Chớ ở nhà thì vợ chồng cháu biết làm chi ra vài trăm để nuôi con và nuôi cha mẹ.
Among the roughly 2 million Myanmar workers, 300,000 Cambodians and 50,000 Vietnamese in Thailand, many are working illegally…
THE NATION July 3, 2014
Bữa trước, Tuấn Khanh đặt ra một câu hỏi khá bất ngờ và ngỗ nghĩnh: “Người Việt cố giàu lên, để làm gì?” Tiếc có điều là câu trả lời (cũng của chính ông) lại không được bất ngờ hay thú vị gì cho lắm: họ cần có nhiều tiền chỉ để tìm cách cho mình hay con em rời xa quê hương!
Coi: ở một xứ sở mà tới cái cột đèn cũng chịu không nổi, và còn nhấp nhổm muốn đi thì ai mà không lo kiếm đường để chạy – hả Trời?
Nghe vậy, ông nhạc sĩ (nghe) dám giận lắm à nha. Thì tui cũng nói (cho vui) vậy thôi, chớ chuyện “cột đèn có chân” nay đã xưa rồi. Ghi nhận của Tuấn Khanh về cung cách “lặng lẽ gói ghém ra đi thật xa” của dân Việt (e) cũng không hoàn toàn đúng nữa, ít nhất thì cũng không đúng đối với người dân ở Hoà Vang/Đà Nẵng – theo tường thuật của hai ông Lê Minh & Hữu Trung, trên tờ Vietnamnet, vào hôm 4 tháng 10 năm 2015:
“Trong số hàng chục nhà tầng, biệt thự được xây gần đây, to lớn và lộng lẫy nhất huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) phải kể đến ngôi biệt thự của ông Nguyễn Bảy – ông chủ thầu xây dựng nổi tiếng của làng trên đất Lào. Đó là một khối nhà 3 tầng, đồ sộ giữa không gian làng quê yên bình. Nơi cổng vào được ông Bảy cho xây dựng hàng rào cách điệu rất quy mô.
Biệt thự ở Hoà Vang. Ảnh: Vietnamnet
Câu chuyện về làng giàu và những nông dân đi chân đất, cưỡi ô tô sang lấy vợ ngoại về làng xây biệt thự như ông Bảy không hiếm. Bí thư chi bộ thôn 5, ông Trương Văn Phẩm, nhẩm tính trong thôn có cả chục người như ông Bảy. Phần lớn họ đi lên từ đôi bàn tay trắng, vài người qua Lào làm ăn rồi cưới luôn vợ Lào và chung sống khá hạnh phúc.
Nhờ đó, bộ mặt làng quê thay đổi hẳn. Đường bê tông được xây dựng. Nhiều người đi Lào đứng ra đóng góp tiền làm đường, kéo điện thắp sáng, góp sức đưa thôn 5 đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới trong năm 2014 vừa qua.”
Xe sang ở Hoà Vang. Ảnh: Vietnamnet
Té ra đâu có cần phải bôn ba, xa xôi làm chi (cho má nó khi) chỉ cần nhích chân qua Lào là đủ mát trời ông Địa rồi. Thiệt là một tin vui (“giữa giờ tuyệt vọng”) cho vô số người dân Việt, trừ cái ông Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải. Ai đi về cũng sắm vài cái “xe sang” thì sớm muộn gì Hoà Vang (nói riêng) và Quảng Nam/Đà Nẵng (nói chung) cũng sẽ bị … nạn kẹt xe thôi!
Sao xứ Lào giàu có và làm ăn dễ dàng (dữ) vậy cà? Bên Miên, bên Miến (chắc) cũng như vậy luôn quá. Chỉ riêng ở đất Thái là chuyện mưu sinh, xem chừng, hơi bị khó khăn chút xíu – theo như tiểu luận (Những Cơ Hội & Thách Đố Cho Lao Động Di Dân Việt Nam Tại Thái Lan) của Linh Mục Antôn Lê Ngọc Đức, SVD:
Lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan có những đặc điểm chung sau đây. Thứ nhất, hầu hết đến từ các tỉnh miền bắc và miền trung, trong đó Hà Tĩnh và Nghệ An chiếm phần đa số. Ngoại trừ một số trường hợp, hầu hết xuất thân từ những gia đình nông thôn. Tuy nhiên với vùng đất hẹp hòi ở khu vực miền trung cộng thêm khí hậu khắc nghiệt nên việc mưu sinh trên mảnh đất quê hương không dễ dàng đối với họ...
