Vừa bước sang đầu năm con Rắn, VN đã có khối chuyện ồn ào, mới có cũ có, đủ mục lẩm cẩm, đủ chuyện “ấm ớ hội tề.”
Nhiều bạn thuộc loại “cụ” chắc chưa quên cái “hội tề” xưa kia, nhiều bạn quên hoặc chưa biết. Vậy xin nhắc lại chút xíu về cái “hội tề” này, tại sao người ta lại gọi hội này là “hội ấm ớ”. Chuyện kể rằng vào khoảng những năm 1948-1954, khi quân đội Pháp lập nhiều đồn bót ở những vùng quê mới chiếm đóng, dân trong các làng mạc quanh “bót” tức là đồn Tây đóng, thường chạy “tản cư” hết. Nhưng sau một thời gian, nhà cửa ruộng vườn còn đó nên dân làng lại trở về cày cấy, kiếm sống. Để có một Ủy Ban Hành Chánh trông coi công việc trong làng, người Pháp lập ra mội Hội Đồng, như Ủy Ban Hành Chánh, thay mặt cho dân giao thiệp với các quan trong đồn. Người ta gọi cái Ủy Ban đó là Hội Tề. Hồi đó hầu hết người dân thôn quê chỉ biết có Việt Minh chống xâm lược, chứ chưa biết đảng Cộng Sản là gì.
Vào thời đó, Việt Minh mới thành lập những đội du kích, sống lẫn lộn với người dân trong làng. Đêm đến làng là do Việt Minh kiểm soát, ban ngày quân đội Pháp cai trị. Đêm Việt Minh đào đường, phá đường hoặc có những hoạt động trong làng, ban ngày lính Pháp lại vào làng, truy hỏi cái Hội Tề đó về những hoạt động này như “ai phá đường?”. Các ông trong hội tề cứ ấm a ấm ớ trả lời: “Dường như mấy thằng ở làng bên cạnh hoặc nó ở đâu mang súng về, chúng tôi không biết”. Rồi Tây lại bắt dân ra đắp lại đường. Thật ra thì chính những anh đắp lại đường hôm nay lại là những anh phá đường đêm hôm trước. Tây nói cũng ừ, Việt Minh nói cũng đúng, nửa nọ nửa kia, nửa theo nửa chống, nửa nạc nửa mỡ. Cứ cái kiểu ấy kéo dài, nên Hội Tề được dân gọi là “hội ấm ớ”. Năm 1949-50, tôi cũng đã có thời gian phải sống trong “làng Tề” như thế này.
Sáng xách ô.. tô đi, tối xách ô tô về
Vào thời đại ngày nay, kiểu ấm ớ hội tề này diễn ra dưới những hình thức khác nhau. Thí dụ như đến nay người ta tạm xác nhận có 30% quan chức “sáng xách ô đi tối xách về”. Chính Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rõ tại cuộc họp thứ nhất Ban Chỉ Đạo Đề Án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức chiều 25-1-2013: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào.” Vậy những cơ quan đó, gọi cho đúng là làm việc theo kiểu “ấm ớ hội tề” thời xa xưa? Thời nay các quan không che nắng che mưa bằng ô nữa mà bằng “ô tô” cho nó hợp thời đại “anh hùng”. Nên có nhiều bạn đọc còn nói là những ông sáng xách “ô tô con” đi tối xách “ô tô con” về còn nhiều hơn con số 30%.
Đa quan tàn dân
Một thí dụ khác còn “tức cười” hơn là một cơ quan có tới 3 ông sếp chỉ huy 1 nhân viên. Đây không phải chuyện “mấy thằng phản động phịa ra để nói xấu chế độ”, mà là chuyện hoàn toàn có thật.
Theo kết quả thống kê từ Sở Nội Vụ Nghệ An, hiện một số sở, ban ngành cấp huyện đang tồn tại một nghịch lý, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Có trường hợp ở một phòng ban, chỉ có 1 nhân viên, nhưng có tới... 3 cán bộ lãnh đạo.
Đơn cử như ngay chính trường hợp của Sở Nội Vụ tỉnh Nghệ An, với 31 biên chế (công chức chính ngạch, ăn lương nhà nước) nhưng đã có tới 19 lãnh đạo gồm 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Phòng công chức viên chức của Sở hiện có 4 biên chế thì có tới 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng, và chỉ có 1 nhân viên để giao phụ trách các công việc cần thiết.
