Ðất nước càng văn minh, giàu có, dân chủ con người càng hiền hòa, tử tế, nhường nhịn nhau, không phải là điều gì khó hiểu.
Ngày còn ngồi ở bậc trung học đệ nhất cấp vào thập niên 50 ở Huế, cứ mỗi lần Tết đến là lũ học sinh chúng tôi có thông lệ chúc Tết Thầy. Cả tuần trước đó, chúng tôi đã góp tiền nhau ra chợ Ðông Ba mua nửa chục cam hay một hộp bánh, bọc giấy màu đỏ, thắt nơ vàng chuẩn bị cho giờ Tết Thầy.
Múa Lân. (Hình: Huy Phương)
Tôi còn nhớ năm đó, phần tôi được hân hạnh trưởng lớp cử viết lời chúc Tết, nên đêm hôm trước đã cố nặn óc, tìm ra những lời hoa mỹ, nhất là đoạn lũ học trò ma quỷ tỏ ra hối hận ăn năn và xin lỗi Thầy, nắn nót viết trên một trang giấy ca-rô lớn, còn vẽ kèm thêm mấy bông hoa lòe loẹt bằng bút chì màu.
Bản văn này, sau khi đọc, sẽ dúi vào tay Thầy để Thầy đem về nhà kỷ niệm. Lẽ cố nhiên là chúng tôi chỉ chúc Tết các Thầy dạy những môn có hệ số cao, còn các Thầy dạy các môn phụ như Hội Họa, Hán Tự, Vạn Vật,... thì chúng tôi làm lơ, mặc dầu đã thuộc làu câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư.” Ðiều này thì ai cũng rõ, quý Thầy dạy môn chính là những người có quyền sinh sát số phận chúng tôi, nên bên trọng bên khinh, chắc Thầy cũng thông cảm. Thông lệ chúc Tết này, ở bậc tiểu học không hề có mà lên đến lớp Ðệ Tam cũng không còn. Tôi không rõ, vì sợ phụ huynh học sinh phiền hà, nên nhà trường cấm cản, hay đạo lý mỗi ngày mỗi suy đồi không còn lễ nghĩa?
Lúc Thầy bước vào lớp, lũ học trò im phăng phắc, đứng dậy chào Thầy, không khí hôm nay nghiêm trọng trông thấy rõ, khác hẳn ngày thường. Sau khi trưởng lớp đứng lên xin phép Thầy cho chúng tôi “cử hành” lễ chúc Tết, và đặt lên bàn Thầy sáu trái cam Sunkist bọc trong tờ giấy bóng đỏ, được túm lại ở trên đầu cột bằng một giải ru-băng, tôi bước lên đứng cạnh Thầy, bắt đầu mở “sớ” ra đọc:
“Kính thưa Thầy. Theo sự tuần hoàn của vạn vật, mùa Xuân đã trở về...” mà tôi đã “cóp” ở đâu đó. Nhưng cái câu đáng chú ý nhất có thể làm Thầy cảm động nhất và cũng có thể làm cho mấy đứa học trò dốt và quậy nhất cũng phải rưng rưng, là “Trong năm qua, đôi lúc chúng con ngỗ nghịch và lười biếng, đã làm cho Thầy phiền lòng không ít, dù Thầy chẳng bao giờ nặng lời rầy la. Nhân dịp năm hết, Tết đến, xin Thầy lấy ‘lượng Xuân’ mà tha thứ cho chúng con.”
Bây giờ thời gian đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, cậu học trò đệ lục ngày xưa, tóc đã điểm sương vẫn còn nhớ rõ hai tiếng “lượng Xuân.” Theo tôi, “lượng” đã là cái gì rộng lớn bao la lắm, mà “lượng Xuân” hẳn phải tốt đẹp, vĩ đại hơn nhiều. Chắc Thầy sẽ cảm động mà tha thứ, hẳn từ nay sẽ không bao giờ Thầy xuống tay hành hạ chúng con, bằng những giờ “cấm túc”(1) nữa.
Nhưng thực tế, chuyện con người lấy được “lượng Xuân” mà tha thứ cho nhau, chỉ có trong ảo tưởng, không bao giờ có thật trên đời này. Ngày còn trẻ, chúng tôi thường nghĩ, thanh, thiếu niên thường nóng nảy, nông cạn, nên những bực dọc, bất mãn thường để lộ ra ngoài, nhưng lúc về già, con người trở lại chậm chạp, điềm tĩnh, kinh nghiệm, biết được tính vô thường của cuộc đời, hẳn sẽ dễ quên, dễ tha thứ... Nhưng sự thật hẳn không là như thế.
