Trong bài viết này, ông Phong khuyến cáo các đồng nghiệp bắt chước chó (trung thành, tôn thờ, yêu, vui buồn cùng chủ, bảo vệ chủ) vì “chó khôn nhờ chủ, nhà báo giỏi cũng nhờ chủ!”
Nguyễn Đình Thi qua đời cũng đã khá lâu. Những câu thơ của ông trước lúc lìa trần, tuy thế, vẫn cứ còn vương vất “chút” mùi vị “đắng cay” trong lòng người đọc:
Anh chắt cuộc đời anh chắt mãi
Chút ngọt bùi chút đắng cay
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ
Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ
Nhiều dây nhợ tự buộc mình...
Thôi,xin tha cho mọi lỗi lầm
Quên cho những dối lừa khoác lác
Vâng, nghĩa tử là nghĩa tận. Ai mà không có những lỗi lầm và (đôi lần) dối lừa khoác lác: “Chúng ta là những nhà văn, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng!”
Đảng vốn rất đa nghi và rất hẹp hòi nên chưa bao giờ đánh giá nhà văn/nhà thơ (nói riêng) và cả giới trí thức (nói chung) cao qúi thế đâu. Họ chỉ được xem như đám gia nô, hay tử tế (và khi cao hứng) lắm thì là đám con cháu trong nhài. Khối kẻ cũng chỉ mong được thế:
Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà thơ, nhà biên kịch, nguyên là lãnh đạo quản lý ngành điện ảnh VN, Giám đốc HondaFilm, tác giả tứ thơ Trái Mùa “Cây đổ lâu rồi, gió vẫn reo”, tác giả kịch bản phim truyện Canh Bạc…, trong 1 cuộc phỏng vấn của phóng viên Evan Williams đài truyền hình ABC bên Úc (lúc đó Hồng Ngát còn đương chức Cục phó Cục Điện ảnh VN), đã nêu bật một quan niệm chính quy về tương quan dân-đảng là: “Con cái không chê cha mẹ khó…” (cho nên không được hỗn hào phản biện?!).
Ảnh: Dân Luận
Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ, tác giả Lời Ru Chia Đôi và Biển Khát, Phó Giám đốc sở VH-TT Hà Nội, vẫn thường xuyên lặp lại trong các hội nghị về văn hóa câu châm ngôn hải đăng của Bộ VH-TT (tiền thân của TT-TT): “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!”
Ảnh: Dân Luận
Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của VN tại Liên hiệp Châu Âu (EU), Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ba Đình, Ủy viên TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, đã từng tuyên bố trong buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền ở VN, rằng: “Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.” (Đinh Tấn Lực. “Mối Tương Quan Mất Dậy” – Dân Luận 24/10/2009).
Bẩy năm sau, độc giả báo Tuổi Trẻ (số ra ngày 3 tháng 10 năm 2016) lại có dịp xem qua về “mối tương quan mất dậy” trong việc việc xin (cho) đại học được tự chủ:
Mới đây, trong hội nghị về tự chủ ĐH, GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - chủ tịch hội đồng quản trị của trường ĐH tư đầu tiên ở VN- đã dùng hình ảnh về quản trị gia đình thông qua câu chuyện mẹ - con để nói vế vấn đề này.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính nói ví von: con gái đến tuổi trưởng thành, người mẹ muốn dạy con biết quán xuyến việc nhà nên giao phần chi tiêu cơm nước cho con.
Mẹ cho con quyết định mọi thứ, chỉ có yêu cầu duy nhất: dinh dưỡng đảm bảo cho cả già lẫn trẻ. Cũng việc ấy, nhưng người mẹ khác đòi hỏi khắt khe, can thiệp vào việc của con, chắc chắn con trẻ sẽ khó khăn.
Mẹ muốn con quán xuyến thì phải chia sẻ kinh nghiệm, hạn chế áp đặt...
Dù đã có 14 trường ĐH được thí điểm hoạt động theo hướng tự chủ nhưng tự chủ ĐH vẫn còn xa vời vợi ở phía trước.
GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - Ảnh: Việt Dũng
Ở một xứ sở mà nhà nước bao biện mọi chuyện, và lãnh đạo khắp nơi – kể cả chùa chiền, giáo đuờng, thánh thất, và cả những viện mồ côi hay viện phong cùi mà những viện đại học lại “xin được tự chủ” thì đây rõ ràng là một sự cầu xin có hơi ... quá đáng, nếu chưa muốn nói quá quắt!