Ở đời, cái gì hiếm mới quí. Đông quan khiến cái danh quan cũng nhảm nhí. Ở cái phòng mà 3 vị chỉ huy, chỉ có một nhân viên như đã nói ở trên thì nhân viên trở thành hàng độc, hàng quý hiếm. Đến khi lấy phiếu tín nhiệm từ “quần chúng” chẳng hạn. Nếu nhân viên này “lắc” ai là người đó coi như 100% không có tín nhiệm, tất nhiên về vườn sớm. Tết vừa qua, có khi các sếp đua nhau mang quà cáp cho ông nhân viên quý hiếm kia đấy.
Dân gian có câu: “Đa quan thì tàn dân”. Nhiều quan dân đã khổ rồi mà quan lại nhiều hơn dân thì dân khổ hơn là cái chắc.
131 gia đình dân mà có tới 120 cán bộ xã, thôn
Còn khôi hài và ấm ớ hội tề hơn nữa là xã Minh Cầm, một trong 2 xã xa nhất của huyện Ba Chẽ. Dân số toàn xã hiện có khoảng 519 người dân sống rải rác ở 5 thôn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm tới 94%. Vậy mà vài năm trở lại đây, số lượng cán bộ xã, thôn ở Minh Cầm gần ngang ngửa với số gia đình dân trong xã. Đến nỗi, nhiều người phải thốt lên: Ra đường là gặp cán bộ... Khi được hỏi về số lượng cán bộ đang có trong xã, ông Bàn Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Cầm nhẩm tính lên tới 120 người.
Điều quan trọng hơn, chính là số lượng viên chức lại không phản ánh được chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Hơn 100,9 ha rừng tự nhiên ở tiểu khu 133, 134 của xã bị tàn phá trong một thời gian dài nhưng chính quyền xã lại không hề biết. Sự việc diễn ra từ tháng 1-2012 và đỉnh điểm của việc tàn phá này là vào tháng 4-2012, khi hàng chục người ùa vào đốt trụi, chặt hạ cây rừng.
Với đầy đủ ban bệ từ thôn đến xã, vậy mà sự việc lớn tày trời như thế xảy ra trong suốt thời gian dài mà chính quyền không hề có sự can thiệp nào.
Còn đối với hơn 100 cán bộ làm công tác tại các thôn, trách nhiệm của họ ở đâu trong khi ngân sách địa phương hàng năm vẫn đang phải chi trả một khoản tiền không nhỏ cho các ông quan xã này. Đúng là chuyện chỉ có ở Việt Nam.
Chuyện cũ như trái đất vẫn tái diễn
Chuyện đầu năm cũ rích vẫn cứ được lập đi lập lại từ năm này qua năm khác. Từ chuyện người dân kéo đến chùa chiền bị chặt chém thoải mái với những cảnh nhếch nhác quen thuộc vẫn cứ diễn ra. Những chuyện cướp bóc trong dịp Tết và sau Tết xảy ra ngày một man rợ hơn như vụ tướng cướp “Thịnh Mắt Ma” và đồng bọn chôn sống một anh tài xế taxi rồi mang lựu đạn xông vào tiệm vàng cướp 200 cây vàng. Chuyện xõa tóc “thôi miên”, cướp hơn 1 tỷ giữa Thủ đô Hà Nội là một kiểu cướp mới rất khó đề phòng. Rồi đến chuyện Chung Hân Đồng, một ca sĩ nổi tiếng trong nhóm nhạc Twins của Hồng Kông, sang VN chơi lễ Valentine hôm 15-2 vừa qua, nhưng lúc dạo phố ở TP Sài Gòn bị giật mất chiếc điện thoại. Chung Hân Đồng kể câu chuyện này trong chương trình phỏng vấn trên đài phát thanh quốc tế CRHK và cho biết “Sự việc làm tôi gặp ác mộng ngay đêm đó”.
Đúng là một nỗi nhục quốc thể. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong kỳ sau. Ở đây tôi chỉ có thể điểm qua vài nét chính vui vui vào dịp đầu xuân này.
