... chạy xe thời bình còn gập ghềnh, hiểm nguy hơn cưỡi ngựa thời chiến.
Gần đây báo chí liên tục phản ánh hàng loạt các công trình hạ tầng của Việt Nam vừa xây chưa xài đã xuống cấp. Nhiều công trình nghìn tỷ vừa được dân “động chạm” vài ba đường cơ bản đã hư hỏng khiến ai nấy tiếc nuối đến nao lòng vì số tiền họ dày công lao động đóng góp cho ngân sách nay đổi lại bằng những thứ tệ hại.
Đại lộ nghìn tỷ chứ đâu phải vài nghìn đồng
Lướt qua đoạn clip “Tai nạn giao thông” vì đường sụt lún của báo VNExpress ghi nhận tại Đại lộ nghìn tỷ Mai Chí Thọ, ai nấy cũng đều hoảng hốt và khiếp sợ. Chẳng biết báo chí nước ngoài có săn đón được những hình ảnh tệ hại này hay không: chạy xe thời bình còn gập ghềnh, hiểm nguy hơn cưỡi ngựa thời chiến. Những chiếc xe máy con con nhấp nhô theo từng “làn sóng” theo kiểu ruộng bậc thang mà chẳng ai nghĩ họ đang đi trên một con đường nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn. Họ len lỏi giữa những đoàn xe tải đen kịt, những chiếc container khổng lồ và đành chấp nhận treo tính mạng mình trên tuyến đường đầy chông chênh, chẳng biết “hố tử thần” sẽ xuất hiện khi nào để tiễn họ về bên kia thế giới để hội ngộ cùng “các cụ”.
Đại lộ Mai Chí Thọ không phải là công trình nghìn tỉ duy nhất ở TP. HCM xảy ra tình trạng sụt lún khi mới đưa vào sử dụng. Trước đây, đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương cũng gặp phải sự cố khi mới đưa vào sử dụng. Tương tự, đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây cũng từng xảy ra sự cố. Mới đây, dư luận cũng vô cùng phẫn nộ khi chứng kiến tuyến kênh thoát nước của dự án cải tạo kênh Ba Bò (nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương) mới khánh thành được một tháng đã bị hư hỏng, trong khi nhà nước đã đổ hơn 345 tỉ đồng vốn đầu tư.
Chỉ cần so sánh giá đầu tư và chất lượng cũng đủ thấy tiêu chí tiết kiệm - hiệu quả trong đầu tư hạ tầng hiện nay quá kém. Tôi và nhiều người tự đặt ra hàng ngàn câu hỏi về trách nhiệm và đạo đức với đơn vị đầu tư lẫn nhà quản lý công trình, và tất nhiên ai cũng có quyền nghi ngờ về giá trị thật phía sau những gói thầu nghìn tỷ, nhất là khi các tuyến đường hay các công trình công cộng ở Việt Nam liên tục dính các nghi án, cáo buộc tham nhũng, lập quỹ đen, ăn hối lộ, nạn lại quả liên quan đến Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí là Ngân hàng Thế giới.
Chỉ giỏi đùn đẩy trách nhiệm
Nhưng hỡi ôi, tất cả các nghi vấn và đặt vấn đề liên quan đến sự tệ hại của hạ tầng giao thông công trình hầu hết đều được các nhà chức trách “tung chiêu” tuy cũ mà vẫn “hiệu quả”: đùn đẩy trách nhiệm để khiến dân mệt mỏi đến mức chẳng màng kiện cáo, khiếu nại hay làm rõ vấn đề, vốn chỉ tổn hao tâm sức, tốn kém và hoài công.
Cái hay của nhiều vị chức trách là đùn đẩy trách nhiệm theo kiểu chung chung số đông để chia nhỏ mức độ nghiêm trọng của vấn đề, hòng tìm kiếm sự chia sẻ một cách bức bách. Chẳng thể ngờ nhiều người “có học, có trình độ và có chuyên môn” làm việc trong ban ngành quản lý chất lượng công trình lại có thể đổ lỗi theo kiểu “phương tiện tham gia giao thông quá đông” nên đường hư là phải, dù con đường cũng chỉ mới được xây dựng và đưa vào sử dụng mà thôi. Các vị xây đường ít nhất cũng tính toán lưu lượng phương tiện giao thông, áp lực phương tiện… để từ đó quy ra tiêu chí đảm bảo kỹ thuật. Đằng này xây đường cho dân đi, lại đổ thừa rằng dân đi nhiều quá!? Phải chăng dân nên ở nhà để đường sá đỡ áp lực? Mà nếu ở nhà thì xin thưa, chẳng có tiền để có thể “sòng phẳng” hàng tá thứ thuế: thuế xăng dầu, thuế cầu đường, thuế môi trường khi dùng xăng dầu... mà các vị đã lần lượt đưa ra, đè nặng lên đôi vai cần lao của họ.
