Cả thế giới đều biết hai ông không ưa nhau.
Hai ông đây là ông Barack Obama, tổng thống Hoa Kỳ và ông Benjamin Netanyahu, thủ tướng của Israel. Cả 2 ông cùng đắc cử trong khoảng thời gian rất gần nhau, từng nói quan hệ giữa 2 quốc gia là mối quan hệ rất đặc biệt về chiến lược, từng bày tỏ hy vọng sẽ làm việc chặt chẽ với nhau, và cuối cùng, cả 2 ông đều cho thấy họ đang sống trong cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt.”
Tổng Thống Barack Obama (phải) tiếp Thủ Tướng Benjamin Netanyahu ở Tòa Bạch Ốc hôm 1 Tháng Mười, 2014. (Hình: Win McNamee/Getty Images)
Trong 6 năm trời vừa qua, cả ông Obama và ông Netanyahu đã nhiều lần chứng tỏ cho mọi người thấy điều đó. Hồi 2010 khi Phó Tổng Thống Joseph Biden được cử sang Israel thăm nước bạn và bàn thảo về kế hoạch tìm hòa bình, ông Netanyahu chẳng ngần ngại quyết định đưa thêm người định cư ở miền Ðông Jerusalem cho dù Washington từng nhiều lần kêu gọi ông đừng làm điều này. Ít tháng sau đó khi sang Hoa Kỳ để bàn luận về đường hướng hoạt động chung, ông Netanyahu bẽ mặt khi không được Tổng Thống Obama mời ăn cơm tối, đã vậy nhà lãnh đạo nước Mỹ còn bảo “anh về ăn cơm, thảo luận với các cố vấn của anh, sau đó quay lại đây chúng ta bàn luận tiếp.” Theo lời kể của những nhân viên tháp tùng thủ tướng Israel, “nói xong ông Obama đứng dậy đi ngay, không thèm bắt tay người ngồi đối diện (là ông Netanyahu),” và ít giờ sau đó tờ Jerusalem Post chạy ngay trang nhất bài bình luận mang nội dung “có thật Hoa Kỳ là đồng minh của chúng ta hay không?”
Chuyện 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Israel chẳng ưa nhau không dừng ở đó. Hồi 2011 khi trở lại Washington D.C. lần thứ nhì và trong cuộc họp báo chung tại Tòa Bạch Ốc, thủ tướng Israel chẳng ngần ngại “lên lớp” nhắc nhở cho Tổng Thống Obama biết lịch sử của Israel và thế nào là trách nhiệm của một quốc gia đồng minh “đối với người bạn thân thiết nhất của mình.” Ðến giờ những nhà báo có mặt hôm đó vẫn còn nhớ vẻ mặt khó chịu của người lãnh đạo nước Mỹ khi phải đứng nghe những điều ông Netanyahu nói, và có phản ứng bằng cách cắt ngắn cuộc họp báo, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào cũng như không cho ông Netanyahu có cơ hội trình bày thêm những điều ông ta muốn trình bày với giới truyền thông.
Lần này căng thẳng lại nặng hơn, sau chuyện ông Chủ Tịch Hạ Viện Cộng Hòa John Boehner và Thủ Tướng Netanayhu kín đáo dàn xếp với nhau để người lãnh đạo Israel sang Hoa Kỳ đọc bài diễn văn trước Quốc Hội Liên Bang vào ngày mùng 3 Tháng Ba tới đây mà không thông báo trước cho Tòa Bạch Ốc biết. Mặc dù các viên chức cao cấp hành pháp Hoa Kỳ lên tiếng nói điều ông Netanyahu làm “không gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là sự ủng hộ mà chính phủ Mỹ đã dành cho Israel trong nhiều thập niên qua,” nhưng qua những cuộc tiếp xúc riêng rẽ với báo chí, những giới chức thân cận với Tổng Thống Barack Obama đều chỉ trích thái độ của nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh, gọi đó là thái độ “không ai có thể chấp nhận được.”
“Chúng tôi được thông báo tin ông Netanyahu nhận lời sang Mỹ đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội đúng một tuần sau ngày Tổng Thống Obama gọi điện thoại nói chuyện với ông ta, trình bày cặn kẽ mọi diễn tiến của cuộc đàm phán với Iran,” theo lời một viên chức thuộc Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia. “Trong cuộc nói chuyện kéo dài gần một giờ đồng hồ đó,” viên chức này nói tiếp, “Tổng thống yêu cầu ông ta (Netanyahu) đừng vận động Quốc Hội ban hành dự luật tăng mức cấm vận với Iran, nói với ông ta rằng chờ một thời gian nữa xem sao, và cam kết nếu Iran vẫn nhất quyết không buông ý định chế tạo võ khí nguyên tử, lúc đó Hoa Kỳ sẽ là quốc gia đầu tiên lên án chính quyền Tehran và ban hành những biện pháp cấm vận gắt gao nhất.” Trong buổi nói chuyện đó qua điện thoại đó, “ông Netanyahu không hề bày tỏ thái độ phản đối, và cũng không cho biết là ông đã nhận lời mời của ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner để đọc bài diễn văn trước Quốc Hội, trình bày quan điểm của Israel.”
