main billboard

“thật tình tôi rất muốn mời anh làm việc, nhưng mong anh thông cảm, tôi không thể vì anh mà gia đình xào xáo.”


Từ những ngày đầu tuần, đã có tin ban tham mưu và dàn cố vấn của tổng thống tân cử Donald Trump không đồng ý với nhau về chuyện chọn người giữ vai trò ngoại trưởng.

Đồn đãi chính trị thủ đô cùng với những bản tin đăng tải trên các tờ The Washington Post, The New York Times và The Wall Street Journal cho hay cánh thân cận nhất của ông Trump chia làm ba phe: một ủng hộ ông cựu Thống Đốc Mitt Romney, một ủng hộ ông Cựu Thị Trưởng Rudy Giuliani, và nhóm thứ ba không ủng hộ cả hai nhân vật có tên nêu trên, cho rằng “cứ tiếp tục kiếm người, đừng vội vã quyết định nên chọn ai.” Tin từ những người thuộc giới “biết chuyện” còn cho hay mặc dù “quyết định cuối cùng vẫn là quyết định của tổng thống đắc cử” nhưng tranh cãi nội bộ “khiến chính ông Trump phải chần chừ, chưa thể quyết định chọn ai vào chức vụ quan trọng này” cho dù “hình như” vị tổng thống tương lai của nước Mỹ “có ý nghiêng về phía ông Romney” đồng thời “nghe đâu cả ông Phó Mike Pence cũng tán thành điều này.”

romney trump
Mitt Romney và Donal Trump

Tranh cãi nội bộ bây giờ trở thành chuyện cả nước đều biết.

Trong những tin nhắn tới tấp gửi ra hôm Thứ Năm vừa rồi (24 Tháng Mười Một 2016), bà cố vấn Kellyann Conway cho biết “dồn dập nhận được tin qua mạng xã hội cũng như qua những buổi tiếp xúc riêng, nhiều người bày tỏ quan ngại về ông Romney.” Một trong những tin nhắn do bà Conway gửi ra nói rõ “một số người (ủng hộ ông Trump) chống đối, không muốn thấy ông Romey được chọn làm ngoại trưởng,” viết thêm vai trò ngoại trưởng không nhất thiết phải là người đi khắp nơi để giải thích chính sách của quốc gia, nêu tên hai vị cựu ngoại trưởng là ông Henry Kissinger và ông George Schultz “(là những người) thường ở trong nước để cố vấn cho tổng thống,” nhấn mạnh quan trọng nhất người được chọn “phải là người trung thành” với Tổng Thống Donald Trump.

Ngay sau khi loạt tin nhắn “phải chú ý tới” này được gửi ra, nhà báo Susan Page của tờ USA Today là một trong những người đầu tiên lên tiếng nhận xét chuyện một cố vấn tầm cỡ như bà Kellyann Conway “công khai lên tiếng chống đối người có thể được chọn làm ngoại trưởng là điều khá lạ, chưa từng xảy ra.” Một số dư luận cũng cho rằng đây không phải chỉ lủng củng nội bộ mà rõ ràng “có chuyện phe này công khai tung đòn đánh phe kia,” theo nhận xét của chiến lược gia Cộng Hòa Joshua Einstein, mới đầu năm nay từng làm việc với ủy ban tranh cử của Cựu Thống Đốc Jeb Bush. Vẫn theo ông Einstein, “không ai có thể biết phe nào đang thắng thế, nhưng có thể xem những tin nhắn của bà Cố Vấn Kellyann Conway là đòn đánh phủ đầu, chận bước tiến của phe muốn chọn ông Romney.” “Không biết họ có thể ngăn chận được hay không,” ông Einstein nói thêm, “nhưng rõ ràng họ đẩy ông Romney vào thế khó xử.”

