“Nhà Bush có đủ mọi điều kiện để có vị tổng thống thứ ba,” ông Westheimer nói tiếp, “nhưng chỉ thiếu một thứ.” Thiếu điều gì? “Thiếu lá phiếu của cử tri.”
“Từ lâu tôi đã nói ông Jeb Bush không phải là ứng cử viên sáng giá nhưng chẳng ai nghe,” nhà phân tích bầu cử James Westheimer của Iowa cười thật to khi được hỏi nghĩ sao về tin ông Cựu Thống Ðốc Jeb Bush đang gặp khó khăn. “Nhà Bush có đủ mọi điều kiện để có vị tổng thống thứ ba,” ông Westheimer nói tiếp, “nhưng chỉ thiếu một thứ.” Thiếu điều gì? “Thiếu lá phiếu của cử tri.”
Cựu Thống Ðốc Jeb Bush, ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa. (Hình: Alex Wong/Getty Images)
Hình như điều đó không sai!
Ðầu năm 2015, ông Jeb Bush được mọi người mặc nhiên công nhận là nhân vật đáng chú ý nhất của đảng Cộng Hòa, dẫn đầu tất cả những cuộc thăm dò toàn quốc. Ðiều này xảy ra vì nhiều lý do: dòng họ Bush là dòng họ nổi tiếng của chính trường Hoa Kỳ, thân phụ và em trai của ông cựu thống đốc tiểu bang Florida đều từng giữ vai trò tổng thống, có hẳn một lực lượng yểm trợ hùng hậu, từ những tuần lễ đầu tiên đã có cả trăm triệu dollars để vận động tranh cử, lại có sẵn một hệ thống vận động cấp tiểu bang sẵn sàng bắt tay vào việc để đưa ông Bush “thứ ba” vào Tòa Bạch Ốc. Thông thường, những yếu tố quan trọng đó sẽ giúp cho một ứng cử viên tạo thanh thế trên chính trường, nhưng rất tiếc điều đó không đến với ông Jeb.
Trong những tuần lễ vừa qua, Ban Vận Ðộng Tranh Cử của ông và các tổ chức đồng minh chính trị đã làm tất cả những gì có thể làm để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri, sẵn sàng bỏ ra tới 30 triệu dollars để chạy quảng cáo trên TV, radio và báo chí nhằm giới thiệu cho cử tri thấy người có đủ kinh nghiệm để lãnh đạo quốc gia. Hình ảnh của những đoạn quảng cáo truyền hình cho thấy ông Jeb Bush là nhân vật bảo thủ rất năng nổ, một nhà lãnh đạo tài ba ngay từ ngày đầu đã có thể bắt tay ngay vào việc, là người có sẵn kinh nghiệm để sửa đổi tất cả những gì phải sửa đổi - “Jeb Can Fix It” - để đưa quốc gia đến chỗ thịnh vượng, trở thành cường quốc cả thế giới phải kính nể.
Những hình ảnh quảng cáo đầy lôi cuốn đó vẫn không thay đổi được tình huống: tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Bush ngày một kém đi, kết quả cuộc thăm dò do CNN/ORC mới phổ biến sáng hôm nay (Thứ Sáu, mùng 4 Tháng Mười Hai 2015) cho thấy số cử tri ủng hộ ông giờ chỉ còn có 3%, trong khi ứng cử viên Donald Trump tiếp tục dẫn đầu với 36% tổng số phiếu - thua ông Trump ngay tại tiểu bang nhà Florida. Nói cách khác: ông Bush không còn là ứng cử viên đáng chú ý tới, hay nói như nhà phân tích bầu cử James Westheimer “ông ta (Jeb Bush) đang tuột dốc như chiếc xe không có thắng.”
Tại sao vậy?
“Chẳng có gì khó hiểu,” phân tích gia chính trị Amy Strassboug trả lời. “Ông Bush ra tranh cử với lời cam kết xây dựng một nước Mỹ tương lai, nhưng tất cả những hình ảnh quảng cáo đưa ra đều là những hình ảnh của quá khứ.” Nhìn nhận ông thống đốc Florida là người có khả năng lẫn bản lãnh để lãnh đạo quốc gia, nhưng theo bà Straboug, “ông ta tranh cử vào đúng thời điểm cử tri Cộng Hòa chán ngấy những chính trị gia bề thế, vì vậy họ dồn sự ủng hộ cho những khuôn mặt mới chứ không muốn người đại diện cho đảng để lãnh đạo quốc gia là người của những thế hệ cũ kỹ.”
