“Trời còn khi nắng khi mưa ... Ngày còn khi sớm khi trưa, nữa người!” (Ca Dao)
Ông sĩ quan cao cấp sang đây quá chậm trong khi những người đi trước đã ổn định cuộc sống. Trong những ngày tháng chờ đợi, một hạ sĩ quan của ông ngày trước, bây giờ là một chủ tiệm phở khá đắt khách ngỏ ý giúp ông việc làm trong tiệm của anh.
Anh không thể biếu người chỉ huy cũ của mình một số tiền, nhưng có thể giúp ông một số thu nhập hàng tháng. Nhưng ông này thẳng thắn từ chối, và nói với những người quen là, “Tao mà đi làm công cho thằng lính hồi xưa của tao hay sao?”
(Hình minh họa: David McNew/Getty Images)
Ông tổng giám đốc một cơ quan ngày trước sang định cư tại đất này, chán ngán vì cảnh đời vân cẩu, bể dâu, theo ông, những “thằng” ngày xưa không đáng làm tài xế cho ông, qua Mỹ trước ông, nay nhà cao, xe đẹp, có cuộc sống thong dong, trong khi ông không kiếm nổi được việc làm $5/giờ. Ông sinh ra bi quan, hận đời, chưa già mà tóc đã bạc phơ, sống cuộc đời khép kín, không muốn giao du với ai.
Nhiều cấp chỉ huy hành chánh và quân sự ngày trước, sang đây ngậm ngùi làm nghề cắt cỏ, thợ sơn, lau nhà, gác cổng..., nhưng cũng không thiếu những “lính trơn” qua đến đất hứa thành công vượt bực.
Có những người vui vẻ nhận một cuộc sống thay đổi. Một bác sĩ quân y, rất giỏi giải phẫu, sau khi chịu cảnh tù đày, đến Mỹ chậm trễ, không có cơ hội học lại nghề cũ, ông phải vào “shop” may. Bàn tay ông trước kia thành thạo việc mổ xẻ, cắt khâu cho thương binh từ mặt trận về, thì bây giờ hai bàn tay ấy, suốt nhiều năm cắt chỉ, đóng khuy, không hề mang một chút mặc cảm. Một vị hiệu trưởng một trường trung học, sang đây làm nghề giao “pizza” suốt 13 năm, lái xe suốt mấy chục nghìn dặm đường, nhận những đồng tiền “tip” của thiên hạ để nuôi con và có đủ phương tiện bảo lãnh hai con đã lập gia đình trước lúc ông được đến Mỹ. Một vị giáo sư thanh tra trung học, phụ tá của một phụ tá tổng trưởng Giáo Dục, quên quá khứ để làm lại cuộc đời trên đất Mỹ, từ những nghề vẫn được xem là “thấp kém” như y công trong bệnh viện (Certified Nursing Assistant-CNA) giữ trẻ em (babysitter), thợ làm bánh bông lan để sống còn và có cơ hội để lo cho các con còn ở Việt Nam sang đoàn tụ với cha mẹ.
Những người thành công ở hải ngoại thường là những người quên quá khứ của mình, sẵn sàng làm lại cuộc đời. Một quân nhân trước đây mang cấp bậc trung sĩ, di tản vào những ngày cuối cùng trong cuộc chiến, sang đây đã chịu khó cắp sách đến trường và bây giờ là một luật sư khá nổi tiếng. Để làm gương cho con cháu và tuổi trẻ Việt Nam ở Mỹ, ông Nguyễn Ngọc Sẳng, một người tù sau khi ra khỏi tại tập trung, phải đi làm những nghề mà xã hội vẫn xem thường như đi bán vé số ở bến xe và quán nhậu, xách nước ngọt cho du khách tắm ở Vũng Tàu, đã phấn đấu khi đến Mỹ, lấy bằng tiến sĩ giáo dục khi ông đã 63 tuổi. Xuất thân là nghề “nhà binh,” Thiết Đoàn Trưởng Thiết Giáp Nguyễn Hữu Lý đã nhận bằng cao học văn chương tại Dallas năm 73 tuổi. Nguyên Thượng Nghị Sĩ VNCH, ông Lê Tấn Bửu, bị tù tập trung 13 năm, đến Mỹ năm ông đã 70 tuổi, đáng ra là tuổi dưỡng già, ông đã trở lại làm sinh viên và tốt nghiệp tiến sĩ năm 81 tuổi.
Nếu có một sự so sánh giữa hai cảnh đời trôi nổi, thì người bi quan than thở cho số phận, chức tước, địa vị, của cải, bổng lộc không còn, còn người lạc quan lấy hoàn cảnh của họ sau năm 1975, sau khi đi tù về hay những ngày đói khổ ở Việt Nam để nói những lời tri ân với cuộc sống mới. Ông Nguyễn Thanh Ty, một cựu tù nhân chính trị nói:’
“Nếu không có nước Mỹ thì có lẽ thằng con trai tôi, giờ này đang ôm bình cà rem đi bán ở Chợ Đầm, Nha Trang.” (Cháu đã đỗ kỹ sư sau khi cha định cư ở Mỹ).
