Những người thích nói chuyện thị phi hay “hóng” chuyện thị phi là những người thích thú theo dõi chuyện người khác và luôn luôn tìm cách để loan truyền chuyện này với những người quen biết hay không quen biết. Đó là thói xấu “ngồi lê đôi mách.”
Quán rằng: “Ghét việc tầm phào,
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm.”
Nguyễn Đình Chiểu (Lục Vân Tiên)
Một tờ nhật báo hay tuần báo, nhất là một tờ báo dành cho phụ nữ phải có ba mục quan trọng: “tử vi,” “tìm bạn tri âm” và “gỡ rối tơ lòng.” Ngày này truyền hình và phát thanh cũng vào cuộc.
(Hình: Người Việt)
Thật tình tôi không rõ tác giả mấy chữ “Gỡ Rối Tơ Lòng” trên báo chí này do ai sáng tác, nhưng nghe qua, bốn tiếng này ngân nga như một câu vọng cổ rất mùi. Thì ra lòng chúng ta kết hợp bằng những sợi nho nhỏ như tơ, khi êm đềm song suốt, mượt mà thì chẳng nói làm chi, khi lo lắng, rối nùi, gỡ chẳng ra như mớ bòng bong, hay như thành ngữ “rối như tơ vò,” không biết giải quyết cách nào, để cuối cùng phải nhờ đến một nhân vật lần mối gỡ giúp chúng ta.
Đã lâu lắm, miền Nam hồi thập niên 50, trên tuần báo Thẩm Mỹ, một tờ báo bán rất chạy trên toàn miền Nam, “Gỡ Rối Tơ Lòng” đã là một mục rất ăn khách. Phải chăng báo chí miền Nam Việt Nam đã có sáng kiến tiên phong, vì từ năm 1953 trên báo Saigon Mới đã có mặt mục “Gỡ Rối Tơ Lòng,” trong khi chuyên mục “Dear Abby“của bà Pauline Friedman Phillips chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1956 trên Chicago Sun-Times, và sau đó tràn lan trên hơn 1.000 tờ báo ở Hoa Kỳ, cả những nơi xa xôi như Brazil và Thái Lan. Có lúc, chính con gái bà là Jeanne đã thay thế vai trò của bà. Một người em song sinh của bà, Esther Friedman Lederer cũng giữ mục gỡ rối với bút hiệu“Ann Landers,” đã từng là địch thủ của bà.
Người phụ trách trang báo này thường được lòng tin ở độc giả, những người đã đem hết tâm tình, gan ruột của mình để bày tỏ cho một người qua đường chưa hề biết mặt, để câu chuyện riêng tư của mình có người quan tâm tới, có khi là tên tuổi mình được lên mặt báo, có khi với mục đích gián tiếp bày tỏ tâm sự với một đối tượng nào đó cũng đủ vui rồi.
Tôi nghĩ chỉ cần một chút thông minh và khôn ngoan, một chút tâm lý, một chút đạo đức, một ông hay một bà nào đó cũng có thể tham gia gỡ rối tơ lòng cho thiên hạ.
Tôi nói một chút đạo đức, là vì không lẽ khi một người đàn bà mới than thở chuyện chồng con, người gỡ rối đã vội vàng khuyên người ta ly dị, hay mới nghe gia đình bất hòa đã vội nói những lời chia rẽ.
Câu chuyện này làm tôi nhớ lại một câu ca dao ngày trước trách móc một ông thầy bói:
“Thầy ơi! thầy đạo đức chi, thầy coi quẻ bói cho đôi này xa nhau!”
Không phải là mấy bà chuyên gỡ rối cho người ta chuyện tình cảm, bồ bịch, vợ chồng mà cả chuyện giao tế, chuyện hùn hạp làm ăn, chuyện sex, chuyện xích mích trong gia đình, nói chung là đủ mọi mặt. Khi gặp những chuyện rắc rối, khó xử đáng lẽ chúng ta cần gặp các cố vấn tâm lý, cố vấn tài chánh, cố vấn pháp luật... thì chúng ta lại tìm đến các “cố vấn gỡ rối...” để làm cho câu chuyện càng rối thêm.
Đàn bà vẫn bị các cụ chúng ta ngày xưa dè bỉu: “Đàn ông nông cạn giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu,” nhưng không hiểu sao, việc gỡ rối, cố vấn cho chuyện thiên hạ đều do quý bà đảm trách? Phải chăng phụ nữ nhiều... chuyện, thích ngóng chuyện của thiên hạ, và cũng thường muốn bày tỏ, than thở tâm sự của mình với người khác, kiểu “ba bà đi bán lợn sề,” nôm na là chuyện thị phi, nên có chuyện gì, tìm hỏi quý bà là phải! Nắm vào yếu tố này, quý bà trên mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” của tất cả tờ tuần báo đều thường là phụ nữ.