Kỳ cục chuyện Cảnh Sát Giao Thông xử phạt
Về những tai nạn xe cộ làm thiệt mạng hàng trăm người, mặc dù theo báo cáo năm nay tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm bớt, nhưng con số gần 300 vụ tai nạn vẫn còn là quá nhiều. Trong hơn 290 vụ TNGT dịp Tết vừa qua, hầu hết xảy ra trên đường bộ và có liên quan đến rượu, bia. Như thế, trách nhiệm trước tiên thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trên khắp các quốc lộ, dễ dàng bắt gặp tài xế xe tải, xe khách phóng bạt mạng, liên tục lấn tuyến, vượt mặt nhau; nhiều người chạy xe máy không thèm đội mũ bảo hiểm, cứ thấy vắng bóng CSGT là phóng nhanh vượt ẩu. Những kẻ chạy xe mà không biết quý tính mạng của mình thì làm gì còn nghĩ đến tính mạng của người khác! Vì thế, TNGT không chỉ gây hậu quả đối với kẻ gây ra tai nạn mà còn tước đoạt một cách oan uổng mạng sống của nhiều nạn nhân vô tội.
Lái xe vi phạm “hù” trung tá Cảnh Sát Giao Thông
Nhưng có một chuyện buồn cười và cũng đáng suy nghĩ đó là chuyện tài xế xe khách vờ gọi trợ lý Thứ trưởng Bộ Công an để “dọa” Cảnh sát Giao Thông (CSGT). Sự việc xảy ra vào lúc 9g20 sáng 18-2 tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh.
Bị tổ tuần tra CSGT Công an TP Hà Tĩnh buộc lỗi đậu xe không đúng nơi quy định, nhóm tài xế, lơ xe BKS 17B-00415 (từ Thái Bình) đã nhảy xuống xe chửi bới, một người còn vờ gọi điện thoại cho trợ lý Thứ trưởng Bộ Công an.
Cho rằng lực lượng CSGT kiểm tra không đúng quy trình, chức năng, toàn bộ lái xe, lơ xe gồm 4 người đã nhảy xuống lớn tiếng đôi co với CSGT. Trong khi số đông người dân đứng xem, tài xế và lơ xe ra sức mạt sát CSGT.
Đáng chú ý, khi tổ tuần tra đang yêu cầu chủ xe xuất trình các giấy tờ liên quan, một tài xế mặc áo đen tên Tám đã rút điện thoại di động gọi cho ai đó, rồi “dọa” tổ CSGT là vừa gọi cho trợ lý một thứ trưởng Bộ Công An. Trung tá Nguyễn Trường Kỷ, một nhân viên trong tổ CSGT Công An TP Hà Tĩnh, vặn hỏi gọi cho ai, tài xế Tám trả lời: “Tôi gọi cho anh Tân, trợ lý anh Trường, thứ trưởng Bộ Công An”. Ngay sau đó, tài xế Tám đưa máy điện thoại để Trung tá Kỷ nói chuyện với trợ lý thứ trưởng Bộ Công An.
Sau đó, tổ tuần tra CSGT Công An TP Hà Tĩnh chỉ xử phạt ở mức độ nhắc nhở rồi cho xe đi. Sau khi chiếc xe và tổ tuần tra CSGT đã đi khỏi, nhiều người dân bực bội trước thái độ hống hách, có tính côn đồ của nhóm tài xế xe khách 17B-00415 cũng như cách xử phạt “kỳ cục” của tổ tuần tra CSGT Công An TP Hà Tĩnh. Tại sao CSGT phải nghe điện thoại của anh lơ xe đưa cho. Ai cũng mặc, cứ theo luật mà làm.
Xác minh của PV báo Dân trí cho thấy, tài xế xe đã tạo dựng một cuộc gọi giả mạo để “dọa” tổ tuần tra CSGT bởi hiện nay, trong các thứ trưởng Bộ Công An không có ai tên là Trường.
Theo phản ảnh của người dân, câu chuyện lại khác:
- Bạn
Tui la người rất ít bình luận trên các bài báo, nhưng đọc xong bài báo này thấy... mắc cười vì 2 lý do: Thứ nhất về mặt công an, sau khi nghe điện thoại mà chỉ... xử lý nhắc nhở thì chắc chắn có vị quan chức ở đầu dây bên kia, theo tôi là chính xác. Thứ 2, bên báo chí điều tra rồi viết là không phải là số điện thoại của quan chức, tôi lại cảm thấy... buồn... cười. Dân đâu phải là những người chẳng biết gì cả.
- Bạn
Tôi tin người nghe điện là trợ lý thật, vì Thái Bình có người làm như vậy ở Bộ CA mà
- Bạn
Đa số mấy vụ mạo danh người thân quen các quan chức cao cấp, theo tôi thấy toàn xảy ra ở phía Bắc. Lẽ nào “văn hóa dựa dẫm” theo kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ” đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người?