Tính chất của một số công việc mà các lao động di dân Việt Nam làm tại Thái Lan lệ thuộc phần nào về tuổi tác và giới tính. Những công việc như xây dựng (cọ xang), trông bãi xe (rắp rốt), tẩm quất trong phòng vệ sinh nam (nuad hong nám) chỉ dành cho lao động nam. Các công việc giúp việc nhà (mae ban), chăm sóc người già trẻ con trong gia đình chủ thuê, bán hoa hồng dạo…thường dành cho lao động nữ. Ngoài ra những công việc như may quần áo (yep pha), bán dạo (kem, trái cây, nước giải khát), mở quầy hàng (áo quần, thức ăn, hoa quả…), bán hàng trong các cửa tiệm bán lẻ… thì cả lao động nam và nữ đều tham gia.
Nếu bước sâu vào trong bếp của một quán ăn Việt Nam ở California, bạn có thể nhìn thấy một người đàn ông Mễ (to béo, nhễ nhại mồ hôi) đang rửa chén, lau chùi, hay quét dọn gì đó ... Ông ta là người phải làm những công việc nặng nhọc nhất nơi đây, và cũng là kẻ nhận đồng lương thấp nhất – thấp dưới mức qui định (tối thiểu) của nhà nước Mỹ. Lý do, giản dị, chỉ vì đương sự nhập cư bất hợp pháp và không có quyền làm việc tại Hoa Kỳ nên phải chịu thiệt thòi.
Tương tự, bạn cũng rất dễ tìm thấy một bà Việt Nam (nhỏ thó, gầy gò, và cũng nhễ nhại mồ hôi) đang tất bật lau chùi, dọn dẹp chén đĩa ... trong một quán ăn đông khách ở Bangkok. Hoàn cảnh của người phụ nữ này, ở Thái Lan, cũng giống y như ông bạn đồng nghiệp Mexican ở U.S.A vậy.
Và bởi vậy, cả hai đều phải làm chui. Chỉ khác có điều là ông Mễ có thể lãnh cả 100 dollar tiền tươi mỗi ngày, còn bà Việt thì chỉ được trả độ 2/10 khoản đó là hết mức.
Tôi biết rõ mấy chuyện này vì ba mươi năm qua tôi sống tại California, và ba tuần qua thì tôi ở thủ đô Bangkok. Nói cho chính xác hơn là tôi đang trọ trong một cái “guest house,” gần khu Đèn Đỏ Nana (Nana Red Light District, trên đường Sukhumvit 4). Viết và đọc theo âm tiếng Việt là “Nana Soi Xì” thì ông tài xế taxi, hay xe ôm nào cũng biết.
Từ ban công của cái nhà trọ rẻ tiền này, mỗi sáng, tôi đều nhìn thấy những người đồng hương của mình lặng lẽ đi qua. Thường thì bà bán cà rem đến trước, cùng với tiếng chuông leng keng khe khẽ (nghe) hơi có vẻ rụt rè và xen lẫn một chút ý tứ. Cứ y như thể là ngay chính cái chuông bé nhỏ này đã mang sẵn chút mặc cảm là nó đang làm phiền thiên hạ vậy.
Ảnh chụp vào mùa mưa năm 2015
Bán kem thì có thể lân la, chậm rãi, và dừng lại ở bất cứ nơi đâu (vào bao lâu) cũng được. Chả ai phiền hà gì ráo vì người dân địa phương không ai làm cái nghề này. Đây gần như là “thương trường” độc quyền của “thương nhân” Việt Nam ở Thái Lan.
Những người bán trái cây hay bán nước dừa thì khác. Họ luôn luôn giáo giác, và gấp gáp. Ngay cả khi có khách gọi mua hàng thì bán xong họ cũng quầy quả đi ngay, nếu trên vỉa hè đã có một cái xe trái cây của một công dân Thái đậu sẵn gần đâu đó.
Đây là luật hè phố của Bangkok. Chỉ có người Thái mới được đặt xe ở một nơi cố định, còn đám dân bán chui thì chỉ được phép đi lướt qua thôi. Dừng lại quá lâu để chia bớt khách hàng tuy không phạm luật nhưng chạm lệ.
Va chạm kiểu này tuy không lôi thôi lớn nhưng cũng lôi thôi lắm. Nhẹ ra thì đôi lời chửi rủa, cảnh cáo. Nặng hơn, không chừng, dám một trận đòn.
Đời vẫn vốn không nương người thất thế mà!
Đến tầm 8/9 giờ khuya trở đi thì chỉ còn xe kem hay xe nước dừa, hết xe trái cây rồi. Cái nghề này bắt buộc người ta phải về sớm vì phải thức dậy rất sớm để mua hàng, và chuẩn bị làm hàng để đủ bán cả ngày.