Một nam ký giả cũng có thể “hóa thân” thành một bà, mang một cái tên phụ nữ, giữ mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” cho một tờ báo. Đó là trường hợp bà Kiều Diễm Hồng ngày trước.
Các câu giải đáp trong mục “Dear Abby” thường ngắn gọn tóm tắt, hóm hỉnh chứ không kể lể dài dòng hay trả lời lê thê của các bà phụ trách trên báo Việt, có khi chỉ một chuyện đã choán hết một, hai trang báo.
Khi không có ai gửi tơ lòng về đòi gỡ rối, thì bổn phận người phụ trách phải “sáng tác” ra một câu chuyện lâm ly, ai oán, một tay hỏi, tay bên kia đáp. Nhiều tờ báo vô lương tâm lại phịa ra những chuyện “ăn khách” nhưng vô luân như chồng tôi ngủ với em gái tôi, hay vợ tôi ngủ với anh họ tôi, bây giờ tôi phải làm sao? Tâm lý của nhiều người là thích lắng nghe chuyện người khác, ví như chuyện nhà hàng xóm, nên trang “Gỡ Rối Tơ Lòng” là trang báo được nhiều người đọc nhất!
Tối nay trên đường về nhà tôi bật radio, tình cờ nghe một mục “Gỡ Rối...” Tôi đã nghe hết chương trình để có thể hoàn tất bài viết này. Mục này theo thông lệ, là người phụ trách chương trình đọc một bức thư tâm tình, éo le của một thính giả và yêu cầu những người đang nghe chương trình này góp ý. Đây là một hình thức không phải là chỉ có một người gỡ, mà cả chục ông bà xúm vào gỡ rối kiểu “bề hội đồng,” nhưng “ông nói gà bà nói vịt,” cuối cùng làm cho người trong cuộc đã rối lại càng rối thêm.
Người xướng ngôn viên phụ trách chương trình đã đọc một bức thư của một nữ độc giả nào đó, than thở được một chàng “Việt Kiều” về nước cưới làm vợ đem qua Mỹ. Nhưng qua đây rồi, cô nàng bất như ý vì chồng không giàu có, không có khả năng đùm bọc, lo lắng cho vợ, chỉ lo ăn chơi, đàn đúm bạn bè. Câu hỏi nhờ chư vị chỉ giáo: “Vậy bây giờ em phải làm sao?”
Trong vòng chưa đầy 20 phút đã có hàng chục thính giả, nam có nữ có, gọi vào phê bình, góp ý, bình luận loạn cả lên. Người thì khuyên cô nên đi kiếm “thằng” khác, người thì nhắc cô phải mang ơn ông chồng, người thì suy luận cô ả này lo làm tiền dành dụm để gửi về cho gia đình ở Việt Nam, bây giờ bắt đầu chán chồng. Hết giờ “tâm tình,” cũng chưa thấy ai gỡ rối được cho người trong cuộc, mà còn làm cho câu chuyện rối rắm thêm, trong khi người gọi điện thoại vào vẫn còn đông, đèn vẫn còn chớp, người phụ trách chương trình đành xin hẹn ký sau nhờ quý vụ “gỡ” tiếp.
Tôi nghĩ: “Làm gì có cô nào to gan đem chuyện riêng tư của mình gửi gắm lên đài phát thanh.” Đây rõ ràng là một câu chuyện phịa! Điều tôi thắc mắc, là vào giờ cao điểm, người ta đi làm về, giờ sửa soạn bữa cơm tối hay đang cùng nhau quây quần với gia đình, vì sao nhiều người “huỡn” để bao đồng lo góp ý cho thiên hạ quá vậy? Có người cho biết, kiên nhẫn gọi năm lần bảy lượt mới “dô” được đài.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đèn nhà ai nấy sáng!” và thiên hạ cũng nên cầm đuốc “rê” lại chân mình một chút coi, bớt chạy theo những chuyện tầm phào vô bổ! Người đời hay thích bàn tán, phê bình, tọc mạch nhiều lời về chuyện của người khác, gọi là chuyện “tào lao thiên địa” hay chuyện thị phi. Những người thích nói chuyện thị phi hay “hóng” chuyện thị phi là những người thích thú theo dõi chuyện người khác và luôn luôn tìm cách để loan truyền chuyện này với những người quen biết hay không quen biết. Đó là thói xấu “ngồi lê đôi mách.”
Việc đem chuyện gia đình người khác lên mặt báo hay đài phát thanh là khuyến khích những ông bà “rỗi việc” chồm vào đời sống riêng tư của người khác, thích làm “thầy đời,” “thầy bàn” hay cố vấn là một thói xấu rất... Việt Nam.