main billboard

... phe Dân Chủ ở Hạ Viện không ủng hộ việc ông Chủ Tịch Cộng Hòa John Boehner tự ý mời thủ tướng Israel đến đọc bài diễn văn vào tháng tới mà không tham khảo ý kiến của Tòa Bạch Ốc và sẽ bày tỏ thái độ của họ dưới nhiều hình thức khác nhau.


Nếu phải ghi nhận điểm đặc biệt nhất trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày Thứ Năm hàng tuần của bà Nancy Pelosi, chắc chắn giới truyền thông Hoa Kỳ sẽ nói đến chữ “tẩy chay” mà bà Trưởng Khối Thiểu Số nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần. Ðại để bà cho rằng báo chí “không nên dùng chữ này” để nói về trường hợp những vị dân cử vắng mặt trong dịp Thủ Tướng Benjamin Netayahu của Israel đến Washington D.C. đọc bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội liên bang, giải thích “chuyện đón một nhà lãnh đạo nước bạn chưa hẳn đã là điều thật quan trọng, vì các vị dân cử vẫn phải làm những công việc hàng ngày như thảo luận để thông qua những dự luật, tiếp xúc với cử tri.”

benjamin netayahuThủ Tướng Benjamin Netanyahu đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội Mỹ năm 2011. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Những điều bà Pelosi trình bày chưa chắc đã làm hài lòng mọi người, nhưng nói lên một điều không thể chối cãi: phe Dân Chủ ở Hạ Viện không ủng hộ việc ông Chủ Tịch Cộng Hòa John Boehner tự ý mời thủ tướng Israel đến đọc bài diễn văn vào tháng tới mà không tham khảo ý kiến của Tòa Bạch Ốc và sẽ bày tỏ thái độ của họ dưới nhiều hình thức khác nhau. Tin hành lang Quốc Hội cho hay một số vị dân cử Dân Chủ Thượng và Hạ Viện đang soạn thảo chung lá thư gửi cho ông Netanyahy yêu cầu ông “đừng sang Hoa Kỳ,” đồng thời đã có 2 vị dân biểu Dân Chủ công khai nói họ sẽ không tham dự buổi đón tiếp vị nguyên thủ nước bạn để phản đối “lối làm việc không nghiêm chỉnh” của ông Boehner. Dân Biểu John Lewis cho rằng ông Boehner “cố tình làm mất sĩ diện Tổng Thống Obama và Bộ Ngoại Giao,” Dân Biểu G.K. Butterfield dù nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn “tin chắc rằng lời mời mang tính đơn phương của ông chủ tịch Hạ Viện Cộng Hòa tạo nên tranh cãi không cần thiết, chỉ gây bất lợi cho mối quan hệ giữa 2 quốc gia.”

Chuyện ông Boehner gửi thư mời ông Netanyahu mà không tham khảo ý kiến của Tòa Bạch Ốc lẫn ý kiến của phe đối lập, cũng như chuyện vị thủ tướng Israel nhanh chóng nhận lời mời là đề tài đang tạo nhiều sôi nổi trong chính trường thủ đô lẫn chính trường quốc tế. Không ai bảo ai, mọi người đều hiểu cánh dân cử Cộng Hòa và thủ tướng Israel không đồng ý với chính sách được họ cho là “mềm mỏng quá mức” với Iran, trong khi phe dân chủ lại tán thành kế hoạch Tổng Thống Obama đang cho thực hiện: cùng với quốc tế đẩy Iran tới chỗ phải cam kết không chế tạo võ khí nguyên tử. Ðể làm điều này, hành pháp đã yêu cầu lập pháp đừng vội đưa ra dự luật tăng mức cấm vận đối với Iran cho tới khi “giải pháp ngoại giao thất bại”; phe Cộng Hòa và Thủ Tướng Netanyahu lại nghĩ khác, tin rằng tăng mức độ cấm vận là điều phải làm “vì Iran đáng bị trừng phạt” và hơn nữa, “đừng bao giờ tin vào những gì Iran hứa hay sẽ hứa,” như lời nhà lãnh đạo Israel nói trong một bài diễn văn đọc tại Jerusalem hồi cuối năm 2014.

Phía Tòa Bạch Ốc cũng không hài lòng về chuyện ông Netanyahu được mời sang Mỹ và nhận lời mời sang Mỹ. Ngay sau khi được tin này, Tòa Bạch Ốc chỉ trích ông Chủ Tịch Hạ Viện Boehner “đã đi sai nguyên tắc ngoại giao” khi tự ý viết thư mời mà không tham khảo ý kiến với hành pháp. Một viên chức của Bộ Ngoại Giao giải thích cho báo chí biết “trên nguyên tắc Quốc Hội có quyền mời bất cứ ai, những cũng trên nguyên tắc, chúng tôi luôn luôn phải biết trước người được mời là ai, sang đây với mục đích gì và bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc Hội chứa đựng những gì, có đi ngược với chính sách của Hoa Kỳ hay không.” Viên chức này cũng là người tiết lộ tin chuyện mời ông Netanyahu sang Mỹ là “chuyện dàn xếp giữa ông Chủ Tịch Hạ Viện và ông Ron Dermer, Ðại Sứ Israel tại Washington D.C.,” bực bội kể thêm “một ngày trước đó ông Dermer gặp riêng Ngoại Trưởng Kerry để bàn thảo nhiều vấn đề,” trong buổi gặp gỡ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ đó, “Ðại Sứ Dermer yêu cầu nhiều điều nhưng không hề cho ông Kerry biết Thủ Tướng Netanyahu được ông Boehner mời sang Mỹ.”

Vì thế, chẳng ai ngạc nhiên khi Tòa Bạch Ốc loan tin “Tổng Thống Obama sẽ không gặp Thủ Tướng Netanyahu,” đồng thời trong cuộc họp báo trưa Thứ Năm tuần này phát ngôn viên Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc cũng cho biết “chưa rõ lịch trình làm việc của Phó Tổng Thống Joseph Biden vào lúc đó như thế nào, nên không dám nói trước liệu Phó Tổng Thống có dự buổi nói chuyện của Thủ Tướng Israel hay không.” Câu nói này tức khắc được các nhà phân tích chính trị thủ đô diễn nghĩa như sau: đừng vội hy vọng Phó Tổng Thống Biden sẽ có mặt!

Cho đến chiều Thứ Sáu (mùng 6 Tháng Hai 2015), văn phòng bà Nancy Pelosi vẫn nói “không có một bằng chứng để nói là các vị dân biểu Dân Chủ rủ nhau đừng dự buổi nói chuyện của ông Netanyahu,” và bác bỏ tin đồn cho rằng lãnh đạo Dân Chủ thúc đẩy các vị dân cử cùng đảng đừng tham dự. Một trong những cố vấn của bà Pelosi còn nói bà Trưởng Khối Thiểu Số vẫn dự tính sẽ có mặt, nhưng “ước gì ông Boehner hoặc ông Thủ Tướng Israel hủy bỏ kế hoạch họ đã đặt ra” nói thêm “kịch bản mà hai ông Boehner và Netanyahu đồng soạn thảo chẳng lợi lộc gì cho cả hai ông và cho cả 2 quốc gia” trong lúc Hoa Kỳ và Israel cần phải đi cùng một nhịp “để giải quyết chuyện Iran, đối phó với hiểm họa do bọn khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ISIS gây nên và đảm bảo ổn định cho toàn vùng Trung Ðông.”