Độc đáo hơn là khi không biết đổ lỗi cho ai, có vị quản lý còn tung chiêu “Chí Phèo”, ngước mặt lên đổ lỗi cho “ông Trời” để rồi dân phải há mồm vì chẳng thể ngờ “chuyện như vậy mà quan cũng làm cho được”. Đơn cử như vụ kênh Ba Bò “chưa động đã hư”, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc đơn vị thi công (công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng Quỳnh Phúc) cho rằng lỗi do ông Trời khi vị này biện minh “mấy hôm trước tại khu vực thượng nguồn đã xảy ra cơn mưa khá lớn nên nhiều khe nối giữa các tấm đan chạy theo tuyến kênh chưa hoàn thiện đã làm nước rút vào gây hiện tượng sạt lở cục bộ”. Điều này khiến tôi nhớ đến vụ lũ lụt miền Trung lịch sử nhấn chìm biết bao căn nhà, người dân, tài sản, hoa màu… Trong khi người dân tố cáo thủy điện đầu nguồn xả đập lén lút vì sợ vỡ bờ, thì chính quyền lại cho rằng lũ lụt đơn thuần là chuyện thiên tai, kiểu như Trời kêu ai nấy dạ, chứ chẳng phải do con người?! Và chính vì “ông Trời” – vốn chẳng thể mở miệng gọi luật sư bào chữa, càng không có khả năng tự bào chữa bằng bất kỳ hình thức nào, nên bên thắng cuộc chính là các quan quản lý. Xem ra hai tiếng “ông Trời” ngoài tác dụng để người dân chân lấm tay bùn than vãn vì chẳng ai thấu được nổi khổ vì sử dụng công trình “đểu”, thì “ông Trời” cũng là danh xưng quý báu và hiệu quả để người ta vịn vào đó đổ lỗi cho những thảm họa vốn chẳng phải thiên tai, mà chính là “nhân tai”.
Vì đâu nên nỗi?
Phải nói rằng chẳng đâu như ở Việt Nam, quốc gia nhận viện trợ chính thức (ODA) nằm trong tốp đầu của thế giới, nhất là viện trợ về cơ sở hạ tầng công cộng, nhưng lại chẳng có mấy công trình nhìn cho ra hồn ra vía. Khi các quốc gia bè bạn nâng niu và chắt chiu từng đồng ODA, thì Việt Nam tung tiền nghìn tỷ làm những con đường để rồi dính nghi án “quỹ đen”, “lại quả” – căn nguyên của sự đội giá lên cao chót vót, còn đường sá thì được thi công bằng những công cụ, giải pháp đơn sơ và thiếu hiệu quả đến bất ngờ.
Khi không có bằng chứng, chẳng nên kết tội hay quy chụp bất kỳ một ai. Nhưng những bài báo và các công bố gần nhất của các quốc gia lớn cung cấp ODA cho Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc hay Tổ chức Ngân Hàng Thế Giới về nghi án quan chức Việt Nam hối lộ các công trình cao tốc, hay cả công trình giao thông nông thôn,… cũng đủ để chúng ta lờ mờ nhìn ra bức tranh toàn cảnh vấn nạn “đổ lỗi cho trời”. Chẳng cái nhục nào lớn hơn khi Nhật cảnh cáo thẳng thừng, bất chấp những yếu tố ngoại giao mang tính nhạy cảm, rằng nếu Việt Nam còn để xảy ra nạn hối lộ một lần nào nữa trong các công trình ODA thì Nhật sẽ chẳng viện trợ thêm một đồng nào.
Cái logic “bắt tay làm giá, ăn chia khoảng chênh lệch giá công trình” bằng hàng loạt các thủ thuật: xin gia tăng vốn đầu tư, cắt giảm một số quy trình trong thực thi công trình, thay đổi vật liệu, chuyển đổi kết cấu công trình theo hướng rẻ hơn, cắt giảm lượng vật liệu xây dựng… cho đến nay đã trở nên khá quen thuộc mà có lẽ dân cũng biết thừa, nhưng không đủ khả năng để giám sát và kết tội. Cứ như Singapore hay châu Âu, sử dụng hệ thống chính phủ điện tử để giám sát từ khâu đề xuất, đánh giá, thực thi và vận hành, thì dù lãnh đạo có chối cãi quanh co, đổ lỗi cho đất trời thần thánh cũng sẽ phải đền bù, ngồi tù hay thậm chí là nhận án tử.
Xin dẫn lại nhận định trên báo chí của TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP. HCM cho rằng: Đối với tất cả các công trình nói chung, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các bước từ khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu thì mới cho ra đời một công trình đạt chuẩn. Chỉ cần mắc sai phạm tại một trong năm quy trình trên, công trình sẽ xảy ra vấn đề ngay. Nghĩa là, đường đã gặp sự cố hẳn là có sai phạm. Mà có sai phạm thì phải rà soát và “tính sổ”, chứ không thể để dân nghe hoài một bài ca xưa như Diễm – “công trình hư hại là do dân, hay do lỗi ông Trời”.