VN tiếp tục đi theo lộ trình ngược lại: siết chặt hơn các quyền tự do ngôn luận, thông tin, tự do tín ngưỡng, thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói phản biện, phản kháng từ người dân, tăng cường xách nhiễu, bắt bớ
Năm 2012, khác hẳn với những thay đổi nhanh chóng, ngoạn mục theo chiều hướng dân chủ đang diễn ra tại Myanmar, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, VN tiếp tục đi theo lộ trình ngược lại: siết chặt hơn các quyền tự do ngôn luận, thông tin, tự do tín ngưỡng, thẳng tay đàn áp mọi tiếng nói phản biện, phản kháng từ người dân, tăng cường xách nhiễu, bắt bớ…Năm 2012 vì vậy tiếp tục là một năm đầy sóng gió cho giới blogger, những người viết báo độc lập. Nhưng đồng thời năm 2012 cũng chứng tỏ một bước tiến và sức mạnh của mạng lưới blog VN đã thực sự làm cho nhà cầm quyền phải lúng túng, lo sợ như thế nào.
Cùng điểm lại những sự kiện chính có liên quan đến giới blogger và các hoạt động trên các trang mạng xã hội, các trang blog của mọi người đã có ảnh hưởng ít nhiều đến xã hội VN trong năm qua:
1. Các thành viên của CLB Nhà báo Tự do bị đem ra xử với những bản án nặng nề.
Cựu bộ đội, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, người mà mấy năm nay đã trở thành nổi tiếng vượt ra khỏi biên giới VN khi chính Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nhắc đến tên anh, nhiều bài báo nước ngoài, các tổ chức Human Wright Watch, Reporters Without Borders…từng nhiều lần lên tiếng đòi trả tự do cho anh. Trong năm nay Điếu Cày và 2 người bạn của mình, luật sư Phan Thanh Hải tức blogger Anh Ba SG, cựu công an, luật sư Tạ Phong Tần tức blogger Công lý và Sự thật, đã bị đem ra xử và kết án nặng nề. Tổng cộng 26 năm trong phiên sơ thẩm vào tháng 9 và giảm thành 25 năm trong phiên phúc thẩm tháng 12, trong đó Điếu Cày y án 12 năm tù, Tạ Phong Tần y án 10 năm tù.
Đối với nhà cầm quyền, đây là vụ án “điểm” mà họ cần phải xử nặng để dằn mặt giới blogger. Nhưng đối với người VN cũng như dư luận thế giới thì qua cả 2 lần sơ thẩm và phúc thẩm, đã chứng tỏ bộ mặt thật của nhà cầm quyền, trò hề “án bỏ túi” hay cái gọi là “phiên tòa công khai” ở VN như thế nào, tất cả những trò ngăn chặn, đàn áp, khủng bố trước và trong ngày diễn ra phiên tòa, đối với người thân, bạn bè, những ai quan tâm đến các blogger bị xử án…
2. Sự ra đời của trang báo điện tử Quan làm báo.
Xuất hiện vào khoảng tháng 5.2012, Quan làm báo tạo nên một hiện tượng trong thế giới báo “lề dân” khi chỉ trong một thời gian rất ngắn, số lượng truy cập đã nhảy vọt lên con số hàng triệu. Đến nay, sau hơn nửa năm, số lượng truy cập là hơn 58 triệu lượt.
Như nhiều người cũng đã chỉ ra, cơn sốt Quan làm báo là do những tin tức nội bộ đấu đá lẫn nhau trong giới lãnh đạo, quan chức cấp cao ở VN, cũng như những thông tin về cách thức lũng đoạn kinh tế trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, địa ốc…của đám “tư bản đỏ”. Cũng vì Quan làm báo và một số trang báo “lề dân” nổi tiếng khác, ông Thủ tướng phải gấp rút ban hành công văn 7169/VPCP-NC, an ninh mạng VN phải tiến hành hàng loạt cuộc đánh phá nhằm vào Quan làm báo, Dân làm báo…
Chưa hết, từ sự ra đời của Quan làm báo, Vua làm báo (một phiên bản của Quan làm báo), nhà cầm quyền phải tung ra những trang như Đảng làm báo và hàng loạt bài viết đánh vào Quan làm báo hay việc bà cựu nghị sĩ Đặng Hoàng Yến bị tung tin đứng phía sau Quan làm báo, bị bôi nhọ v.v…cho thấy nhà cầm quyền thực sự bị tác động trước những ảnh hưởng dư luận xã hội từ trang này.
Dù hiện nay cơn sốt đã giảm nhiệt, nhưng dù sao, Quan làm báo vẫn là một “hiện tượng” của năm 2012.
3. Công văn số 7169/VPCP-NC.
Công văn số 7169/VPCP-NC của Văn phòng Chính phủ V/v xử lý thông tin có nội dung chống đảng, nhà nước, được ký ngày 12 tháng 9, nêu đích danh 3 trang thông tin điện tử "Dân làm báo", "Quan làm báo", "Biển Đông"... “và một số trang mạng khác, đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội.”
Đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phải “điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.”
Văn bản cũng cấm “Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức, viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng tải trên các mạng phản động.”
Công văn vừa ra, đã tạo hiệu ứng ngược, chẳng khác nào PR cho 3 trang mạng nói trên, như chính tác giả Trần Hưng Quốc của Quan làm báo đã nói với tờ International Business Times:
“Cám ơn “sự quan tâm” của Thủ Tướng đã làm cho chúng tôi tăng thêm 1.5 triệu lượt xem. Ông ta đã nâng chúng tôi từ một nguồn tin không chính thức trở thành ngôi sao sáng trong thế giới mạng…”
Trong khi đó, “Số lượng độc giả hàng ngày của Dân làm báo đã tăng gấp đôi thành 500.000 trong ngày Văn bản của Thủ Tướng được ban hành” (“Vietnam Dissident Bloggers Warn: We Fight on despite 20-year Jail Threat”, International Business Times)
Còn nữa, đây là một bài viết đăng trên Quan làm báo sau khi công văn ra ít ngày “Nhờ Thủ Tướng chiếu cố bằng Lệnh truy sát 7169 ngày 12/9/2-12 mà chỉ trong 05 ngày theo xếp hạng Alexa quanlambao Blog đã nhảy vọt từ 109 lên hôm nay là 83 tại Việt Nam!”, so sánh với thứ hạng 237 của trang báo điện tử của chính phủ! (“Quan làm báo blog là sự lựa chọn của nhân dân VN”)
4. Biểu tình chống TQ ngày 9.12.
Trước đó, trang Nhật ký yêu nước trên facebook lên tiếng kêu gọi biểu tình chống TQ xâm lược vào ngày 12.9.
NKYN đã từng kêu gọi biểu tình chống TQ ít nhất là vài lần, vào mùa hè năm 2011 sau sự kiện tàu TQ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của VN, từ đó đã nổ ra 2 cuộc biểu tình phản đối TQ tại Sài Gòn và 11 cuộc tại Hà Nội; các lời kêu gọi tiếp theo vào ngày 1.7.2012, 5.8.2012 và 9.12.2012. Lần mới nhất NKYN chỉ kêu gọi biểu tình tại Hà Nội, nhưng ngay sau đó, một số nhân sĩ trí thức Sài Gòn cũng kêu gọi biểu tình tại Sài Gòn.
Cuộc biểu tình ngày 9.12 có 2 điểm đặc biệt: Thứ nhất, trùng với ngày mà 5 năm trước, 9.12.2007 những cuộc biểu tình tự phát phản đối TQ đã nổ ra lần đầu tiên tại Sài Gòn, Hà Nội sau 32 năm kể từ 30.4.1975. Thứ hai, đây là lần đầu tiên có những người tên tuổi cụ thể đứng ra kêu gọi công khai, là những trí thức nhân sĩ có tiếng, một số người từng có nhiều kinh nghiệm trong phong trào biểu tình chống Mỹ của học sinh, sinh viên Sài Gòn trước đây.
Đáng tiếc là những cuộc biểu tình đã bị đàn áp, dập tắt một cách nhanh chóng.
5. Trí thức VN tiếp tục dấn thân.
Trong năm 2012, trí thức, nhân sĩ VN tiếp tục lên tiếng, ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Từ những vấn đề nhỏ có liên quan đến một cá nhân như “Kiến nghị Chủ tịch Nước ra chỉ thị trả tự do ngay cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên”, đến những vấn đề lớn, có liên quan đến tương lai, vận mệnh của toàn dân tộc:“Kiến nghị dừng triển khai và rút khỏi quy hoạch hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A”, “Tuyên bố phản đối “hộ chiếu lưỡi bò”, các bản tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Đức, Nhật…, “Tuyên bố phản đối nhà cầm quyền TQ” cho đến hôm nay, qua 17 đợt ký tên, đã lên đến con số 915 người và chưa dừng lại, “Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp VN”, qua 4 đợt ký tên, đã có 607 người và chưa dừng lại…
Từ tuyên bố đến hành động cụ thể như “Thông báo tổ chức mít tinh phản đối những hành động gây hấn của nhà cầm quyền TQ” được tổ chức vào ngày 9.12.2012 tại quảng trường Nhà hát Thành phố…
Bên cạnh đó, từng nhóm trí thức hoặc từng cá nhân cũng lên tiếng phản đối những hành động của nhà nước VN đối với nhóm, cá nhân mình như “Tuyên bố phản đối hành vi trấn áp thô bạo vi phạm pháp luật xâm phạm nghiêm trọng quyền công dân” của nhóm trí thức, nhân sĩ đứng tên kêu gọi biểu tình phản đối TQ; lời tố cáo trước công luận trong và ngoài nước về hành động bắt bớ, trấn áp, bao vây các thành viên đứng tên trong thông báo tổ chức cuộc mittinh vào sáng ngày chủ nhật 9.12.2012 của luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; “Tuyên bố phản đối hành động trấn áp thô bạo vi phạm quyền tự do công dân” của Công an và Chính quyền phường Tân Phong, Quận 7, TP HCM của GS Tương Lai, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam từ năm 1983 đến nay v.v và v.v…
Những tuyên bố, kiến nghị này đều được đăng trên trang Bauxite Vietnam, AnhBaSam và một số trang báo mạng khác song song với việc gửi đến đúng địa chỉ, đúng nơi cần nhận.
