"Lúc đầu tôi cũng không quan tâm vì nghĩ mình có giúp được gì đâu. Sau một đêm trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định bắt mây phải mưa để người dân có nước chống hạn từ việc vận dụng kiến thức phun nước ở cầu Rồng,”
Hạn hán tại ÐBSCL xảy ra là suy giảm chung của sản lượng nông-lâm-ngư nghiệp cả nước. Liệu "Lên trời gọi mưa" có giải quyết được vấn nạn? (Hình: Dân Trí)
HÀ NỘI (NV) – Một số báo ở trong nước, đặc biệt các tờ Dân Trí và Ðất Việt hôm Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016 loan tin Việt Nam tính dự án “Lên trời gọi mưa,” với ngân sách “ứng” trước 5 ngàn tỷ đồng.
Báo chí nói rằng “Văn Phòng Chính Phủ đã có công văn đề nghị 7 bộ cho ý kiến” về “đề xuất” của một công ty có tên “Công ty cổ phần khoa học công nghệ An Sinh Xanh” cho một dự án có tên là “Lên trời gọi mưa.”
Chủ đích của dự án này là “chống nắng hạn trong chu kỳ El Nino” và công ty nói trên xin chính phủ “tạm ứng khẩn số tiền khổng lồ 5,000 tỷ đồng (hay khoảng $225 triệu theo thời giá hiện nay) để kịp triển khai mua sắm trang thiết bị hóa chất thử nghiệm đợt 1 vào 10 tháng 10 tới.”
Theo lời ông Phan Ðình Phương, tổng giám đốc công ty An Sinh Xanh nói trên tờ Dân Trí, “Lên trời gọi mưa” sẽ gồm 1,000 (một ngàn) trạm điều tiết mưa trong bối cảnh mưa bão hoành hành gây ngập lụt từ thủ đô Hà Nội đến các tỉnh thành khi vừa mới bước vào chu kỳ La Nina (mưa bão nhiều).
Khi gió đưa quá nhiều mây từ biển vào đất liền thì “100 trạm chủ động đón mây gây mưa ngay trên vịnh Bắc bộ để giảm mây bay vào, giảm ngập lụt tắc đường cho các thành phố.”
Ðồng thời, “Có 400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm còn lại trên hàng ngàn sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đề kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ, ổn định đời sống, giữ vững an ninh lương thực, quốc phòng và quốc gia.”
Ông Phương nói về dự án “Lên trời gọi mưa” của mình. (Hình: Dân Trí)
Trên thế giới, đặc biệt là những nước có khoa học kỹ nghệ tân tiến như Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản v.v… suốt bao năm qua, chưa có nước nào nghĩ ra được trò “thay trời làm mưa” chỗ này hay đuổi mưa đi chỗ khác. Nay có một công ty Việt Nam đưa ra một dự án thần sầu quỷ khốc, cướp được cả quyền lực thiên nhiên.
Ông Phan Ðình Phương nói những điều rất tử tế, rằng ý tưởng của dự án xuất phát từ việc ông thấy người dân khốn khổ khi ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô.
“Khoảng tháng 4, tháng 5, tôi xem ti vi thấy người dân than khóc vì ruộng đồng nứt nẻ, lúa chết khô. Lúc đầu tôi cũng không quan tâm vì nghĩ mình có giúp được gì đâu. Sau một đêm trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định bắt mây phải mưa để người dân có nước chống hạn từ việc vận dụng kiến thức phun nước ở cầu Rồng,” lời ông Phương nói trên tờ Dân Trí.
Vẫn theo lời nói của ông Phương được kể lại trên tờ Dân Trí, ông còn lập “400 trạm điều tiết mưa đúng nơi đúng lúc cho 63 tỉnh thành có đủ nước phục vụ nông lâm ngư nghiệp. 500 trạm còn lại trên hàng ngàn sông suối và hồ thủy điện rừng núi phía Bắc và dãy Trường Sơn để gây mưa; tạo lập hệ thống đề kè giữ nước ngọt, chống xâm nhập mặn đảm bảo nước cho thủy điện thủy lợi và các vựa lúa đồng bằng Bắc Trung Nam bộ, ổn định đời sống, giữ vững an ninh lương thực, quốc phòng và quốc gia.”
Theo tờ Dân Trí, ông Phương “tự tin dự án sẽ thành công 100% khi triển khai nhưng thành công ở mức độ nào là… tùy thuộc vào tài chính.” Không thấy nói hóa chất mà ông Phương “rải lên trời” là cái gì, bằng cách nào.
Chờ xem 7 bộ gồm Bộ Khoa Học và Công Nghệ, Bộ Quốc Phòng, Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài Chính, Bộ KH-ÐT, Bộ GTVT cho biết ý kiến thế nào về cái dự án “Lên trời gọi mưa.” (TN)