Chúng ta, những ai còn chút lương tri, nghĩ như thế nào về cái giọng giả nhân, giả nghĩa của loài lang sói,
Nghe câu nói “Lòng nhân ái làm nên 30 Tháng Tư, 1975!” này của ông Lê Đức Anh, cựu đại tướng bộ trưởng Quốc Phòng, cựu chủ tịch nước CSVN, người hiểu biết, cả người Nam lẫn dân Bắc, nếu không nực cười thì cũng “buồn nôn,” nói theo kiểu Bắc Kỳ, hay “mắc ói” theo chữ nghĩa Nam Kỳ!
Ông Lê Đức Anh. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Phù hợp với câu nói ngược ngạo này, một cây viết mang tên Thường Vũ thuộc báo Quốc Phòng Toàn Dân của Quân Ủy CSVN cũng đã phụ họa, “Chiến thắng 30 Tháng Tư, 1975 đã kết thúc sự chia rẽ Bắc-Nam!”
Cộng Sản vẫn thường rêu rao chính sách nhân đạo, “đánh người chạy đi, không đánh người chạy lại” của mình, cho rằng không hề có cuộc trả thù “tắm máu” nào, “đội quân và bộ máy chính quyền Sài Gòn tan rã tại chỗ nên các đô thị của miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá. Kết thúc chiến tranh có người thắng kẻ thua nhưng không hề có sự trả thù và phục thù gay gắt. Đây là yếu tố tiên quyết, là cơ sở nền tảng cho sự ổn định chính trị để đất nước đứng vững và phát triển đi lên.”
Cái “tính khoan hồng, nhân ái” ấy đã được chính quyền Cộng Sản thực hiện rốt ráo ngay khi họ mới bước chân vào Sài Gòn. Việc đầu tiên là tất cả thương binh VNCH đang nằm điều trị tại các quân y viện phải đi ra để nhường chỗ cho người thắng trận. Thật ra nhu cầu săn sóc cho bộ đội CSVN chưa cấp thiết để phải làm những công việc “thất nhân ác đức” như vậy, nhưng rõ ràng đây là một đòn thù quá độc ác và nhẫn tâm. Dân miền Nam đã thấy cảnh thương binh, cụt chân, cụt tay, băng đầu, ruột đang để ra ngoài máu chảy, vết thương chưa lành, khập khễnh, bò lết ra khỏi giường bệnh, dìu nhau tránh những quân y viện càng nhanh càng tốt, vì dù thế nào đi nữa, sống như vậy còn hơn là phải chết dưới những loạt đạn AK.
Người lính miền Nam và ngay cả quân đội Mỹ khi đánh chiếm một mật khu của CSVN, họ có đuổi những thương binh ra khỏi hầm bệnh viện không, hay còn tăng cường phương tiện để cứu giúp những thương binh này.
Bác Sĩ Quân Y Nguyễn Sơ Đông của VNCH đã viết trong dòng hồi ký của ông: “Trong hơn bốn năm trấn ở Đức Hòa, tôi đã gọi tản thương bằng trực thăng về tổng y viện Cộng Hòa ít nhứt là 10 chiến binh CSVN bị thương nặng. Không tản thương thì chắc chắn chúng sẽ chết. Dù mưa, dù nắng, một giờ khuya, hai giờ sáng, chưa lần nào phi hành đoàn hỏi tôi tản thương lính nào vậy? Lính mình hay CSVN. Tất cả đơn vị quân y QLVNCH đều làm như thế.”
Đối với người thương tật thua trận đã như vậy, đối với những người đã chết, chúng cũng hèn hạ trả thù ra sao? Ngay chiều 3 Tháng Năm, 1975, Nghĩa trang quân đội Hạnh Thông Tây, Gò Vấp bị CSVN hối hả dùng xe ủi đất san bằng. nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nơi yên nghỉ của hàng chục nghìn người lính miền Nam, bị bỏ phế, hoang lạnh, đổi tên, phá mộ, đập bia, cắt đất, làm khó khăn cho việc sửa sang, trùng tu của hải ngoại từ nhiều năm nay.
Ở địa phương Long Hồ, Vĩnh Long, ngôi mộ của Trung Úy Nhảy Dù Nguyễn Văn Ngọc, dù đã chết từ hơn một năm trước, vẫn bị họ đào mả lên, đưa cả quan tài ra giữa chợ Ngã Tư Long Hồ để cho phá nát bằng cốt mìn. Ngay tại tỉnh Vĩnh Long, các ông cai tổng Nguyễn Văn Dần, Nguyễn Văn Xôm, Nguyễn Văn Thêm đều bị họ kết án là “có tội với nhân dân” mà không thông qua một tòa án nào, và bị hành quyết ngay khi bị bắt, bằng vũ khí thô sơ như búa, mã tấu... (trong “Hồi Ký Dang Dở” của Dương Hiếu Nghĩa).
