main billboard

Năm mươi mốt năm sau, những cô nữ sinh hồi nào nay đã thành những bà già tóc bạc nhưng ngọn lửa trong lòng vẫn chưa nguội lạnh.


Hôm Chủ Nhật tuần trước, sau 51 năm, tôi đã được gặp lại một số bạn bè từ cái thuở còn là học sinh ở trường Gia Long. Năm mươi mốt năm sau, những cô học trò hồi nào nay đã trở thành các bà cụ.

Mái tóc, nếu không nhuộm, thì đã muối tiêu nếu không bạc trắng, những thân hình hồi nào mảnh khảnh nay đa số đã tròn trịa hơn nhiều. Năm mươi một năm đầy biến loạn, binh lửa, nước mất nhà tan, được gặp nhau lại quả là diễm phúc.

nusinh gialongNữ sinh Gia Long (Ảnh trên Net)

Tối hôm đó, sau nhiều tiếng đồng hồ hàn huyên, tôi trở về nhà, mở tivi lên xem thấy có một chương trình cũng về một cuộc họp mặt của một lớp thời còn học trung học với nhau. Cuốn phim trinh thám với tình tiết lắt léo về ba người khách bị ám sát thật bí hiểm, một người bị treo cổ, một người “chết đuối” trong nhà vệ sinh và người thứ ba vì bị đầu độc bởi rượu, cả ba đều được tìm thấy tóc cạo trọc nhưng tóc được cạo sau khi bị giết. Nghi phạm đầu tiên là một ông cảnh sát đã bị cả ba người bắt nạt thời còn học trung học. Cả ba đều bị tìm thấy trong những tư thế mà họ đã từng “tra tấn” ông cảnh sát, kể cả cạo trọc đầu ông. Câu chuyện éo le đi đến kết luận là thực ra ông cảnh sát chỉ là nạn nhân của một kẻ thứ ba muốn lợi dụng chuyện cũ để đổ cho ông cảnh sát giết người.

Câu chuyện đó tuy vậy chỉ là một trong muôn ngàn những cốt truyện, trào phúng có, bi kịch có, về những cuộc hội ngộ của các bạn cũ vốn đã từng học với nhau. Tất cả đều khai thác những điều mỉa mai của cuộc hội ngộ. Có những người khi đi học nổi bật, tưởng sẽ thành công, nay lại không. Có những người lúc trước bị lu mờ nay lại nổi bật. Có những người thời xa xưa là hoa khôi của lớp, được phái nam chiều chuộng, bây giờ trong tuổi xế chiều, nhan sắc tàn tạ, chả ai để ý. Đặc biệt có những người hồi xưa bắt nạt bạn bèn, giờ đây lại lép vế.

Nhưng có một điều có lẽ không một nhà viết kịch, một nhà văn hay một đạo diễn nào lại nghĩ đến cuộc hội ngộ của một nhóm những người đã mất tất cả. Họ đã phải tạo tình tiết cho những câu chuyện tái ngộ vì nếu không thì quá buồn tẻ. Những người suốt đời vẫn sống ở một cộng đồng nơi mình lớn lên, những người mà biến cố lớn nhất của cuộc đời có lẽ là việc lấy chồng, dọn sang căn nhà riêng của mình, có con, rồi có cháu, thì cuộc tái ngộ với bạn cũ nào có bao nhiêu chuyện ly kỳ để có thể hấp dẫn thiên hạ.

Cuộc gặp mặt của những người Việt ở miền Nam, dầu cho lưu vong hay còn sống trong nước sau năm 1975 không bao giờ có thể bình lặng đến nỗi phải thêm thắt tình tiết mới có thể trở thành một câu chuyện, một chuyện phim.

Trước khi gặp các bạn tôi, tôi đã gặp một số thân hữu của ông xã. Khi hỏi một ông bị bao nhiêu năm tù sau khi người cộng sản chiếm đóng miền Nam, ông cười trả lời, “Tôi làm lính chỉ có 6 năm nhưng đi tù đến 13 năm! Tức là cứ một năm lính đến hơn hai năm tù.” Mọi người gật gù, rồi có người hỏi, “Thế anh làm gì vậy?” ý muốn hỏi xem tại sao ông bị ở tù lâu đến thế. Ông nhún vai trả lời, “Có làm gì đâu. Sĩ quan mèng trong Bộ Tổng Tham Mưu.” Một người khác gật gù, “Chả phải tội tình quái gì đâu. Ông xui, chúng nó bỏ quên hồ sơ nên cứ ở tù mút chỉ!”

Những người chưa từng bao giờ trải qua những biến động như chúng ta đã từng trải hẳn không thể hiểu nổi trước sự thản nhiên của chúng ta hay nhiều khi cả sự đùa nghịch của chúng ta về những năm tù đầy như vậy. Có những người còn đùa, “Tám năm. Hơn cả tiến sĩ nữa đấy,” hay “Bảy năm, vừa làm bằng bác sĩ.”

