main billboard

Chuyện nhức đầu cuối tuần: vẫn chưa ai tìm ra giải pháp để chận đứng cơn bão chính trị mang tên Donald Trump.


Chuyện vui tranh cử tổng thống cuối tuần: ông tỷ phú Donald Trump vẫn đứng đầu phía đảng Cộng Hòa. Chuyện nhức đầu cuối tuần: vẫn chưa ai tìm ra giải pháp để chận đứng cơn bão chính trị mang tên Donald Trump.

Cả hai điều nêu trên đều không sai. Tất cả những cuộc thăm dò chính trị được thực hiện ở cấp toàn quốc đều nói sáng giá nhất chính là ông Trump, với tỷ lệ phiếu ủng hộ khoảng 25%, cao gấp đôi tỷ lệ phiếu ủng hộ cho người về nhì. Một số cuộc thăm dò cũng được thực hiện cũng như tại những tiểu bang sẽ tổ chức vòng sơ bộ vào đầu năm tới như Iowa, New Hampshire, cũng cho thấy kết quả tương tự: chẳng ai qua mặt nổi ông Trump. Dựa vào những kết quả đó, một số nhà quan sát bầu cử tin rằng ông tỷ phú nổi tiếng về đầu tư địa ốc sẽ tiếp tục tạo sôi nổi trên chính trường, tiếp tục là cái đinh của cuộc đua chính trị 2016, sôi nổi tới mức không ít người đã đặt câu hỏi “chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trump trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng Cộng Hòa?”


donald trump kytenTỷ phú Donald Trump ký tên lên một tờ giấy bạc cho một ủng hộ viên sau khi hoàn tất nhiệm vụ bồi thẩm viên ở New York hôm 17 Tháng Tám. (Hình: Andrew Burton/Getty Images)

Câu hỏi đó cũng... đúng nốt. Trong hai tháng qua - tính từ ngày ông Trump thật sự tạo được chú ý trong cuộc vận động, lực lượng nòng cốt của đảng Cộng Hòa chỉ biết lắc đầu ngao ngán chứ chưa ai tìm ra cách “triệt hạ” ông ta. Hầu như ngày nào cũng có tin những nhà tài trợ âu lo vì ông Trump có thể là nguyên nhân khiến đảng mất hy vọng lấy ghế tổng thống, ngay các viên chức điều hành văn phòng trung ương đảng Cộng Hòa ở Washington D.C. cũng khéo léo nhìn nhận “chỉ biết trông chờ ngày mai trời lại sáng,” đồng thời các tổ chức siêu vận động (Super PAC) cổ võ lập trường bảo thủ tiếp tục phân vân, chẳng biết có nên sử dụng tiền để “hạ bệ” ông Trump ngay lúc này, hay tiếp tục đứng ở bên ngoài chờ ngày quả bóng chính trị Donald Trump tự xẹp.

Dưới cái nhìn của ông Cựu Thống Ðốc Cộng Hòa Thomas Kean, rõ ràng những người đang sinh hoạt trong đảng “không biết phải đối phó như thế nào trước tình huống họ chẳng thể ngờ.” Chính trị gia từng điều hành tiểu bang New Jersey nói với nhật báo The Washington Post rằng trong cương vị của một người thân của gia đình ông Trump, “tôi thấy mọi người đã sai ngay từ ngày đầu khi đánh giá thấp ông ta,” kết quả: những người vài tháng trước đây đã coi thường ông Trump “bây giờ họ đã biết mình sai,” nhắc lại “họ chẳng biết phải đối phó thế nào trước tình huống chính họ cũng không ngờ.”

Không biết nhận xét của ông Kean có đúng không, những rõ ràng mỗi ứng cử viên Cộng Hòa đang tranh giành phiếu với ông Trump có một kiểu đánh đối thủ chính trị cùng đảng với họ. Cựu Thống Ðốc Jeb Bush là người chủ trương đánh thẳng vào lập trường, gọi ông Trump là người “từng theo đường lối của đảng Dân Chủ lâu hơn ủng hộ dường lối của đảng Cộng Hòa,” Cựu Thống Ðốc Rick Perry chẳng ngần ngại buông lời chỉ trích, cho rằng lối ứng xử và đường lối chính trị của ông Trump “là một chứng bệnh ung thư giết chết (lập trường) của người bảo thủ,” Thượng Nghị Sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky gọi ông Trump là “con tắc kè,” “kẻ hoạt đầu chính trị,” “người không có lập trường,” sẵn sàng làm mọi điều miễn là có lợi cho cá nhân. Ông Rick Santorum, cựu thượng nghị sĩ của tiểu bang Pennsylvania đưa ra lập trường dung hòa hơn, bảo “mọi người nên chú trọng đến chính sách, thay vì mất thì giờ để tranh luận những chuyện chẳng đầu vào với đâu.”

