"Người dân chúng tôi bảo nhau cái này không thể gọi là bê-tông vì không thấy xi-măng. Hay nói kiểu dân gian là nấu kẹo lạc mà không có đường nên rời rạc từng hạt lạc, không thành khối được,”
HÀ NỘI (NV) - “Đường hơn 45,000 tỷ đồng được nói là đẹp nhất Việt Nam nhưng bê-tông đổ hầm chui không có xi-măng, chỉ cần dùng tay cạy đá dăm ra là được.”
Vết vỡ cho thấy bê-tông hầm chui chỉ trơ lại đá, dùng tay cũng bóc được dễ dàng. (Hình: Tuổi Trẻ)
Tờ Tuổi Trẻ ngày Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016 dẫn lời ông Lê Xuân Thu (61 tuổi, ở thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) nói như thế khi ông dùng tay gỡ đá dăm rơi lả tả từ thành hầm chui dân sinh tại km4+900 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Hầm chui dân sinh thôn Xuân Thụy thiết kế rộng 6.5m, cao 3.2m, dài 35m, toàn bộ đổ bằng bê-tông. Đây là một hạng mục thuộc gói thầu EX-1B, dự án đường xe hơi chạy với vận tốc cao Hà Nội - Hải Phòng do tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), một đại gia quốc doanh, làm chủ đầu tư.
Tổng công ty Vidifi có vốn diều lệ 5,000 tỷ đồng, trong đó ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) góp 50%, ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) góp 29%, tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex) góp 10% và tập đoàn đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group) góp 10%.
Nhà thầu chính của gói thầu là liên danh tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 và tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4, đám quốc doanh của Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN. Nhà thầu trực tiếp thi công hầm là công ty cổ phần đầu tư xây lắp dầu khí IMICO (thành viên của tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam), công ty con của tập đoàn dầu khí Việt Nam.
Tư vấn thiết kế là tổng công ty thiết kế GTVT, tư vấn giám sát là liên danh Meinhardt International và tư vấn xây dựng Nhật Việt. Hầm chui được hoàn thành vào tháng 3, 2015, đến ngày 5 tháng 12, 2015 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe toàn tuyến, hầm được đưa vào khai thác đồng bộ với tuyến đường.
“Rất nhiều người bức xúc vì đường cao tốc này hơn 45,000 tỷ đồng mà làm cái hầm chui chất lượng quá kém. Người dân chúng tôi bảo nhau cái này không thể gọi là bê-tông vì không thấy xi-măng. Hay nói kiểu dân gian là nấu kẹo lạc mà không có đường nên rời rạc từng hạt lạc, không thành khối được,” ông Thu được tờ Tuổi Trẻ thuật lời ví von.
Người miền Bắc gọi là kẹo lạc trong khi dân miền Nam gọi là kẹo đậu phụng.
Theo quan sát của phóng viên tờ Tuổi Trẻ, khe co giãn giữa trần hầm vẫn nhỏ nước dù nhiều ngày nay khu vực này không có mưa. Ngoài những vị trí vết thấm sậm màu đã khô, vách hầm phía bên trái tuyến đường xuất hiện những vệt màu vàng nâu chảy theo dòng từ trên xuống đã khô, bám vào vách hầm. Theo ông Thu, đó là những vết nước chảy khi trời mưa.
Khi được nhà báo hỏi về bê-tông hầm chui tại thôn Xuân Thụy như “kẹo lạc không đường,” đại diện phòng triển khai dự án của Vidifi cho biết “bê-tông dùng đổ cống chui do công ty TNHH MTV bê-tông TRANSMECO cung cấp, được trộn từ nhà máy chở đến, kiểm tra chất lượng từng xe trước khi đổ nên bê-tông đảm bảo chất lượng.”
Dự án đường xe hơi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cấp quyết định đầu tư , giao cho Vidifi làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 45,487 tỷ đồng. Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km đi qua các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Đây là tuyến đường đầu tiên ở Việt Nam được sử dụng bê-tông nhựa polymer dày 5cm phía trên để giảm khả năng hằn lún vệt bánh xe khi xe tải nặng đi vào. Với 6 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h, tuyến đường giúp thời gian chạy xe từ Hà Nội đến Hải Phòng còn 1 giờ.
Dù được xây dựng tốn kém cao với khả năng “giảm hằn lún vệt bánh xe” nhưng cuối tháng 6, 2014, tờ Đất Việt viết về tình trạng “đường lún sụt như ruộng bậc thang” trên một đoạn dài 20km của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rất nguy hiểm cho sự lưu thông. Ông Thứ Trưởng Giao Thông Vận Tải Nguyễn Hồng Trường đổ cho là “tại mật độ lưu thông xe quá lớn.”
Tốn phí xây dựng cầu đường tại Việt Nam được đối chiếu cho thấy đắt gấp 4 lần so với Mỹ nhưng phẩm chất thì vô cùng tồi tệ. Chưa khánh thành đường đã bong tróc, lún sụt. Cầu chưa kịp khánh thành đã sập xuống sông từng xảy ra nhiều hơn một lần. Thậm chí, nhà thầu còn sử dụng cốt tre, cốt gỗ thay cho sắt thép.
Tháng Tư 2015, chính phủ Nhật đã đòi nhà cầm quyền Hà Nội bồi hoàn lại tiền viện trợ từng giải ngân cho dự án đường sắt vì để xảy ra hối lộ. (TN)