Lời đó có ý nghĩa “ông ta bảo tụi bây đừng đụng tới tao, đứa nào đụng tới tao, tao sẽ đánh cho chết.”
“Tình hình ngày một trở nên tệ hơn,” bà Martha O'Neil, một thành viên nòng cốt của đảng Cộng Hòa tại tiểu bang New Hampshire chia sẻ cảm nghĩ qua email gửi cho những người sinh hoạt chung để nói về tình trạng phân hóa trong đảng. “Còn tới cả năm nửa trước khi chúng ta biết ai sẽ là người được đảng đề cử,” bà viết tiếp, “nhưng ngay lúc này, rõ ràng có 2 phe: một bên là ông Donald Trump, phe còn lại là những người chống đối ông ta.”
Cựu Thống Đốc Texas Rick Perry
Nhận xét của bà O'Neil cũng là nhận xét của nhiều người, đặc biệt trong giới bảo thủ Cộng Hòa, khi được hỏi cảm nghĩ của họ về những gì đang xảy ra trong cuộc chạy đua tiến về Tòa Bạch Ốc. Chuyện ông Trump lớn tiếng chỉ trích các chính trị gia của đảng, gọi những người bề thế ra tranh cử là “những kẻ không xứng đáng có mặt” tại cuộc đua 2016, chăng ngần ngại dùng những chữ nặng nề như “ngu đần” để nói về đối thủ v.v... là điều ai ai cũng biết, nhưng phải đợi đến khi Cựu Thống Đốc Rick Perry nghẹn ngào chia tay với ước mộng trở thành người lãnh đạo quốc gia, lúc đó mọi người mới bỗng giật mình, tự hỏi có phải ông Perry là nạn nhân đầu tiên của ông Trump, và nếu đúng, người kế tiếp sẽ là ai, trong cuộc tranh cử được nhiều người gọi là “không ngờ,” “lạ lùng,” “kỳ cục,” “thiếu nghiêm chỉnh, đứng đắn,” hay nặng nề hơn, “bỉ ổi” như đã có người dùng để nói về diễn biến đang xảy ra của cuộc đua.
Một mặt nhìn nhận không ngạc nhiên khi được tin ông Rick Perry quyết định rút lui vì biết ông gặp khó khăn khi kiếm tiền vận động, tới mức nhân viên các văn phòng địa phương muốn tiếp tục giúp ông phải làm việc dưới danh nghĩa thiện nguyện, không ăn lương; nhưng mặt khác, các quan sát viên bầu cử đểu chú ý đến thái độ vừa kẻ cả, vừa hùng hổ, hống hách, mà ông Trump đưa ra khi được hỏi cảm nghĩ về ông Cựu Thống Đốc tiểu bang Texas. “Ông Perry hả, xong rồi. Chúc ông ta may mắn.” “Ông ta từng đối xử bẩn với tôi,” ông Trump nói tiếp trên đài truyền hình FOXNews, nhắc nhở “ai xô đẩy tôi, tôi sẽ đẩy lại cho tới cùng,” gọi đó là “thái độ mà nước Mỹ cần làm, đừng để người khác coi thường mình,” trước khi kết luận bằng câu “đó chính là lý do tại sao cử tri ủng hộ tôi, (cũng là lý do tại sao) tôi đang dẫn đầu cuộc tranh cử.”
“Điều ông Trump nói khiến tôi nhớ lại thuở bé lúc đi học,” quan sát viên John Ogden vừa cười vừa kể lại câu chuyện cũ. “Ngày xưa tôi là một trong những học sinh thuộc hàng gấu lắm, đánh nhau với bạn là chuyện thường xuyên, đứa náo chọc tôi là tôi đánh ngay, hầu như tuần nào cũng bị gọi lên văn phòng ngồi nghe ông hiệu trưởng mắng mỏ.” Mấy chục năm sau, “Tôi mới thấy lại cảnh đó, nhưng xảy ra giữa những ông bà đang tranh nhau chức tổng thống, đặc biệt qua lời ông Trump mới nói.” Lời đó có ý nghĩa “ông ta bảo tụi bây đừng đụng tới tao, đứa nào đụng tới tao, tao sẽ đánh cho chết.”
“Đứa” đầu tiên đụng đến ông Trump chính là ông Perry, “đứa” đầu tiên bị ông Trump “đánh cho chết” (về chính trị) cũng chính là ông Perry.
Tháng Bảy vừa rồi, ông Perry của Texas là người đầu tiên mở trận chiến chính trị với ông tỷ phú New York, gọi ông Trump là “mầm mống ung thư” có thề giết hại uy tín của đảng Cộng Hòa và của cánh bảo thủ trong lúc mọi người đều trong thấy rõ cơ hội lấy lại ghế tổng thống từ tay đảng Dân Chủ. Chỉ trích này tức khắc trở thành trận khẩu chiến giữa 2 người, “càng tranh cãi bao nhiêu càng giúp ông Trump được chú ý thêm bấy nhiêu,” ông Ogden nói tiếp. “Tôi nghe có người trong ban cố vấn của ông Perry để nghị ông Cựu Thống Đốc đừng dây dưa với ông Trump làm gì, theo kiểu tránh voi chẳng xấu mặt nào, nhưng ông ta (Perry) không nghe. Cuối cùng, vì bất kỷ lý do gì Ban Vận Động của ông Perry phải đóng cửa, bên ông Trump vẫn reo hò xem đó là thành công đầu tiên cua trận chiến loại trừ đối thủ mà họ đặt ra ngay từ đầu, điển hỉnh là ông Trump chẳng ngần ngại bày tỏ niềm vui (của ông ta), lại còn cảnh báo sẽ có nạn nhân kế tiếp.”
Sau khi ông Perry loan báo rút lui, các chính trị gia Cộng Hòa khác không bỏ lỡ cơ hội để trình bày quan điểm và khéo léo nhắm vào... ông Trump. Được chú ý đến nhiều nhất là chia sẻ của ứng cử viên Rand Paul trên trang mạng xã hội, thắc mắc “chuyện gì xảy ra trong đảng Cộng Hòa dến nỗi một vị Thống Đốc nhiều kinh nghiệm, hơn 3 nhiệm kỳ lãnh đạo nổi tiếng với chính sách tạo công việc làm cho cử tri lại là người phải đầu hàng trước một người chỉ điều khiển show TV lại đang dẫn đầu cuộc tranh cử?”
Ứng cử viên Ted Cruz cũng lên tiếng, ngợi khen Cựu Thống Đốc Perry là người “chứng tỏ tài năng vượt bực khi còn làm thống đốc,” là người “điều khiển cuộc vận động rất nghiêm chỉnh.” Cựu Thống Đốc Mike Huckabee gọi quyết định rút khỏi cuộc đua là “quyết định chẳng dễ làm,” kêu gọi mọi người tôn trọng quyết định của ông Perry, Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham “hãnh diện” gọi ông Cựu Thống Đốc tiểu bang Texas là “bạn thân,” và Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio ca ngợi ông Perry “là người cống hiến cả cuộc đời cho gia đình, bạn bè và cho Thiên Chúa” tin tưởng dù không còn tranh cử “nhưng ông Perry sẽ tiếp tục phục vụ đất nước.”
Đương nhiên chẳng ai mong ông Donald Trump nói những lời lẽ lịch sự này với “đối thủ chính trị” Rick Perry. Dù không nói ra, nhưng có lẽ điều họ đang cùng nhau thắc mắc: sau ông Perry, ai sẽ là “nạn nhân chính trị” kế tiếp của ông Trump.