... bà Đinh Trần Thị Bích Nga, chánh văn phòng ủy ban huyện Krông Bông, bao biện cho rằng: “Có thể anh em họ đi kiểm tra nhưng đã đi sai địa điểm.”
ĐẮK LẮK (NV) - Hàng loạt cây rừng lâu năm đang tươi tốt trong vườn quốc gia Chư Yang Sin bị lâm tặc “xẻ thịt,” song để né trách nhiệm chính quyền huyện Krông Bông cho rằng toàn “gỗ mục.”
Cây rừng bị lâm tặc “xẻ thịt” được huyện kết luận là những cây “mục nát.” (Hình: Người Đưa Tin)
Sau gần 3 tháng điều tra kể từ khi báo chí loan tin bên trong vườn quốc gia Chư Yang Sin, xã Cư Drăm, huyện Krông Bông, nhiều cây rừng lâu năm to lớn bị lâm tặc ngang nhiên đốn hạ, thì lực lượng chức năng huyện này mới có kết quả điều tra trả lời truyền thông Việt Nam.
Ngày 8 tháng 6, báo điện tử Người Đưa Tin dẫn phúc trình điều tra do ông Y Te B. Kông, hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Krông Bông ký cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của ủy ban huyện, hạt kiểm lâm thành lập đoàn kiểm tra vào hiện trường xác minh sự việc.
“Kết quả: Tại tiểu khu 1189, xã Cư Drăm, có 3 gốc cây gồm 2 gốc bạch tùng, 1 gốc cây dỗi đã khô, mục có đường kính 80cm và 85cm ước tính thời gian bị chặt từ 2-5 tháng, với tổng khối lượng gỗ bị lâm tặc đốn hạ khoảng 4.92 khối.”
Tuy nhiên, theo phóng viên Người Đưa Tin, thời điểm phóng viên thâm nhập điều tra là khoảng tháng 3 năm 2016, đã ghi lại được cảnh rừng tan hoang, nhiều cây rừng bị đốn hạ xẻ thành nhiều miếng ván lớn được cất giấu kỹ càng. Thậm chí, có cả hình ảnh các lán trại bên các hang đá, ba lô, nguyên liệu xăng, dầu của lâm tặc để lại và những cây bị đốn hạ vẫn còn tươi rói, thơm mùi gỗ vừa mới được “xẻ.”
Trong khi đó, hạt kiểm lâm này đã trốn tránh trách nhiệm, phúc báo dối trá với lãnh đạo huyện là số gỗ bị lâm tặc “xẻ thịt” đã xảy ra từ lâu nên mục nát, không phải cây gỗ tươi mới.
Đặt vấn đề vì sao phúc trình kiểm tra cho rằng, số gỗ trên đều bị chặt ít nhất là 5 tháng trước, vậy sao mùn cưa còn đọng lại được trên các thân gỗ mà không bị gió hoặc các tác động của môi trường làm mất dấu vết và thay vào đó là những cây nấm, rêu xanh đua nhau mọc, phủ lên thân và bề mặt gỗ bị xẻ?
Ngày 8 tháng 6, nói với phóng viên Người Đưa Tin, bà Đinh Trần Thị Bích Nga, chánh văn phòng ủy ban huyện Krông Bông, bao biện cho rằng: “Có thể anh em họ đi kiểm tra nhưng đã đi sai địa điểm.”
Đây cũng là cách đùn đẩy trách nhiệm, bởi xét theo Luật Bảo Vệ Phát Triển Rừng năm 2004, trường hợp này trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về chủ tịch xã Cư Đrăm, và một phần trách nhiệm thuộc về kiểm lâm xã.
Trong khi đó, ông Huỳnh Bài, chủ tịch huyện Krông Bông chỉ cho biết “sẽ truy cứu và xử lý không bao che đơn vị thiếu trách nhiệm để xảy ra sự việc?” (Tr.N)