Năm 2012, người dân và cả nhà cầm quyền có thể nhận ra càng ngày các trí thức, nhân sĩ VN càng đi sát với những vấn đề cốt lõi của đất nước, không sợ hãi khi phải lên tiếng công khai một nhóm người hay một cá nhân. Những bản tuyên bố, kiến nghị kiểu như vậy dần dần đã tập hợp được những người cùng chung một mối quan tâm với đất nước và tập cho người dân quen dần với việc lên tiếng.
6. Các blogger VN được vinh danh vì dấn thân cho nhân quyền.
Năm blogger Việt Nam có tên trong danh sách 41 cá nhân xuất sắc đến từ 19 quốc gia, được trao Giải Hellman/Hammett để ghi nhận lòng dũng cảm và kiên định trước sức ép đàn áp chính trị. Đó là nhà vận động cho tự do tôn giáo Jean Baptiste Nguyễn Hữu Vinh, nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền Phạm Minh Hoàng, tức blogger Phan Kiến Quốc, nhà báo tự do Vũ Quốc Tú, bút danh Uyên Vũ, nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn và con gái, nhà phê bình chính xã hội trẻ Huỳnh Thục Vy. Tất cả 5 người đều bị chính quyền đàn áp vì những bài viết của họ.
7. Nhà báo Huy Đức tức blogger Ôsin xuất bản cuốn “Bên thắng cuộc”.
Cuốn sách nói về giai đoạn lịch sử bi kịch của VN sau ngày 30.4. 1975 cho đến thời kỳ Đổi Mới, cả hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 70, một với Khmer đỏ và một với TQ. Sách in do chính tác giả xuất bản và sách điện tử do Amazon phát hành dưới hình thức Kindle.
Như lời tâm sự của tác giả “Vì sao tôi viết “Bên thắng cuộc” :
“Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm…
Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975 đã trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình. …
Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật.”
“Bên thắng cuộc” ngay lập tức đã gây dư luận sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nước, với rất nhiều ý kiến phản hồi khen chê, các bài viết bình luận, đánh giá khác nhau. Cuốn 1 của bộ sách gồm 2 cuốn đã trở thành cuốn sách về lịch sử Đông Nam Á bán chạy nhất tại Amazon (1st best seller on Southeast Asia History), và cuốn sách về lịch sử châu Á bán chạy thứ nhì tại Kindle Store (2nd best seller on Asia History).
8. VN tiếp tục có những “thành tích” tệ hại về đàn áp tự do ngôn luận, tự do thông tin.
Theo báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders), trong 2 năm 2011-2012, VN xếp hạng thứ 172/179 nước về tự do báo chí, tụt hạng so với năm 2010 đứng thứ 165/179. Cũng theo tổ chức này, VN tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước “kẻ thù của internet”. Có ít nhất 19 người hiện đang bị giam giữ vì đã bày tỏ quan điểm tự do của họ trên mạng, điều này đã làm cho VN trở thành nhà tù lớn thứ ba trên thế giới đối với blogger và những người bất đồng chính kiến, sau TQ và Iran. (“Heavy jail sentences for threebloggers after sham trial”, rfs.org).
Ủy Ban Bảo vệ các Ký Giả (Committee to Protect Journalists, viết tắt CPJ) đã công bố một bản báo cáo về con số những nhà báo bị cầm tù lập kỷ lục trên thế giới, trong đó VN, cùng với Azerbaijan, Ethiopia, Uzbekistan, and Saudi Arabia nằm trong 10 nhà tù tệ nhất. (“Number of jailed journalists sets global record”, cpj.org) v.v…
Trên đây là vài sự kiện có liên quan đến giới blogger VN và các trang báo blog độc lập, trong bối cảnh chung của một năm 2012 đầy khó khăn, khủng hoảng về mọi mặt của đất nước, dân tộc và một năm bế tắc, bất lực, đầy sợ hãi của nhà cầm quyền.
Nhìn lại để thấy trong một tương lai gần, số phận của những người viết báo độc lập, và một nền báo chí tự do ở VN hãy còn rất nhiều khó khăn. Chặng đường giành lại quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, quyền con người cho dân tộc còn rất dài. Tuy nhiên, bước tiến và những tác động xã hội của mạng lưới báo blog VN, sự tập hợp dần dần những con người dấn thân và sự hình thành một xã hội dân sự từ thế giới internet bước vào cuộc sống thực vẫn cho phép chúng ta nhiều hy vọng vào tương lai.