main billboard

Bây giờ già rồi, có muốn làm cũng không được, vì “kho đạn Long Thành không bồi hoàn cấp số đạn không sử dụng đúng thời gian.


Chúng ta thường tiếc nuối những gì chúng ta đã đánh mất: thời gian, tuổi trẻ, sức khỏe, tiền bạc và tình yêu. Có lẽ, lúc về già người ta tiếc nuối nhiều hơn, vì thời gian đã trôi qua, không còn níu kéo lại được, cũng như những sự lỗi lầm không thể đảo ngược. Còn với tuổi trẻ, như ở độ tuổi 30, họ có nhiều cơ hội để “làm lại cuộc đời,” bổ túc những gì mình đã thiếu sót, sống và làm những gì mình yêu thích mà chưa có cơ hội thực hiện.

Chúng ta thử nhìn tổng quát qua một cuộc khảo sát do hệ thống truyền hình UKTV Gold Anh Quốc thực hiện trên 1,500 người 65 tuổi và 1,500 người tuổi từ 20 đến 30, lẽ cố nhiên đây là những điều hối tiếc của những thần dân của Nữ Hoàng Anh Quốc, khác với những điều hối tiếc của chúng ta, những người Việt Nam, nếu có. Vì “Gold” là một băng tần hài hước của nước Anh nên có thể quý vị sẽ cho những điều hối tiếc này, có lẽ có phần nhảm nhí!

hoitiecHình minh họa.

Hầu hết những người về già ở Anh Quốc đều tỏ ra hối tiếc rằng mình đã không làm “chuyện ấy” nhiều hơn một tí, trong lúc còn trẻ trung. Bây giờ già rồi, có muốn làm cũng không được, vì “kho đạn Long Thành không bồi hoàn cấp số đạn không sử dụng đúng thời gian.” Nếu bây giờ cho những người này “đi lại từ đầu,” hơn 70% số người 65 tuổi cho biết sẽ dành nhiều thời gian hơn để ân ái.

Ít hơn sự tiếc nuối về tình dục, 57% số người được phỏng vấn, nghĩ rằng, trước kia, mình đã không dùng thời gian để đi du lịch thế giới nhiều hơn. Bây giờ mắt đã mờ, chân yếu. có khi phải chống gậy, đi xe lăn, mang tã lót, chuyện đi chơi xa chỉ còn là chuyện không bao giờ thực hiện được. Thôi xin giã từ những chuyến bay, những đêm vui, những bữa ăn bên bờ biển, hay những buổi leo núi, những phong cảnh tuyệt vời của thế giới.

43% tiếc rằng mình đã không đổi nghề. Theo thống kê của Văn Phòng Lao Động Úc, hơn 50% người đổi nghề sau 5 năm, 20% mỗi năm làm một nghề. Ở Mỹ, tính trung bình, trong cuộc đời của một người Mỹ, họ đổi nghề 11.7 lần. Một đời người làm việc, khoảng 40 năm, thì chưa đầy 4 năm, người Mỹ đã đổi qua một nghề khác. Thiên hạ đổi nghề xoành xoạch như vậy, thì còn gì nữa mà hối tiếc!

40% người già nuối tiếc tuổi trẻ tiêu pha xa xỉ, đã không dành dụm được chút tiền để lo cho tuổi già, bây giờ phải hối hận, (điều này có vẻ ngược lại với 19% đã hối tiếc mình đã không mạnh dạn chi tiêu cho những thứ xa xỉ.) Một năm tòa xử bao nhiêu vụ ly dị, xã hội xảy ra bao nhiều lần vợ chồng chém giết nhau, nhưng chỉ có 21% cho mình có lầm lẫn về hôn nhân!

Đối với những thanh niên tuổi từ 20 đến 30, khi các nhà nghiên cứu đặt những câu hỏi xem họ có mong muốn thay đổi điều gì từ những năm tháng trước đó hay không, kết quả cho thấy những người này quan tâm đến tài chính và chính trị hơn là những chuyện về sex hay là chuyện nghề nghiệp. Đứng đầu điều nuối tiếc của giới trẻ là nỗi lo về tài sản, 77% ước chi họ đã tích lũy tài sản sớm hơn. Hơn một nửa (56%) tiếc rằng mình đã lãng phí tiền bạc trong thời gian qua. Về chính trị, 45% hối hận mình đã bầu cho ông này, thay vì mình nên bầu cho vị khác. 44% nghĩ rằng mình phải được danh vọng hơn, 34% cho rằng mình chưa được đi nhiều nơi (còn nhiều thời gian để đi.) 32% nghĩ rằng mình đã sai lầm trong lần đầu nếm “trái cấm,” 30% hối hận đã không học tập chăm chỉ hơn, 29% cho rằng mình nhậu nhẹt hơi quá đà.

Đó là chuyện bên Anh.

Còn chúng ta, những người Việt thì sao?

Trong một đất nước Việt Nam mà chiến tranh, lưu lạc, đổi dời đã chia cuộc sống chúng ta ra làm trăm mảnh, và mỗi người có biết bao nhiêu điều hối tiếc. Nói về những hối tiếc lớn trong cuộc đời thì trên thế giới này không ai có những nỗi hối tiếc khổ đau lớn lao như người Việt Nam, khiến cho những chuyện như đổi nghề, kế hoạch về tài chánh, học vấn, tình yêu… đều là quá nhỏ nhoi, trẻ con.