Giới truyền thông, xem ra, có vẻ thực tiễn hơn nhiều. Không ai dám ước mơ đến những chuyện “còn xa vời vợi” như thế. Dù thỉnh thoảng vẫn bị đôi xử vô cùng thô bạo nhưng phần lớn những người làm báo quốc doanh vẫn bằng lòng và cam chịu với hoàn cảnh, cùng thân phận của mình – theo như cách nói ví von (“Nghề Phóng Viên Là Phải Như Con Chó Ấy”) của nhà báo Như Phong:
Sau hơn 35 năm làm báo, tôi càng ngẫm, càng thấy sao mà chí lý thế.
Trở lại chuyện ví nhà báo với con chó, thì trước hết phải nói đến những phẩm chất cao quý của con chó.
Trong các loài vật, có lẽ không có loài nào gắn bó với con người hơn con chó.
Chó trung thành với chủ, gần như tuyệt đối.
Chó tôn thờ chủ, yêu chủ bằng một tình cảm trong sáng, vô tư không bao giờ có tính hai mặt.
Chó biết vui cùng chủ và cũng biết buồn cùng chủ.
Đã có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động rơi nước mắt về những chú chó nhịn đói ngồi chết bên mộ chủ; những chú chó lăn xả vào hiểm nguy để cứu chủ; những chú chó sẵn sàng tấn công lại kẻ địch để bảo vệ chủ. Và những chú chó sẵn sàng chờ đợi chủ về ngày này qua tháng khác ở một sân ga, hay một bến tàu. Rồi chó giúp đỡ những người tàn tật trong cuộc sống thường ngày, kể cả chuyện đi chợ cho chủ, đưa chủ đi chơi…
Bất luận vào những hoàn cảnh nào, khi bị chủ mắng, thậm chí bị đánh đòn nó chỉ đau khổ cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi để đón chủ về.
Thế mới có câu “khuyển mã chi tình” và câu “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”.
Điều không may là “chủ” của Nguyễn Như Phong không những đã “nghèo” mà còn “khó” nữa. Báo Người Việt, số ra ngày 3 tháng 10 năm 2016, vừa (ái ngại) loan tin:
Không chỉ giới truyền thông chính thống mà ngay cả công chúng cũng sửng sốt khi ông Nguyễn Như Phong, cựu đại tá công an, tổng biên tập PetroTimes, bị cách chức và tờ báo điện tử này bị đình bản trong ba tháng.
PetroTimes là báo điện tử của tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Còn ông Phong từng là đại tá công an, phó tổng biên tập tờ Công An Nhân Dân được PVN mời về làm tổng biên tập khi PVN có giấy phép xuất bản báo điện tử.
Tuy thuộc PVN, một tập đoàn nhà nước, song dưới sự điều hành của một cựu đại tá công an, PetroTimes đã tự lãnh nhận vai trò “xung kích trên mặt trận truyền thông,” cùng các tờ Nhân Dân (của Ban Chấp hành Trung Ương Đảng CSVN), Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân “tả xung hữu đột” để bảo vệ chính quyền CSVN.
PetroTimes là tờ báo duy nhất tự hạch toán (tự thu chi, không ngửa tay nhận ngân sách để duy trì hoạt động như Nhân Dân Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân) nhưng luôn luôn tiên phong trong việc chỉ trích, bôi nhọ các cá nhân, các hoạt động đòi tự do, dân chủ và cũng vì vậy mà mức độ chỉ trích PetroTimes trên mạng xã hội còn lớn hơn những cơ quan truyền thông “ăn cơm chúa, múa tối ngày.”
Mức độ “trâng tráo, nhâng nháo” của PetroTimes được xem là lên tới đỉnh khi tháng 6 vừa qua, nhân “Ngày Báo Chí Cách Mạng Việt Nam,” PetroTimes giới thiệu bài “Nghề phóng viên là phải như con chó ấy” của ông Nguyễn Như Phong. Trong bài viết này, ông Phong khuyến cáo các đồng nghiệp bắt chước chó (trung thành, tôn thờ, yêu, vui buồn cùng chủ, bảo vệ chủ) vì “chó khôn nhờ chủ, nhà báo giỏi cũng nhờ chủ!”
Dẫu liên tục “đăng ký lập trường” theo kiểu như thế nhưng ngày 3 tháng 10 vừa qua, ông Phong vẫn bị cách chức, thu hồi thẻ nhà báo (một kiểu giấy phép hành nghề). PetroTimes thì bị tạm đình bản trong ba tháng.
Trong thông báo chính thức về sự kiện gây ngỡ ngàng ấy, Bộ Thông tin – Truyền thông của chính quyền Việt Nam cho biết lý do là vì PetroTimes có “sai phạm trong hoạt động báo chí” và cơ quan chủ quản đề nghị như vậy.
Vi nhân nan. Làm người quả khó, đã đành; làm chó (ở nước ta) xem ra cũng không dễ dàng chi!