Riêng ở Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa cũ, chỉ trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, ngày CSVN vào, để trả thù, chúng bắt anh Nguyễn Văn Chấp, cảnh sát đặc biệt xã Phước Hiệp, đánh bằng cây tầm vông, xong nấu nước sôi dội từ trên đầu xuống cho đến chết. Vợ con xin xác đem về chôn nhưng không được. Đại Úy Trần Thắng Toàn, Phân Chi khu Trung Lập, sau khi bị bắt, bị nhổ sống hết hàm râu, tùng xẻo từng miếng thịt và cuối cùng bị bắn chết. Anh Tạ Văn Phúc, quân nhân biệt phái cảnh sát tại xã Tân An Hội, bị những người thắng trận bắt tự đào hố chôn mình, sau đó chúng chặt anh ra làm ba khúc và lùa xuống hố. Vài ngày sau khi ông Dương Văn Minh đầu hàng, một toán 81 Biệt Cách Dù ra đầu hàng tại Long Thành, bị bắn và chôn dưới một cái giếng cạn. Nhân chứng còn sống nhưng không dám lên tiếng.
Nhiều viên chức xã ấp, đảng viên các đảng phái chống Cộng ở miền Trung, được cho khoan hồng, cho đi “học tập cải tạo” nhưng không bao giờ tới “lớp” và hài cốt của họ 40 năm rồi cũng chẳng biết đâu mà tìm!
Việc xử bắn Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn tại sân vận động Cần Thơ ngày 14 Tháng Tám, 1975 cho thấy rõ sự trả thù man rợ của người thắng trận.
Thú vật và tàn nhẫn như thế, thì có ai hơn những người “mang nhân ái” để làm nên ngày 30 Tháng Tư, 1975, và rồi cho rằng “không bao giờ có cảnh tắm máu!”
Không có cảnh tàn sát tập thể như chế độ Khmer Đỏ đã giết chết khoảng 2 triệu người, từ một dân số 7.1 triệu, bằng các biện pháp tử hình với các dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng, bỏ đói và lao động cưỡng bức; không có cảnh đập đầu và xô xuống hầm chôn tập thể như vụ thảm sát Mậu Thân 1968 với số nạn nhân lên đến 6,000 người; nhưng sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, CSVN đã thâm độc hơn, rốt ráo hơn, tinh vi hơn với những việc phân biệt giai cấp, thành phần chính trị, đánh tư sản, lùa dân đi kinh tế mới để cướp nhà, cướp đất, đổi tiền để cướp cạn tài sản và công sức của người dân, bạc đãi trí thức, khiến cho hàng trăm nghìn người phải tìm đường ra biển, thà chết còn hơn sống với chế độ bất nhân, tàn độc.
Chủ trương “khoan hồng nhân đạo,” không có tắm máu, trả thù, nhưng hàng trăm nghìn người phải vào nhà tù tập trung ở cả hai miền Nam Bắc, làm việc như trâu ngựa, không có miếng ăn đủ no và bao nhiêu người đã bỏ thây trong những trại tù chỉ vì trước ngày 30 Tháng Tư, 1975 họ là những người ở khác chiến tuyến. Không đánh người chạy lại, nhưng lại đã có những người bị tù đày lên đến 17, 18 năm, không phải lý do vì họ là những vị tướng miền Nam mà thậm chí, họ chỉ một trung úy, thiếu úy, một nhà văn hay 21 năm như Đại Úy Biệt Kích Nguyễn Hữu Luyện!
Những người tù “cải tạo” không phải chỉ chết vì đói, vì làm việc kiệt lực, mà còn tự mình đi tìm cái chết vì uất ức, ô nhục. Nhiều người đã tự ải hay nhảy vào lửa để thà chết còn hơn chịu cảnh tù đày dai dẳng, không có ngày về!
Lòng nhân ái nào đã khiến cho những người lãnh đạo CSVN vói bàn tay đuổi theo những người tị nạn, áp lực đòi Indonesia và Malaysia đục phá bia tưởng niệm thuyền nhân ở Palau Bidong và Galang.
Chiến thắng 30 Tháng Tư, 1975 rõ ràng không bao giờ kết thúc sự chia rẽ Bắc-Nam như tuyên truyền của Quân Ủy CSVN mà xô đẩy dân tộc vào chỗ phân hóa trầm trọng! Trí thức bị tù đày, nhân tâm ly tán, đạo lý suy đồi, Bắc Nam chia rẽ, hố sâu cách biệt giữa dân “đen” và đảng viên cường hào gian ác, cướp bóc, đĩ điếm tràn lan, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Trong khi đó, nhà tù chật kín người, nông dân, công nhân không sống nổi, phải bỏ nước ra đi, làm thuê, ở mướn, trong khi người Hoa tràn lan trên đất nước, và tư bản Cộng Sản bắt đầu tìm đường tẩu tán tài sản ra nước ngoài.
Cứ mỗi năm đến ngày đau thương của dân tộc, bộ máy tuyên huấn CSVN lại tuyên truyền, ru ngủ quần chúng bằng một luận điệu nhàm chán như là “đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.” (Chỉ thị số của Đảng CSVN 19 Tháng Năm, 2015, về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết 36-NQ/TW).
Chúng ta, những ai còn chút lương tri, nghĩ như thế nào về cái giọng giả nhân, giả nghĩa của loài lang sói, với những lời mật ngọt như “truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, lòng nhân ái” như miệng lưỡi cáo già trong ngụ ngôn La Fontaine, mà sự thật đã rõ ràng như trắng với đen, lửa và nước!