Khi nói đến chính sách, những người theo dõi sát cuộc tranh cử đều thấy các ứng cử viên Cộng Hòa không chỉ điên đầu về “cơn bão chính trị Donald Trump” mà còn phân vân không biết phải xử trí như thế nào về chính sách ông tỷ phú nổi tiếng vừa đưa ra để giải quyết vấn nạn gây nên bởi 11 triệu người cư trú bất hợp pháp.

Trong bài nói chuyện đọc tại Iowa hôm Chủ Nhật vừa qua, ông Trump đưa ra kế hoạch 3 điểm để giải quyết vấn nạn di trú bất hợp pháp, gồm bắt giữ, trao trả họ trở về nguyên quán, bắt chính phủ Mexico phải trả tiền xây bức tường ngăn đôi biên giới và con của những cặp vợ chồng cư trú bất hợp pháp không được hưởng quyền đương nhiên là công dân Mỹ, cho dù những đứa trẻ này sinh trưởng tại Hoa Kỳ.

Ý kiến của ông Trump được lực lượng chính trị bảo thủ Tea Party ủng hộ mạnh mẽ, cho rằng “đây là điều cử tri Hoa Kỳ đã nghĩ đến và muốn chính phủ làm.” Theo ông Mark Meckler, đồng chủ tịch phong trào Tea Party, “ông Trump đã cất tiếng nói tiêu biểu cho mọi người, tiếng nói này phải được lắng nghe, người lãnh đạo nước Mỹ tương lai phải tìm cách thực hiện.”

Sau thất bại ở cuộc tranh cử 2012 vì chỉ được có 27% phiếu của người Latino, đảng Cộng Hòa đang nỗ lực thu hút lá phiếu của cộng đồng cử tri thiểu số này, do đó, ý kiến cứng rắn của ông Donald Trump không được những ứng cử viên khác ủng hộ, cho dù tất cả đều đồng ý phải có một phương cách thật hữu hiệu để ngăn chận làn song người nhập cư bất hợp pháp, trong đó một phần lớn đến từ nước láng giềng Mexico.

Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham gọi ý kiến của ông Trump là “tào lao” vì “bắt giữ 11 triệu người là điều không thể nào thực hiện được” đồng thời “ý tưởng đó còn giết chết đảng Cộng Hòa” vì sẽ mất sự hậu thuẫn của lực lượng cử tri mà đảng đang trông chờ. Theo Thống Ðốc Chris Christie, chính trị và thương mại “khác nhau rất xa, làm chính trị là phải biết cân nhắc lợi hại về mặt ngoại giao,” ý muốn nói điều ông Trump đưa ra chỉ tạo thêm thù, trong lúc Hoa Kỳ đang cần thêm bạn.

Thống Ðốc John Kasich tán thành ý kiến dựng bức tường ngăn chia biên giới và tăng cường lực lượng biên phòng, nhưng cùng với ông Jeb Bush, ông Kasich không tán thành ý kiến bắt giữ và trao trả 11 triệu người đang cư trú bất hợp pháp về lại nguyên quán của họ. Trình bày với cử tri Iowa, ông Kasich cho rằng cách tốt nhất vẫn là tìm giải pháp để những người này “hợp thức hóa giấy tờ cư trú,” gọi họ là “một thành phần quan trọng của cộng đồng, phần đông là những người cần cù, là một phần của nước Mỹ.”

Theo ứng cử viên Carly Fiorina, chuyện sửa đổi Hiến Pháp để con những người cư trú bất hợp pháp không được hưởng quyền đương nhiên trở thành công dân Mỹ là điều không dễ làm, “chẳng thực tế,” đề nghị “mọi người nên dồn hết nỗ lực để đảm bảo an ninh biên giới, ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp và sửa đổi luật lệ di dân.”

Phản ứng của ông Trump và dàn cố vấn của ông về chuyện này như thế nào? Xin trả lời: ông tỷ phú xuất thân từ New York hãnh diện bảo chính sách ông đưa ra “là chính sách duy nhất để giải quyết vấn nạn theo như ý người dân trông đợi.” Dẫn chứng ông đưa ra “tôi vẫn đứng đầu các cuộc thăm dò, chứng tỏ mọi người tán thành, hài lòng với ý kiến của tôi.”

Trong email mới gửi cho báo chí hồi chiều Thứ Sáu (21 Tháng Tám 2015), ông Corey Lewandowski, giám đốc điều hành của Ủy Ban Vận Ðộng Donald Trump, cho biết trong những ngày tới “sẽ lần lượt công bố những chính sách rất mới lạ, đặc biệt,” hứa hẹn “là những đề tài tạo sôi nổi cho cuộc tranh cử” tiến về Tòa Bạch Ốc. Email này cũng nói rõ “ông Trump là người đang dẫn đầu và sẽ tiếp tục giữ vị thế này cho tới ngày chiến thắng.”