“Trung thành là điều kiện quan trọng nhất, nếu không muốn nói là duy nhất mà dàn cố vấn cũng ban tham mưu của ông Trump nghĩ tới khi chọn người tham gia chính phủ,” theo lời một nhân vật thuộc giới “biết chuyện bên trong” kể lại. “Tôi nghe nói cánh thân cận với ông Trump không ưa ông Romney, vì ông cựu thống đốc là người mắng nhiếc ông Trump ngặn nhất, đồng thời cũng là người khởi xướng phong trào bài Trump, kêu gọi cử tri đừng bỏ phiếu ủng hộ ông tỷ phú Cộng Hòa.” Nhân vật này bảo thêm: “Những người ghét ông Romney cho rằng ông ta (Romney) có tội không thể nào tha thứ được, vì thế, họ cấu kết với nhau thành một tập thể, nhất quyết không để ông Romney tham gia chính phủ với bất kỳ chức vụ gì, vai trò gì.”

Lực lượng chống đối ông cựu Thống Đốc Romney “dẫn đầu bởi anh con rể Jared Kushner,” một người khác cũng trong giới “thạo tin” và “thích hóng chuyện” ở Wahington D.C. kể lại. “Anh con rể và vợ là đệ nhất công chúa Ivanka nhất quyết bỏ phiếu chống, không ủng hộ ông bố chọn ông Romney, vợ chồng họ xem ông Cựu Thống Đốc là người không thể tin tưởng được, nếu không muốn nói họ xem ông Romney là kẻ thù.” Nhân vật này kể tiếp “ngoài ra, tôi còn nghe nói hai vợ chồng này nói với những người thân tín của họ rằng không có Romney ông Trump vẫn được cử tri Hoa Kỳ ủng hộ, thì đâu cần phải có Romney ông Trump mới có một vị ngoại trưởng xứng đáng.”

Mời độc giả xem video: Tổng thống tân cử Donald Trump tìm cách giữ việc làm ở Mỹ

“Ai cũng biết cặp vợ chồng Jared-Ivanka là tai mắt của ông Trump, tiếng nói của họ rất có trọng lượng,” nhân vật này chia sẻ thêm. Nặng tới mức nào? “Nặng tới mức bà Cố Vấn Kellyann Conway có thể gửi tin nhắn cho cả nước biết chuyện gì đang xảy ra trong nội bộ mà không lo sợ bị ông Trump khiển trách,” giải thích “ngoài trách nhiệm là phát ngôn viên của ông Trump, trong chuyện này, bà Conway còn là phát ngôn viên cho cặp vợ chồng đang có nhiều quyền uy nhất của chính trường Hoa Kỳ, là anh con rể và cô con gái cưng của ông Trump.”

Cho đến sáng Thứ Sáu, 25 Tháng Mười Một, 2016, tin rò rỉ từ những dàn tham mưu của ông Trump cho hay có thêm một số người đứng trong danh sách ứng viên cho chức ngoại trưởng, nổi bật bây giờ là cựu Đại Tướng David Petraeus và Thượng Nghị Sĩ Bob Crorker. Tướng Petraeus từng đảm trách vai trò giám đốc CIA trong chính phủ Obama, Thượng Nghị Sĩ Bob Corker hiện đang là chủ tịch Ủy Ban Quan Hệ Đối Ngoại Thượng Viện, cả hai đều công khai nói “sẵn sàng tham gia nội các của ông Trump.”

Như vậy, người được tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm ngoại trưởng sẽ là ai? Chiều Thứ Sáu, nhà báo truyền hình Ed Henry của đài Fox News tiết lộ được một người trong ban tham mưu của ông Trump cho hay “đang có dàn xếp để ông Mitt Romney ngỏ lời xin lỗi đã lớn tiếng chỉ trích ông Trump, sau đó ông Trump mới thông báo chọn ông Romney làm ngoại trưởng.” Chưa biết liệu ông Romney sẽ chấp nhận điều kiện “phải xin lỗi” hay không, chỉ nghe đồn đãi cho rằng “trước đây ông Trump từng muốn chọn ông Thống Đốc Chris Christie đứng phó, nhưng cuối cùng phải chọn ông Mike Pence vì không muốn gia đình xào xáo,” nên có thể lần này nhà lãnh đạo tương lai của nước Mỹ cũng đành gọi điện thoại cho ông Romney để báo tin “thật tình tôi rất muốn mời anh làm việc, nhưng mong anh thông cảm, tôi không thể vì anh mà gia đình xào xáo.”