main billboard

Chính quyền đã không cho dân một tương lai, thì họ phải tự đi tìm tương lai cho mình, bằng cách đóng cửa Formosa với mọi cách có thể.


bt kyanh hatinh 21016 1
Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh.

Chưa đầy 36h đồng hồ sau khi Chính phủ công bố phương án bồi thường, sáng nay gần 10,000 người dân Kỳ Anh, trong trạng thái phẫn nộ, đã bao vây Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Công an, quân đội - như bao cuộc biểu tình khác, ban đầu trấn áp quyết liệt người biểu tình, song khi thấy số lượng người tham gia quá đông, đã rời bỏ hàng ngũ tháo chạy. Nhiều quân nhân còn nhanh chóng cởi bỏ quân phục để tránh bị phát hiện, vì họ thừa hiểu trong mắt người dân bấy giờ họ đang bảo vệ cho Formosa - thủ phạm trực tiếp gây ra cảnh khốn cùng của dân chúng.

Trong suốt thời gian qua đã không dưới chục lần tôi cảnh báo rằng một cuộc biểu tình như thế này, mà còn có thể còn lớn hơn, sẽ xảy ra, bởi lẽ trong số hàng loạt sai lầm của chính quyền khi ứng phó tình hình, có 3 sai lầm cốt tử sau:

1, Ngăn cản các tổ chức xã hội dân sự tham gia vào quá trình giải quyết hậu quả thảm hoạ.

Không một chính quyền nào đủ sức phát hiện và giải quyết tất cả các vấn đề của người dân trong cuộc thảm hoạ. Chỉ có hàng ngàn nhóm dân sự khác nhau, len lỏi vào từng cộng đồng nhỏ trong vùng thảm hoạ, đáp ứng những nhu cầu thiết thân của từng nhóm dân: ngư dân, phụ nữ, học sinh, tiểu thương, thanh niên...mới có thể giúp xả hơi các bức xúc xã hội.

Đằng này, với các NGOs đăng kí chính thức muốn được tham gia cứu nạn thì chính quyền ngăn cản, với các nhóm dân sự tự phát tiếp cận vùng thảm hoạ thì chính quyền dùng an ninh bắt bớ, đánh đập, doạ khởi tố. Chính quyền muốn ôm hết phần giải quyết thảm hoạ thì cuộc biểu tình này chính là cái điều mà chính quyển phải chịu, không thể khác.

2, Sai lầm thứ hai đặt chính quyền vào thế không thể cứu vãn được là việc tiến hành chiến dịch tuyên truyền bằng VTV, báo chí nhà nước và các trang dư luận viên sỉ nhục lãnh tụ tinh thần của bà con giáo dân vùng thảm hoạ: Giám mục Nguyễn Thái Hợp.

Dù rằng Giám mục đã mở ra một lối thoát cho chính quyền thông qua đơn yêu cầu VTV cải chính, xin lỗi sau khi phát bản tin sai sự thật, song chính quyền vẫn cố chấp tiếp tục sử dụng mạng lưới dư luận viên viết những bài rất hạ cấp về Giám mục, là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được về mặt chính trị.

3, Giọt nước làm tràn ly cho những phẫn uất của người dân địa phương chính là phương án bồi thường mà Chính phủ vừa công bố. Theo đó, mức bồi thường không chỉ thấp mà còn được tính chỉ trong vòng 6 tháng, hoàn toàn không đếm xỉa đến việc sau đó người dân sống bằng gì. Không khác gì bán đứng tương lai của người dân với giá rẻ mạt bằng số tiền lấy từ khoản chia cổ tức của Formosa với giao kèo rằng tập đoàn này được phép ở lại hoạt động.

Chính quyền đã không cho dân một tương lai, thì họ phải tự đi tìm tương lai cho mình, bằng cách đóng cửa Formosa với mọi cách có thể.

Chính quyền đã không giúp dân tìm được công lý, thì họ phải tự đi tìm công lý cho mình, bằng cuộc chiến pháp lý mà họ đang phát động, cũng không ngoài mục tiêu khiến tập đoàn này thiệt hại quá lớn rồi phải tự đóng cửa.

Cuối cùng chính quyền đã không bảo vệ được phẩm giá của người dân, thì họ sẽ phải đứng lên để giữ lấy phẩm giá của mình, bằng cách cho tất cả thấy họ có thể đi đến đâu và làm được những gì.

Bởi vậy, nếu còn một điều gì để nói với chính quyền, thì đó là:

'Bỏ Formosa đi, hãy lo cho Ba Đình'