main billboard

"Trò nhảy xuống biển tắm và cùng nhau ăn cá để làm gương mẫu nghe ra rất Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu hay Phan Đình Dót. Tất cả những trò này không có sức thuyết phục."


ĐÀ NẴNG (NV) - Vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung, đáp lại lời kêu gọi của nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng là “ăn cá và tắm biển,” người dân thành phố này vẫn không dám ăn hải sản. Thậm chí trong một chừng mực nào đó, người nào đụng đũa đến hải sản có thể được xem là chơi ngông, lập dị.

cachet danang 1
Những quán Hải Sản nổi tiếng ở Đà Nẵng không có một bóng khách. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Như là một cách mở đầu cho tuần lễ du lịch Đà Nẵng, biển Đà Nẵng bỗng dưng lô nhô bụng phệ và lưng trần của các quan chức. Sự kiện này gây chú ý rất mạnh cho những người đi đường. Hỏi ra thì biết các quan chức thành phố đang làm một “show” tắm biển của giới chính trị để lên dây cót cho tính gan dạ với thông điệp “cứ tắm, biển vẫn sạch, chúng tôi đây còn tắm!”

Sau “show” tắm biển của quan chức thành phố Đà Nẵng cũng như chương trình ăn cơm trưa bằng hải sản trong một thời gian dài tại cơ quan, mua hải sản tươi cho bà con ngư dân về đãi miễn phí cho thực khách du lịch đến thành phố Đà Nẵng... Nhưng dân Đà Nẵng và du khách ngoại quốc chẳng mặn mà gì với tắm biển, và càng xa lánh hải sản. Như lời bà Hoa, cư dân Đà Nẵng tâm tình: “Sao lại cứ phải yêu nước, yêu đồng bào thì phải ăn hải sản, tiêu thụ hải sản, chuyện thật là với vẩn!”

“Thời đại bây giờ dân nó khôn rồi chứ đâu có phải dân ngu khu đen như ngày xưa nữa mà nói gì cũng được. Thấy cá chết nhiều nơi, trong đó có Đà Nẵng, lẽ ra chính quyền phải mời các viện khoa học có uy tín nhất thế giới đến nghiên cứu nguồn nước cho thật chuẩn xác rồi đưa ra quyết định cuối cùng nên tắm, nên ăn cá hay không. Như vậy mới là trách nhiệm!”

“Đằng này chưa chi hết, mấy ổng nhảy xuống đó tắm, làm như trò hề. Mấy ổng tắm được bao lâu, ngon thì tắm luôn đi! Rồi ăn cá, ngon thì mua cá ngoài biển đem về đây tôi nấu cho mà ăn. Hay chỉ là cá đông lạnh cách đây mấy tháng, mấy năm? Tiền mua hải sản và tổ chức trình diễn tắm biển rồi dọn hải sản miễn phí đó lẽ ra để dành cho giới nghiên cứu.”

“Mấy ổng kêu gọi như vậy chứ dân không hưởng ứng đâu! Kêu gọi ăn hải sản thì chẳng thằng nào con nào dại đâu! Ông Nguyễn Bá Thanh có sống dậy kêu gọi thì dân cũng không nghe vụ này. Vì chính ổng cũng đâu có biết ổng chết trẻ như vậy!”

Một phụ nữ tên Duyên, sống ở quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, có vẻ ít căng thẳng và hóm hỉnh hơn khi nhận xét về vấn đề kêu gọi dùng hải sản cũng như lễ hội du lịch biển: “Các bác bây giờ kể ra cũng vĩ đại. Các bác rủ nhau nhúng mình xuống biển để kêu gọi dân, kiểu này rất trình diễn và chịu chơi!”

“Nhưng mà chịu chơi thì chơi xong rồi tự chịu lấy chứ đừng nên kêu người khác cùng chịu. Vì chuyện ăn cá, tiêu thụ hải sản không thể là chuyện đơn giản vậy. Là một kĩ sư hóa, tôi quá biết về mối nguy hiểm nếu như trong cá có chứa các kim loại nặng. Ăn một lần thì không sao nhưng ăn nhiều lần thì kim loại tích tụ và nhiễm dần vào tế bào. Đến một lúc nào đó thì hết chịu được...”

cachet danang 2
Cổng vào khu ẩm thực trong tuần lễ du lịch Đà Nẵng tại công viên Biển Đông. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Tuần lễ du lịch biển nhưng người dân Đà Nẵng như tôi thì chẳng ai dám xuống tắm đâu. Bởi vì chưa có mẫu nước phân tích, chưa có định vị dòng hải lưu và cũng chưa có những động thái đủ sức thuyết phục về mặt chính trị. Trò nhảy xuống biển tắm và cùng nhau ăn cá để làm gương mẫu nghe ra rất Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu hay Phan Đình Dót. Tất cả những trò này không có sức thuyết phục. Nếu có thì chỉ thuyết phục một bộ phận rất nhỏ.”

Quán bán hải sản vắng tanh

Để kiểm chứng lời bà Duyên, chúng tôi đi vào khu ẩm thực miễn phí bên bờ biển đường Trường Sa. Không khí ồn ào, nhộn nhịp lễ hội ở đây lấn át mọi tiếng ồn khác của xe cộ, tiếng nhạc phát ra từ các loa phóng thanh để khuấy động không khí. Trước khu vui chơi, giải trí và ẩm thực là một chiếc xe cứu thương của bệnh viện đa khoa Đà Nẵng đứng túc trực.

Gần hai giờ đồng hồ, chúng tôi đếm được có mười sáu khách vào khu ẩm thực và họ gọi mấy chai bia ngồi uống. Hầu như không chạm đũa đến bất kì món hải sản nào. Chén đũa trên bàn vẫn giữ y nguyên, không có gì thay đổi.

Đi qua các khu chợ bán hải sản, vẫn vắng tanh. Bắt chuyện ngẫu nhiên với một người, hỏi thăm thử ông đi mua hải sản về nhậu hay là đi chơi. Ông cho biết: “Tôi đi thăm chợ, không phải để chụp hình mà coi thứ có gì nguy hiểm không.”

cachet danang 3
Xe cấp cứu túc trực trước khu ẩm thực biển. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Bởi vì trước khi cá chết ở Hà Tĩnh, gia đình tôi ăn nhiều hải sản lắm. Khi cá chết ở Hà Tĩnh mà Đà Nẵng chưa có cá chết tôi vẫn ăn. Giờ lại thấy lo lắng, không biết trong cơ thể mình có tích độc trong đó không nữa. Nhiều người lo lắng lắm!”

“Nhìn thấy bà xã tôi ở nhà tích trữ nước mắm và muối nữa thì tôi đâm ra lo hơn. Vì mọi chuyện cứ rối lên như canh hẹ như vậy thật là khó xử!”

Cái “thật là khó xử” của người đàn ông này có vẻ như là cái sự chung của người miền Trung và người Việt Nam bây giờ. Và càng nghe nhà nước kêu gọi tiêu thụ hải sản bao nhiêu, người ta đâm ra càng “khó xử” bấy nhiêu.

Không phải khó xử chuyện có nên nghe hay không nên nghe nhà nước nói mà nên như thế nào, hành động ra sao để lấy lại sự bình yên cho biển Việt Nam. Đó mới là “cái khó xử” cho người dân miền Trung chịu thương chịu khó, chịu nhịn nhục và cần cù!