Nói phải hạ ông Trump là điều rất dễ, nhưng làm thế nào để hạ được ông tỷ phú đang dẫn đầu cuộc đua là điều chẳng dễ, hay nói đúng hơn, dường như cánh Cộng Hòa chưa biết phải làm gì để triệt hạ “cơn ác mộng” mang tên Donald Trump.
Trận chiến chính trị dẫn về Tòa Bạch Ốc của 16 ứng cử viên Cộng Hòa chắc chắn sẽ sôi nổi hơn ở cuộc tranh luận truyền hình diễn ra tối nay, Thứ Tư (15 Tháng Chín 2015) tại California, bằng chứng là những dấu hiệu cho thấy mọi người đều sẵn sàng sử dụng “tuyệt chiêu” nhắm vào tỷ phú Donald Trump, người đang dẫn đầu tất cả các cuộc thăm dò.
Tỷ phú Donald Trump, người đang dẫn đầu tất cả các cuộc thăm dò. (Hình: Getty Images)
Dấu hiệu mọi người sẽ sử dụng đủ “mười thành công lực” trong trận chiến sắp tới được chính ông chủ tịch điều hành Ðảng Cộng Hòa nói đến trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN hôm Chủ Nhật tuần này để trả lời câu hỏi về dự đoán những gì sẽ xảy ra trong cuộc tranh luận. Theo ông Reince Priebus, “có lẽ chuyện thúc cùi chỏ vào nhau sẽ xảy ra nhiều hơn” vì người nào cũng muốn nổi bật trên sân khấu, đồng thời với số đông ứng cử viên như vậy, 16 ông bà đang nuôi mộng trở thành nhà lãnh đạo quốc gia biết là “cần sự tài trợ” của những người ủng hộ, và đương nhiên, người bỏ tiền ủng hộ bao giờ cũng muốn đặt tiền vào cửa họ nghĩ có cơ hội thành công.
Ðiều ông Priebus trình bày là điều rất đúng với thực tế. Tất cả các ứng cử viên và cử tri ngồi trước màn ảnh truyền hình xem cuộc tranh luận tối nay đều hiểu cái đinh vẫn là ông Trump, người tiếp tục to tiếng chê bai chính phủ Dân Chủ đương thời, chẳng ngần ngại chỉ trích cả những khuôn mặt chính trị nổi bật của đảng, coi thường dàn ứng cử viên đối thủ của mình, nhưng chưa đưa ra chính sách để thực hiện điều ông cam kết “sẽ đưa nước Mỹ tới phồn thịnh và mọi người phải kính nể.” Vì thế, ứng cử viên Rand Paul cho rằng “phải có người nào đó kéo ông ta (Trump) xuống” báo trước “tôi sẽ không ngồi yên để ông ta trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng,” vì “đó là thảm họa cho đảng .”
Không chỉ ông Rand Paul, những ứng cử viên khác cũng báo trước “sẽ không nhượng bộ” ông Trump ở cuộc tranh luận. Thứ Bảy vừa rồi khi nói chuyện trước những người ủng hộ thuộc cộng đồng Hispanic ở Miami, ông Cựu Thống Ðốc Jeb Bush của Florida đem ông Trump ra diễu cợt, nhắc mọi người “ông ta bảo rằng tôi không nói được tiếng Spanish,” và cười bảo thêm “Pobrecito (Tạm dịch: “tội nghiệp cho ông ta quá”). Bà Carly Fiorina, người phụ nữ duy nhất trong hàng ngũ ứng cử viên Cộng Hòa cũng chỉ trích ông Trump “thuần túy chỉ là một anh diễn xuất trên TV. Lãnh đạo không phải là người có máy bay riêng, có văn phòng rộng, có trực thăng, mà phải là người có đầu óc, có chính sách hoạt động, có tầm nhìn để xây dựng đất nước,” hay ông Ben Carson đưa ra nhận xét “không phải cứ ồn ào (như ông Trump) mới là người có năng lực.”
Nói phải hạ ông Trump là điều rất dễ, nhưng làm thế nào để hạ được ông tỷ phú đang dẫn đầu cuộc đua là điều chẳng dễ, hay nói đúng hơn, dường như cánh Cộng Hòa chưa biết phải làm gì để triệt hạ “cơn ác mộng” mang tên Donald Trump. Tin hành lang cho thấy lực lượng nòng cốt nhất của đản liên tục thảo luận, những chiến lược gia đang làm việc cho các ủy ban vận động tranh cử và các tổ chức Siêu Vận Ðộng (Super PAC) cũng liên tục trao đổi email, điện thoại, lẫn gặp gỡ, chỉ để bàn về chuyện ông Trump. Tình trạng này cũng xảy ra trong giới truyền thông: những ký giả chuyên viết tin chính trị khi gặp nhau cũng chỉ bàn chuyện ông Trump, người đưa ý kiến này kẻ nêu ý kiến khác, đại để cho rằng chẳng ai muốn thấy -hay nghĩ- ông Trump sẽ trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng Hòa, nhưng làm thế nào để hạ ông Trump thì “bàn cãi thì sôi nổi lắm nhưng vẫn chưa ai đưa ra được một kế hoạch cụ thể và hiệu quả nào cả,” theo nhận xét của nhà phân tích độc lập Tim Buchanan.