Nhìn lại thái độ “nhún nhường” của toán CSGT cho người ta thấy rõ là thái đô “nể sợ” thật sự trước những lời của cánh tài xế có quen biết ông thứ trưởng. Nhưng dù có ông thứ trưởng Trường hay không có ông Trường thì vẫn phải xử theo đúng pháp luật chứ sao lại “tha bổng” dễ dàng như thế. Hóa ra CSGT cũng biết “rét cóng” trước uy quyền xa tít mù tắp. Nếu gặp cánh tài xế không quen biết ông lớn nào, chắc chắn 100% là cánh tài xế xe này lãnh đủ. Đã vi phạm pháp luật còn hống hách chửi bới người đang thi hành công vụ thì “chết là cái chắc”. Đúng là một chuyện khôi hài đáng suy nghĩ. Thì ra lâu nay người ta vẫn sống với nhau bằng thân quen, quyền lực chứ không phải bằng pháp luật.
Xe công biển số xanh tấp nập đi lễ chùa
Cũng trong chuyện xe cộ, chuyện quan dùng xe công đi lễ chùa đã từng xảy ra từ nhiều năm trước, năm nay được nghiêm cấm cẩn thận. UBND TP Hà Nội đã yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ, nhân viên dùng xe công đi lễ chùa. Nhưng cái sự nghiêm cấm đó không hề biết đến chữ “nghiêm” mà có khi còn “phát huy” mạnh mẽ hơn, tức là nó biến thành chữ “đùa”, tức là coi lệnh lạc như đùa nhau một tí thôi.
Trong tiết trời ấm áp đầu xuân, khi các lễ hội xa gần từ chùa Hương, chợ Viềng, Yên Tử, Phủ Giầy... đều tấp nập du khách trẩy hội, chắc là có nhiều quan ông quan bà đi lễ để cầu xin tài lộc năm nay gấp năm gấp 10 năm trước. Hãy lấy một địa điểm làm “điển hình” thôi. Ngày 19-2 (mùng 10 âm lịch), hàng loạt xe biển xanh (biển số của các cơ quan nhà nước) thuộc các tỉnh thành phía bắc... đã đổ về khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh).
Theo quy định của ban tổ chức, những xe phục vụ lễ hội, xe ưu tiên, xe của đại biểu đều có phù hiệu riêng và được đậu xe ở gần khu vực lên nhà chờ cáp treo. Các xe khác của dân phải đậu ở nơi xa hơn.
Đã có rất nhiều xe biển xanh không thuộc diện khách mời từ các tỉnh đổ về Yên Tử. Trong đó có nhiều xe biển kiểm soát Hà Nội, xe công của TP Hải Phòng, của tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang tấp nập đậu vào bãi.
Bạn Đặng Văn Cường cho biết trên tờ báo Dân Trí: “Năm nay tôi thấy các quan chức sử dụng xe công đi chúc tết nhiều hơn năm trước. Tôi không hiểu tại sao càng cấm lại càng nhiều ??? Bạn nghĩ xem còn gì tuyệt vời hơn làm công chức ở VN?”.
Đúng là thứ chuyện thật cứ như đùa.
Hai ông tỉnh đá nhau trước mũi thiên hạ
Còn những chuyện vặt như chuyện cấm đốt pháo cũng lại trở thành “vô ích” đối với một số địa phương. Trong đêm giao thừa, tiếng pháo nổ râm ran khắp các xã ở huyện Kim Thành (Hải Dương) khiến người dân đổ ra đường xem. Sáng mùng 1, trước cửa các gia đình trên quốc lộ 5 rải đầy xác pháo đỏ và trắng. Ngoài Hải Dương, một số địa phương khác cũng xảy ra tỉnh trạng đốt pháo và có người bị thương do đốt pháo nổ.
Tuy nhiên có một sự “tréo cẳng ngỗng” là tỉnh nói ít, huyện bảo nhiều! Vui hơn thế,
chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, cho biết, tỉnh đã báo cáo lên chính phủ không có hiện tượng đốt pháo. Nhưng sau đó, ông Nguyễn Mạnh Hiển, chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, trong khi trả lời báo chí đã thừa nhận: “Việc đốt pháo trên địa bàn tỉnh là có thật”. Đồng thời, UBND một số huyện, thị xã ở Hải Dương như Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành, Chí Linh đều xác nhận có để xảy ra tình trạng đốt pháo
Ông nói có, ông nói nói không, hai ông đầu tỉnh tỉnh đá nhau trước dư luận và chính phủ, giống y chang chuyện “ấm ớ hôi tề” xưa kia, phải không các cụ? Dân vừa buồn cười vừa phát sợ những báo cáo và phát ngôn của các quan to. Chẳng biết bao giờ nói thật, chẳng biết khi nào nói dối.
