Nói như vậy để thấy rằng theo dòng thời gian, với sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ thời trang thì sẽ có vô số mẫu quần áo giống áo dài, chứ không phải là áo dài!
Áo dài (Hình: Hoàng Đình Nam/Getty Images)
Tết Nguyên Đán vừa qua, một trong những chuyện được nhiều người bàn cãi rầm rộ nhất cả trong lẫn ngoài mạng xã hội, là chuyện liên quan đến hai chữ “áo dài” và “áo dài cách tân.”
Người khen cũng có, người chê cũng nhiều, và khả năng tranh cãi trên bàn phím của hai nhóm bênh và chống cũng gay cấn, căng thẳng không kém gì trận chiến giữa những người xem Tổng thống Donald Trump là hiện thân của thần thoại thời nay với những người xem ông là di chứng của “thiên tài không dấu” (tức là ‘thiên tai’). Kẻ tám lạng, người nửa cân, không bên nào nhân nhượng bên nào, và kết cuộc là không biết bao nhiêu người đã “thẳng tay” chặn cửa, tức block ngay trên facebook những người không cùng quan điểm với mình, bất kể thân sơ.
Hầu như chuyện gì rôm rả trên mạng xã hội và được mang ra để tranh cãi quyết liệt cũng xuất phát từ một câu nói hay một lời bình phẩm gì đó. Cơn bão “ném đá” “áo dài cách tân” cũng không ngoại lệ. Thoạt đầu chỉ là sự khen chê bình thường, nhưng khi một Facebooker tên Hoàng Nguyên Vũ cho rằng, “Năm nay các chị em chân cò cẳng nhện bơi trong cái váy đụp, bên trên là thân áo dài, ôi thôi, mắm tôm pha với ca cao ấy ạ. Tấm Cám chẳng ra Tấm Cám, Xúy Vân chẳng phải Xúy Vân, Thị Nở không ra Thị Nở, chả ra làm sao cả” và lời nhận xét ấy được cả ngàn người chia sẻ thì bão táp thật sự dấy lên.
Nói đến đây có thể nhiều người vẫn chưa hiểu “áo dài cách tân” mà mọi người đang bàn tán ở đây là gì. Thưa, rằng thì là, một cách đơn giản nhất, người ta muốn nói đến một loại trang phục được vô số phụ nữ ở Việt Nam, có già có trẻ, nhưng đa phần là thiếu nữ, chọn diện trong dịp Tết vừa qua, như một hiện tượng chưa từng thấy. Trang phục đó có hai phần, phần trên là chiếc áo được may ôm sát người, dài gần đầu gối hoặc quá gối, xẻ tà giống như áo dài, với tay ngắn hoặc tay lỡ, cổ tròn hay cổ thuyền cạn; phần dưới là chiếc váy xòe mềm mại, dài hơn tà áo chừng một, hai gang tay.
Nếu nói đây là bộ váy đầm thì có gì sai đâu, không cần gán cho nó tên gọi “áo dài cách tân” (Hình minh họa: tamsugiadinh.vn)
Thật tình mà nói, nếu như tôi không bị dội vào đầu chữ “áo dài cách tân” thì ngay từ lúc mới thấy bộ trang phục này, tôi đã cho rằng đó là một kiểu áo đầm, đơn giản vậy thôi.
Và trong suy nghĩ đó là một kiểu thời trang mới dành cho mùa Tết này, tôi đã nhìn ngắm nó như cách ngắm nghía bao nhiêu thứ thời trang khác, để nhận ra một điểm chung bất di bất dịch cho chuyện ăn mặc, là: xấu đẹp tùy người chưng diện.
Hay nói như bạn Nguyễn Tuyết Nhung, một cô giáo trung học, thì “Ông bà xưa nói: làm quan có dạng, làm dáng có hình. Váy, áo truyền thống hay cách tân gì cũng phải hợp với người, với hoàn cảnh mới đẹp.”
Phải thừa nhận là có rất nhiều cô gái đã làm cho bộ trang phục này trở nên thật đẹp với những màu sắc phối nhau hài hòa giữa tay áo, thân áo, những hoa văn, họa tiết vừa nền nã, sang trọng quý phái, mà lại trẻ trung chứ không già nua, cũ kỹ. Cả màu sắc và kiểu dáng của chiếc váy đi kèm cũng góp phần không nhỏ trong việc tôn lên vẻ đẹp của bộ đầm này. Nhìn những hình ảnh xinh tươi, những nụ cười rạng rỡ trong nắng Xuân của các cô gái Xuân thì trong chiếc đầm này, tự dưng lòng mình cũng thấy xuân lây.
