từ câu chuyện ông Bảy Vĩnh với sự trợ giúp của một anh lính nằm vùng trong Bộ TTM, mượn thang treo cờ, biến thành câu chuyện có đến ba anh chàng trong “toán treo cờ,” anh mở ba lô lấy cờ, một anh tung cờ, một anh lồng cờ vào cán, thật là rắc rối!

Ngoài ra, còn nhiều báo và phim bịa đặt nói về trận đánh Bộ TTM và cắm cờ ngày 30 Tháng Tư, 1975, trong phim có nhiều anh bộ đội chạy lúp xúp, nấp sau gốc cây, nhưng lúc quay phim thì toàn bộ các tòa nhà Bộ TTM đã sơn màu khác rồi!

Trận đánh vào Bộ TTM, lúc thì Cộng Sản cho là do công của Trung Ðoàn 48, khi thì nói là của Biệt Ðộng Sài Gòn.

Phỏng vấn những nhân vật tưởng tượng không tham gia gì trận đánh như Ðại Tá Nguyễn Văn Tàu và Ðại Úy Lương Hoài Nam, và những nhân vật tự nhận là người cắm cờ đầu tiên ngày 30 Tháng Tư, 1975 ở Bộ TTM.

Ðể tìm hiểu sự thật của lịch sử, xin đọc “Lược Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,” xuất bản năm 2011 (trang 849-854) của các tác giả Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, và Lê Ðình Thụy, đã in thủ bút của Bảy Vĩnh khi vào gặp Ðại Tá Chu Văn Hồ, chứng nhận Ðại Tá Hồ “đã bàn giao cho cách mạng.” Không có đơn vị Cộng Sản nào đánh chiếm Bộ TTM ngày 30 Tháng Tư, 1975, thì làm gì có việc Bắc Việt đã tiến công bắn hạ hai trực thăng, phá hai khẩu pháo, hàng trăm xe bọc thép, và tịch thu hàng nhìn khẩu súng.

Ðây là những chiến công tưởng tượng chỉ có trên mặt giấy… báo.

Nhất là đoạn văn “cờ được treo trong tiếng reo hò của quân ta và nhân dân vùng phụ cận!” thì quả là phét lác quá sức. Lúc đó có một mình ông Bảy Vĩnh thì “quân ta” ở đâu mà reo, và trong khu vực Bộ TTM rộng lớn ở xa phố xá thì lấy đâu ra dân mà hò?

Cuối cùng thì vẫn là: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói…” Bệnh mãn tính Cộng Sản là sự dối trá. Viết sử giả tạo không đúng sự thật, cũng giống như người làm chứng gian, để cho đời sau rơi vào sự lầm lạc.

“Chủ nghĩa Cộng Sản và sự dối trá là một; và để chúng ta thấy rằng dối trá là hiện tượng thuộc về bản chất của các xã hội Cộng Sản trên toàn thế giới.” (Bauxit online).