“Theo tôi hiểu, họ có nghĩ đến những kế hoạch giải quyết chuyện ông Trump, nhưng rất tiếc những kế hoạch họ bàn tới đều thất bại,” ông Buchanan nói bên lề cuộc thảo luận về bầu cử và chính sách do Viện Nghiên Cứu Brookings Institution tổ chức cách đây 2 tuần lễ ở Washington D.C., “nhưng tất cả những gì họ đưa ra đều gặp phản ứng ngược.” Ông đưa thí dụ chê bai ông Trump từng ủng hộ các chính trị gia Dân Chủ, “ông ta trả lời ngay ở xứ này có tiền mua tiên cũng được, xác nhận ông có tặng tiền cho phe Dân Chủ vì khi cần gì, gọi họ là họ có mặt ngay, kèm theo lời cam kết sẽ bỏ tiền túi ra để tranh cử, để không lệ thuộc hay bị mua chuộc bởi cá nhân hay tổ chức nào cả. Họ bảo phải đánh mạnh vào điểm ông Trump có những lời phát biểu mang tính kỳ thị người thiểu số và tập thể phụ nữ, nhưng những lời chỉ trích lại quá yếu ớt, không đủ lực để tấn công ông ta. Họ cũng bàn đến kế hoạch cứ để yên, mặc kệ ông ta muốn làm gì thì làm, kế hoạch này cũng chẳng đi tới đâu vì họ im trong lúc ông Trump cứ tiếp tục nói, và ông ta càng nói nhiều chừng nào, lại được dân chúng chú ý tới nhiều chừng đó.”
Nhưng theo lời một nhà phần tích khác, ông Mark Gordon, “lỗi anh lỗi ả lỗi cả hai đàng,” giải thích “cử tri chưa hẳn đã bằng lòng với ông Trump, nhưng những gì ông ta nói ra mọi người đều vỗ tay, có thể tán thưởng cũng có thể chỉ vào hùa với đám đông cho vui. Có những điều ông ta nói ra không làm hài lòng người nghe, gần nhất là chuyện ông ta chê bà Carly Fiorina, bảo rằng 'khuôn mặt đó làm sao làm tổng thống' mọi người cũng để yên, chẳng ai lên tiếng nói gì, vô hình trung cho ông Trump cảm nghĩ ông ta được sự ủng hộ, từ đó ông ta lại nói hăng hơn, nói cả những điều chính người ủng hộ ông cũng thấy ngại, và họ cũng để yên.”
Ông Gordon không quên trách giới truyền thông đã góp phần tạo nên tên tuổi cho ông Trump, bằng chứng “ông ta lên tiếng miệt thị cô ký giả của đài FOXNews, thay vì phải lên tiếng buộc ông Trump xin lỗi đồng nghiệp của mình, cánh nhà báo lại xem đó là chuyện không đáng chú ý tới, vì họ ngại ông Trump không nhấc điện thoại trả lời phỏng vấn.” Ngay lãnh đạo đảng Cộng Hòa “cũng phải nhận lỗi, khi ông Trump nói năng linh tinh họ đưa ông Chủ Tịch Prebius lên New York năn nỉ làm ơn giảm bớt, khi ông Trump dọa sẽ ra tranh cử với tư cách độc lập, họ cũng đưa ông Prebius lên New York nài nỉ ông Trump ký giấy trung thành với đảng.” Theo ông, “đó là sai lầm, ông Trump là người luôn luôn có ý tưởng ta đây, bây giờ lại cho ông ta cảm tưởng ông ta là chúa tể.”
Mới đây trong bài viết cho tờ Bloomberg, nhà bình luận Mark Helperin kể lại hôm ông Trump chê bài Thượng Nghị Sĩ John McCain “có tài cán gì đâu mà được gọi là anh hùng quốc gia,” ông có gặp ông Trump để nêu câu hỏi “ông có ngại những điều ông nói ra sẽ gây bất lợi cho hình ảnh của chính ông không?” Câu trả lời của ông tỷ phú New York: “Tôi lúc nào cũng là tôi, là người nói thẳng nói thật. Nếu tôi làm khác đi thì đâu phải là tôi nữa. Những điều tôi nói cũng chính những điều mọi người muốn nghe.” Trong bài viết, ông Helperin cũng nhắc lại lời ông Trump mới nói với tờ The Wall Street Journal về cuộc tranh luận tối nay “tôi mong họ tấn công tôi,” vì “ai tấn công tôi thì kẻ đó tàn đời” (nguyên văn: “I hope they attack me, because everybody who attacks me is doomed.”)
Lời cảnh báo này cho thấy chính ông Trump cũng biết tối nay sẽ bị đám đông tấn công, và ông đã sẵn sàng đối phó, chẳng ngần ngại “giết” đối thủ (về mặt chính trị). Lời qua tiếng lại trong 72 giờ qua hứa hẹn cuộc tranh luận sẽ rất sôi nổi, không chỉ “thúc cùi chỏ” như ông Chủ Tịch Prebius nói mà “có thể chuyện máu đổ thịt rơi” sẽ xảy ra, như lời một nhà báo xin được giấu tên nói với các đồng nghiệp.