Ông HO Nguyễn Ngọc Trạng thì tâm sự:
“Nếu không có cuộc đổi đời này, thì thằng con bị tâm thần của tôi chắc phải đi ăn xin ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ, và thân tôi còn đạp xe ôm ở bến Bắc Mỹ Thuận cho đến khi ngã xuống vì kiệt lực.”
Trong chiến tranh có rất nhiều cảnh đổi đời trái ngược. Có người giàu có bạc triệu, ngày 30 Tháng Tư, 1975, bỏ nước ra đi chỉ với hai bàn tay trắng. Cũng có người nghèo khó, vượt biển ra hải ngoại, ngày nay đã trở thành triệu phú ở hải ngoại. Xuất thân con nhà nghèo, thuở nhỏ phải đi chăn trâu, vào trường tiểu học không có được một cái giấy khai sinh, ngày nay, Hồ Văn Trung là chủ tịch tập đoàn Trangs Group sản xuất thực phẩm, có trụ sở và chi nhánh khắp nơi trên thế giới như Úc, Mỹ, Anh, Việt Nam, Châu Phi...
Thế gian vẫn thường quan niệm “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa,” nhưng chiến tranh và loạn lạc sinh ra chuyện đổi đời. Ngày nay con vua phải đi bán chợ trời (trường hợp Mệ Bảo Ân con Vua Bảo Đại sau năm 1975) con thầy chùa thời buổi “mạt pháp,” trong tay có hàng triệu đô la là chuyện thường tình.
Nếu có kẻ bất tài, vô học mà may mắn leo lên chức vụ cao, người đời gọi cảnh này là “chó nhảy bàn độc!” Ngày nay, trên quê hương đổi đời có bao nhiêu loại “nhảy bàn độc!” Y tá chích thuốc, du kích khiêng cáng lên ghế tể tướng, thiến heo, thợ mộc đóng hòm cũng có ngày lên ngôi hoàng đế. Đến như Nikita Khrushchev, thuở nhỏ phải đi chăn lợn, có thể lên đến chức tổng bí thư của Liên Bang Xô Viết. Có những chuyện đổi đời nhờ công lao khó nhọc, tinh thần cầu tiến nhưng cũng có những trường hợp “đổi đời” như chuyện “chó ngáp phải ruồi” mà người đời thường hay mai mỉa.
Nếu nói “xỏ xiên” chuyện đời đổi, thì không ai bằng ngòi bút Trần Tế Xương: “Công đức tu hành sư có lọng, su hào đủng đỉnh mán ngồi xe!”
Người đời thường an ủi, cho rằng những chuyện thăng trầm, “lên voi xuống chó” đều do định mệnh, số phận đã an bài cho mỗi người. Nhưng câu chuyện 40 năm từ ngày người Việt Nam bỏ nước ra đi, và ngay cả những người của chế độ Cộng Sản trong nước đã có những cuộc đổi đời khốc liệt.
Nhưng “đổi đời” không phải là một định luật. Có những ông bác sĩ sau năm 1975 sang đây vẫn là bác sĩ, kỹ sư vẫn là kỹ sư (nhất là ngành công chánh) có ông quyền thế tham nhũng chạy trước mang theo cả bọc vàng, vẫn có vài căn nhà, mấy tiệm ăn hay mở đôi ba cái 7-11 cũng là chuyện thường tình.
Nhưng phần lớn, biến cố 30 Tháng Tư, 1975 rõ ràng là, “Trời làm một trận lăng nhăng, ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông!”
Dân gian có câu “không có ai giàu ba họ, mà cũng chẳng có ai khó ba đời!”
Không cứ ở đời con vua, số phận “đẻ bọc điều” thì lại làm vua, còn dân đen “sinh ra dưới một vì sao xấu” suốt đời phải chịu số phận hẩm hiu.
Chấp nhận và an vui. Không phấn đấu được thì cho là số phận an bài, số phận có thể thay đổi được sự sống chết, sự giàu nghèo, may rủi, nhưng số phận không thay đổi được nhân cách, sự suy nghĩ và cái nhìn của con người đối với cuộc sống này. May mắn đổi đời giàu có, không trả thù dĩ vãng, kiêu ngạo vênh váo thì chẳng may sa chân chịu số phận thấp hèn, có gì đâu mà mặc cảm, tủi thân.
Vậy thì anh cũng đừng buồn, ngày nay anh không còn quyền cao, chức trọng hay không có tiền của trong tay, chuyện là anh có còn là người tử tế cho người ta thương yêu kính nể anh không?