main billboard

thứ nhất, nếu không thành công sau vòng bầu cử sơ bộ “sẽ ủng hộ bất kỳ ai được đảng đề cử” và điểm thứ nhì, “cam kết sẽ không ra tranh cử với tư cách độc lập.”


Tất cả những ai quan tâm đến cuộc tranh cử tổng thống 2016 - nhất là những người ủng hộ đảng Cộng Hòa - đều dán mắt vào màn ảnh truyền hình, lắng nghe những gì ông tỷ phú Donald Trump trình bày trong cuộc họp báo được trực tiếp truyền hình ngay sau cuộc gặp gỡ với ông Chủ Tịch Ðiều Hành Ðảng Reince Pribius.

donald trump pledgeTỷ phú Donald Trump giơ cao bản cam kết có chữ ký của chính ông cho mọi người xem, trong cuộc họp báo ngày 3 Tháng Chín, 2015. (Hình: Richard Drew, AP Photo)

Tính từ ngày ông Trump ra tranh cử từ hôm 16 Tháng Sáu đến giờ, không đầy 3 tháng trời mà ông Chủ Tịch Pribius phải 2 lần đích thân từ D.C. lên New York để nói chuyện riêng với người đang dẫn đầu tất cả những cuộc thăm dò cử tri, trình bày những điều cần phải trình bày với nhân vật nổi bật nhất của chính trường Hoa Kỳ. Lần gặp gỡ đầu diễn ra cách đây hơn 2 tháng, ngay sau khi ông Trump lên tiếng gọi những người từ Mexico vượt biên giới nhập cảnh lậu vào Mỹ là bọn “đầu trộm đuôi cướp,” ông Pribius vội vã đi gặp ông Trump, yêu cầu ông tỷ phú “hạ giọng,” đừng để đảng mất cơ hội lấy ghế tổng thống vì không được sự ủng hộ của tập thể cử tri Hispanic. Buổi gặp gỡ kéo dài gần 2 giờ đồng hồ đó không đem lại kết quả, ông Trump không lắng nghe lời khuyên của đảng, đã vậy ông còn nói với mọi người rằng “ngay cả ban điều hành cũng đồng ý với những gì tôi tuyên bố, đồng ý tôi đánh trúng tâm lý của cử tri, kể cả tập thể cử tri Hispanic.” Ông bảo thêm “ai cũng nói tập thể này sẽ chống lại tôi, nhưng tôi bảo đảm với quý vị là nếu tôi được đảng đề cử, họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ tôi.”

Lần này, cuộc gặp “kín” giữa ông Trump và ông Pribius liên quan đến một chuyện khác. Từ lâu, ông Trump đã tỏ ý cho biết nếu không được cử tri Cộng Hòa tín nhiệm ông sẵn sàng ra tranh cử với tư cách một ứng cử viên độc lập. Tháng trước trong cuộc tranh luận tổ chức tại Cleveland, Ohio, được trực tiếp truyền hình toàn quốc, ông chẳng ngần ngại bảo thẳng điều này, cho biết lý do ông không ủng hộ người có thể được đảng đề cử vì “tôi không thể kính trọng bất cứ ai, ngoại trừ tôi,” đi kèm với lời cảnh cáo nếu đảng (và những người cùng đảng) “không đối xử tốt” với ông, ông sẽ tự bỏ tiền ra tranh cử. Tại buổi tiếp xúc với cử tri ở Iowa, ông khéo léo nhắc lại điều đó, cho hay trong danh sách 17 ứng cử viên Cộng Hòa “có những người không xứng đáng để ra tranh cử,” tức không đáng để ông kính trọng, bảo thêm “tôi giầu lắm, rất giàu” để mọi người hiểu rằng chuyện bỏ bạc tỷ tranh cử tổng thống là chuyện... nhỏ ông có thể làm, chẳng phải nhờ cậy ai.

Những lời tuyên bố mang tính dọa dẫm đó của ông Trump khiến thành phần lãnh đạo Cộng Hòa và lực lượng yểm trợ tài chánh cho đảng âu lo vì tất cả những ý định mang tính “chia rẽ nội bộ ngay lúc này sẽ giúp bà Hillary Clinton của đảng Dân Chủ cơ hội chiếm Tòa Bạch Ốc,” theo lời nhà phân tích Bruce Allen của đảng bộ Cộng Hòa Illinois. Ông Allen nhắc lại chuyện cũ: hồi 1992 ông Bush “bố” thất cử chỉ vì ông tỷ phú Ross Perot phá bĩnh, chia phiếu cử tri Cộng Hòa; lần này nếu không khéo dàn xếp “đảng Cộng Hòa lại bị chia phiếu, và nước Mỹ có thêm một tổng thống tên Clinton,” ý muốn nói vì ông tỷ phú Perot nên ông Bill Clinton mới có cơ hội đắc cử, lần này có thể vì ông tỷ phú Trump mà bà Clinton trở thành người lãnh đạo quốc gia.