“Nếu không phải là người của dòng họ Bush, chắc ông cựu thống đốc sẽ được ủng hộ nhiều hơn,” là nhận xét của nhà phân tích độc lập Kevin McCoy. “Cử tri Hoa Kỳ không quên ông Bush ‘bố’là người chiến thắng trận chiến Vùng Vịnh, nhưng họ cũng không quên ông là người không cân bằng được ngân sách và chính sách kinh tế luộm thuộm. Cử tri Mỹ cũng không quên ông Bush ‘W’ là người quyết định mở cuộc chiến Iraq khiến Hoa Kỳ phải lâm vào cảnh nợ nần một cách vô ích, thành ra họ thắc mắc, chẳng biết liệu có cần một Tổng Thống Bush thứ ba hay không.” Ông McCoy nhắc lại “dù ông Jeb Bush phải mất quá nhiều thì giờ để biện hộ cho quyết định của ông anh ‘W,’ nhắc mọi người nhớ sau biến cố 11 Tháng Chín 2001 anh ông đã giúp nước Mỹ yên ổn, nhưng dù ông biện hộ đến mức nào chăng nữa, vẫn không xóa được những gì cử tri Hoa Kỳ nghĩ về dòng họ Bush.”
Tất cả những lý do tiêu cực đó không làm cho ông Jeb Bush nao núng, tin tưởng cuối cùng cử tri Hoa Kỳ sẽ dồn phiếu tín nhiệm ông vì “mọi người tin tôi sẽ đáp ứng được những gì họ trông đợi.” Thứ Tư tuần này khi xuất hiện trên đài truyền hình Iowa Public Television, ông cho biết “đang đạt được những thành quả (vận động) rất tốt” ở các tiểu bang Iowa, New Hampshire, South Carolina và Nevada, nhắc lại lịch sử bầu cử cho thấy “người dẫn đầu thăm dò trong Tháng Mười Hai không phải là người sẽ được đảng để cử tranh chức tổng thống.” Vẫn với giọng đầy tự tin, ông nói tiếp: “Cử tri chưa thật sự quyết định sẽ chọn ai” cho tới ngày họ bước vào phòng phiếu, tham dự cuộc bầu cử sơ bộ.
Theo ông phát ngôn viên Tim Miller của Ủy Ban Vận Ðộng Jeb Bush 2016, chuyện tụt hạng ở cuộc thăm dò “chẳng phải là điều chúng tôi quan tâm,” mục tiêu được đặt ra là “phải tiếp tục giới thiệu ông Jeb với cử tri ở những tiểu bang sẽ tổ chức bầu sơ bộ vào tháng Hai năm tới.” Trong những buổi tiếp xúc này, “ông Jeb sẽ trình bày cho cử tri biết những điều ông quan tâm về an ninh quốc gia và cách giải quyết, xuất hiện chung với những người đã từng làm việc với ông, để họ xác nhận với cử tri rằng ông Jeb là người có kinh nghiệm lãnh đạo và nước Mỹ đang cần một người như thế.” Ông Miller giải thích rõ hơn “cử tri nghe tên ông Trump chứ họ đâu có cơ hội gặp gỡ, nói chuyện với ông Trump, ngược lại họ sẽ có rất nhiều dịp nói chuyện với ông Jeb, có dịp đặt câu hỏi trực tiếp với ông Jeb” để cuối cùng “họ sẽ bỏ phiếu chọn người họ biết chứ không chọn người họ chỉ nghe tên.”
“Vẫn còn quá sớm để biết chiến lược tranh cử đó có thay đổi được tình thế hay không” một nhân vật thân cận với ông Jamie Harrison, chủ tịch điều hành Ðảng Bộ Dân Chủ South Carolina, nói. Nhân vật yêu cầu không nêu tên này bảo thêm “theo những điều tôi được nghe, từ hồi Tháng Mười đã có tin nói rằng những người bỏ tiền ủng hộ ông Jeb Bush nêu thắc mắc là không biết họ ủng hộ đúng hay sai.”
Thời điểm Tháng Mười cũng là thời điểm ông Bush phải cắt giảm nhân viên và giảm bớt chi tiêu, và ở đầu Tháng Mười Hai 2015, tỷ lệ ủng hộ ông Jeb Bush chỉ còn có 3%. Có thể nói không sai: con số 3% là con số những người ủng hộ ông chẳng bao giờ nghĩ đến.