Tuổi trẻ mở rộng tấm lòng với xã hội, hướng đến tương lai. Tuổi già nhìn vào thân phận mình và luôn luôn tiếc nuối, quay nhìn về dĩ vãng nên đau khổ, phiền muộn nhiều, đó chính là nguyên nhân của nhiều sự gay gắt, dở hơi, khó tính mà thông thường tuổi trẻ dùng để lên án những ông già.
Mỗi người Việt Nam chúng ta, nhất là thế hệ ra hải ngoại sau biến cố 1975, hẳn đã trải qua biết bao nhiêu biến cố đau thương của đất nước, ai cũng đã qua một thời khổ đau, mất mát, chia lìa vì chiến tranh, tù đày. Không một gia đình nào tránh được nỗi tai ương, ai cũng có người thân chết trận, gia đình nào cũng chịu cảnh tù đày, nơi nào cũng có chuyện người vượt biển mất tích. Phần đông người Việt tha hương chúng ta đều chịu cảnh ly tán, gia đình nào cũng chia năm xẻ bảy, lưu lạc bốn phương trời.
Những ẩn ức, bất mãn, buồn phiền ấy thành khối u trong tâm hồn mỗi người, không phát triển lớn ra thì cũng khó lòng tiêu tán. Chúng ta thường đem nỗi dày vò, đau đớn ấy san qua cho người khác bằng cách, trút nỗi căm thù, giận dỗi, ganh ghét ấy cho đồng loại, gần gũi hơn là cho đồng bào, nhỏ hẹp hơn là cho những người hiện diện quanh chúng ta. Những ẩn ức ấy được gửi đi lên cộng đồng mạng bằng những lời chửi thề thô tục với loại chữ nghĩa mà thực tế họ không thể nói bằng lời, và còn sỉ diện giấu mặt không cho bằng hữu hay gia đình họ hay biết. Chúng ta dày vò, chì chiết nhau, xem nhau như kẻ thù, khi chúng ta không thể trực diện và tấn công vào kẻ thù vô hình, những nguyên nhân là cho chúng ta thiệt thòi, khổ đau trong gần như suốt cả cuộc đời.
Một ông chủ bất mãn chuyện gia đình có thể trút thịnh nộ lên đầu dám công nhân dưới quyền, cả tên công an đứng đường mới thua bạc hôm qua thẳng tay, gay gắt với người phạm luật qua đường.Vậy thì chúng ta có thể cắt nghĩa cái xã hội xô bồ, bún chửi, cháo mắng, cái cộng đồng sẵn sàng quơ dao chỉ vì một cái nhìn bất thân thiện, giống người chửi mẹ chém cha, đều là những người bị dày vò vì những nỗi ẩn ức đau khổ. Nỗi ẩn ức đó đè nặng lên cuộc sống, chịu đựng một cuộc sống bất an, không tương lai mỗi ngày, đó là cuộc sống của con người, ngộp thở dưới bàn tay vô hình của chế độ cai trị. Không phản kháng không chống lại được sức mạnh ấy, thì ta quay mũi dao lại với bạn bè anh em, chúng ta trút nỗi thịnh nộ lên đầu người khác.
Ðất nước càng văn minh, giàu có, dân chủ con người càng hiền hòa, tử tế, nhường nhịn nhau, không phải là điều gì khó hiểu.
Người ta chê “bức tường lòng” giữa người Việt ở Tây Ðức và Ðông Ðức hôm nay, sau 24 năm còn cao hơn cả bức tường ô nhục Bá Linh, cũng như Việt Nam chưa thống nhất được lòng dân sau 37 năm. Ðiều đó đâu có gì là lạ. Một mặt vì nhu cầu tuyên truyền, dưới cái nhìn của miền Bắc, con người miền Nam được đưa xuống cấp cần được khai hóa, là điều xấu xa của Mỹ Ngụy, người miền Nam thì ghê sợ bởi sự tàn khốc, gian trá, đểu giả của đám miền Bắc, qua những đòn thù “cải tạo,” đổi tiền, đánh tư sản, đẩy con người ra biển, vơ vét, thù hận...
Có cái “lượng Xuân” nào để họ có thể mở rộng lòng mà tha thứ cho nhau.
Cái “lượng Xuân” mà ngày xưa lũ học trò bịa ra để vin vào đó mà xin Thầy rộng lượng, tha thứ cho, hẳn không có thực trên cuộc đời còn phân hóa, khổ đau này.
(1) Consigne - giống hình phạt “detention” trong nhà trường Mỹ.