Ngay sau cuộc tranh luận diễn ra ở Boulder, Colorado hồi tuần trước, mọi người mặc nhiên công nhận người thành công nhất chính là ông Rubio,
Từ chiều Thứ Ba, mùng 3 Tháng Mười Một 2015, tin hành lang chính trị thủ đô cho hay ứng cử viên Cộng Hòa Marco Rubio dẫn đầu cuộc thăm dò “quyền uy bầu cử” do nhật báo USA Today thực hiện. Sáng hôm sau ngay trên trang nhất, tờ báo vừa nói cho hay đã hỏi chuyện với 30 nhà quan sát bầu cử, và người được đa số chọn để dẫn đầu danh sách những ứng cử viên nổi bật nhất bên đảng Cộng Hòa chính là ông thượng nghị sĩ mới 44 tuổi của tiểu bang Florida.
Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio. (Hình: Darren McCollester/Getty Images)
Ðiều này chẳng lạ. Ngay sau cuộc tranh luận diễn ra ở Boulder, Colorado hồi tuần trước, mọi người mặc nhiên công nhận người thành công nhất chính là ông Rubio, kèm theo những lời ngợi khen “như biết phản đòn” khi bị ông Jeb Bush tấn công, “nắm sát vấn đề” khi trả lời những câu hỏi liên quan về tình hình quốc gia và kế hoạch sẽ hành động nếu được tín nhiệm để lãnh đạo đất nước. Không những thế, tin tức phổ biến ngay sau đó cho thấy số người gửi tiền ủng hộ bắt đầu tăng, và nghe đâu một số nhà tài trợ cỡ lớn bắt đầu nghĩ đến việc sẽ yểm trợ ông. Bên cạnh những điều đó, chuyện ông bị các ứng cử viên cùng đảng tới tấp tấn công trong 7 ngày qua cũng là bằng chứng cho thấy ông là người họ đang “gờm.”
Những vụ tấn công này đến từ nhiều khía cạnh khác nhau, mở đầu ngay trong cuộc tranh luận Colorado khi ông Rubio bị ông Jeb Bush lớn tiếng mắng về chuyện bỏ công việc ở Thượng Viện để đi lo chuyện tranh cử, sau đó trên đài CNN ông “thầy” Bush cũng nhắc lại điều này, bắn tiếng cho cậu “học trò” Marco Rubio hiểu rằng “những người được dân bầu lên đều có trách nhiệm phải đến cơ quan làm việc” chứ không được phép “trốn sở” đi làm chuyện cá nhân. Sau đó tới phiên hai đồng viện cùng đảng Ted Cruz và Rand Paul (đồng thời cũng là hai ứng cử viên tổng thống) đồng loạt lên tiếng chỉ trích, ông Rand Paul chê ông Rubio ủng hộ mậu dịch tự do khiến “công nhân Mỹ mất việc làm,” ông Ted Cruz chẳng ngần ngại kể chuyện từng rời D.C. đi vận động ở tiểu bang khác, “nửa đêm tôi vẫn phải leo lên máy bay về lại thủ đô để sáng mai còn bỏ phiếu.” Khi kể lại chuyện này trên đài truyền hình CNN, ông nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Texas bảo thêm “mình được dân bầu, làm việc có lương thì phải làm việc cho nghiêm chỉnh,” ý muốn chê bai đối thủ Rubio hàng tháng lãnh lương nhưng không làm tròn nhiệm vụ được dân trao phó. Riêng ông tỷ phú Donald Trump lại mở cuộc tấn công ông Rubio về tài chánh, cho biết “từ nhiều năm qua tôi nghe nói ông ta (Rubio) dùng credit card của tiểu bang vào việc riêng tư,” ngoài ra “ông ta chi tiêu nhiều hơn số tiền ông kiếm được,” bảo thêm “cứ nhìn vào credit card của ông ta là thấy ngay” ý muốn nói ông Rubio không giải quyết được kinh tế gia đình thì làm sao có thể đóng vai trò của người phải “kinh bang tế thế!”
Những lời chỉ trích đó “chẳng có gì ngạc nhiên,” ông phát ngôn viên Alex Conant của Ủy Ban Vận Ðộng Tranh Cử Rubio nói với mọi người, cho biết chuyện các ứng cử viên tranh cử chỉ trích nhau là chuyện bình thường, “nhưng ngay từ lúc đầu ông Rubio đã cho hay ông không bao giờ tấn công những ngươi khác.” Ông Conant cho biết thêm “muốn được ủng hộ thì điều quan trọng nhất vẫn là phải trình bày cho cử tri biết chính sách hành động, chứ chê bai người khác không phải là cách để kiếm phiếu.”
Ông Rubio cũng lên tiếng trình bày lý do tại sao thường xuyên vắng mặt ở Thượng Viện, nói rõ “tôi bận đi vận động tranh cử tổng thống nên không thể có mặt thường xuyên ở Washington D.C.” Vẫn theo trình bày của ông, “tôi không phải là người đầu tiên hay duy nhất phải làm điều này,” đưa thí dụ vài năm trước đây “chính Thượng Nghị Sĩ John McCain cũng thường vắng mặt khi ông đi vận động tranh chức tổng thống.”
Trong báo cáo hàng năm về tài chánh, ông Rubio khai mỗi năm lãnh $174,000 tiền lương, cộng với $50,000 tiền thu được nhờ bán sách, dạy học và tiền cho thuê nhà. Với khoản tiền lương và những khoản thu nhập khác, ông Rubio kiếm được nhiều tiền hơn những người Mỹ thuộc giai cấp trung lưu, nhưng lại nằm trong danh sách những vị dân cử nghèo nhất nước Mỹ. Chính ông cũng nhìn nhận “tôi sinh trưởng trong một gia đình nghèo, đi học phải vay tiền sau đó trả góp.” Ðể có đủ tiền chi tiêu cho gia đình, ông phải lấy $70,000 từ trương mục hưu bổng, nhờ đó “mà có tiền lo chuyện học hành cho các con và mua được cái tủ lạnh mới trị giá 3,000 dollars cho gia đình.”
Chưa thể biết những lời chỉ trích nhắm vào ông Marco Rubio và những lời giải thích ông đưa ra sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc tranh cử của đảng Cộng Hòa, chỉ biết ông hiện đang là ứng cử viên được chú ý đến nhiều nhất và cũng là người đang bị các chính trị gia cùng đảng tấn công mạnh nhất. Dự đoán ghi nhận được từ các quan sát viên bầu cử: trong cuộc tranh luận vào tối Thứ Ba tuần tới, ông Rubio sẽ là mục tiêu mọi người nhắm tới.