Giải quyết bằng cách nào? Từ tối Thứ Tư (mùng 2 Tháng Chín 2015) đã có tin tất cả các ứng cử viên Cộng Hòa đều nhận được bản cam kết do Ban Ðiều Hành Ðảng Cộng Hòa gửi đến, nội dung gồm điểm: thứ nhất, nếu không thành công sau vòng bầu cử sơ bộ “sẽ ủng hộ bất kỳ ai được đảng đề cử” và điểm thứ nhì, “cam kết sẽ không ra tranh cử với tư cách độc lập.” Trong cuộc họp báo, tỷ phú Trump cho biết đồng ý ký bản cam kết này, vì trong thời gian qua thấy mọi người “đối xử tốt với tôi,” đồng thời tin tưởng “đường tiến trước mặt là phải chiến thắng” và “nếu tôi được đề cử để đối chọi trực tiếp với bất cứ ai (đảng Dân Chủ) đưa ra.” Ông bảo thêm với những người ủng hộ “đó chính là lý do tại sao tôi đồng ý ký bản cam kết này, tiếp tục vận động thật mạnh mẽ và chúng ta sẽ thành công.”

Lời nói của ông Trump giúp những nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa thở phào nhẹ nhõm, trút được nỗi lo âu, nhưng với nhà quan sát chính trị Tom Eldridge, “chuyện chỉ mới tạm ổn thôi, chưa có gì chắc chắn cả.”

Tạm ổn?

“Hoàn toàn đúng,” ông Eldridge trả lời với giọng chắc nịch. “Nếu không phải vì ông Trump, chẳng bao giờ đảng Cộng Hòa lại yêu cầu những chính trị nổi bật nhất phải ký bản cam kết không đâm sau lưng anh em. Ông Trump ký và hứa sẽ không đổi ý, nhưng ai ai cũng biết ông ta thường có những suy nghĩ và quyết định rất lạ lùng, chẳng thể nào lường trước được. Có thể hôm nay ông ta gật đầu, nhưng ngày mai giở chứng lại lắc đầu, nhất là bản cam kết này không có giá trị pháp lý nào cả, chỉ là lời hứa giữa người lớn với nhau.”

“Tạm ổn” cũng là chữ phân tích gia Bruce Allen dùng. “Khi nghe tin đảng Cộng Hòa yêu cầu 17 ứng cử viên ký bản cam kết, tự dưng tôi nhớ đến chuyện lúc còn bé đi học, bị cô giáo bắt viết lời hứa không nói chuyện trong lớp.” Nhìn việc ông Trump khoe ký bản cam kết, ông Allen cho rằng “đúng là trò trẻ con” không tin ở thế kỷ 21 “lại nhìn thấy trò trẻ con xảy ra trong cuộc tranh cử tổng thống cường quốc vĩ đại nhất thế giới. Trò trẻ con xảy ra chỉ vì ông Trump, và sẽ để lại một vết sẹo chính trị cho đảng Cộng Hòa.”

Nhưng theo ông Doug Watts, phát ngôn viên của Ủy Ban Vận Ðộng Ben Carson, “rõ ràng Ban Lãnh Ðạo đảng Cộng Hòa biết là phải đẩy ông Trump tới chỗ phải ký bản cam kết” vì đó là “cách duy nhất để giữ sự đoàn kết cần phải có cho đảng, không để tình trạng chia năm xẻ bảy xảy ra trong hàng ngũ cử tri.” Một nhân vật trong ban cố vấn của ứng cử viên Jeb Bush - yêu cầu không nêu tên - kể thêm “khi nhận được thư yêu cầu ký bản cam kết, chúng tôi chỉ biết nhún vai, lắc đầu ngao ngán, hiểu rằng lá thư và lời yêu cầu này không nhắm tới mình, mà chỉ nhắm vào một người là ông Trump.”

Một điểm khác cũng được nhiều người nói tới: tấm hình đầu tiên được Ủy Ban Vận Ðộng Donald Trump 2016 phổ biến cho thấy ông Trump tự tay giơ bản cam kết có chữ ký của chính ông cho mọi người xem, phía dưới chữ ký đề ngày mùng 3 Tháng Tám 2015, thay vì ngày mùng 3 Tháng Chín 2015. Ngay tức khắc nhà báo mạng Benny Johnson của diễn đàn chính trị Independent Journal Review đưa ra 3 giả thuyết: thứ nhất, có thể đảng Cộng Hòa đã “đi đêm” với ông Trump từ tháng trước; thứ nhì, có thể ông Trump sơ ý viết sai ngày; và thứ ba, có thể ông Trump cố ý viết sai ngày để sau này có cớ bảo với mọi người rằng vì sai sót nên những gì ông ký đều vô giá trị.