Theo Âm lịch, thời điểm này đã là Tháng Chín của năm Nhâm Thìn. Từ trải nghiệm của nhiều người thì chưa năm nào Sài Gòn và miền Nam lại mưa nhiều và lớn như năm nay.
Một góc phố Sài Gòn trong cơn mưa tầm tã. (Hình: Phan Chánh)
Chuyện mưa sáng, mưa trưa, mưa chiều, mưa khuya kéo dài lê thê là điều hiếm thấy. Một người từ Cà Mau cho biết là: Từ hồi biết làm ruộng tới giờ chưa năm nào mưa nhiều đến mức nước ruộng không biết bơm đi đâu cho bớt. Ruộng cấy lúa mùa của anh đã ngập lút, cảnh đói ăn tha phương cầu thực của gia đình anh đã thấy trước mắt.
Một bà nội trợ nhà ở chợ ông Hoàng - Tân Bình thì cho biết giá rau cứ theo mưa mà lên vù vù. bà nói. “Cái thứ rau muống nước lên tới đâu đâm đọt tới đó mà họ cũng đổ thừa do mưa để lên giá gấp đôi.”
Tất nhiên khi mưa nhiều đến bất thường thì cảnh ngập lụt giữa một đô thị lớn lại là chuyện bình thường. Không ai tổng kết được số lượng tiền viện trợ hoặc vay mượn của nước ngoài để gọi là giúp Sài Gòn hết cảnh sống chung với lũ; người dân ở các khu ngập nặng nhìn nhau và cùng nhau tiên đoán là phải mất cỡ cả thế kỷ nữa Sài Gòn mới gọi là cơ bản thoát cảnh lội bì bõm.
Tính sơ qua các điểm ngập nặng như đường Nguyễn Hữu Cảnh, Vũ Tùng, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Xích Long rồi dài dài vô quận 9, quận 8, quận 6... Ngay cả các vị làm trong đài khí tượng thủy văn cũng mạnh miệng tuyên bố là hễ mưa từ 40mm đến 50mm là kể như Sài Gòn ngập nặng.
Trong cảnh trời mưa tối mắt tối mũi thì người bám vỉa hè bán hàng rong là khổ lòng nhất. Một bà bán cháo lòng - bún riêu nói như khóc. “Cả mấy ngày nay công an không đuổi, nhưng mưa thúi đất như vầy mua bán gì được.”
Nhiều con đường Sài Gòn biến thành sông sau một trận mưa lớn. (Hình: Saigon Times)
Ðương nhiên đội quân bán vé số dạo là gánh hậu quả nặng nề nhất của việc mưa như giội nước trên đầu. Nếu nói rằng một trong những việc tốt mà chế độ hiện hành làm được, thì việc hàng đầu phải kể là tỉnh thành nào cũng phát hành vé số và nhờ đó mà hàng sư đoàn người bán vé số dạo kiếm sống được lây lất qua ngày. Một ông già, người miền Trung cầm xấp vé số bọc trong miếng ni-lon nói. “Mấy ngày nay, toàn là ăn mì gói, giống như ngoài quê chạy lũ.”
Chỉ số giá tiêu dùng trong Tháng Chín 2012, mới được công bố đã tăng 2.2% so với tháng trước; và tăng 5.13% so với đầu năm. Như vậy theo dự đoán lạm phát ở Việt Nam trong năm 2012 sẽ hai con số.
Nhưng chuyện lạm phát phi mã quay trở lại thì có liên can gì đến việc mưa gió bất thường?
Một ông chủ đại lý mỹ phẩm than thở. “Trời nắng ráo còn mua bán được chút chút, còn mưa thì kể như ngồi ngáp. Ai bây giờ cũng mua thực phẩm đâu dám mua gì khác. Mà thực phẩm lên giá thì còn chết nữa.”
Một anh kế toán công ty, dạng người năng nhặt, chặt bị nói trong một quán nhậu. “Sáng nay, tôi đi ngân hàng lãnh lãi, mới biết tin rằng nếu có sự cố thì ngân hàng nhà nước chỉ bảo đảm chi trả không quá 50 triệu tiền gởi của khách hàng từ một tỉ trở lên. Thế là tôi rút hết tiền về. Trước đây tôi cứ nghĩ mình nghèo, tiền để dành gởi tiết kiệm mỗi ngân hàng một ít, càng gởi nhiều ngân hàng thì càng an toàn. Nay mới biết mình ngu.”
Trong những câu chuyện mà giới bình dân bàn ở quán nhậu, quán cà phê dưới trời mưa gió liên miên thì đáng ngạc nhiên nhất là chuyện họ bàn với giọng điệu như những chuyên gia kinh tế-tài chánh.
Câu chuyện về Bầu Kiên, về những ông chủ ngân hàng bị bắt, bị quản chế... lúc này không làm họ quan tâm bàn tán bằng chuyện hệ thống ngân hàng Việt Nam đang lâm vào cảnh nợ xấu ngập đầu và mỉa mai bàn đoán với nhau là chế độ này còn nước để bán cho Trung Quốc, còn giấy để in tiền như rác nhằm thoát khỏi cảnh phá sản.
Dù chuyện mưa gió bất thường, viễn cảnh Sài Gòn và nhiều tỉnh thành sẽ ngập nặng dưới mực nước biển vì biến đổi khí hậu cũng không đáng quan tâm bằng việc kinh tế phá sản khiến hàng triệu gia đình lâm vào cảnh khốn khổ ngay trước mắt.
Trong tình cảnh bị mưa hành gió giật, nhưng giới trí thức quan quyền chế độ ngày ngày ngồi nhà hàng ăn nhậu, ngồi cơ quan tính toán rồi thỉnh thoảng lại nhìn ra trời mưa không dám thở mạnh, nói to, bởi các ông chóp bu của đảng đang họp, giới này vốn giỏi ranh ma ngóng đón hướng gió để mưu cầu cơ hội “vinh thân phì gia”.
Một bà bán báo dạo, bán ế quá, nói. “Trời thì mưa hoài mà báo thì chẳng có gì đọc, nhiều khi muốn nhúng mấy tờ báo này xuống cống cho rồi. Họ nói mười ngày nữa mấy ổng họp xong may ra mới có chuyện hay ho.”
Chuyện thời tiết bão mưa bất thường xem ra không gây ngột ngạt bằng chuyện cả dân tộc đang cùng quẫn trong vũng lầy của thể chế.