Tháng 4, 1975, nhiều người hối tiếc vì đã ngây thơ không hiểu gì về chế độ và con người Cộng Sản, đã ở lại đất nước, thay vì phải bỏ nước ra đi. Những người đã ra đi đến bến bờ tự do, nhưng 1,652 người đã quay lại Việt Nam trên con tàu Việt Nam Thương Tín, để cuối cùng bị còng tay đưa vào nhà tù, với niềm ân hận cay đắng dày vò, đeo đẳng suốt cuộc đời họ. Nhiều nhân vật đảng phái, quân đội hối hận đáng lẽ ra phải bỏ nước hay tự sát, còn hơn là bị giam cầm, bỏ đói và hạ nhục bởi những người thắng trận trong suốt một thời gian dài.

Hối tiếc vì lòng tin bị phản bội như Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Tô Hải, Lê Hiếu Đằng… vì suốt đời đi theo Cộng Sản mà “cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức” (Hồi ký của một thằng hèn – trang 53).

Đau khổ và đắng cay của những trí thức miền Nam như Dương Quỳnh Hoa: “Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn.”

Trương Như Tảng tham gia sáng lập và giữ chức bộ trưởng Bộ Tư Pháp của chính phủ “bù nhìn” Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam: “Tôi đã là người Cộng Sản cả đời tôi. Nhưng bây giờ khi chứng kiến những sự thật về chủ nghĩa Cộng Sản và sự thất bại của nó, quản trị kém, tham nhũng, đặc quyền, áp chế, lý tưởng của tôi đã hết.”

Năm 1978, Trương Như Tảng xuống thuyền vượt biển và sinh sống ở Pháp. Tại đây ông đã viết cuốn hồi ký “Mémoire d’un Vietcong.”

Trí thức Nguyễn Mạnh Tường theo Cộng Sản từ năm 27 tuổi, đã từng “trải nghiệm gian khổ trong chiến tranh, trong cách mạng” suốt 40 năm. Nhưng rồi ông đau khổ nhận rằng: “Con cừu thì không thể lý luận với một con chó sói.”

Số phận ông đã được Việt Cộng quyết định: Bỏ cho chết đói giữa một sa mạc hận thù không lối thoát. Ông than thở: “Tôi đã là kẻ lữ hành trong chuyến đi qua sa mạc kéo dài từ năm 1958 đến năm 1990, hơn ba mươi năm dài đằng đẵng! Chìm trong vùng cát của sa mạc tuyệt vọng làm cạn khô dòng nước mắt, tôi đã lê tấm thân bị tra tấn bởi thiếu thốn cô đơn với quả tim rướm máu bởi nỗi buồn chua cay và vị đắng của mật!”

Cuối cùng, ông chết trong đói nghèo, bị dày vò, đau khổ vì sự lầm lẫn của mình.

Triết gia Trần Đức Thảo, cuối năm 1951, trở về Việt Nam tham gia kháng chiến, qua ngã London – Praha – Mạc Tư Khoa – Bắc Kinh – Tân Trào. Lúc đầu Trần Đức Thảo được trọng dụng theo chuyên môn, nhưng đến năm 1956, hai bài báo của ông trên hai tờ Nhân văn và Giai phẩm mùa Đông đã khiến ông phải ra khỏi “biên chế nhà nước,” nghĩa là bị đuổi việc, vợ bị Đảng sắp xếp cho kết hôn với người khác. Nhà triết học Trần Đức Thảo có thời gian đi lao động ở Tuyên Quang, chăn bò ở nông trường Ba Vì, coi như để “cải tạo tư tưởng.” Năm 1991, ông được Nguyễn Văn Linh cho đi Pháp, để bổ sung một số tư liệu khoa học và viết nốt mấy tác phẩm mà ông đã có đề cương. Sau khi hết trợ cấp, ông không về nước. Tại Paris, ông sống một cuộc đời cô đơn, nghèo khó, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ như bị người theo dõi.

Tối ngày 23 tháng 4, 1993 tại nhà khách của sứ quán Việt Nam, số 2 Le Verrier, quận 5, triết gia Trần Đức Thảo, có triệu chứng bệnh như bị đầu độc và đã qua đời vào sáng hôm sau. Tuy vậy khi mất, ông được chính phủ CSVN gắn cho một cái huân chương Độc Lập, và tuyên bố “đã được đại sứ quán của nước ta tại Pháp tận tình chăm sóc!” Và 10 năm sau, họ lại dựng thây ma ông lên, truy tặng thêm cho một cái giải thưởng Hồ Chí Minh, và ca tụng “tư tưởng ông giống tư tưởng Hồ Chí Minh.” Bình tro của ông dược đem về Việt Nam, vứt nằm lăn lóc dưới chân cầu thang, trong một cái nhà quàn ở Hà Nội, về sau mới được chôn cất ở Nghĩa trang Văn Điển, mà không phải Mai Dịch, vì chính quyền cho rằng ông “chẳng có công trạng” gì!

Trong phần đầu của bài này, bạn đọc đã thấy những cái “hối tiếc” vớ vẩn của con người, nếu so với những hối tiếc của những con người Việt Nam trong “thời đại Hồ Chí Minh,” không còn là những hối tiếc nữa, mà là những mối hận, “mang xuống tuyền đài chưa tan!”