Cô sẽ nhớ cái tên Hochiminh City mãi mãi.
Cô Rita Rasimaite và chiếc xe đạp. (Hình: Facebook)
Cô Rita Rasimaite, 26 tuổi, đến từ quốc gia Cộng Hòa Litva, đã làm một cuộc hành trình xuyên Việt dài 3,600 km từ Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên rồi xuống Đồng Hới, Đà Nẵng, Nha Trang và đến Sài Gòn vào tối 18 Tháng Bảy bằng chiếc xe đạp “Cannondale Quick 5” của cô.
Mệt mỏi sau những đoạn đường dài, Rita Rasimaite đã có một đêm nghỉ tại khách sạn trên đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn, sáng ra thức dậy, chiếc xe đạp đã theo cô rong ruổi trên đường vạn dặm đã biến mất.
Cô gái người Litva này đã đi thăm hơn 10 quốc gia trên thế giới trước khi đến Việt Nam và mạo hiểm bằng một chuyến đạp xe từ Bắc vào Nam, khởi hành từ hơn hai tháng trước.
Phong cảnh và dân tình trên đường đi đã cho cô những ý nghĩ đẹp đẽ về đất nước Việt Nam, nhưng cũng Việt Nam đã cho cô những ấn tượng làm tổn thương đến tình cảm này.
Khi ở Nha Trang cô đã bị mất một máy điện thoại và ở điểm đến cuối cùng, nơi mà bây giờ người ta gọi là Hochiminh City, cô đã mất chiếc xe đạp, người bạn đường yêu quý của cô.
Cô nói ở Nha Trang, khi mất điện thoại cô không khóc, nhưng bây giờ thì khác, đó là chiếc xe đạp mà cô yêu quý, nó có ý nghĩa tinh thần lớn lao đối với cô.
Khác với một du khách đi khắp thế giời bằng máy bay hay xe hơi, Rita Rasimaite là một thiếu nữ trẻ có đầu óc mạo hiểm, muốn đạp xe trên một lộ trình dài để tìm hiểu một đất nước vừa ra khỏi một cuộc chiến tranh khốc liệt, nhưng điểm đến cuối cùng chắc đã làm cô thất vọng.
Một đất nước đẹp đẽ như thế, có một dân tộc nhu hòa, hiếu khách như vậy, nhưng bất hạnh đã chịu một cảnh khốn cùng, vì được cai trị bởi một đảng mà thế giới đã đào thải, một nhóm người không đạo đức mà cũng chẳng hề có nhân tính.
Nếu cô gái người Litva này biết, những người đang lãnh đạo đất nước này là một lũ ăn cắp, mà tục ngữ Việt Nam gọi chúng là bọn “cướp ngày,” điển hình là vụ thanh tra những ngôi nhà bạc triệu đô la vừa qua, thì cô cũng không nên ngạc nhiên khi chiếc xe đạp trị giá $516 của cô bị một công dân XHCN của “thành phố Hồ Chí Minh” bẻ khóa mang đi.
Ở một nước khác, vì danh dự của một quốc gia, sở cảnh sát địa phương sẽ nhanh chóng tìm ra chiếc xe đạp này để trao lại cho cô, vì giữa cảnh sát và băng đảng lưu manh thường có những mối liên lạc cần thiết. Nhưng ở đây, tôi tin rằng, công an nhân dân của Việt Nam không có truyền thống trọng danh dự đến đỗi như vậy, vì số tiền chia chác thường gắn bó cho công cuộc làm ăn lâu dài và cao hơn số tiền thưởng, hay là một cái bằng khen vô giá trị như tờ gấy lộn trong đống rác vĩ đại, không đổi được một chầu bia.
Chúng tôi nghe nói cô đã khóc vì mất chiếc xe đạp. Chúng tôi biết cô cũng có tiền, có thể mua một chiếc xe đạp khác mới hơn chiếc xe cô đã dùng, nhưng chúng tôi biết tình cảm của cô, lốp xe có thể đã mòn hơn, tay cầm hay thân xe đã thấm những giọt mồ hôi của cô. Nó đã đi theo cùng cô qua những cánh rừng, vượt qua những con sông, len lỏi qua các thành phố và thong dong trên quốc lộ của đất nước tôi. Nó gần gũi hơn một người bạn, giá trị hơn một món tiền, và đây là một sự mất mát lớn, làm tổn thương tình cảm của cô mà cũng tổn thương đến danh dự cho đất nước tôi.
Ở xứ sở này, người ta đã có thể lấy sức mạnh cướp một xấp vé số trên tay của một người mù lòa, lấy tiền bạc cướp trinh tiết của một đứa bé chỉ lên 8 tuổi, lấy quyền lực cướp đất đai ruộng vườn của người khác. Một chiếc xe đạp của một người nước ngoài, có thể đó là một người giàu có, và lại là một cô “Tây,” chỉ ghé lại đất nước này một thời gian ngắn, là người khách qua đường, có gì mà phải kiêng dè hay quan trọng.
Ở đất nước này, trong những năm gần đây, người ta đã mất nhiều thứ, lớn hay nhỏ, vật chất nắm bắt được hay trừu tượng, vô hình và nhất là niềm tin vào con người. Chính cô, khi sáng này thức dậy, cô cũng đã mất niềm tin vào xứ sở này, và đau đớn lâu dài hơn nữa là niềm tin vào con người!
Những ngày còn lại ở thành phố này, cô còn biết tin ai?
Cô sẽ nhớ cái tên Hochiminh City mãi mãi. Ở đây lâu hơn, cô sẽ nghe những tiếng hô khẩu hiệu quen thuộc “Việt Nam-Hồ Chí Minh! Việt Nam-Hồ Chí Minh!” Quen thuộc như âm thanh những miếng kim loại va chạm vào nhau trong bàn tay của người “tẩm quất” khiếm thị nghe loảng xoảng trên những con phố nhỏ trong đêm của Sài Gòn. Tiếng va chạm của mấy miếng kim loại cho biết sự hiện diện của người “tẩm quất,” và tiếng hô khẩu hiệu kia cho cô biết đất nước chúng tôi đang hiện diện một bóng ma bao trùm ở mọi nơi.
Ngày mai, cô sẽ trở về với đất nước Litva, một Litva hòa bình và xinh đẹp, vừa qua khỏi bóng đêm Cộng Sản, điều mà dân tộc chúng tôi đang ngày đêm chiến đấu và cầu nguyện.
Tin giờ chót: Người ta đã tìm ra chiếc xe đạp của cô Rita Rasimaite bị đánh mất, nhưng tiếc rằng cô đã lên đường về nước mất rồi! Trên đường trở lại quê hương chắc lòng cô buồn phiền và trĩu nặng vì câu chuyện vừa mới xảy ra. Tôi không chắc chiếc xe đạp sẽ đến tay cô. Cô nói cô đã khóc khi mất nó, chắc cô cũng sẽ khóc nhiều khi tìm lại nó.
Tôi không hối hận gì về những điều tôi đã viết ra khi nghe câu chuyện về chiếc xe đạp của cô trong bài viết hôm nay, dù người ta đã tìm ra vật đã mất.
Rita Rasimaite đã tìm lại được chiếc xe đạp, nhưng những thứ chúng tôi đã mất trong xứ sở này, có thể không bao giờ tìm lại được.