main billboard

Phải nói rõ hơn: chưa thể biết tổng số chi phí cho vụ này là bao nhiêu, nhưng số tiền được nhiều người nói tới là con số bạc triệu chứ không phải ít.


Tất cả những gì chính phủ liên bang Hoa Kỳ làm, từ chuyện dọn dẹp đống rác sau trận bão lớn cho tới những việc liên quan đến ứng cử viên được xem là đang dẫn đầu cuộc tranh cử tổng thống đều rất tốn kém, số tiền bỏ ra là khoản tiền, chắc chắn, không thể nhỏ.

hillary clintonBà cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton

Theo quyết định của tòa án, ngày 30 Tháng Sáu sắp tới là ngày Bộ Ngoại Giao phải công bố những email bà cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã nhận và gửi trong suốt thời gian điều hành ngành ngoại giao của quốc gia. Những email được lần lượt công bố nằm trong 55,000 trang mà luật sư của bà đã chuyển lại cho bộ, được toán nhân viên chuyên trách đọc và chia ra thành nhiều hạng khác nhau: những gì liên quan đến cá nhân hay bí mật quốc gia sẽ được giữ lại, những email nào có thể công bố cho người dân biết sẽ lần lượt phổ biến trên mạng.

Chuyện bà Clinton sử dụng email riêng lúc còn ăn lương của chính phủ từng gây nhiều tranh cãi trong chính trường, chuyện chính phủ phải trả tiền cho nhân viên để gạn lọc email của bà trước khi công bố cho dân chúng biết cũng đang được nói tới ở thủ đô. Phải nói rõ hơn: chưa thể biết tổng số chi phí cho vụ này là bao nhiêu, nhưng số tiền được nhiều người nói tới là con số bạc triệu chứ không phải ít.

Theo lời một số viên chức của Bộ Ngoại Giao và những gì bộ gửi trình tòa hồi Tháng Năm vừa rồi, một toán nhân viên gồm 12 người được cắt cử làm công tác đặc biệt này, bao gồm “một trưởng toán, 2 phụ tá đặc biệt và 9 nhân viên có kinh nghiệm thẩm định” chưa kể “những người có thể được yêu cầu tham gia khi cần thiết” cũng như “có quyền thuê mướn thêm người” để hoàn thành công tác theo đúng lịch trình tòa đưa ra. Chỉ riêng toán nhân viên 12 người làm việc “full-time” không thôi, chính phủ đã phải trả chừng 1 triệu dollars tiền lương cho họ, chưa kể những khoản chi phí khác, như chi phí văn phòng, di chuyển v.v... (theo chi tiết được Bộ Ngoại Giao công bố, lương cao nhất của nhân viên trong toán này là 150,000 dollars/năm và mức lương thấp nhất là 63,700 dollars/năm).

Ngoài con số 12 nhân viên được trao phó trách nhiệm đọc và thẩm định email của bà Clinton, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay “thường xuyên tiếp xúc, chia sẻ tin tức, tham khảo ý kiến... với các cơ quan liên hệ,” bao gồm Tòa Bạch Ốc, Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư Pháp, Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ CIA, FBI v.v... “để đảm bảo những gì được công bố không gây bất lợi cho an ninh của quốc gia hoặc gây bất lợi cho chính sách của chính phủ Hoa Kỳ.” Với sự tham gia của những “cơ quan liên hệ,” chi phí được dự đoán có thể lên đến vài triệu dollars nữa.

Lúc còn làm phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao, bà Jen Psaki, từng lên tiếng bác bỏ dư luận cho rằng chi phí cuối cùng “sẽ lên đến nhiều triệu bạc.” Trong một cuộc họp báo, bà cho rằng “con số được đồn đãi là con số quá đáng” (nguyên văn: “million-milion dollars is far outstated”) bảo thêm “bất kể bà Clinton dùng email của chính phủ hay email cá nhân, chúng tôi (Bộ Ngoại Giao) cũng phải đi qua thủ tục này để thẩm định những gì có thể công bố cho mọi người biết, và những gì phải giữ lại vì lý do bí mật quốc gia.” Bà Psaki - hiện đang giữ vai trò Giám đốc đặc trách thông tin Tòa Bạch Ốc - nhấn mạnh “đây là thủ tục mà chính phủ đã làm từ bao nhiêu năm nay, áp dụng với tất cả các vị ngoại trưởng trước thời bà Clinton và sẽ áp dụng với những vị ngoại trưởng sau bà Clinton, chứ không có gì mới cả.”

Một viên chức hành pháp yêu cầu không nêu tên xác nhận “thủ tục không có gì mới,” nhưng “chi phí đương nhiên phải nhiều hơn.” Viên chức này đưa thí dụ: 55,000 trang email của bà Clinton gửi cho Bộ Ngoại Giao dưới dạng bản in, nhân viên của bộ phải “scan” lại để trở thành hồ sơ điện toán “để đảm bảo không thất thoát,” sau đó mới bắt đầu công tác đọc chồng hồ sơ. Viên chức này nói thêm mỗi lần trao đổi để xin ý kiến của những cơ quan khác “thời gian chờ đợi có khi lên tới cả tuần lễ mới có câu trả lời” lý do vì “không một cơ quan nào muốn sau này bị chỉ trích đã sơ sót khi gật đầu đồng ý phổ biến một email có liên quan đến an ninh quốc gia.” Vì thế “dù không ai thấy, nhưng tất cả những email của bà cựu ngoại trưởng đều đã qua tay rất nhiều người, nhiều cơ quan, có hàng chục chữ ký hay con dấu khác nhau, trước khi đại diện của những cơ quan này gật đầu phổ biến hay không phổ biến.”

Theo Dân Biểu Cộng Hòa Mike Pompeo (Kansas), trở ngại “không chỉ nằm ở chỗ tốn kém, mà còn nằm ở chỗ thủ tục” vì bà Clinton “tạo tiền lệ sử dụng hệ thống email cá nhân, sau này thế nào cũng có nhân viên khác trong chính phủ làm điều tương tự.” Vị dân cử đại diện cho tiểu bang Kansas dự đoán “sẽ có ngày các bộ, cơ quan chính quyền và nhân viên kiện nhau ra tòa về chuyện này, lúc đó tốn kém còn nhiều hơn nữa.”