“do lượng mưa quá nhiều khiến môi trường đột ngột thay đổi, lượng nước ngọt từ sông Chà Và đổ về làm cho độ mặn giảm từ 3-5/1000 so với ngày thường. Từ đó khiến cá bị sốc, bỏ ăn, cùng với đó từ thượng nguồn đổ về những lượng nước bị ô nhiễm làm bị thiếu oxy. ...
Cá nuôi lồng bè ở Long Sơn liên tục chết trong nhiều năm qua khiến tải sản của nhiều người dân mất trắng (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
BÀ RỊA-VŨNG TÀU (NV) – Người dân nuôi cá trên sông Chà Vá phản đối kết luận nguyên nhân “cá bè chết là do ông trời” của cơ quan chức năng và khẳng định, cá chết là do nước thải của các nhà máy trong vùng.
Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 19 Tháng Mười, đại diện Sở Nông Nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp với những người nuôi thủy sản trên sông Chà Vá, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, để thông báo kết luận của ủy ban tỉnh về nguyên nhân cá chết từ ngày 10 đến 15 Tháng Mười vừa qua.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Cường, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp đã nêu rõ nguyên nhân chính xảy ra tình trạng cá chết trong đợt vừa qua là“do lượng mưa quá nhiều khiến môi trường đột ngột thay đổi, lượng nước ngọt từ sông Chà Và đổ về làm cho độ mặn giảm từ 3-5/1000 so với ngày thường. Từ đó khiến cá bị sốc, bỏ ăn, cùng với đó từ thượng nguồn đổ về những lượng nước bị ô nhiễm làm bị thiếu oxy. Ngoài ra, do mật độ nuôi chưa phù hợp cũng là nguyên nhân khiến cá chết nhiều.”
Sau khi nghe thông báo kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết, các hộ nuôi cá đã đồng loạt phản đối kết luận trên và cho rằng đây là sự ngụy biện để tránh né trách nhiệm trong việc sợ người dân đòi bồi thiệt hại khoảng 254 tấn cá bị chết, trị giá khoảng 29 tỷ đồng.
Nói với phóng viên báo Người Lao Động, nhiều người khẳng định, từ nhiều năm qua có những thời điểm mưa còn lớn hơn so với những ngày qua nhưng việc nuôi cá lồng trên sông Chà Và vẫn không có chuyện gì xảy ra. Song, từ khi các nhà máy chế biến hải sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành hoạt động gây ô nhiễm thì cá nuôi liên tục chết.
Trước mắt, người dân kiến nghị ủy ban tỉnh nên xây dựng đê để ngăn riêng khu xả thải và khu vực nuôi cá lồng bè để tránh tình trạng xả thải khi trời mưa.
Để xoa dịu sự tức giận của người dân, ông Cường cho biết Sở Nông Nghiệp cũng đã đề nghị ủy ban tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ di dời các nhà máy chế biến hải sản về Khu Chế Biến tập trung tại huyện Đất Đỏ.
Trước đó, tức giận trước tình trạng cá chết, nghi do hoạt động xả thải của các nhà máy chế biến hải sản, trong ngày 13 Tháng Mười, hàng chục hộ dân đã mang xác cá ra chặn quốc lộ 51 không cho xe lưu thông, buộc ông Nguyễn Thanh Tịnh, phó chủ tịch tỉnh này phải ra hiện trường năn nỉ người dân quay về trụ sở ủy ban tỉnh để làm việc. (Tr.N)