Bán kem thì khoẻ hơn nhiều. Khỏi phải làm gì ráo. Cũng chả lỗ lã chi cả. Bán ít lời ít, bán nhiều lời nhiều nên cũng cái xe kem đó, vợ đẩy ban ngày, chồng đẩy ban đêm (hay ngược lại) cho tới khi ... gần sáng!
May là ở những khu đèn đỏ, và những khu phố Tây Ba Lô những cô gái ăn sương lấy ngày làm đêm nên khách lúc nào cũng có – chỉ tội là rất ít người thích ăn kem tối.
Tôi về hưu (non) từ năm ngoái, ở nhà hoài cũng ớn chè đậu nên hay đi giang hồ (vặt) cho nó qua ngày. Bỗng dưng trở thành một ông “tỉ phú thời gian” nên tôi sốt sắn “tháp tùng” những xe trái cây, và những xe kem của đồng bào mình đi quanh Bangkok – bất kể đêm ngày.
Ảnh chụp vào mùa mưa năm 2015
Nếu là một nhà văn hay nhà báo thì chắc chắn tôi sẽ viết được vài bài phóng sự ngăn ngắn – kiểu như tôi đi bán kem, bán nước dừa, hay bán trái cây... gì đó. Tiếc thay, tôi lại là một thường dân nên chỉ có thể ghi lại được vài mẩu tâm sự (vụn) của những người đồng hương đang tha phương cầu thực thôi:
Cháu đi cả đêm như rứa mà không buồn ngủ sao?
Dạ, ban ngày khi vợ đẩy xe cháu đã ngủ rồi.
Từ đây tới gần sáng thì cháu kiếm được bao nhiêu tiền lời?
Ba hay bốn trăm baht, tùy bữa, nếu trời không mưa.
Vậy thì cũng chỉ chừng hơn 10 đô la chứ mấy. Vợ cháu cũng kiếm cỡ đó, phải không?
Dạ hơn chớ, ngày dễ bán hơn đêm. Nó lại chịu khó nài khách nên cũng nhiều người mua hơn.
Sao cháu không “nài” như nó?
Có nói được tiếng Thái mô mà nài!
Dù cháu không “nài” thì hai vợ chồng cũng kiếm được cỡ bẩy/ tám trăm baht mỗi ngày, cộng lại ít nhất cũng 600/700 Mỹ Kim mỗi tháng, đúng không?
Dạ, đúng?
Sống đủ không?
Dạ, đủ và còn dư được chút xíu nữa.
Sao mà dư được?
Tiền “lo” cho cảnh sát của hai đứa mỗi tháng 100 đô. Tiền “lo” visa và tiền phòng 150 nữa. Ăn chừng 150 đổ lại thôi.
Sao ăn ít rứa?
Mỗi tháng phải gửi về Nghệ An cho ông bà ngoại và ông bà nội mỗi nhà 100.
Để dành à?
Dạ không, ông bà nuôi dùm mấy đứa con nhỏ mà.
Như rứa là hết gần sạch rồi thì tội chi mà phải qua tuốt bên nây, ngó cơ cực quá?
Chớ ở nhà thì vợ chồng cháu biết làm chi ra vài trăm để nuôi con và nuôi cha mẹ.
!!!
Bán trái cây chắc lời hơn?
Hơn chớ nhưng tụi cháu chưa có vốn, đang để dành?
Vốn làm chi?
Để mua xe. Xe kem ni của chủ, còn xe trái cây mình phải sắm. Xe cũ cũng cả chục ngàn baht chớ đâu phải ít, bác.
Mấy trăm đô lận sao.
Dạ.
Rứa thì để dành tới khi mô mới đủ tiền?
Cũng chưa biết nữa. Bấc tới đâu dầu tới đó thôi...
Dự tính sắm xe, ngó bộ, cũng còn xa vời dữ. Và “ước mơ xa vời” này của người đồng hương đang đi bên cạnh khiến tôi chợt nhớ đến bài báo thượng dẫn (“Làng Tỷ phú: Xuất Ngoại Sắm Xe Sang, Lấy Vợ Nước Ngoài”) trên Vietnamnet:
“Hơn chục năm trước thôn 5, xã Hòa Khương là một trong những làng khó nghèo nhất nhì xã. Bây giờ, làng nghèo đã thay da đổi thịt. Nhà lầu, biệt thự, xe sang lũ lượt kéo nhau về làng mỗi khi Tết đến.”
Bộ có thiệt vậy sao, mấy cha?