Một viên chức khác của Tòa Bạch Ốc này nhắc lại trong gần 3 năm qua, Hoa Kỳ cùng với các quốc gia đồng minh (gồm Anh, Pháp và Ðức) mở cuộc thương thuyết với Iran “và chúng tôi luôn luôn cho Israel biết mọi diễn tiến của cuộc đàm phán, yêu cầu họ đừng làm bất cứ điều gì có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho cuộc thương thuyết, và tổng thống “nhắc đi nhắc lại lời cam kết luôn luôn ủng hộ Israel,” chính vì thế “việc ông Netanyahu ngấm ngầm đi đêm với ông chủ tịch Hạ Viện Cộng Hòa khiến mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo trở nên khó khăn hơn.” Viên chức rất thân cận với Tổng Thống Obama lắc đầu chán ngán, bảo “ông ta (Netanyahu) làm bẽ mặt tổng thống! Ông ta cố ý làm bẽ mặt tổng thống!”
Phía Bộ Ngoại Giao cũng bày tỏ thái độ bực dọc chẳng kém. Một trong những cố vấn của Ngoại Trưởng John Kerry đặt câu hỏi: “Ðó có phải là cách khôn ngoan nhất để duy trì mối quan hệ giữa hai nước và hai nhà lãnh đạo hay không?” Mối quan hệ song phương “chắc chắn sẽ không thay đổi (ý muốn nói Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ủng hộ Israel) “nhưng đừng quên Ngoại Trưởng Kerry là một trong những chính trị gia Hoa Kỳ ngay từ lúc đầu đã không ngừng lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của Israel” và điều ông Netanayhu làm “khiến cho ông Kerry bực mình.”
Vị cố vấn của ngoại trưởng Mỹ kể thêm chỉ trong 2 tháng qua, “ông sếp của tôi đã gọi điện thoại cả trăm lần cho các nhà lãnh đạo thế giới, yêu cầu các nước bạn đừng ủng hộ chuyện Palestines đưa yêu cầu được lập quốc ra trước Liên Hiệp Quốc,” điều đó “chứng tỏ rõ chính sách của Hoa Kỳ với Israel, nên chúng tôi tự đặt câu hỏi tại sao ông Netanyahu không thấy điều đó? Tại sao ông ta không biết là không bao giờ được phép đối xử như thế với đồng minh của mình?”
Một viên chức ngoại giao khác của Hoa Kỳ nêu thắc mắc “họ (Israel) gặp chúng tôi thường xuyên, yêu cầu chúng tôi đủ mọi điều, thế tại sao họ không báo cho chúng tôi biết?” Nhà ngoại giao này đặt tiếp câu hỏi, “Có phải đó là mối quan hệ song phương mà họ muốn có hay không? Họ đã cố ý coi thường Tổng Thống Obama, nếu chúng tôi vẫn thu xếp để tổng thống gặp ông ta thì chẳng khác gì chấp nhận cho ông ta làm điều không phải.”
Không chỉ các viên chức hành pháp Mỹ mà ngay chính những nhân vật hàng đầu của chính trường Israel cũng bày tỏ quan ngại về lối làm việc của vị thủ tướng nước họ. Trong phát biểu đưa ra ở Davos, Thụy Sĩ khoảng 2 tuần trước đây, cựu Tổng Thống Shimon Perez nhìn nhận “có những thủ tục và quy định mà mọi quốc gia đều phải tuân thủ,” tin rằng những quy định đó phải được mọi người tôn trọng “kể cả thủ tướng của chúng ta.” Ông Yair Lapid, từng giữ vai trò bộ trưởng Tài Chánh trong chính phủ Netanyahu đưa ra lời tuyên bố cứng rắn hơn, cho rằng người đang lãnh đạo Israel “đã phá hủy mối quan hệ chiến lược rất quan trọng với Hoa Kỳ” khi tự ý nhận lời sang Mỹ thay vì phải thông qua đường dây của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
Bất chấp dư luận chống đối đến từ nhiều phía, câu trả lời đến từ Thủ Tướng Benjamin Netanyahu: “Tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu để trình bày cho mọi người thấy hiểm họa mà Iran đang gieo rắc cho đất nước và người dân Israel.” Dựa vào lời tuyên bố cứng rắn đó, một số nhà quan sát ở Hoa Kỳ và Trung Ðông tin rằng trong bài diễn văn sắp đọc ông Netanyahu sẽ đưa ra những lời lẽ chỉ trích chính sách của hành pháp, và kêu gọi Quốc Hội Cộng Hòa ban hành dự luật trừng phạt Iran.