Trong thiết chế xã hội chủ nghĩa, Bắc Hàn có Kim Il-sung, Kim Yong-il, Kim Yong-un thì hà cớ gì Việt Nam lại không có những thứ đại loại kiểu như Trương Minh Phương – Trương Minh Tuấn?
“Hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương. (Hình: VietNamNet)
HÀ NỘI (NV) – ‘Trên vòm trời văn hóa – nghệ thuật Việt Nam vừa có một “ngôi sao” mới tên là Trương Minh Phương. Khác với những ngôi sao khác, “ngôi sao” này không tự phát sáng mà được truyền thông nhà nước ở Việt Nam bơm thổi.
Hôm 24 tháng 12, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu – Bảo tồn – Phát huy văn hoá dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học đã cùng phối hợp để tổ chức một… “hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương.
“Hội thảo khoa học” này được tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam tường thuật một cách trang trọng. Nhờ vậy, người ta mới biết ông Phương từng viết nhạc, viết văn, viết kịch, làm thơ, nghiên cứu văn nghệ dân gian,… Nói chung là ông Phương đa tài, chỉ có điều lúc ông còn sinh tiền lại chẳng có ma nào biết đến và ngưỡng mộ.
Trong “hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương, rất nhiều viên chức lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu, các hội đoàn trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật đang sống nhờ ngân sách nhà nước, khẳng định ông Phương đích thực là “thiên tài”.
Một ông có học hàm “giáo sư” tên là Hoàng Chương, nhấn mạnh: “Nhạc sĩ, nhà soạn kịch Trương Minh Phương là một ‘hiện tượng đặc biệt’ trong nền văn học nghệ thuật đáng tự hào của Việt Nam”. Vì tin chắc công chúng không hiểu tại sao lại như vậy nên ông “giáo sư” này chú thích thêm: “Tôi nói đặc biệt bởi hầu hết chúng ta chưa biết nhiều về nhạc sĩ, nhà soạn kịch Trương Minh Phương – một cán bộ văn hoá khiêm nhường, một nghệ sĩ đa tài nhưng lặng lẽ”.
Một ông vừa có học hàm “giáo sư”, vừa có danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân” tên là Lê Ngọc Canh, thú nhận: “Rất ít người biết tới nghệ sĩ tài ba, cả cuộc đời gắn bó với rừng, sống với rừng, làm nên sự nghiệp lớn cũng từ rừng nhưng người trong giới thì tường tận về ông, họ luôn gọi ông là ‘già làng’ của giới văn hóa nghệ thuật”.
Cần lưu ý là trên facebook, rất nhiều cá nhân hoạt động trong giới văn hóa, nghệ thuật khẳng định, chưa bao giờ họ nghe nói tới ông Trương Minh Phương và cũng chưa bao giờ họ có cơ hội thưởng thức những “tác phẩm”, “công trình” của “thiên tài” này.
Tương tự, ông Đỗ Hồng Quân, một nhạc sĩ lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tuyên bố: “Trương Minh Phương không chỉ là một nhạc sĩ, nhà soạn kịch như chúng ta đã biết mà còn là một nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động âm nhạc với những tác phẩm của mình. Ông đã để lại cho đời một di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng. Ông xứng đáng là một trong những nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21…”.
Rất tiếc là trong hội thảo chẳng có ai hỏi những người tham dự có ai biết nhạc phẩm nào trong “di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng” mà ông Phương để lại hay không?
Cũng có thể do mường tượng được khoảng cách quá lớn giữa thực tế và những lời tụng ca, một ông “nhà thơ’ tên là Thuỵ Kha giải thích, khi sinh tiền, ông Phương “khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào mà đi sâu vào đời sống”. Ông Phương là “nhạc sĩ giữa đời thường”, chuyên viết về những “đối tượng cần lao” như “cô gái làm ngân hàng”, “chàng trai là công nhân dầu khí”,…
Phân tích về những “tác phẩm” trong “di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng” mà ông Phương “để lại cho đời, một ông có học hàm “phó giáo sư” và học vị “tiến sĩ” tên là Trần Trí Trắc, ca ngợi: “Kịch của ông Phương là nguồn sống của sân khấu quần chúng”. Ở đây cần giải thích thêm rằng, trước nay, “sân khấu quần chúng” là sân khấu phi chính thống, tất cả các tác phẩm chỉ nhắm vào việc tuyên truyền. Ông Trắc cũng chẳng lạ gì điều này nên chú thích thêm: “Kịch của ông Phương ‘hoàn toàn mang tính chuyên nghiệp’ nhưng diễn ở các sân khấu quần chúng vẫn hiện lên đầy đủ đặc trưng nhận thức, giáo dục thẩm mĩ”. Đó là chưa kể, “kịch” của ông Phương còn đầy tính “triết lý về lẽ sống, lẽ đời”.
Ông Trắc dẫn vài câu “triết lý” của ông Phương mà ông Trắc bảo rằng… “khó quên”. Nó như thế này: “Con voi xích được nhưng con người thì khó xích”! “Không sợ mất gỗ, chỉ sợ mất bản chất tốt đẹp mà mình đã vun đắp bao năm”!?.
Con là 'trùm' truyền thông CSVN, cha được 'bơm' thành 'thiên tài'
Trương Minh Tuấn, Phó ban tuyên giáo trung ương đảng CSVN kiêm Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông. (Hình: Getty Images)
Sinh tiền, ông Phương làm đủ mọi thứ mà thiên hạ vẫn không biết ông là ai. Chỉ đến khi con trai ông là Trương Minh Tuấn trở thành Phó Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN kiêm Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông trong chính phủ Việt Nam, tài năng của ông Phương mới được khai quật và phát lộ.
“Hội thảo khoa học” về ông Trương Minh Phương được tổ chức nhân sự kiện ông Phương được truy tặng giải “Đào Tấn” vì “những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc, nền kịch nghệ Việt Nam”. Hội thảo kết thúc với đề nghị “Đảng và Nhà nước nên truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho ông Trương Minh Phương”!
Theo hướng này, trong tương lai, nếu ông Trương Minh Tuấn trở thành Tổng Bí thư hay Chủ tịch Nhà nước CSVN, ông Phương sẽ trở thành danh nhân nước Việt! Đây đó tại Việt Nam sẽ có những quảng trường, những con đường mang tên Trương Minh Phương.
Trong thiết chế xã hội chủ nghĩa, Bắc Hàn có Kim Il-sung, Kim Yong-il, Kim Yong-un thì hà cớ gì Việt Nam lại không có những thứ đại loại kiểu như Trương Minh Phương – Trương Minh Tuấn? (G.Đ)