Nhưng, cái gì cũng có “nhưng” đi kèm mới hấp dẫn!
Nhiều người đã tự biến mình thành cái giá máng đồ khi chọn bộ trang phục đang ‘hot” này. Cũng đơn giản là vì kiểu dáng đó không hợp với thể hình của họ. Cũng có thể vì màu sắc họ lựa chọn nó tréo ngoe, chỏi nhau, các họa tiết đi kèm quá cầu kỳ, rườm rà, thành ra nhìn thấy mệt con mắt quá. Mà như vậy thì tự dưng chiếc đầm trở nên kệch cỡm, bị chê.
Tôi nghe người bạn, Nguyệt Trần, cũng là một cô giáo trẻ, tâm sự, “Mình thích thời trang, thích những trang phục theo mốt mới nhất, miễn là trang phục đó mặc vào mình thấy mình đẹp hơn. Tuy nhiên, không phải cái nào mình cũng mặc. Ví dụ như lúc mốt quần đáy ngắn, lưng xệ nổi lên, mình không hưởng ứng, không may không mặc, vì thấy kiểu đó không hợp với mình, nhưng khi nhìn ai mặc quần đó đẹp mình vẫn tấm tắc khen.”
Tôi đồng ý với Nguyệt trong góc nhìn về thời trang như thế. Thời trang trước tiên là giúp cho mình cảm thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn. Cùng kiểu quần áo đó, người kia mặc đẹp, không có nghĩa là mình diện cũng lả lướt, và ngược lại.
Trở lại với khái niệm “áo dài.” Tôi mặc định trong đầu mình rằng, đã là áo dài thì trước tiên nó phải dài quá nửa gối, hai tà, ôm thân người, tay dài raglan, mặc với quần lụa mềm dài chấm đất (nhưng không phủ đất), đó là chiếc áo đi từ bước đột phá của họa sĩ Cát Tường với áo dài Lemur rồi đến sự “cải tiến” của họa sĩ Lê Phổ ở thập niên 30 của thế kỷ trước, đó là chiếc áo chuẩn, cho dù có qua bao nhiêu cải biên cải cách.
Nói như vậy để thấy rằng theo dòng thời gian, với sự phát triển vượt bậc của kỹ nghệ thời trang thì sẽ có vô số mẫu quần áo giống áo dài, chứ không phải là áo dài!
Thử dạo một vòng trong các tiệm thời trang nổi tiếng ở các shopping sang trọng như Nordstrom hay Bloomingdales có lẽ mọi người sẽ rất ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều mẫu mà họ gọi là “áo đầm” (dress) hay “áo ngắn” (tops) mà ngay khi nhìn thấy mình sẽ nghĩ ngay đó là “áo dài biến tấu” hay “áo dài cách tân.” Nghĩa là nó cũng là chiếc áo ôm, dài quá nửa đầu gối, có xẻ tà từ eo, may bằng những loại vải “silk”, tay ngắn, cổ tròn sát, mặc với quần dài ôm (legging)!
Tôi nghĩ, sẽ chẳng ai lấy làm bực mình khi thấy những kiểu thiết kế đó với những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Bởi, họ không cho đó là áo dài Việt Nam, một loại trang phục cổ truyền của dân tộc Việt.
Một mẫu thời trang của nhãn hiệu Vince Camuto được bày bán ở cửa hàng sang trọng Bloomingdales trông “giống” áo dài cách tân. (Hình: bloomingdales.com)
Mà nếu như vậy, thì, khi mọi người không nghĩ bộ trang phục áo váy mà nhiều người chưng diện trong dịp Tết vừa qua là “áo dài” hay “áo dài cách tân” thì sẽ không có chuyện gì ầm ĩ hết.
Đơn giản, đó chỉ là một mẫu thời trang, một bộ áo đầm, tôi gọi như vậy. Hãy mặc, nếu mình thích. Và đừng mặc, nếu nghĩ nó không hợp với mình.
Sau cùng, nên thành thật với chính mình, và với chính tên gọi của quần áo, đừng gán ghép cho nó tên “áo dài,” mà hãy gọi nó là “áo lỡ” chẳng hạn, và như vậy, mình sẽ không cảm thấy chiếc áo dài cổ truyền bị “xúc phạm” để rồi chính mình đâm ra bực bội. Mà, cái gương mặt bực bội thì khi diện chiếc áo dài truyền thống thướt tha vô nhìn cũng không có vui. Cho nên, hãy nên nhìn chiếc áo của mình và mỉm cười với nó, cho đời mình vui.