Họ lại càng không hiểu những cố gắng của chúng ta để được gặp nhau. Mấy người bạn của tôi đã tốn biết bao nhiêu email, điện thoại để có thể có vài giờ với nhau khi mà có người ở Seattle, có người ở Tucson, chưa kể tôi từ Anh sang. Đối với những người bình thường, chuyện có một cuộc họp bạn 20 năm hay 50 năm sau chỉ là một chuyến bay, một cái giấy mời, vài giờ ăn uống tẻ nhạt, nhưng dầu sao chăng nữa cũng là một chút đổi thay của một cuộc đời bình thản.

Đối với những người như chúng ta, những người Việt đã mất nước, mất quê hương, những cuộc họp mặt bây giờ vô cùng khó khăn và đầy ý nghĩa.

Dĩ nhiên câu chuyện rồi cũng trở lại quá khứ. Nó có thể là quá khứ êm đẹp của thời xa xưa cũ. Chúng tôi ngồi nhớ lại mái trường êm ấm, cái lớp học ở dãy nhà một tầng đâu lưng vào nhà bà hiệu trưởng. Chúng tôi nhớ lại những trò tinh nghịch cũ của một cuộc mạo hiểm nhảy cửa sổ vào vườn bà hiệu trưởng để ăn cắp quả đu đủ chọc một vị giáo sư trẻ.

Ngồi nghe các bạn kể lại chuyện xưa tôi nhớ lại nền giáo dục hồi đó. Chúng tôi học trung học trong những năm đầy biến loạn. Trường tôi nằm kế bên Chùa Xá Lợi. Đã có một thời gian các lớp nhìn sang chùa bị đóng cửa. Nhưng dầu cho biến loạn, chúng tôi vẫn tiếp tục học. Những vị giáo sư trẻ, vừa ở ngoại quốc về, hay vừa tốt nghiệp ở các trường đại học, còn đầy nhiệt huyết.

Vị giáo sư Anh văn của chúng tôi đã mượn lời Thomas Paine, nhà ái quốc Hoa Kỳ trong cuộc Cách mạnh Mỹ để nhắc nhở đám học trò. Cho đến bây giờ tôi cũng không quên những lời lẽ đầy vần điệu và nhiệt huyết đó. “These are the times that try men’s souls: The summer soldier and the sunshine patriot will, in this crisis, shrink from the service of his country; but he that stands by it now, deserves the love and thanks of man and woman... Tyranny, like hell, is not easily conquered; yet we have this consolation with us, that the harder the conflict, the more glorious the triumph.”

Giáo sư Sử của chúng tôi, mà kiến thức chi tiết về triều Nguyễn, đã cho chúng tôi thấy là sử không phải chỉ là sử biên niên. Chúng tôi học đến những cố gắng canh tân của Vua Minh Mạng, đến những hoài vọng của Vua Duy Tân, và ngay cả đến những cố gắng dầu cho không có bao nhiêu thời gian của chính phủ Trần Trọng Kim.

Ông Giáo Sư Triết vừa tốt nghiệp vẫn còn đam mê ngành học của mình. Dầu cho bên ngoài có chiến tranh, biểu tình phản đối, trong mái nhà trường chúng tôi tiếp tục say mê bàn luận về siêu hình, đạo đức, và ngay cả đến luận lý. Chúng tôi có thể chưa đủ trưởng thành để hiểu những lý luận sâu xa của Kant, Descarte, vật lộn với tam đoạn luận, nhưng những hành trang đó đã đủ để giúp chúng tôi tiến xa trong cuộc đời. Tôi còn nhớ một cách hãnh diện khi một giáo sư ở Hoa Kỳ khen là không ngờ giáo dục Việt Nam đã cho người học sinh tốt nghiệp một nền tảng kiến thức vững vàng đến thế. Chả thế mà chúng tôi đã dám trả lời bài luận văn của kỳ thi Tú Tài II với câu hỏi của Dostoyevsky: “Nếu không có Thượng Đế thì tôi Thượng Đế.”

Càng nghĩ lan man tôi càng thấy ở một khía cạnh nào đó, có thể chúng tôi đã có nhiều cơ may hơn những người khác. Nhà tan nước mất nhưng chúng tôi vẫn còn được có cơ hội gặp gỡ, dầu cho là gặp gỡ ở bến bờ xa lạ. Mà cũng không xa lạ cho lắm, vì chúng tôi gặp nhau trong một nhà hàng Việt Nam, ngồi ăn cơm Việt Nam, rồi thì sang một quán cà phê ngồi nhâm nhi một ly cà phê sữa đá.

Năm mươi mốt năm sau, những cô nữ sinh hồi nào nay đã thành những bà già tóc bạc nhưng ngọn lửa trong lòng vẫn chưa nguội lạnh. Nhiệt huyết của thời học sinh được nung nóng bởi những bài học thời xa xưa vẫn còn đó. Chúng tôi vẫn biết rằng, “Tyranny, like hell, is not easily conquered” nhưng vẫn hy vọng “yet we have this consolation with us, that the harder the conflict, the more glorious the triumph.”

Và nếu chưa thắng được độc tài bạo chúa thì ít nhất chúng tôi cũng sẽ hy vọng còn tiếp tục gặp nhau, không phải để tị hiềm mà là để ôm nhau và nhớ lại thuở hoàng kim cũ.

Thân tặng quý thầy cô và các bạn Nhất C1, Gia Long 1964.