“Văn hóa ứng xử” chính là bộ mặt của từng người
Mới bước vào đầu năm, dư luận đã um sùm về vụ ông “đại biểu” quốc hội Hoàng Hữu Phước đã có những ngôn từ chỉ trích nặng nề những phát biểu của ông đại biểu Dương Trung Quốc.
Ở quốc hội nước nào cũng vậy, việc các ông dân biểu, nghị sĩ (ở VN gọi là đại biểu) có ý kiến trái ngược nhau là chuyện bình thường nhưng chì chiết, thóa mạ nhau một cách nặng nề như blog của đại biểu Phước thì rất ít khi xảy ra. Bởi đó là vấn đề khá nghiêm trọng trong “văn hóa ứng xử”. Người ta có thể chỉ trích, tranh luận về một vấn đề nào đó một cách thẳng thắn, tìm đến chân lý mang lại lợi ích cho dân cho nước.
Đó là văn hóa cần có của mỗi người, ngay trong đời thường, trong cách viết cũng vậy. Nhiều vị phát biểu những vấn đề rất gai góc trên nghị trường hoặc trên những bài báo, nhưng lời lẽ và ngôn từ rất chừng mực, tế nhị, có văn hóa. Việc có văn hóa trong ứng xử, phát ngôn, trong lời nói hoặc giao tiếp với nhau rất quan trọng dù là với bất cứ ai. Đó chính là bộ mặt thật của mỗi người. Cố tình bôi xấu nhục mạ người khác chính là bôi xấu mình trước. Các vị “đại biểu” cho dân càng cần phải ý thức được điều này trước khi tranh luận một ý kiến khác với “đồng nghiệp” của mình.
Hai ông nghị ngồi chung một hội trường “đá” nhau nặng quá
Trở lại với chuyện bài viết đăng trên blog của đại biểu quốc hội Hoàng Hữu Phước viết về “đại biểu” Dương Trung Quốc đã làm “kinh ngạc” dư luận những ngày đầu năm mới vừa qua, tôi chỉ xin trích lời của ông Lê Như Tiến, Phó Chủ Nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội nói về vấn đề này cũng tạm đầy đủ. Ông Tiến nói:
“Việc người viết dùng từ “đại ngu” để nói về người khác là một từ rất mạnh, ngay với những người bình thường, thậm chí những người có trình độ rất thấp cũng không dùng với nhau, không thiếu những cách nói khác để thể hiện. Vậy mà nói nặng nề kiểu “đại ngu”, “tứ đại ngu”, nói ngụ ý kiến thức của đồng nghiệp thấp, ít học thì hết sức không nên. Trong bài viết cũng rất nhiều từ ngữ khác mang tính chất thóa mạ như“loạn ngôn”, “hiếu chiến”, “háo thắng”, “bất tri vô trí”, loạn ngôn, loạn hành, loạn trí, “Dương Trung Quốc đã nói xằng bậy”, “tự làm lộ cho toàn dân biết mình không biết ngoại ngữ trong khi bản thân là một nhà sử học”, “danh xưng nhà đĩ học bên cạnh nhà sử học”… là quá nặng nề, đến mức rất phản cảm. Không thể dùng những từ này để nói về một đại biểu quốc hội, một người đồng nghiệp với mình”.
Bạn đọc đã thấy ông đại biểu Hoàng Hữu Phước dùng những từ ngữ như thế nào để “hạ” ông Dương Trung Quốc. Đúng là “kinh khủng”, người dân muốn bịt mũi lại trước những lời lẽ “bẩn” hơn cả “bẩn”. Tôi chưa nói ông Dương Trung Quốc giỏi hay không giỏi và phản ứng của ông Quốc ra sao, nhưng ít ra ông ta cũng ngồi chung ghế một hội trường với ông Phước từ vài năm nay. Người dân nghĩ thế nào đây về cái “mái nhà chung” ấy đây? Câu hỏi thật khó trả lời. Nhờ bạn đọc mách giùm.
Còn vô số chuyện vui kiểu “ấm ớ hội tề” như thế này về những ngày đầu xuân ở VN. Nhưng bài đã khá dài, xin để kỳ sau bàn tiếp.